P06: Vì Sao Họ Thành Công - Tập 1 - hocviensong

Latest

Ad Section

BANNER 728X90

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

P06: Vì Sao Họ Thành Công - Tập 1

Susie Tompkins Buell - Nhà sáng lập Cty Esprit

Susie Tompkins Buell là đồng chủ sở hữu Công ty may Esprit de Corps tọa lạc ở miền Bắc California. Tiền thân của Esprit de Corps là Công ty Plain Jane chuyên sản xuất trang phục phụ nữ, được Susie cùng với một người bạn gái sáng lập từ năm 1968. Một năm sau, chồng bà là Doug Tompkins cùng tham gia điều hành công ty.
Năm 1979, Công ty Plain Jane đổi tên thành Esprit de Corps và dần dần trở thành một trong những công ty hàng đầu nước Mỹ trong ngành sản xuất trang phục thể thao dành cho trẻ em. Không những thành công trong kinh doanh, dưới sự lãnh đạo của Susie, Esprit còn rất quan tâm đến các vấn đề xã hội có liên quan đến khách hàng của họ, chẳng hạn như đại dịch AIDS. 
Vào năm 1996, bà bán công ty và nghỉ hưu. Sau đó, bà lập gia đình với Mark Buell và sống ở Bắc California. Bà vẫn rất năng động trong các hoạt động chính trị và xã hội với ưu tiên hàng đầu là các vấn đề về quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
Cuộc phỏng vấn diễn ra tại ngôi nhà đặc biệt của bà trên một vách đá dựng đứng nhô ra biển ở quận Marin, California. Đó là một ngôi nhà được trang trí nội thất bằng gỗ với phong cách rất tinh tế, ấm áp và tràn đầy các kỷ vật khắp mọi góc nhà. Vào ngày hẹn phỏng vấn, dù có gió to nhưng chúng tôi vẫn quyết định ngồi bên hiên nhà. Trong lúc nói chuyện, thỉnh thoảng bà lại liệng những quả bóng tennis ra xa cho chú chó yêu Gracie chạy đi nhặt mang về cho bà.
Nhà Susie thường rất đông người, từ cháu nội, cháu ngoại của bà cho đến lũ trẻ con hàng xóm, bạn bè của ông bà, bất cứ người láng giềng nào và cả những con chó lạ đến làm quen. Bà rất chân thành trong giao tiếp và có trực giác chính xác đến mức khó tin khi nhận xét về người khác. Điều đó đã góp phần rất lớn vào sự thành công vĩ đại của bà trong việc nắm bắt các xu hướng và phong cách thời trang mới.
Nguồn: Vì sao họ thành công ? - First News và NXB Trẻ TPHCM

Hãy làm việc với lòng đam mê
“…Những người may mắn có quyền lựa chọn nghề nghiệp cho mình nên tự hỏi: "Điều gì làm tôi quan tâm nhất? Điều gì thực sự làm tôi thích nhất?”. Chỉ khi đó họ mới trở nên sáng tạo và sẽ không bao giờ nói “không” trước mọi nghịch cảnh.”
- Susie Tompkins Buell

Hồi nhỏ, có một dạo tôi muốn trở thành nữ tu vì các trường nữ sinh công giáo tạo cho tôi rất nhiều ấn tượng. Rồi tôi lại muốn làm vợ, làm mẹ. Tôi làm việc không ngừng nghỉ và luôn muốn vươn tới những chân trời mới.
Việc làm đầu tiên trong đời của tôi là giữ trẻ và gói quà Giáng sinh. Hồi trung học, tôi mới có một việc làm đúng nghĩa ở Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Thành phố. Tôi muốn kiếm tiền mua xe vì cha mẹ tôi chỉ có thể hoặc đóng học phí cho tôi học đại học, hoặc tổ chức cho tôi một đám cưới và tôi chỉ có quyền chọn một trong hai. Tôi chưa bao giờ thích học hành và chưa từng là một sinh viên giỏi. Tôi chỉ muốn việc học sớm chấm dứt để có thể sớm bước vào cuộc sống và bôn ba với đời.
Vì thế, tôi quyết định lập gia đình để được bay ra khỏi tổ, để được độc lập tự do và làm muôn vàn thứ khác. Tôi để ý Doug Tompkins, một con người có đầu óc phóng khoáng, mạo hiểm. Chúng tôi cưới nhau nhưng Doug vì quen sống độc lập nên cứ vắng nhà suốt ngay sau đó. Tôi cảm thấy không hạnh phúc khi ở nhà một mình và nghĩ rằng nếu tôi có con thì sẽ hạnh phúc hơn, vì còn có ai đó yêu mình và gần gũi mình. Chúng tôi có bé Quincy và sau đó là Summer. Cùng lúc chúng tôi mở một cửa hàng bán dụng cụ thể thao ngoài trời có tên gọi là The North Face. Thực sự đó là cơ sở kinh doanh của Doug nhưng tôi luôn giúp anh rất nhiều.
Năm hai mươi sáu tuổi, khi hai con vẫn còn bé, tôi có chuyến đi châu Âu lần đầu tiên trong đời để đến thăm một người bạn đang thử thời vận với nghề người mẫu thời trang. Vì tôi phụ trách mảng thu mua vật tư cho The North Face nên tôi bị hút hồn bởi phong cách và thời trang của các cô gái châu Âu. Y phục của họ rất giản dị nhưng đầy nữ tính và rất thanh lịch. Tôi nghĩ tại sao chúng tôi không làm ra những trang phục như thế ở Mỹ. Tôi trở về và gặp Jane, một người bạn đang tìm việc, cùng nhau bàn bạc và mở một công ty riêng chuyên may những loại y phục như tôi đã thấy ở châu Âu.
Chúng tôi gọi đó là dây chuyền sản xuất Plain Jane và sản xuất ra những chiếc áo dài ôm sát người, không được nữ tính lắm theo cách nhìn ngày nay nhưng được cắt may rất khéo và trông thật tuyệt vời, rất hiện đại và rất mốt. Rồi chúng tôi tìm được nhà cung cấp nguyên liệu và người tạo mẫu. Mọi người cười nhạo hai cô gái mảnh mai muốn lập công ty thời trang vì không ai trong chúng tôi từng kinh qua một trường lớp thời trang nào. Jane đầy tham vọng còn tôi thì tò mò khám phá và là một trợ thủ đắc lực cho cô ấy. Với tôi, lỗ lãi không phải là vấn đề.
Đồng thời vào năm 1967, vì nợ nần, Doug và tôi bắt đầu chán ngán The North Face nên sang lại cho hai người em với giá rẻ. Doug dùng số tiền đó để mua một chiếc Ferrari cũ để làm phương tiện đi lại. Thế là chúng tôi cùng ba đứa con nhỏ sống trong nợ nần và không một xu dính túi. Điều đó cũng tốt vì tôi tin rằng chúng ta trưởng thành từ sai lầm nhiều hơn là bất cứ hình thức giáo dục nào khác.
Thế rồi chúng tôi quyết định bán chiếc Ferrari để mở một cửa hàng mới, kinh doanh trang phục phụ nữ. Doug đăng quảng cáo và nửa đêm có một người gọi đến: "Tôi muốn mua chiếc Ferrari của các bạn, khi nào tôi có thể xem nó?”. Anh ta đến ngay sau đó và cùng Doug ra ngoài. Ba giờ sau Doug quay về và nói rằng vị khách đó muốn mua chiếc Ferrari bằng tiền mặt và cũng muốn hỗ trợ tài chính cho Plain Jane, vì anh ta nghe Doug tâm sự rằng chúng tôi cần một nhà tài trợ.
Ban đầu chúng tôi ký hợp đồng với các gia đình ở khu phố Tàu để gia công quần áo cho chúng tôi. Hàng hóa chúng tôi sản xuất ra được mọi người yêu thích. Thế là đã thành công bước đầu. Chúng tôi có một người bạn làm phụ trách giao tế nhân sự hay quảng cáo gì đó tại Cửa hàng Bách hóa Joseph Magnin. Cô ấy đã thu xếp cho chúng tôi gặp giám đốc thu mua và ông ấy rất thích những chiếc áo đầm của chúng tôi. Thế là sản phẩm của chúng tôi được bày bán trong các tủ kính của họ. Họ rất phấn khởi vì sức mua tăng lên rõ rệt và chúng tôi phát triển mạnh từ đó.
Nhưng rồi một thời gian sau, hầu như mọi phụ nữ bỗng chuyển sang mặc đồ jeans chứ không thích áo đầm mềm mại nữ tính như trước nữa. Lúc đó chúng tôi đang nghỉ mát ở Los Angeles và đi mua sắm ở một cửa hiệu lớn tên là Judy. Ở đó, tôi nhận ra mọi người đều hớn hở mặc jeans. Chúng tôi biết mình không thể sản xuất đồ jeans vì đó là một ngành hoàn toàn khác với sở trường của chúng tôi. Mặt khác, chúng tôi cũng không có đủ thời gian vì đã lên kế hoạch giới thiệu hàng ra thị trường ngay ngày mai. Tôi tức tốc gọi điện thoại cho nhà tạo mẫu của chúng tôi và bảo: "Hãy may ngay cho tôi một cái quần hai ống mà anh chỉ cần xỏ hai chân vào và kéo lên, dùng các loại vải may áo đầm mà anh đang có trong tay, và gởi cho tôi trước sáng mai". Và chúng tôi đã thành công với hàng triệu triệu chiếc quần tây kiểu đó. Tôi thích giải quyết các vấn đề về kinh doanh như thế. Tôi thích những sự việc có tính khai phá như thế và tìm ra những cách mới để giải quyết các vấn đề. Thời trang luôn thay đổi, bạn phải luôn tìm ra những cái mới lạ hơn.     
Chúng tôi bán quần tây được một hai mùa và rồi các cô gái quay sang mặc quần jeans với áo phông gấp nếp nên chúng tôi tạo ra một loại áo gọi là Sweet Baby Jane để mặc với quần jeans. Sau đó chúng tôi quyết định sản xuất áo thun và nghĩ nên đặt gia công hàng ở Hồng Kông hoặc Ấn Độ. Đây là một ý tưởng rất mới mẻ thời đó và được rất nhiều khách hàng ưa thích.
Mỗi giai đoạn đều có khó khăn riêng nhưng vào thời đó bạn phải rất nhanh nhạy vì thị trường luôn khát những sản phẩm mới. Tôi có cảm nhận về màu sắc rất tốt và thêu cả hoa văn lên quần áo nên hàng hóa của chúng tôi trông rất trẻ trung tươi tắn. Chúng tôi sản xuất không kịp bán.
Chúng tôi cần một thương hiệu và đã chọn Esprit de Corps nhưng không sử dụng trong một thời gian dài. Trong sáu năm liền chúng tôi chỉ sử dụng những cái tên như Plain Jane, Sweet Baby Jane, Rose Hips, Jasmine Tee. Rồi tôi có ý tưởng kết hợp tất cả các sản phẩm khác nhau của công ty chúng tôi một cách hài hòa để tạo ra một nét riêng. Thời đó trang phục được bán theo từng loại riêng biệt và chúng tôi tạo sự đột phá bằng việc tung vào thị trường các mẫu thiết kế quần jeans mặc cùng với áo sơ mi. Tôi hiểu khá rõ quan niệm về thời trang và các sô biểu diễn thời trang thương mại cũng như cung cách tiếp thị của châu Âu. Thế là chúng tôi nảy ra ý tưởng làm các bộ sưu tập thời trang và ý tưởng này xem như tiên phong tại Mỹ.
Doug và tôi mày mò học hỏi theo sự phát triển của công ty. Khi công ty được mười tuổi thì chúng tôi đã có mười năm kinh nghiệm. Chúng tôi nghĩ ra mọi thứ để tạo sự thoái mái cao nhất cho khách hàng khi họ đến mua sắm. Danh tiếng và hình ảnh của trang phục Esprit liên tục phát triển cho đến năm 1986, năm đánh dấu sự mở đầu cuộc chiến giá cả trong ngành công nghiệp thời trang. Hãng Gap rất giỏi trong việc sao chép mọi thứ bán chạy nhất trên thế giới và bán với giá hạ nhất. Vì thế tất cả các nhãn hiệu danh tiếng nhất đều phải hạ giá theo. Chúng tôi là người đi đầu trong lĩnh vực phối hợp màu sắc trên sản phẩm và đưa màu sắc vào thị trường, nhưng các công ty khác muốn làm thế cũng chẳng khó khăn gì vì họ có cả một bảng màu rất phong phú. Công nghiệp thời trang ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn.
Năm 1990, tôi và một số đối tác mua lại Esprit từ chồng tôi. Năm năm sau tôi bán hết phần hùn của mình vì nó đã phát triển vượt quá khả năng kiểm soát của tôi. Giờ đây Esprit có hơi thở của riêng nó. Tuy nó cũng có những thăng trầm nhưng chẳng bao giờ đạt được thời hoàng kim như  ngày nào.
Khi khởi nghiệp, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện thành bại, Doug cũng vậy. Chúng tôi chỉ biết tiến về phía trước.
Ngày nay tôi tin thành công là hiểu rõ mục tiêu của bạn là gì - điều gì bạn muốn hoàn thành vào cuối đời. Điều gì mang lại cho bạn sự thanh thản trước khi nhắm mắt xuôi tay? Phải chăng đó là những điều bạn đã hoàn thành, rằng bạn đã làm những việc tốt và đã giúp đỡ được nhiều người? Tuy vậy, thành công còn tùy thuộc vào vị trí mà bạn đang đứng. Nếu bạn ngồi đây với tôi và hưởng mọi an nhàn thì bạn sẽ nói về sức khỏe và sự bình yên trong tâm hồn. Nếu bạn đang trong vòng xoáy của thị trường thì bạn sẽ bàn đủ mọi phương cách để lớn mạnh hơn, quyền lực hơn, để bạn luôn là số một về mọi mặt, luôn kiểm soát và chi phối mọi thứ. Kinh doanh là thế. Nhưng đó không phải là tất cả cuộc đời của bạn. Khi nào bạn rời công việc kinh doanh buồn tẻ và bắt đầu nhìn lại đời mình trong bối cảnh rộng lớn của thế giới xung quanh, bạn sẽ thấy nhiều điều mà trước đó bạn chưa từng thấy vì cứ mải quay cuồng với những tính toán thành bại trên thương trường.
Tuy nhiên, thành công trong kinh doanh sẽ cho bạn nhiều cơ hội để làm được nhiều việc và gặp gỡ những người danh tiếng. Vì tôi từng thành công nên tôi có thể dễ dàng nói chuyện với nhiều nhân vật quan trọng qua điện thoại. Đó thật sự là những cơ hội không thể có được nếu tôi ở vị trí khác. Giờ đây, công việc yêu thích nhất của tôi là mang chị em phụ nữ đến với nhau, giúp họ nhận ra quyền lực và tài năng của mình cũng như làm cho họ hiểu rằng chúng tôi cần hỗ trợ lẫn nhau để làm việc, để chia sẻ và xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tôi đã thành lập một tổ chức giáo dục và đào tạo dành cho phụ nữ. Tôi tài trợ cho trường đào tạo phóng viên báo chí và nhiếp ảnh của Đại học California ở Berkeley. Tôi cam kết giúp phụ nữ gánh vác trách nhiệm về những con người trong cuộc sống của họ - ý tôi muốn nói đến con cái và cả người đàn ông của đời họ. Tôi hết sức hy vọng rằng, những người phụ nữ có trách nhiệm và học vấn cao hơn này sẽ góp phần giải quyết một số vấn nạn mà chúng ta đang phải đối mặt.
Lời khuyên mà tôi muốn gửi đến các bạn trẻ là hãy làm việc với sự đam mê thực sự của mình. Ngày xưa chúng tôi đã từng làm việc mười bốn giờ mỗi ngày, bảy ngày trong tuần và từ tuần này qua tuần khác mà vẫn vui thích vì chúng tôi thực sự đam mê công việc. Tôi biết phần đông mọi người làm việc đơn giản chỉ để có miếng cơm manh áo. Nhưng những ai may mắn có quyền lựa chọn nghề nghiệp cho mình nên tự hỏi: “Điều gì làm tôi quan tâm nhất? Điều gì thực sự làm tôi thích nhất?”. Chỉ khi đó họ mới trở nên sáng tạo và sẽ không bao giờ nói “không” trước mọi nghịch cảnh.
Giờ đây tôi không còn gì để hối tiếc. Có nhiều thứ tuyệt vời dành cho tôi sau khi tôi rời khỏi thương trường. Có lẽ tôi đã không bao giờ lập gia đình lần nữa nếu tôi vẫn còn làm việc và Mark, người chồng thứ hai của tôi, cũng nghĩ như thế. Khi đi làm, bạn có muốn dành thời gian cho gia đình cũng không thể được. Nhưng khi nghỉ việc, chúng ta sẽ có một tầm nhìn mới.
Thực sự, lối hành xử nghĩa hiệp trong kinh doanh ngày nay hầu như không còn nữa. Bạn khó có thể đặt niềm tin vào một đối tác nào nếu như không ký hợp đồng rõ ràng. Khi mới bắt đầu kinh doanh, chúng tôi không ký hợp đồng gì cả mà chỉ dựa vào lòng tin. Mọi người quý chúng tôi vì chúng tôi nồng nhiệt và sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi mọi lúc mọi nơi. Ngày nay, để thành công trong việc kinh doanh sản phẩm hay ý tưởng của mình, bạn phải nghĩ đến cả việc trang trí bao bì đóng gói, tiếp thị và nhanh chóng bán nó ngay khi nó còn mới lạ. Bằng không, bạn sẽ bị sao chép ý tưởng và phỗng tay trên. Đó là một thực tế đáng buồn nhưng đã là doanh nhân, bạn phải chấp nhận điều đó.
Kết luận
Susie Buell là một phụ nữ năng động, có tinh thần doanh nhân và óc mạo hiểm cao. “Chúng ta cứ làm!” dường như là một câu thần chú linh nghiệm trong thời của bà. Bà cho rằng mình may mắn vì thị trường trong những thập niên 70, 80 đang trong cơn khát các sản phẩm mới nên bà mới dễ dàng thành công. Ngày nay, bà biết rằng ngành bán lẻ đã thay đổi rất nhiều và câu chuyện về sự thành công của bà khó có thể lặp lại. Có các quy luật mới để thành công trong ngành bán lẻ, cũng như có những khuynh hướng mới trong ngành quảng cáo mà Ted Bell đã từng mô tả vậy.
Sau khi đã bán Esprit de Corps vào năm 1995, Susie đã định nghĩa thành công là hiểu rõ mục tiêu trong đời của bạn là gì và điều gì bạn muốn hoàn thành vào cuối đời - điều gì mang lại cho bạn sự thanh thản trước khi nhắm mắt xuôi tay. So với nhiều người thành đạt khác, quan niệm của bà về sự thành công quả là rất khác biệt.
Lời khuyên của Susie về thành công cũng giống như lời khuyên của Ted Bell. Hãy đam mê và sáng tạo trong công việc và có đầu óc thực tế để nhận ra đúng thời điểm dẫn đến thành công. Cuối cùng nếu bạn đang thành công với một sản phẩm mang lại lợi nhuận cao, hãy sẵn sàng bán nó và chuyển qua kinh doanh sản phẩm khác trước khi quá muộn. Hãy luôn nuôi dưỡng tinh thần doanh nhân.
Nguồn: Vì sao họ thành công ? - First News và NXB Trẻ TPHCM

Bob Cohn - Nguyên TGĐ Octel & Lucent Technologies

Bob Cohn, sáng lập viên kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Hãng truyền thông Octel cho đến khi sáp nhập với Lucent Technologies vào năm 1997. Vào thời điểm được Lucent mua lại, Octel đã là nhà cung cấp hệ thống thư thoại hàng đầu với 120 triệu khách hàng tại hơn 70 nước trên thế giới.
Bob lấy bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Stanford và làm việc cho McKinsey & Co từ 1976 đến 1979, rồi được Tập đoàn Acurex tuyển dụng trước khi sáng lập ra Octel. Hiện ông là thành viên trong Ban Giám đốc Saba Systems và Chapters Online, là thành viên Ủy ban An ninh Quốc gia, Ủy viên trường Castilleja và là thành viên Tiểu bang Cố vấn Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Bob người gốc Canada và hiện sống với gia đình ở vịnh San Francisco.
Tôi gặp Bob lần đầu tiên trên một chuyến bay từ San Francisco đi London. Chúng tôi đã thảo luận đủ mọi thứ từ việc tận hưởng cuộc sống khi thành đạt đến việc nuôi dạy con cái trong một gia đình đông con. Bob là một người cực kỳ thông minh, biết lắng nghe, bình luận sắc sảo và thường bất đồng ý kiến với tôi.
Tôi phỏng vấn Bob tại nhà riêng của ông ở vịnh San Francisco, gần khu học xá. Ngôi nhà được trang trí khá kiểu cách dù ông có phong cách sống rất giản dị. Bob là người nhạy bén, có trí nhớ cực tốt và cẩn trọng trước các quyết định quan trọng trong đời. Ông đã tạo dựng một gia sản lớn trong khoảng thời gian rất ngắn nhưng không bao giờ tỏ ra kiêu căng tự phụ.
Bob có nhiều ý tưởng rất hay, nhưng điều đáng ngưỡng mộ nhất ở ông là triết lý sống hiếm ai có được: "Bạn nên quyết định xem mình cần bao nhiêu tiền để có một cuộc sống như ý. Và bạn phải tự hứa rằng khi bạn đạt đến điều đó, bạn sẽ thôi không làm giàu nữa mà hãy bắt đầu cho đi…". Và Bob đã thật sự sống đúng như vậy.
Nguồn: Vì sao họ thành công ? - First News và NXB Trẻ TPHCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét