Hãy tìm tòi khám phá và đặt câu hỏi
“Luôn đặt câu hỏi cho những điều mình đang kiếm tìm và hãy hiểu rằng không có gì tự nhiên mà có.”
- Ray Kassar
Sau khi ra trường, chưa biết mình sẽ làm gì nhưng tôi có rất nhiều tham vọng. Tôi muốn mình làm được một việc gì đó thật lớn lao. Cha tôi là một người an phận và luôn bằng lòng với những gì mình có. Mẹ tôi thì chỉ muốn mọi điều tốt nhất cho chúng tôi nhưng không hề thúc ép nên chúng tôi không phải chịu một áp lực buộc phải thành công bằng mọi giá.
Cha tôi không ủng hộ việc học đại học, ông cho đó là một sự lãng phí thời gian. Mẹ tôi thì tự hào về trình độ học vấn và học bổng của tôi. Gia đình cha tôi di cư từ Syria vào năm 1911 và kinh doanh trong ngành tơ lụa. Do hậu quả của thời kỳ suy thoái kinh tế nên những nhà máy sợi của gia đình tôi ở Patterson, New Jersey đều bị phá sản. Cha tôi phải làm những công việc độ nhật qua ngày, kể cả tài xế taxi. Chúng tôi không có nhiều tiền nhưng lúc nào cũng cảm thấy hạnh phúc vì gia đình tôi rất thương yêu nhau.
Cha không muốn chúng tôi làm thêm các công việc vào mùa hè. Ông nghĩ gia đình chúng tôi không đến nỗi phải quá túng quẫn để chúng tôi phải làm như vậy. Tuy nhiên, lúc học đại học, tôi cần tiền để tự trang trải chi phí cá nhân nên đã lén gia đình xin làm nhân viên trực tổng đài điện thoại cho hội sinh viên trường từ 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng để kiếm hai mươi lăm đô la mỗi tuần, một số tiền khá lớn đối với một sinh viên, tương đương ba, bốn trăm đô la ngày nay.
Sau khi tốt nghiệp, tôi vỡ ra nhiều điều bất ngờ. Số là Bob Love, bạn cùng phòng của tôi là con của nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Công nghiệp Burlington. Vậy mà tôi chẳng biết gì vì Bob luôn cháy túi, thường xuyên phải mượn tiền tôi và quần áo thì lúc nào cũng lôi thôi, lếch thếch. Giáng sinh năm đó, Bob rủ tôi đi thăm cha cậu ấy ở Florida. Tôi bảo tôi không đủ tiền. Cậu ấy nói úp mở rằng chúng tôi sẽ thu xếp được. Hóa ra chúng tôi đến Florida bằng máy bay riêng của công ty cha cậu ấy. Gia đình Bob có một biệt thự rộng mênh mông ở Palm Beach. Don David - trưởng khoa của Đại học Harvard cũng là một khách mời của gia đình Bob. Thế rồi chẳng hiểu sao cha Bob lại đề nghị cho tôi một chỗ làm trong công ty ông và vị trưởng khoa nọ hứa cho tôi một học bổng vào trường Harvard của ông với điều kiện tôi có hai năm kinh nghiệm làm việc thực tế. Không biết tôi đã làm gì gây ấn tượng nơi họ nhưng đó là một câu chuyện có thật. Thế là sau khi tốt nghiệp ở Brown, tôi vào làm thực tập viên, rồi nhân viên chính thức cho Tập đoàn Burlington trong các nhà máy ở Bắc Carolina trong hai năm. Sau đó, họ cho tôi tạm nghỉ phép để theo học Harvard.
Khi trở về Burlington, tôi trở thành nhân viên tiếp thị ở New York và tôi rất thích công việc đó. Chẳng bao lâu tôi trở thành một phó giám đốc chi nhánh trẻ tuổi nhất của Burlington. Sau đó, ngài Spencer Love đột ngột qua đời trong một buổi chơi tennis, viên thủ quỹ Charlie Myers trở thành giám đốc mới. Lúc đó tôi chỉ là một phó giám đốc ngành hàng trang trí nội thất nhưng lại kiếm được nhiều tiền hơn vị tân giám đốc nên ông ta đã giáng chức tôi. Hầu hết các nhân viên của Burlington, trừ một số người biết tôi và công việc của tôi, đều cho rằng tôi có địa vị như thế là nhờ sự sủng ái của ngài Spencer Love. Tôi tức giận và muốn nghỉ việc. Nhưng làm thế chẳng khác nào chứng tỏ lời nói của họ là đúng. Thế là suốt ba năm sau đó, tôi bộc lộ năng lực bản thân cho Charlie Myers thấy. Sau đó tôi được đề bạt và mọi việc trở nên tốt đẹp.
Với cương vị là một giám đốc, tôi luôn quan tâm rèn luyện cho mọi nhân viên những kỹ năng làm việc tốt hơn. Đó là thế mạnh của tôi. Tất nhiên, tôi may mắn gặp cả ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa cùng một lúc. Có lẽ sự chững chạc của một cậu bé mười chín tuổi tại bữa tiệc Giáng sinh đã làm ngài Spencer Love và trưởng khoa Don David chú ý và cho tôi những cơ hội đáng giá ngàn vàng. Tôi rất hạnh phúc khi làm việc tại Burlington và thực sự xem đó là ngôi nhà thứ hai của mình.
Ba năm sau, đã đến lúc chọn ra một giám đốc mới. Có ba ứng viên. Một là Bill Klopman, giám đốc ngành may mặc, đến một người nữa, và sau đó là tôi, người thua họ đến cả một con giáp. Họ đã chọn Bill Klopman mặc dù chính tôi là người đem về hai phần ba lợi nhuận cho công ty. Tôi cho rằng có một thông điệp trong quyết định của họ và quyết định xây dựng một con đường cho riêng mình. Tôi nghỉ việc. Đó là một sự ra đi đầy chí khí. Tôi mở một công ty nhập khẩu hàng may sẵn từ Ai Cập và gọi nó là RA Kassar Corp. Đó là công ty đầu tiên ở Mỹ kinh doanh xuất nhập khẩu ngành may mặc và việc kinh doanh tiến triển rất thuận lợi.
Lần nọ, khi còn làm ở Burlington, tôi ăn trưa với Bill Sarnoff, một người bạn thân hồi học Harvard. Cậu ấy bảo tôi rằng Tập đoàn Truyền thông Warner vừa mua lại công ty Atari và đang tìm một giám đốc điều hành. Tôi cảm thấy bị đánh giá thấp vì Atari chỉ đáng giá 27 triệu đô la, cớ sao tôi phải nghỉ ở Burlington và sang đó? Rồi sau khi tôi mở công ty RA Kassar Corp, cậu ấy lại nằn nì mời tôi đến gặp Manny Gerard ở Văn phòng Công ty Warner. Tôi đành phải đồng ý cho qua chuyện. Manny quả là một nhà thương thuyết số một. Ông ấy mời tôi đến California, bảo tôi cứ xem qua nhà máy và cho họ một số nhận xét. Tôi đến Sunnyvale, gặp nhà sáng lập Atari là Nolan Bushnell và quan sát một lượt. Đó là một thế giới hoàn toàn mới đối với tôi, mọi thứ đều được tự động hóa theo công nghệ tiên tiến nhất. Tôi rất thích thú nhưng lại bảo với họ rằng tôi không phải là người thích hợp vì tôi không biết nhiều về máy móc. Họ bảo họ chỉ cần một người có đầu óc kinh doanh như tôi mà thôi. Rồi họ đề nghị tôi đưa ra điều kiện. Tôi nói tôi không thể bỏ công ty của mình nhưng sẵn sàng đến Atari làm việc một, hai ngày mỗi tháng, và tôi cần có tài xế riêng để đưa đón. Họ đồng ý mọi yêu cầu của tôi.
Sau tháng đầu tiên, tôi nhận thấy công việc không tiến triển như tôi nghĩ và làm như thế là thiếu công bằng cho Công ty Warner. Thực sự tôi không thể có những đánh giá toàn diện về Atari nếu chỉ đến làm việc một, hai ngày mỗi tháng. Vì tôi đã có một người thay thế điều hành khá tốt Kassar những lúc tôi đi vắng nên tôi quyết định ở lại Atari trong sáu tháng. Họ đánh giá cao sự trung thực của tôi và đồng ý. Đến cuối tháng thứ sáu, họ cứ đinh ninh rằng tôi sẽ khuyên họ giải thể công ty nhưng qua bản đánh giá chi tiết vừa lập xong, tôi chỉ ra cho họ một cơ hội lớn và khuyên họ đầu tư thêm. Họ đề nghị tôi tiếp tục giúp họ và tôi bấm bụng ở lại cho đến cuối năm.
Vào cuối thời hạn họ lại muốn tôi làm trợ lý cho Chủ tịch Hội đồng quản trị Nolan Bushnell. Tôi nói sẽ cân nhắc đề nghị của họ nếu tôi toàn quyền điều hành công ty và Nolan ra đi. Thật lòng mà nói, lối điều hành của Nolan quá lỗi thời và kìm hãm sự phát triển của công ty. Họ đồng ý và tôi trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc điều hành Atari. Về phần tôi, tôi phải bán công ty của mình để toàn tâm toàn ý với Atari. Thật là thú vị khi có riêng một công ty nhưng như vậy cũng chưa chắc là hay nhất.
Khi tôi đến Atari thì nó chỉ đạt doanh thu bảy mươi lăm triệu đô la với số lỗ hàng năm là mười lăm triệu đô la. Công ty không có kế toán trưởng, cũng chẳng có giám đốc sản xuất. Tôi phải cơ cấu lại bộ máy quản lý. Còn sản phẩm họ làm ra đầy những lỗi. Họ bán ra được một trăm ngàn máy chơi game thì bị trả lại đến tám mươi ngàn chiếc (tức sản phẩm hỏng chiếm tỉ lệ 80%). Tôi lại lao vào chấn chỉnh khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm. Và trong vòng ba năm công ty đã đạt doanh số một tỉ rưỡi đô la. Vào năm thứ tư, doanh số đã tăng lên hai tỉ rưỡi đô la, trong đó lãi ròng là bốn triệu rưỡi đô la.
Tôi tin sự hiệu quả quản lý của tôi nằm ở lối điều hành kinh doanh cứng rắn. Bề ngoài tôi có vẻ dễ chịu, thoải mái nhưng kỳ thực tôi rất khắt khe trong công việc. Nếu có ai đó không làm việc cho đàng hoàng nghiêm túc, tôi sẽ cho anh ta nghỉ ngay không chút hối tiếc, miễn là chứng cứ rõ ràng. Công việc là công việc, tôi không bao giờ để tình cảm lấn át lý trí mình.
Tôi làm cho Atari từ tháng 2 năm 1978 đến tháng 6 năm 1983 thì bị cho nghỉ việc. Nhưng vì bị ràng buộc bởi điều khoản không cộng tác với đối thủ của họ trong vòng năm năm nên tôi chẳng biết làm gì sau đó. Trong quá trình làm việc, họ luôn sợ tôi chuyển sang một đối thủ nào đó của họ nên đã trả lương cho tôi rất hào phóng. Và tôi dùng số tiền đó đầu tư vào các công ty khác và trở thành cố vấn.
Steve Ross, Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Warner, sếp của sếp tôi, là người ra lệnh sa thải tôi. Tôi nhớ lần đó Steve gọi điện hỏi ý kiến tôi về một hợp đồng hợp tác sản xuất trò chơi điện tử phóng tác theo bộ phim E.T. (Sinh vật ngoài trái đất) mà ông ấy vừa ký với đạo diễn Spielberg với giá hai mươi triệu đô la. Tôi bác bỏ ngay ý tưởng ấy nhưng ông ấy vẫn cứ khăng khăng bảo chúng tôi phải sản xuất xong trò chơi đó trong vòng sáu tuần (thay vì sáu tháng như tôi đề nghị). Spielberg có ghé qua chỗ chúng tôi đôi ba lần để trợ giúp và chúng tôi cũng hoàn thành được một game. Steve cương quyết bảo chúng tôi gửi đi năm triệu game đó vào Giáng sinh năm 1982. Chúng tôi giao năm triệu game và bị trả về toàn bộ.
Thương vụ thất bại thảm hại và mọi người đồn đãi ngày càng rộng ra làm Steve phật ý. Ông ấy đến và nhận toàn bộ trách nhiệm. Tôi mời ông ấy vào phòng mình và nói rằng dường như ông không hài lòng với cách làm việc của tôi và nếu đúng như vậy ông cứ nói thẳng và tôi sẽ ra đi. Ông bảo tôi làm việc rất tốt. Tôi nói nếu thế thì ông đừng can thiệp vào chuyện của chúng tôi nữa, cứ để chúng tôi tự chủ. Chỉ có thế nhưng vào tháng 6 năm 1983, họ gọi tôi đến New York, hôm đó là thứ Năm, để gặp Manny Gerard. Anh ta chẳng thể nói được một câu cho rõ ràng là tôi bị sa thải. Anh ta vòng vo rằng có lẽ tôi nên xin thôi việc, rằng Steve muốn anh ta đuổi tôi ra khỏi Atari. Tôi khá bối rối - không phải vì bị sa thải mà vì cách hành xử không chuyên nghiệp của họ. Ngày hôm sau, Manny gọi đến khách sạn Mayfair Regent và nói với tôi rằng Steve đề nghị tôi ở lại thêm ba tháng nữa vì họ chưa tìm được người thay thế. Tôi bảo: “Manny này, anh đang làm cái quái quỷ gì thế? Anh vừa sa thải tôi hôm qua và bây giờ anh lại muốn tôi ở lại!”. Tôi đáp: “Không đời nào!” và bay sang châu Âu mười ngày. Họ thuê người khác và công việc kinh doanh của họ sa sút từ đó.
Steve Ross là một con người cực kỳ phức tạp. Ông ấy vừa dễ mến nhưng cũng rất thâm trầm. Tôi nghĩ ông ấy căng thẳng vì “thằng tí hon” Atari chiếm tới 60% lợi nhuận của Tập đoàn Warner và 40% tổng doanh số của họ. Bỗng dưng tin tức về Atari trên các phương tiện truyền thông đại chúng lấn át cả tên tuổi của Warner Communications. Tôi được báo chí nói đến rất nhiều và Steve không thích điều đó. Ông ấy có cái tôi quá lớn và vấn đề là ở chỗ đó. Tôi hoàn toàn không hối tiếc gì về những năm tháng ở Atari. Kinh nghiệm tôi có được thật tuyệt vời. Tôi đã mở đầu một nền công nghiệp mới giúp đất nước này tiến lên như vũ bão và chuẩn bị cho bọn trẻ những bước đi cần thiết để bước vào thời đại máy vi tính tiếp theo.
Trong tương lai, tôi và David Ferguson sẽ thực hiện một ý tưởng Internet gọi là Shoppers IQ (tạm dịch Người mua sắm thông minh). David sẽ lo về kỹ thuật còn tôi phụ trách tiếp thị. Nếu thành công, nó sẽ rất hấp dẫn vì ý tưởng này chưa hề xuất hiện trên Internet. Tôi khá bận rộn với dự án trên nhưng nếu có một công ty lớn nào đó đang gặp nhiều vấn đề nan giải cần nhờ đến tôi, tôi sẵn sàng xem xét đề nghị của họ một cách nghiêm túc.
Ngày nay, trong kinh doanh, mọi việc đã thay đổi rất nhiều. Vào thời của tôi, nhân viên rất trung thành với công ty và ngược lại. Hồi đó, tôi rất phẫn nộ khi có ai đó mồi chài tôi sang một công ty khác, dù mức lương họ đề nghị rất hậu hĩnh. Khi tôi kể rằng suốt đời tôi chỉ làm có hai công ty thì ai cũng cười cho rằng tôi bị tâm thần. Ngày nay, một người nhảy cóc hai, ba chỗ làm trong năm không phải là chuyện lạ. Tôi đã từng thấy có người thay đổi tới mười chỗ làm trong ba năm. Có lẽ đó là sở thích của họ. Song song đó, các nhà tuyển dụng ngày nay, đặc biệt là những công ty công nghệ cao, cũng thích những nhân viên đã từng làm việc cho nhiều công ty. Họ cho rằng những nhân viên này có nhiều kinh nghiệm. Riêng tôi thì không nghĩ thế. Phần còn lại của thế giới đang tiến nhanh. Châu Âu đang cải cách kinh tế mạnh mẽ và châu Á sẽ vươn lên trong một thời gian ngắn nữa thôi.
Tôi cũng hết sức khuyên các bạn trẻ nên học thật nhiều từ các trường kinh doanh. Hãy đặt ra cho mình những câu hỏi thông minh về kinh doanh hiệu quả và gọt giũa các kỹ năng giao tiếp của mình. Tôi chưa bao giờ run sợ trước ai đó, và nếu có tôi cũng đã vứt bỏ nó sau khi học xong Harvard. Tò mò trong công việc cũng là một đức tính tốt. Hãy luôn đặt câu hỏi cho những điều mình đang kiếm tìm và hãy hiểu rằng không có gì tự nhiên mà có.
Khi còn bé, thần tượng của tôi là các nhân vật lịch sử. Tôi quan tâm nhiều đến những người lãnh đạo đất nước như tổng thống, thủ tướng, như Napoleon chẳng hạn. Trong thế giới kinh doanh ngày nay, tôi ngưỡng mộ những người như Jack Welch của General Electric, Roberto Goizueta của CocaCola, và những người đã thực sự xây dựng được những đế chế kinh doanh của riêng họ. Rất nhiều người như thế, nhưng người tôi ngưỡng mộ nhất là Spencer Love, người được sinh ra ở Cambridge, Massachusetts, có cha làm giáo sư toán ở Đại học Harvard. Ông là người từng vay mượn 3.000 đô la để đến Bắc Carolina và sáng lập ra Burlington, sau này trở thành một công ty dệt may lớn nhất thế giới.
Kết luận
Dù Ray Kassar không chịu áp lực phải thành công từ phía gia đình và cũng không có một định hướng nghề nghiệp rõ ràng từ ban đầu như nhiều doanh nhân thành đạt khác, nhưng ông luôn tin rằng mình sẽ làm nên chuyện lớn trong đời. Cho nên khi cơ hội đến, và đến như trong truyện cổ tích, ông nắm bắt ngay lấy nó. Ông bảo: "Tôi thật may mắn khi ở vào một thời điểm và vị trí thích hợp như thế".
Ray đem tài năng đổi mới và kỹ năng dùng người của mình vào công việc kinh doanh ở Tập đoàn dệt may Burlington cũng như ở Công ty sản xuất trò chơi điện tử Atari. Ông còn là người có bản lĩnh và có tài đưa ra các quyết định kinh doanh đúng đắn ở những thời điểm khó khăn. Mọi thành công của ông đều bắt nguồn từ một tầm nhìn chiến lược và óc kinh doanh nhạy bén. Tuy nhiên, người tài thường hay gặp nạn. Việc làm thuê không phải lúc nào cũng trôi chảy và hơn một lần ông đã quyết định tự mình làm chủ việc kinh doanh của riêng mình.
Lời khuyên của ông thật xác đáng: hãy tìm tòi khám phá trong công việc, hãy biết đặt câu hỏi, nhưng đừng nhận những gì không thuộc về mình.
Thế giới việc làm đang thay đổi và lòng trung thành của nhân viên đối với công ty dường như không còn nữa. Đó là nhận xét chung của nhiều tổng giám đốc điều hành ngày nay. Riêng ở Ray, cuộc đời và sự thành đạt của ông là một tấm gương khích lệ mọi người đi tìm sự thành công trong nghề nghiệp, cũng như tìm lại giá trị đáng được tôn vinh của lòng trung thành trong công việc như ngày trước.
Nguồn: Vì sao họ thành công ? - First News và NXB Trẻ TPHCM
Howard Lester - TGĐ điều hành Cty Williams Sonoma
Nổi bật nhất trong số các công ty do ông gầy dựng là Williams Sonoma, một doanh nghiệp nhỏ được ông mua lại rồi khuyếch trương thành một công ty trị giá hai tỉ đô la. Lester là sáng lập viên kiêm giám đốc của chuỗi nhà hàng Ý Il Fornaio USA, giám đốc Hãng bán lẻ điện tử The Good Guys, Nhà hàng CKE và Chuỗi siêu thị Harold. Ngoài ra, ông còn là quản trị viên Viện Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại San Francisco và thành viên ban cố vấn Học viện Kinh doanh Berkeley's Haas, nơi ông tài trợ cho Trung tâm Lester vì sự Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp.
Howard là một người cao to, dễ mến, tự tin và có những suy nghĩ độc lập. Trông ông giống như một tay cao bồi chỉ thích rong ruổi giữa những cung đường mới lạ trên lưng chiến mã hơn là phải gò bó trong những bữa tiệc thịnh soạn, kiểu cách của giới thượng lưu. Tôi gặp Howard lần đầu tiên trong một buổi dạ tiệc ở San Francisco. Ông nói chuyện rất thông minh, thẳng thắn nhưng không kém phần duyên dáng. Và chúng tôi đã kết giao bạn bè từ hôm ấy.
Tôi phỏng vấn Howard tại văn phòng của ông trong Công ty Williams Sonoma ở San Francisco. Cách bài trí khá giản dị tạo một cảm giác thoáng đãng và dễ chịu cho bất kỳ ai khi bước vào. Howard có một trí nhớ tuyệt vời, thích hồi tưởng về những người đã từng quen biết và rất cởi mở khi nói về cuộc đời của chính mình. Dù là điển hình của một người Mỹ thành đạt, ông vẫn là một con người hết sức khiêm tốn. Những phẩm chất chủ yếu làm cho Howard trở thành một doanh nhân thành đạt và được nhiều người yêu mến chính là tính độc lập, lòng tự tin, óc khôi hài và ý chí vươn tới thành công không bao giờ cạn.
Nguồn: Vì sao họ thành công ? - First News và NXB Trẻ TPHCM
Dám bước ra khỏi vùng an toàn
“Thất bại không phải là dấu chấm hết. Bạn đừng quan tâm đến nó mà hãy nghĩ đến sự thành công và làm mọi thứ cần thiết để đạt được nó.”
- Howard Lester
Gia đình tôi khó khăn, cha tôi lại bỏ đi, nên kỳ hè nào tôi cũng phải kiếm việc để làm thêm. Tôi cũng không lấy đó làm buồn lòng và so sánh với những đứa trẻ khác được đi bơi, câu cá, hay cắm trại trong kỳ nghỉ hè. Hầu hết các bạn của tôi cũng làm việc như tôi.
Vào đại học, tôi tiếp tục làm thêm và cũng làm đủ thứ việc. Tôi nhớ nhất thời gian làm cho một người rất tử tế, chủ một tiệm bán hamburger trong khu học xá. Tôi được trả công hậu hĩnh và được ăn hamburger với củ hành thoải mái đến mức lần đầu tiên hẹn hò với người yêu, cô ấy có thể ngửi được mùi của tôi từ xa cả cây số.
Đến sau khi ra trường, tôi cũng chưa có ý niệm gì về tương lai của mình. Thậm chí có thời gian tôi đã hoãn việc học đại học, rồi bị gọi vào lính và được đưa sang châu Âu mấy năm trước khi quay lại Đại học Oklahoma để có thể tốt nghiệp. Trong thời gian đó tôi lại hẹn hò với một cô bạn cũ. Cô ấy rất hay. Một buổi tối nọ, khi chúng tôi đang ngồi bên nhau trong xe tại một bãi đất trống, cô ấy nói: “Lester này, em nghĩ chúng mình không thể như thế này mãi được. Em muốn lấy một người có mục đích sống rõ ràng nhưng anh không phải là người đó.” Thế là chấm dứt một câu chuyện tình lãng mạn. Nhưng cô ấy đã làm tôi tỉnh ra. Tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về những việc mình sẽ làm, nhưng tôi vẫn chưa thấy nghề nào thích hợp. Tuy vậy, trong thâm tâm, tôi luôn tin rằng rồi tôi sẽ thành công trong một lĩnh vực nào đó.
Sau khi tốt nghiệp, tôi vào làm cho IBM ở Oklahoma khoảng một năm rưỡi. Tôi biết IBM là một tập đoàn có tầm cỡ nhưng trong đầu vẫn luôn có ý nghĩ về một công việc kinh doanh riêng. Trong lúc làm ở IBM, tôi có mở một tài khoản tiết kiệm ở Ngân hàng Oklahoma, nơi vừa mua một loạt máy tính dòng IBM-1400 nhưng chỉ sử dụng trong nửa thời gian làm việc. Tôi bàn với ngân hàng rằng tôi sẽ sử dụng thời gian nhàn rỗi của các máy tính của họ để viết một chương trình theo dõi thanh toán hóa đơn và quản trị văn phòng cho các khách hàng của họ, ngân hàng sẽ trả chi phí lập trình cho tôi và khách hàng sẽ trả phí phục vụ cho ngân hàng. Chương trình đó nhanh chóng trở thành một ứng dụng phổ biến cho các ngân hàng và một số lĩnh vực khác sau đó. Thành công này khích lệ một ý tưởng lớn hơn. Tôi và hai người bạn huy động 100.000 đô la và thành lập một liên doanh với Republic Bank, Dallas, ngân hàng lớn nhất bang Texas thời đó. Chúng tôi phát triển các chương trình ứng dụng thanh toán hóa đơn y tế tự động hoặc chi trả lương tự động qua ngân hàng và làm việc như một phòng dịch vụ chăm sóc khách hàng tự động của họ. Họ trả cho chúng tôi một khoản tiền rất lớn, hoặc chi theo phần trăm tổng doanh thu hàng tháng, tùy theo cách nào cao hơn. Vào năm 1962, tôi thôi việc ở IBM, trở thành chủ tịch của công ty liên doanh đó và chuyển đến Dallas. Tôi mới 27 tuổi và chưa gặp rắc rối nào kể từ khi bắt đầu việc kinh doanh này nên rất phấn khởi. Tôi nghĩ rằng mình đang đi đúng đường.
Chúng tôi mời được một số ngân hàng ở Tennessee, New York, Mississippi sử dụng dịch vụ của mình và đặt văn phòng trong ngân hàng họ. Ban đầu họ tỏ ý hoan nghênh nhưng trong thâm tâm họ lại không muốn người ngoài can thiệp vào công việc kinh doanh của họ. Về phần mình, chúng tôi chỉ kiếm được một số lợi nhuận khiêm tốn nhưng lại phải hao tổn sức lực quá lớn. Vả lại, cũng không có đòn bẩy nào giúp chúng tôi đi xa hơn nên cuối cùng chúng tôi quyết định bán lại cho họ toàn bộ dịch vụ và chia đều cho mỗi người chúng tôi một số tiền khiêm tốn.
Tôi đến Ngân hàng First National ở Memphis, bang Tennessee và đề nghị họ cho phép tôi được bán phần mềm do chúng tôi làm ra (khi còn liên doanh với họ) cho các ngân hàng khác. Họ đồng ý và tôi ký giao ước với họ. Kế đó tôi thành lập một công ty khác, gởi thư ngỏ đến các ngân hàng và chờ điện thoại gọi đến. Đúng như tôi dự đoán, điện thoại dồn dập gọi tới và tôi bắt đầu bán phần mềm đó. Thoạt đầu chúng tôi phát triển phần mềm này là nhằm hỗ trợ cho các sản phẩm của Tập đoàn General Electric vì đa số các ngân hàng thời đó đều sử dụng các loại máy móc thiết bị mang nhãn hiệu G.E. Sau đó, vào năm 1965 - 1966, IBM cho ra đời dòng máy tính 360 nên tôi muốn chuyển đổi toàn bộ phần mềm hiện có của chúng tôi sang chạy trên loại máy này vì tôi nhận ra rằng chúng tôi sẽ có một thị trường khổng lồ. Tôi ký một thỏa thuận với Ngân hàng Jackson, Mississippi để thiết kế phần mềm và ngược lại, họ sẽ làm nhà phân phối. Tôi sử dụng ngôn ngữ lập trình COBOL nhưng lúc đó IBM không thể chạy COBOL một cách hoàn chỉnh nên phần mềm của tôi chưa thể hoạt động được. Vì tôi đã bán ra khoảng hai mươi chương trình đó với giá 35.000 đô la một bản và đã tiêu hết các khoản tiền ký quỹ nên tôi rất lo lắng.
Đúng lúc đó tôi nhận được điện thoại của một người ở Los Angeles đang làm cho Computer Sciences Corporation (CSC). CSC muốn thâm nhập vào thị trường phần mềm ứng dụng trong kinh doanh nên cử ông ấy đi nghiên cứu thị trường mới này. Tuy nhiên, đi đến đâu ông ấy cũng nghe nói: "Ông nên liên hệ với Lester, anh ta đã làm việc đó nhiều năm rồi”. Thế là họ gọi cho tôi và đề nghị gặp nhau. Họ đồng ý hoàn tất các phần còn lại để phần mềm của tôi có thể hoạt động và phân phối chúng nếu tôi chịu bán công ty của tôi cho họ. Tôi đồng ý và ký hợp đồng làm việc năm năm với họ, đảm nhiệm việc điều hành một bộ phận gọi là Hệ thống các ứng dụng, giống những việc tôi đã và đang làm. Đó là vào năm 1967, tôi ba mươi hai tuổi và có một công việc tuyệt vời với CSC ở Los Angeles. CSC trở thành một trong ba nhà cung cấp hệ điều hành lớn nhất thế giới và doanh thu của họ đạt gần bốn tỉ đô la mỗi năm.
Tháng Giêng năm 1972, hợp đồng với CSC kết thúc, tôi nghỉ việc và chuyển về New York, huy động một số vốn và mua lại một công ty chuyên sản xuất phần mềm cho ngân hàng. Phần mềm của họ rất xuất sắc, một số nhân viên của họ rất giỏi, nhưng họ không biết cách bán sản phẩm. Tôi nghĩ đây là một cơ hội tốt. Tôi quyết định chuyển công ty từ Reading, Pennsylvania về miền Nam California và ký một hợp đồng lớn với Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ và BankAmericard. Thế là chúng tôi trở thành nhà cung cấp phần mềm ứng dụng lớn nhất cho các ngân hàng trong nước. Chúng tôi đổi tên công ty thành Centurex, một cái tên nghe rất "kỹ thuật cao". Nhưng các ngân hàng lại thích tự phát triển phần mềm của riêng họ hơn là đi mua trọn gói. Chúng tôi biết đó là một ý tưởng không thực tế nhưng họ thì không nghĩ vậy. Tuy nhiên, chúng tôi đã làm việc khá tốt và nếu gặp thời chúng tôi đã có thể phát triển thành một công ty lớn ngày nay. Sau đó, chúng tôi nhận được nhiều lời đề nghị mua lại công ty và quyết định bán nó cho một công ty có niêm yết cổ phiếu ở Thị trường Chứng khoán New York vào năm 1975, với một cái giá rất hời. Đó là Tập đoàn Bradford. Bradford có những quan hệ rất gần gũi với ngành ngân hàng nên có nhiều lợi thế kinh doanh hơn chúng tôi. Họ chưa phải là một tập đoàn lớn, doanh thu chỉ vào cỡ 150 triệu đô la nhưng họ có một chiến lược thật sự xuất sắc. Nếu mọi thứ được thực hiện theo đúng kế hoạch của họ thì có lẽ ngày nay đó đã là một công ty tầm cỡ trong ngành cung cấp dịch vụ và tư vấn tài chính. Tuy nhiên, công tác quản trị của họ có nhiều sai sót và họ cũng không theo kế hoạch đến cùng. Thoạt đầu tôi làm Phó giám đốc điều hành trong một năm rưỡi, phụ trách tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm. Nhưng trong đời sống riêng, cuộc hôn nhân của tôi chẳng được suôn sẻ, vì thế mùa hè năm 1976, tôi xin nghỉ và trở lại Los Angeles, nơi thực sự là nhà của tôi. Trong một năm rưỡi sau đó, tôi không làm gì cả - ngoại trừ chơi golf.
Cho tới năm bốn mươi mốt tuổi, công việc của tôi chỉ quanh quẩn trong phạm vi máy tính với phần mềm, và tôi không muốn tiếp tục làm việc đó nữa. Một ngành khác mà tôi có thể làm là ngân hàng, nhưng tôi cũng không thích nốt.
Sáu tháng trời tôi chỉ thích ở không. Mỗi sáng tôi thức dậy và tự nhủ: “Hôm nay mình có thể làm bất cứ điều gì mình muốn! Mình không phải trả lời điện thoại hoặc lo nghĩ về những chuyện chưa xảy ra”. Suốt sáu tháng nhàn rỗi trôi qua như thế nhưng bỗng một hôm tôi như bừng tỉnh: “Mình không có việc gì làm hôm nay trong khi bạn bè mình đều đang làm việc”. Tôi cảm thấy cần phải làm ngay một việc gì đó, nhưng chưa biết là gì, chỉ biết rằng tôi không thích làm những việc tôi đã từng làm trước đây. Tôi nghĩ về cuộc đời và nhận ra rằng tiền bạc không phải là thứ quan trọng nhất. Điều quan trọng hơn đối với tôi giờ đây là sự yêu đời, yêu công việc hàng ngày, là sự tin tưởng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống và tận hưởng chúng. Lần đầu tiên trong đời, tôi suy ngẫm về những chuẩn mực khác của cuộc sống. Từ trước tới nay, tôi chỉ lo kiếm tiền, đi tìm kiếm sự thành đạt, trông nom con cái và đủ mọi thứ linh tinh khác. Bỗng dưng, tôi không còn lo lắng gì về những điều đó nữa. Tôi đã có nhiều tiền, tôi không cần phải lo nghĩ nữa. Tôi chỉ nghĩ về những gì có thể mang đến cho tôi niềm vui và hạnh phúc. Thế là tôi lập ra một danh sách những việc tôi thích làm và muốn làm ngay.
Trong khoảng một năm, tôi nói chuyện với nhiều người và quan sát nhiều công ty khác nhau. Tôi ném mình vào một vài cuộc phiêu lưu mới. Một trong số đó là một cái máy sử dụng axít sulfuric để làm sạch các giếng dầu và đường ống dẫn gas. Thật lý thú. Lần đầu tiên tôi cho phép mình dùng thời gian để làm những việc linh tinh và thú vị như thế.
Qua một vài người quen trong ngân hàng, tôi biết có một công ty tên là Williams Sonoma đang rao bán. Tôi bay đến San Francisco và gặp luật sư của họ. Đó là một công ty kinh doanh bán lẻ quy mô nhỏ, doanh thu khoảng bốn triệu đô la một năm và đang trên bờ vực phá sản. Gia đình Marcus đang sở hữu một nửa công ty. Ông Marcus mới qua đời và vợ ông, bà Betty, muốn bán nó. Tôi thăm dò thêm một số người nữa và thấy công ty này là đáng mua, dù nó đang bị lỗ hai, ba trăm ngàn đô la mỗi năm. Tôi nhận thấy rằng chỉ cần một vài cải tiến cơ bản, tôi có thể đảo ngược thế cờ, làm cho công ty này có lãi cũng khoảng hai, ba trăm ngàn đô la mỗi năm. Tôi sẽ cài đặt các phần mềm quản lý thu chi, quản lý vật tư mà tôi đã viết trước đây vào các cửa hàng bán lẻ của công ty này. Cùng với chút ít kiến thức về tài chánh và ngân hàng, cũng như tổ chức bài trí hàng hóa bắt mắt hơn, tôi sẽ làm cho nó cất cánh trở lại.
Cùng với Jay McMahau, một người có kinh nghiệm trong ngành bán lẻ ở Los Angeles thường chơi golf với tôi, tôi đã mua lại Williams Sonoma vào tháng 6 năm 1978 với giá một trăm ngàn đô la. Jay hùn với tôi một nửa số đó và hiện nay anh ấy đang nắm giữ hai trăm năm mươi triệu đô la vốn cổ phần trên tổng số hai tỉ đô la tài sản của công ty. Việc kinh doanh sau đó rất thuận lợi và tôi cảm thấy thật thú vị. Tôi đã chuyển về vùng vịnh San Fsancisco và tôi yêu những tháng ngày ở nơi này.
Thành công, tại sao nó lại đến với tôi mà không phải là người khác? Tôi suy nghĩ rất nhiều về điều đó. Các cố vấn thật sự không đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời tôi như những người khác. Chỉ có một người tôi học được nhiều nhất từ cách điều hành kinh doanh của ông, đó là Bill Hoover, Chủ tịch Hội đồng quản trị CSC. Nhưng không thể gọi ông là cố vấn của tôi. Thất bại không phải là dấu chấm hết. Bạn đừng quan tâm đến nó mà hãy nghĩ đến sự thành công và làm mọi thứ cần thiết để đạt đến thành công. Những người sáng tạo và có tầm nhìn xa thường dành nhiều thời gian để mơ tưởng đến mục đích của cuộc đời mình. Còn tôi lại không. Quá lắm tôi chỉ hình dung cuộc đời mình của năm năm sau đó mà thôi. Hãy gieo mạ và lúa sẽ mọc lên. Nếu bạn luôn đặt ra cho mình những câu hỏi và năng tiếp xúc với mọi người, khi cơ hội tới, chắc chắn bạn sẽ nắm bắt được nó ngay. Bạn không nhất thiết phải theo đúng trình tự A, B, C, D như trong kỹ thuật, vì như thế, có thể những cơ hội tốt sẽ vuột khỏi tầm tay bạn.
Tôi cũng có quen nhiều doanh nhân thành đạt, có người có tư duy rất sáng tạo và trí tưởng tượng bay bổng, nhưng cũng có người chỉ đơn thuần là người túc trí đa mưu. Tuy nhiên, họ có điểm chung là không bao giờ nghĩ đến thất bại. Họ chỉ luôn tâm niệm một điều duy nhất: có thể, có thể, và luôn có thể. Dick Riordan, Thị trưởng Los Angeles là một người như thế. Bạn có thể truyền cho người khác sự tự tin để thành công hay không, tôi không biết, nhưng tôi thường tự hỏi mình về điều đó trong khi nuôi dạy các con mình.
Có một anh bạn từng làm nhân viên của tôi ở CSC. Tôi tuyển anh vào CSC từ IBM và có lẽ anh ấy giỏi hơn tôi. Ít lâu sau anh yêu cầu một chức vụ cao hơn nhưng CSC không thể đáp ứng, thế là anh ấy chuyển qua Xerox. Tôi vẫn giữ quan hệ tốt đẹp với anh và đã chủ động mời anh về tham gia công ty nhỏ của tôi. Lần đó, anh bay từ Connecticut đến San Francisco để nói chuyện với tôi. Khi tiễn anh ra máy bay, anh im lặng không nói gì. Cuối tuần, anh gọi cho tôi và nói: “Tôi không thể làm việc đó, Howard, tôi không biết phải giải thích với anh thế nào nhưng đơn giản là tôi không thể. Tôi cảm thấy thật ngu ngốc nếu từ bỏ Xerox, tôi cần sự bảo bọc của nó”. Anh ở lại Xerox và cuối cùng trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị và là nhà sản xuất máy vi tính thành công nhất ở Bắc California. Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp lại anh ấy. Tôi tin rằng anh sẽ có một tương lai tuyệt vời nếu cộng tác với chúng tôi, nhưng anh ấy đã không có tinh thần của một doanh nhân. Tôi tin có nhiều người khác cũng thế. Họ không dám bước ra khỏi vùng an toàn trong khi tôi dám làm điều đó. Tôi chưa bao giờ lấy làm phiền lòng vì không có một văn phòng sang trọng như nhiều người khác. Tôi không bao giờ run sợ và đó là câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của tôi.
Kết luận
Sự thành đạt của Howard Lester làm người ta khó mà tin rằng ông đã từng không có mục tiêu lý tưởng gì khi học đại học. Dù ông luôn tin rằng mình sẽ thành công trong một lĩnh vực nào đó, nhưng bản thân ông cũng không biết chính xác đó là gì. May mắn là ông bước ngay vào một công ty tầm cỡ sau khi tốt nghiệp nên đã có đất dụng võ và tài năng của ông bắt đầu bộc lộ. Tinh thần doanh nhân của ông được chứng minh qua hàng loạt vụ mua bán các công ty sản xuất và kinh doanh phần mềm vừa và nhỏ thời đó, khi ông chưa qua tuổi ba mươi.
Ở tuổi bốn mươi mốt, ông chợt tỉnh ra và nghĩ rằng tiền bạc không phải là tất cả. Ông từ bỏ ngành công nghệ thông tin mà mình đã theo đuổi suốt hơn hai mươi năm, một nghề đã mang lại cho ông sự giàu có và một cuộc sống đầy đủ tiện nghi, để bước sang một lĩnh vực khác hầu tìm kiếm sự yêu đời, yêu người và sự thư thái trong tâm hồn. Ông mua lại Williams Sonoma, một công ty kinh doanh cửa hàng bán lẻ đang có nguy cơ phá sản, và thật kỳ lạ, dù lúc này ông chỉ lấy việc kinh doanh một ngành nghề mới làm vui nhưng rồi ông đã làm cho Williams Sonoma ngày nay trở thành một hệ thống siêu thị bán lẻ có tổng trị giá tài sản lên đến hai tỉ đô la, gấp 20.000 lần giá trị ban đầu của nó vào năm 1976.
Điều gì đã giúp ông thành công như thế? Howard nói rằng, hãy biết rõ các thế mạnh và điểm yếu của mình, luôn suy nghĩ về những giá trị và các ưu tiên trong cuộc sống và hướng mục tiêu sự nghiệp của mình vào đó. Đừng để bản thân bị cám dỗ bởi một công việc hoặc một lời đề nghị hấp dẫn mà từ bỏ con đường bạn đã vạch ra. Và quan trọng hơn hết là bạn phải hình dung ra viễn cảnh thành công của mình và sử dụng nó như một nguồn năng lượng mạnh mẽ giúp bạn biến ước mơ thành sự thật.
Nguồn: Vì sao họ thành công ? - First News và NXB Trẻ TPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét