P07: Vì Sao Họ Thành Công - Tập 1 - hocviensong

Latest

Ad Section

BANNER 728X90

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

P07: Vì Sao Họ Thành Công - Tập 1

Xác định mục tiêu ngay từ khi khởi nghiệp
“Nhiều người thường lên kế hoạch nghỉ hè tỉ mỉ hơn là kế hoạch phát triển sự nghiệp của họ. Tôi là một nhà kế hoạch cực đoan nhưng cũng có những lúc tôi chẳng có ý niệm nào về việc tôi đang làm.”
- Bob Cohn

Ông tôi khởi sự kinh doanh ngay sau khi từ Canada đến nước Mỹ. Ba tôi cũng có cơ sở kinh doanh riêng. Khi còn bé, tôi ước ao được nhìn thấy tên mình gắn trên cửa phòng làm việc cùng với chức vụ. Tôi luôn muốn tự điều hành một công việc kinh doanh nào đó.
Tôi cũng thích học y khoa, lúc nhỏ tôi đã từng giúp chẩn đoán chính xác chứng u não của mẹ tôi. Lúc học trung học, tôi lại rất quan tâm đến ngành giải trí. Tôi điều hành vài ban nhạc trong trường hoạt động rất nhộn nhịp. Tôi bị hấp dẫn mạnh bởi ngành kinh doanh ca nhạc.
Vì thế lúc vào Đại học Florida, tôi chỉ quan tâm có ba điều: trở thành bác sĩ phẫu thuật thần kinh, điều hành một cơ sở kinh doanh của riêng mình, và sản xuất phim ảnh hoặc kinh doanh trong ngành công nghiệp giải trí. Nhưng rồi tôi nghiệm ra rằng những người trong ngành giải trí không phải là típ người phù hợp với tôi, dù rằng ngành giải trí vẫn hấp dẫn tôi. Tôi chuyển qua học dự bị y khoa nhưng lại gặp một giảng viên dạy hóa hữu cơ rất chán và nói tiếng Anh không tốt lắm. Tôi do dự không biết có nên bỏ ngành này luôn hay không.
Mùa hè năm 1967, tôi đi Canada làm việc trong một nhà máy chế biến lông thú của bác tôi. Đó là một nhà máy thuộc hàng lớn nhất thế giới. Hầu như mọi nhà sản xuất áo lông thú danh tiếng đều đặt bác tôi gia công lông cho họ. Ông tôi thành lập nhà máy này và cha tôi, một kỹ sư hóa, cũng góp tay phát triển nó.
Bác và bà tôi muốn tôi làm việc ở văn phòng hơn là làm dưới xưởng. Cực chẳng đã, tôi đành nhận vì cả hai cứ nài nỉ tôi. Họ bảo tôi tính toán bảng lương, một công việc vô cùng phức tạp. Tôi phải vật lộn với hệ thống tính lương theo sản phẩm cực kỳ rối rắm, mỗi tháng phải bỏ ra nửa tá người và hai tuần lễ để tính lương cho nhân viên. Rồi ông bác bảo tôi kiểm tra sổ lương của năm năm trước. Một công việc thật kinh khủng! Với cách làm như lúc tính lương cho nhân viên, có lẽ tôi phải bù đầu ngập cổ suốt cả mùa hè mới mong hoàn tất một phần.
Tôi có một người bạn, nay đã là một nhà vật lý hạt nhân, lúc đó đang làm trợ giảng ở một trường đại học gần nhà máy chúng tôi. Cậu ấy mời tôi đến tham quan phòng lab máy tính của cậu ấy và chỉ tôi vài chiêu lập trình trên máy điện toán IBM 1620 (còn cậu ấy thì dùng máy IBM 360 model 50, đời mới hơn). Cả hai chiếc máy này khi chạy chương trình làm ta liên tưởng đến hai chiếc máy giặt đang làm việc cật lực vậy. Tốc độ xử lý thông tin rất chậm nhưng tôi nhanh chóng hiểu được nguyên lý làm việc của nó.
Thế là tôi quyết định đưa tất cả dữ liệu của các bảng lương mà bác tôi yêu cầu kiểm tra vào chương trình máy tính. Rồi mất thêm một tháng học cách lập trình, tôi mới có được kết quả. Sau khi hoàn thành, tôi đối chiếu với các sổ lương và phát hiện ra hàng ngàn đô la sai sót. Tôi báo cho bác tôi, ông tròn mắt nhìn tôi: "Cái gì? Cháu làm việc này chỉ trong mấy tuần thôi sao?". Tôi rút ra các sổ lương và chỉ cho ông từng sai sót một. Thế là ông nổi đóa. Ông không hề có một khái niệm gì về máy tính và nghĩ rằng tôi đã làm lộ bí mật kinh doanh của ông, “truyền nghề” cho máy với những thông tin về hoạt động của nhà máy. Ông nghĩ máy tính là một sinh vật có trí khôn! Và thế là một chân trời mới đã hé mở với tôi. Tôi quyết định không học y, mà học ngành máy tính. Lúc đó, tôi không thể tưởng tượng được khi phải khởi sự kinh doanh mà không có máy tính trong tay.
Vào thời đó, học máy tính một cách đàng hoàng bài bản là cả một vấn đề. Tôi bắt đầu làm công việc bán thời gian ở phòng máy tính Đại học Florida. Hóa ra tôi biết về lập trình máy tính nhiều hơn hầu hết những người biết lập trình trên thế giới vào lúc đó. Vị giáo sư phụ trách phòng máy khuyên tôi vào học lớp kỹ sư phân tích và thiết kế hệ thống của ông với tư cách dự thính. Chẳng bao lâu sau ông đề nghị tôi làm trợ giảng cho ông, dạy phần mềm FORTRAN cho sinh viên năm cuối. Sau đó ông là người mở ra ngành khoa học máy tính đầu tiên ở trường đại học. Tôi là người đầu tiên lấy bằng tốt nghiệp ngành này vì tôi vừa học vừa dạy trong ngành khoa học mới mẻ này.
Tôi học máy tính vì cảm thấy yêu thích và muốn ứng dụng nó vào công việc kinh doanh hàng ngày. Tôi không muốn rơi vào hoàn cảnh của bác tôi. Ông luôn nghĩ máy tính là những sinh vật có trí khôn và sẽ thống trị cả thế giới trong tương lai.
Năm 1972 tôi nộp đơn vào hai trường kinh doanh nhưng không được xét tuyển. Vì thế tôi nghĩ rằng nếu muốn kinh doanh thì đầu tiên phải biết kiếm tiền. Tôi quyết định vào làm trong một ngân hàng thương mại có thể cho vay những khoản tiền lớn chứ không chỉ là những món tiền nho nhỏ làm vốn cho các tiệm giặt ủi địa phương. Những năm 1970, trừ phi bạn tốt nghiệp Stanford hay Harvard, hoặc có bằng MBA hạng ưu, bạn mới mong được nhận vào ngân hàng Chase Mahattan hay CitiBank. Tôi quyết định đóng lệ phí dự tuyển và được nhận vào Ngân hàng Nhà nước Maryland ở Baltimore với mức lương 7.800 đô la một năm. Đó là một cái giá rất hời vì ở đó tôi học được rất nhiều thứ.
Tôi ở đó được một năm thì bắt đầu tiếp thị các dịch vụ ngân hàng qua điện thoại. Khi tôi tiếp cận một khách hàng mới, họ luôn hỏi điều gì Ngân hàng Maryland có mà những ngân hàng khác không có. Rằng chúng tôi có cho họ vay khi các ngân hàng khác từ chối họ không? Chúng tôi có thể cho vay với lãi suất thấp hơn ngân hàng khác không? Tôi phải trả lời không với tất cả, nhưng tôi bảo họ chúng tôi có thể cung cấp cho họ những dịch vụ tuyệt vời nhất. Sau đó, tôi đề nghị Ban giám đốc ngân hàng đưa ra các chương trình chiết khấu, điểm thưởng, cho vay cá nhân ưu đãi để thu hút và giữ chân khách hàng. Thời đó, chưa ai nghĩ ra những phương thức tiếp thị kiểu này nên có lẽ mọi người cho tôi là một gã dở hơi kỳ dị.
Một hôm, có một ông già chủ một công ty chuyên sản xuất sứ thủy tinh (để phủ lên bề mặt kim loại) bước vào ngân hàng cùng với một người. Người này yêu cầu chúng tôi cung cấp một chuyên gia định giá tài sản để ông ta mua công ty nọ. Tôi không nhớ rõ lắm các con số, nhưng nếu doanh thu của công ty ông lão là mười triệu đô la một năm thì đã có năm triệu đô la tiền lãi trong đó. Người mua đề nghị ông mức giá năm triệu đô la và ông định bán ngay vì tuổi tác không cho phép ông giữ công ty lâu hơn nữa. Tôi làm một phép phân tích tính lãi lũy tiến đơn giản và bảo ông ấy: "Ông đang lãi năm triệu đô la mỗi năm. Ông có biết để có số tiền lãi năm triệu mỗi năm, ông phải bỏ ra bao nhiêu tiền để mua trái phiếu có lãi suất 5%/năm không? Ông phải bỏ ra một trăm triệu đô la đấy!”. Ông lão sửng sờ. Thế mà anh ta lại đưa ra cái giá năm triệu đô la. Tay nọ nhìn thấy công ty của ông lão là một cái máy in tiền nhưng người chủ của nó lại không có chút hiểu biết gì về tài chính. Tôi tự hỏi không biết ngoài kia có bao nhiêu người như thế.
Nhiệm vụ của tôi bao gồm cả việc thẩm định dự án vay vốn của khách hàng. Hồi đó, để ra một kết luận có nên cho vay hay không, tôi phải hỏi rất nhiều câu hỏi và sau mỗi câu trả lời là một loạt các tính toán, đôi khi phải mất tới năm giờ đồng hồ, ấy là nếu người xin vay không thay đổi câu trả lời của mình. Tôi để ý ngân hàng có một cái máy tính mà họ ít khi dùng. Thế là tôi dùng FORTRAN để viết một chương trình nhằm phục vụ các tính toán của tôi. Nó không hay như phần mềm Excel ngày nay nhưng rất hiệu quả thời đó. Người muốn vay tiền chỉ cần nói số tiền muốn vay, cung cấp vài dữ kiện trong báo cáo tài chính và nêu một số yếu tố rủi ro tiềm tàng, trong chớp nhoáng máy tính xử lý tất cả và in ra bản phân tích cho biết họ thực sự cần bao nhiêu tiền và mấy năm sẽ hoàn vốn cho dự án đó.
Bỗng dưng khách hàng nhận được sự phục vụ rất hiệu quả và tận tình ở ngân hàng chúng tôi - một điều mà chẳng nơi nào khác có được. Lúc này, khi tiếp thị qua điện thoại, tôi đã có thể nói: “… Đây là cách chúng tôi có thể giúp ông/ bà. Xin vui lòng ghé qua đây cùng với sổ sách của ông/bà và chúng tôi sẽ nói cho ông/bà biết nên đầu tư kinh doanh như thế nào”.
Vài năm sau, tôi nộp đơn vào mười trường kinh doanh một lần nữa và được chín trường chấp nhận. Tôi chọn Stanford và rời Ngân hàng Maryland, để lại chương trình mà tôi đã viết và nghe nói họ còn sử dụng nó trong nhiều năm sau đó.
Những năm tháng đó tôi đã cố gắng tích lũy thật nhiều kinh nghiệm để sau này có thể bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của riêng mình. Tôi nhận ra rằng mình cần phải thông thạo một ngôn ngữ nữa, và tôi chọn tiếng Pháp. Tôi chu du khắp châu Âu, mà nhiều nhất là ở Pháp để trau dồi ngôn ngữ cũng như quan sát và học hỏi nhiều điều khác. Kỳ nghỉ hè giữa năm nhất và năm hai ở Stanford, tôi cố xin một việc làm trong môi trường quốc tế ở châu Âu và gửi đi khoảng ba mươi thư xin việc, nhưng chỉ nhận được năm thư trả lời. Một trong số đó là từ Ngân hàng Rothschild ở Pháp. Nhà tuyển dụng này đang rất muốn có một nhân viên người Mỹ với lối suy nghĩ và làm việc kiểu Mỹ trong bộ phận quan hệ đối ngoại và tài chính của ông. Bản thân ông cũng từng tốt nghiệp trường Harvard. Mối quan tâm chính của ông là liệu tôi có nói được tiếng Pháp hay không. Dĩ nhiên vào lúc đó tôi đã nói tiếng Pháp một cách trôi chảy. Thế là tôi được nhận và có một khoảng thời gian tuyệt vời. Tôi đã thấu hiểu hơn về các tập quán thương mại quốc tế và tiếp thu rất nhiều điều chưa từng biết. Người nhận tôi vào làm sau này trở thành một người bạn chí thân và là cha đỡ đầu cho đứa con đầu lòng của tôi.
Sau khi tốt nghiệp Stanford, tôi muốn làm cho một công ty đa quốc gia. Nhưng tôi cũng cần có một số kinh nghiệm về quản lý dây chuyền sản xuất. Tôi từng được đề nghị một hợp đồng làm việc mùa hè cho một công ty tư vấn nhưng đã từ chối. Vậy là tôi đã bỏ lỡ cơ hội học cách giải quyết các vấn đề về quản lý từ những doanh nhân biết cách vượt qua mọi khó khăn trở ngại. Để sửa chữa, tôi vào làm việc cho McKinsey & Co hai năm và đó thực sự là một lựa chọn đúng đắn. Tôi học được cách viết, cách tổ chức, cách thiết kế và thực hiện các cuộc thuyết trình lưu loát và chủ động lôi kéo khán thính giả vào cuộc bằng óc phân tích và sự tập trung cao độ của mình. Sau hai năm ở McKinsey, tôi được cấp chứng chỉ tư vấn viên và sắp sửa được huấn luyện để trở thành một nhà quản lý. Tôi đã sử dụng máy tính để làm một số đánh giá, hoạch định vô số chiến lược và giải quyết rất nhiều vấn đề rắc rối. Nhưng bỗng một đêm thức giấc, tôi tự hỏi nghề này có phải là sự nghiệp của tôi không? Còn ước muốn mở công ty riêng của tôi?
Vợ tôi cũng nhắc nhở tôi điều đó. Lúc ấy, chúng tôi đang sống tại Canada và tôi rất thích cách kinh doanh nhượng quyền thương hiệu của McDonald. Họ là những cỗ máy làm ra tiền và tôi nghĩ nếu mình có một nhà hàng như thế thì hay quá. Tôi đang làm khảo sát về các cửa hàng thức ăn nhanh cho McKinsey và thấy các cửa hàng McDonald không có nhiều ở Canada. Nhưng vợ tôi thì không muốn có một ông chồng chỉ biết ăn hamburger để sống. Tôi ra sức giải thích rằng chúng tôi có thể kiếm hàng triệu đô la nhờ những cửa hàng như thế nhưng cô ấy vẫn hoài nghi. Thật tình tôi có nộp đơn nhưng không được McDonald chấp nhận vì không đủ tiền - tôi nghĩ khoảng 250.000 đô la mà nếu tôi có xoay xở cho đủ tiền đi nữa thì họ chưa chắc đã chịu, vì theo triết lý của McDonald thì khoản tiền đó phải do chính bản thân tôi làm ra chứ không phải do thừa kế hay vay mượn mà có. Thương hiệu Burger King cũng có điều kiện tương tự.
Đúng vào thời điểm đó, một công ty điện tử ở California sau khi tham chiếu hồ sơ lưu của tôi ở Stanford đã mời tôi giữ chức giám đốc tiếp thị. Tôi chưa vội nhận lời mà dùng thời gian đó để cùng gia đình đi California nghỉ mát. Ở đó, tôi gặp lại một người bạn, nhà sáng lập Công ty Rolm ở Thung lũng Silicon. Tôi kể cho ông về cuộc phiêu lưu của tôi với McKinsey. Ông đề nghị tôi đến California làm cho ông. Tôi giải thích là tuy tôi đã có bằng cấp cần thiết, đã biết thế nào là kinh doanh ngân hàng và cả tư vấn nhưng thật sự tôi vẫn chưa có kinh nghiệm quản lý dây chuyền sản xuất. Thế rồi qua ông, tôi được giới thiệu đến hai công ty sản xuất điện tử khác mới thành lập trong khu vực. Một là Công ty Intel có vốn đầu tư khoảng vài trăm triệu đô la, hai là một công ty nhỏ vào cỡ năm mươi triệu đô la. Intel rất muốn tôi làm việc cho họ. Họ nói rằng có lẽ tôi là người có bằng MBA đầu tiên được họ tuyển dụng. Nhưng tôi do dự vì những người sẽ là nhân viên của tôi nói rằng để thành công ở đây thì không nhất thiết phải là một thạc sĩ. Công ty thứ hai tuy nhỏ hơn nhưng được điều hành bởi một giám đốc có bằng MBA, nên chuyện bằng cấp của tôi không phải là vấn đề, mà vấn đề nằm ở chỗ khác. Tôi làm cho họ và kinh nghiệm của tôi trở nên cực kỳ quý giá. Họ làm mọi thứ đều sai và tôi phải chấn chỉnh lại tất cả.
Thế mạnh thực sự của tôi nằm ở khâu tiếp thị và hoạch định chiến lược. Công ty này có thị phần ổn định, chuyên sản xuất dụng cụ kiểm tra và đo lường chính xác cho các ngành công nghiệp. Họ sử dụng máy tính và sản xuất các loại máy móc có thể sử dụng trong những điều kiện khắc nghiệt. Tôi trở thành Giám đốc Tiếp thị của họ và chỉ trong vòng hai tháng, tôi vạch ra những điểm mạnh, yếu và xác định các lỗ hổng trên thị trường của công ty. Tôi tiếp xúc với khách hàng, nghiên cứu các đối thủ cạnh tranh và lập phương án sản xuất một sản phẩm mà sau khi xuất xưởng sẽ trở thành một sản phẩm thành công nhất mà họ chưa từng có. Sự chính xác tuyệt đối trong sản phẩm của chúng tôi quyết định cả lợi nhuận và sự sống còn của khách hàng, vì nếu sản phẩm của họ bị phát hiện là nhẹ hơn trọng lượng ghi trên bao bì, họ sẽ bị phạt nặng và mất uy tín thương hiệu. Tôi lên kế hoạch để trong một thời gian ngắn, sản phẩm này phải được bán được ra nhiều hơn bất cứ sản phẩm nào trước đó. Nhưng rồi các kỹ sư của chúng tôi đã chế tạo không đúng. Chúng tôi đã giao 500 sản phẩm như thế trên toàn thế giới trong vòng một tháng và chúng bị hỏng hóc khắp nơi.
Chúng tôi phải xem lại từ khâu thiết kế, chế tạo, lắp ráp và bảo trì để chuẩn hóa sản phẩm. Chúng tôi nghiên cứu nhiều ngày nhưng vẫn không tìm ra được lỗi kỹ thuật trong sản phẩm mẫu. Cuối cùng một người có tên Peter Olson, nặng một trăm sáu mươi ký, hút bốn gói thuốc lá mỗi ngày, được mời đến. Ông ta hỏi tràng giang đại hải rồi nhìn bản thiết kế và phán: “Một trăm ngàn đô la, tôi sẽ giải quyết vấn đề của các ông trong vòng hai tuần. Mỗi ngày tôi trễ hạn, các ông cứ trừ bớt mười ngàn đô la, nhưng nếu tôi hoàn thành trước hạn, tôi phải được thưởng mười ngàn đô la mỗi ngày còn lại.” Ông chủ tôi bối rối trước số tiền quá lớn như vậy, nhưng tôi bảo rằng nếu không thuê ông ta gỡ rối, công ty sẽ phá sản. Vả lại, nếu Peter Olson không thể khắc phục được sự cố hoặc trễ hạn mười ngày thì xem như ông ta làm không công, chúng tôi cũng chẳng mất gì. Nhưng Giám đốc nhà máy thì lại không muốn như vậy. Ông ta nghĩ tốt nhất là chúng tôi cứ gửi những sản phẩm hiện tại của mình cho khách hàng, nếu bị hỏng hóc thì sẽ nhận trở lại để bảo hành. Tôi tranh cãi gay gắt với ý kiến đó, thậm chí tôi đã định nghỉ việc vì sự bất đồng ý kiến này. Nhưng nghĩ lại, nếu tôi ra đi giữa lúc công việc đang rối bòng bong như thế này thì không hay, và họ cũng đã sa thải giám đốc nên tôi đồng ý ở lại thêm sáu tháng nữa.
Qua mấy ngày mà vẫn không thấy Peter Olson xuất hiện, tôi nghĩ ông ta chỉ giỏi bốc phét và đã âm thầm rút lui. Nhưng rồi ông ta đến, làm việc cả ngày lẫn đêm mấy ngày liền và sau cùng đưa ra một bản vẽ thiết kế sản phẩm xấu chưa từng thấy. Nhưng không những ông ta đã giải quyết được vấn đề mà còn nâng công suất máy lên gấp ba lần và biến nó thành một thiết bị đo lường có độ tin cậy cao nhất so với các sản phẩm cùng loại trên thế giới lúc bấy giờ. Thật ra thiết bị đó là một trong các sản phẩm cấp thấp của chúng tôi. Tôi muốn chế tạo một loại máy cao cấp với những linh kiện tương tự nhưng một người có trình độ lớp ba và không biết nói tiếng Anh cũng có thể sử dụng được. Tôi đề xuất dùng màn hình cảm ứng với nhiều ngôn ngữ, và người điều khiển có thể sử dụng dễ dàng ngôn ngữ mà mình chọn. Chúng tôi đã bán chiếc máy đó ra toàn thế giới và thậm chí tôi còn nhận được bằng phát minh cho ý tưởng đó.
Peter Olson quả là ấn tượng và tôi bắt đầu để ý đến ông ấy. Đến khi thiết kế sản phẩm thứ hai thì tôi đã khá thân với Peter Olson. Tôi biết nếu muốn mở công ty thì tôi cần có một kỹ sư tài giỏi như ông. Đúng lúc đó, Peter lại đang tìm kiếm một chức giám đốc. Chúng tôi bàn về ngành công nghiệp chế tạo các dụng cụ đo lường chính xác, các máy tính điều khiển dây chuyền sản xuất, các loại máy móc vi phẫu thuật và dụng cụ y khoa, về khoa học điện tử trong ngành hàng không, về bưu chính viễn thông và máy vi tính. Lúc đó là vào năm 1981, một người bạn của Peter biết về một kỹ thuật mới gọi là thư thoại (voice mail) và chúng tôi đi tham quan một hội chợ thương mại ngành trang thiết bị tự động dành cho văn phòng ở Las Vegas. Mọi loại máy móc ở đó được làm ra dường như chỉ dành cho những người có đầu óc kỹ sư sử dụng! Tôi muốn chế tạo một thứ gì đó mà một ông già năm mươi tuổi và không biết gì về máy tính cũng sử dụng được. Tôi nghĩ thiết bị thư thoại rất hữu ích và là một thị trường rất có tiềm năng, nếu chúng tôi tạo ra được một sản phẩm đơn giản và tiện dụng hơn thì đó sẽ là một bước đột phá lớn.
Tôi bắt đầu tìm kiếm các lỗ hổng trong lĩnh vực này. Tôi gọi cho Wang, IBM, Voice & Data Systems, VMX ở Texas và xin các tài liệu nói về nguyên tắc truyền tin nhắn bằng lời của họ. Họ đang rất hãnh diện về thành tích của mình nên sẵn sàng gửi cho tôi mọi thứ mà không hề hỏi vì sao tôi cần những thứ đó.
Khi nhìn vào những việc họ đã làm, tôi biết họ đã đi sai đường. Sản phẩm của họ quá cồng kềnh, quá phức tạp và không giải quyết được vấn đề cơ bản, đó là làm thế nào để trả lời điện thoại một cách tự động. Tôi phác thảo một tiêu chuẩn kỹ thuật và đề nghị Peter thiết kế một sản phẩm có khả năng đảm trách việc chuyển tải thư thoại cho các tập đoàn lớn với giá thấp vừa phải, khoảng 50.000 đô la. Peter bảo ông ta làm được. Tôi thảo ra kế hoạch kinh doanh và cùng Peter huy động tài chính để thành lập công ty. Nhưng khốn nỗi, trước đây Peter đã nổi tiếng là người vô cùng lập dị nên mọi người rất do dự khi đầu tư vào một công ty có dính dáng với ông ấy. Tôi viết dự án thành lập Octel từ giữa tháng 11 năm 1981 đến tháng 3 năm 1982 và cuối cùng chúng tôi tìm được nguồn vốn đầu tư vào tháng 7 năm 1982. Thế rồi Octel ngày càng lớn mạnh đúng như ý đồ ban đầu của chúng tôi.
Tôi nghỉ hưu vào năm 1990, sau khi công ty tạo dựng được một tài sản trị giá một trăm triệu đô la. Chúng tôi bỏ xa mọi đối thủ cạnh tranh và tăng trưởng với tốc độ không thể tin được trong khi Wang và IBM phải từ bỏ ngành kinh doanh thư thoại. Giờ đây, tôi muốn tìm kiếm những người có kinh nghiệm làm việc ở các công ty một tỉ đô la để đưa công ty lên tầm cao mới. Tôi cảm thấy không đủ tự tin để đưa nó đi xa hơn, một phần cũng vì tôi đã có hai con và sắp sửa có đứa thứ ba nên tôi muốn dành thời gian nhiều hơn cho gia đình. Bọn trẻ cần sự chăm sóc của tôi nên tôi quyết định nghỉ hưu để làm tốt vai trò người cha đối với các con.
Nhìn lại những gì đã qua, tôi thấy rằng phần lớn thành công mà tôi có được là nhờ tôi có một tầm nhìn chiến lược. Đó là khả năng nhận ra một cơ hội mà người khác không nhìn thấy, và biết cách tận dụng nó cũng như biết lúc nào nên dừng lại. Tôi cũng có năng khiếu về kinh doanh. Như một người sống lâu trong một căn nhà, anh ta có thể đi khắp nhà trong bóng tối mà không hề vấp phải bất cứ thứ gì, vì mọi vị trí đã in sâu vào tâm trí anh ta. Người mù cũng thế, họ đi tới đích vì họ loại bỏ ra khỏi tâm trí họ mọi thứ không cần thiết. Đó là tầm nhìn. Chúng tôi cũng từng tuyển một người đã làm đến chức Phó Tổng giám đốc điều hành Công ty Hewlet Packard. Ông ấy điều hành một chi nhánh trị giá hàng tỉ đô la của họ và có bằng kỹ sư của Princeton và MBA của Stanford, nhưng  thực tế cho thấy ông ta hoàn toàn không có tầm nhìn hay kỹ năng kinh doanh gì cả.
Khả năng truyền cảm hứng cho mọi người cũng rất quan trọng. Tôi biết cách hướng mọi người đến nơi cần đến. Tôi nghĩ đó là kỹ năng mà một Tổng giám đốc điều hành giỏi cần phải có. Có thể phần nào điều đó là nhờ năng khiếu bẩm sinh nhưng chủ yếu là ở sự rèn luyện. Chính công việc ở McKinsey trước kia đã dạy tôi cách tổng hợp các vấn đề phức tạp và giải thích chúng theo một cách đơn giản nhất.
Nhiều người thường lên kế hoạch nghỉ hè tỉ mỉ hơn là kế hoạch phát triển sự nghiệp của họ. Tôi là một nhà kế hoạch cực đoan nhưng cũng có những lúc tôi chẳng có ý niệm nào về việc tôi đang làm. Theo tôi, bước đầu tiên để có một sự nghiệp là tự lập ra một bản liệt kê trung thực nhất những điều mình muốn và không muốn làm. Tôi đã làm điều đó vào những năm 1960. Tôi liệt kê ra các điều thật sự cần thiết và các điều không cần đối với tôi, rồi theo đó mà lên kế hoạch theo đuổi những điều mình mong muốn trong cả cuộc đời.
Khi bạn mới mười bảy hay hai mươi lăm tuổi, việc lựa chọn nghề nghiệp và hoạch định tương lai quả là rất khó. Nhưng chúng ta có thể nhận lời khuyên của những người đi trước và học hành nghiêm túc nhằm tạo tiềm lực mạnh mẽ cho bản thân.
Một cách khác để xây dựng sự nghiệp khi bạn còn trẻ là hãy tưởng tượng bạn sẽ thành đạt như thế nào vào tuổi năm mươi: trình độ học vấn, thành tựu và danh tiếng của bạn lừng lẫy đến mức nào? Từ đó, bạn hãy xác định nghề nghiệp thực sự của mình và theo đuổi nó cho đến khi thành công. Đừng vì những chỗ làm có lương cao, sự hào nhoáng của những tên tuổi nổi tiếng hay những vị trí béo bở bạn được đề nghị mà quên đi mục tiêu sự nghiệp của đời bạn. Hãy quan tâm nhiều hơn đến công việc vì chính nó mới đem lại kinh nghiệm và tạo ra danh tiếng để bạn gặt hái được những gì bạn thật sự mong muốn trong đời.
Nếu bạn được học, được làm việc với những người tài giỏi, bạn sẽ có được một tầm nhìn xa và khả năng xử lý các vấn đề phức tạp theo cách đơn giản của họ. Có người không cố ý chỉ bảo cho bạn, nhưng bạn sẽ học được nhiều kinh nghiệm quý báu thông qua cách làm việc của họ.
Nếu bạn chọn một con đường bằng phẳng trong nghề nghiệp của mình, bạn sẽ không bao giờ thành công thực sự. Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Hãy dám mạo hiểm và sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đến được bên kia đường hầm, nơi có kho báu đang chờ bạn. Hãy luôn nhìn về phía trước và cố gắng hết mình.
Kết luận
Bob Cohn có một tầm nhìn rõ ràng về các mục tiêu sự nghiệp của mình. Từ rất sớm ông đã biết thế mạnh của mình là kỹ năng tiếp thị và hoạch định chiến lược, cũng như ông chỉ muốn điều hành một công ty của riêng mình. Ông lập một kế hoạch cuộc đời rất tỉ mỉ nhưng cũng thú nhận rằng đôi lúc ông không biết mình đang làm gì. Bắt đầu sự nghiệp tại một nhà máy chế biến lông thú và một cơ duyên đến với lĩnh vực máy tính, sau đó vào làm việc trong các ngân hàng tầm cỡ quốc gia và quốc tế, chu du khắp châu Âu, vào Stanford, cộng tác với Hãng Tư vấn McKinsey, rồi làm Giám đốc Tiếp thị cho một công ty điện tử ở Thung lũng Silicon, California, đường đến Octel của ông quả không phải là một đường thẳng.
Lời khuyên của ông cho lớp trẻ là hãy thể hiện tính chiến lược trong sự chọn lựa nghề nghiệp của mình. Không nên chỉ biết chạy theo tiền bạc mà phải tự nhận biết bản thân, biết lựa chọn các ưu tiên hàng đầu và lập kế hoạch thực hiện chúng từng bước một. Trong quá trình theo đuổi các mục tiêu nghề nghiệp, hãy học hỏi các kỹ năng mới và tích lũy các kinh nghiệm cần thiết để có thể biến ước mơ và hoài bão của bạn thành hiện thực. Cuối cùng, Bob lưu ý rằng những người thực sự thành công là những người có tầm nhìn chiến lược sâu rộng và khả năng truyền cảm hứng cao độ cho người khác. Và, như lời bình của Ted Bell về lòng đam mê và khiếu kinh doanh, Bob cũng cho rằng những tài năng đó là thiên phú nhưng cũng cần được trau dồi trong môi trường thực tế.
Nguồn: Vì sao họ thành công ? - First News và NXB Trẻ TPHCM

Ray Kassar - Nguyên TGĐ điều hành Tập đoàn ATARI

Ray Kassar vào Đại học Brown từ năm mười sáu tuổi và tốt nghiệp ba năm sau đó, bắt đầu bước đường thăng tiến liên tục trong cả cuộc đời mình. Sau khi ra trường, ông tham gia chương trình huấn luyện của Tập đoàn Công nghiệp Burlington hai năm.
Sau đó ông thi vào Đại học Harvard, lấy bằng MBA rồi trở về Burlington và được Spencer Love, nhà sáng lập và Tổng giám đốc mời vào hàng ngũ những người quản lý hàng đầu của tập đoàn.
Khi Spencer Love qua đời, Ray tiếp tục ở lại với Burlington thêm vài năm nữa rồi mới ra mở công ty riêng và thành công trong nhiều năm liền cho đến khi bán nó cho người khác và nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc điều hành Atari, một công ty đang làm ăn thua lỗ. Dưới sự dẫn dắt của ông, Atari đã sống lại và phát triển tột bậc trong chỉ vài năm sau đó.
Tôi biết Ray vì ông là bạn của mẹ tôi thời niên thiếu ở Long Island. Khi dọn về San Francisco, ông có mời chúng tôi đến ăn tối. Ông là người rất niềm nở và dễ mến. Nhà ông có rất nhiều trò chơi điện tử Atari, tuy vào những năm 70, trò chơi điện tử còn chưa phổ biến lắm. Ray có quan hệ rất rộng và hầu như quen biết tất cả mọi người danh tiếng trong mọi lĩnh vực trên thế giới. Hình các ngôi sao điện ảnh, các nhân vật hoàng gia và dĩ nhiên ảnh gia đình cùng nhiều kỷ vật khác treo khắp nhà phản ánh một cuộc sống sành điệu về du lịch và giải trí. Nhà ông nằm trên một ngọn đồi ở San Francisco nhìn xuống khung cảnh tuyệt vời của thành phố, vừa sảng khoái, vừa quyến rũ như tính cách của ông vậy.
Thành công của Ray một phần nhờ sức thu hút kỳ lạ trong cách nói chuyện của ông cũng như khả năng làm cho mọi người cảm thấy dễ chịu. Ông luôn có cái nhìn lạc quan về mọi việc – chính điều đó giúp truyền niềm tin sang mọi người xung quanh. Mọi người gặp ông đều thích và muốn hợp tác với ông, có lẽ vì sự chân tình hiếm có của ông.
Nguồn: Vì sao họ thành công ? - First News và NXB Trẻ TPHCM

Bradley Ogen - Chủ nhân chuỗi nhà hàng Lark Creek

Bradley là một người tầm thước, tóc nâu với đôi mắt nhiều nếp nhăn và một nụ cười tinh quái. Tuy đã ở vào tuổi bốn mươi nhưng trông ông vẫn tràn đầy sinh lực như một gã thanh niên mới lớn. Lịch sự, ân cần với mọi khách hàng là đức tính mang lại thành công cho ông trong ngành kinh doanh nhà hàng.
Ông sở hữu một chuỗi nhà hàng mang tên Lark Creek ở San Francisco. Trước đây ông từng là bếp trưởng của nhà hàng Campton Place. Nơi nào có Bradley, nơi đó có những món ăn ngon tuyệt vời. Bradley được xem là nhà tiên phong trong việc chuyển hóa tinh hoa ẩm thực truyền thống Mỹ thành những món ăn tinh tế và mang phong cách hiện đại. 
Ngoài công việc điều hành các nhà hàng, ông còn là phát ngôn viên cho nhiều công ty và tổ chức khác nhau như Hiệp hội các nhà sản xuất bơ sữa, Hiệp hội ngành nho, và Quaker Oatmeal. Ông cũng là cố vấn Hội Bếp trưởng các Hãng hàng không Mỹ và tham gia nhiều diễn đàn về nghệ thuật ẩm thực. Ông và vợ là Yody đã xuất bản một quyển sách dạy nấu ăn có tựa đề: Bradley Ogden's Breakfast, Lunch, and Dinner (tạm dịch: Nấu ăn hàng ngày theo phong cách Bradley Ogden).
Suốt buổi phỏng vấn, Bradley cứ phải đi đi lại lại bảo ban các trợ lý hoặc kiểm tra việc này việc khác. Ông là người khiêm tốn, ít khi nói về thành công của mình và luôn tri ân những người từng giúp đỡ ông. Tôi rất thích thú khi ngồi nghe những câu chuyện về thành công cũng như những tai nạn nghề nghiệp của ông trong quá khứ.
Nguồn: Vì sao họ thành công ? - First News và NXB Trẻ TPHCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét