Jane Cahill Pfeiffer - Nguyên TGĐ NBC, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị IBM
Bà cũng là Ủy viên quản trị của Đại học Notre Dame và Hội đồng Phát triển Hải ngoại, thành viên Hội đồng Quan hệ Quốc tế, Ban Hội nghị và Câu lạc bộ Công Kỹ nghệ gia Hoa Kỳ.
Jane là người phụ nữ đầu tiên cha tôi đề cập đến trong công việc của ông. Tôi rất ngạc nhiên khi biết cha tôi có một nữ cố vấn. Tuy vậy, nhiều năm sau đó tôi vẫn còn nghe về danh tiếng của bà và bà đã trở thành một trong những cố vấn thân cận nhất và được kính trọng nhất của cha tôi.
Lần đầu gặp bà khi còn bé, tôi chào bà trịnh trọng theo đúng khuôn phép đã được dạy dỗ. Nhưng bà yêu cầu tôi gọi bà là Jane. Jane rất thân mật, cởi mở và dễ trò chuyện. Bà nhớ như in từng đứa chúng tôi nhưng không phải vì chúng tôi là con của Tom Watson Jr., sếp của bà, mà bà thật sự quan tâm và thấu hiếu sự nhọc nhằn khi cha mẹ tôi phải nuôi dạy sáu đứa trẻ mà năm trong số đó là gái. Bà luôn dành thời gian hỏi han về cuộc sống của chúng tôi.
Tôi đã không gặp bà khá lâu và cuộc phỏng vấn này thật là một sự trùng phùng cảm động. Bà vẫn giữ phong thái giao tiếp tuyệt vời của mình với mọi người. Sự thông minh, quyết đoán và tự tin là những những phẩm chất đã giúp bà thành công trong kinh doanh.
Tôi thực hiện cuộc phỏng vấn tại nhà riêng của bà. Đó là một ngôi nhà rộng rãi, ngăn nắp và cho ta cảm giác dễ chịu như tính cách của bà. Chồng bà, Ralph Pfeiffer, đã mất một năm trước đó. Rõ ràng là Jane đã dành cả tình yêu và sự dâng hiến cho chồng, con và cả cháu của bà. Khi còn là một thiếu nữ, bà đã từng mong muốn trở thành nữ tu và niềm tin đó đã theo bà suốt chiều dài sự nghiệp lẫy lừng. Tôi tin rằng điều đó đã giúp bà đứng vững trước những thách thức khắc nghiệt dành cho một người phụ nữ muốn tiến lên vị trí cao nhất trong lĩnh vực kinh doanh vào những thập niên sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước.
Tôi thường khuyên sinh viên của tôi hãy là chính mình khi giao tiếp, nhưng rất ít người thấy thoải mái với lời khuyên này. Đa phần mọi người thường nói những điều cấp trên của họ thích nghe. Vì thế, khả năng giao tiếp của họ bị hạn chế. Riêng với Jane, bà chưa bao giờ tỏ ra e sợ khi bày tỏ chính kiến của mình, ngay cả khi đối diện với các nhân vật cao cấp. Dù yêu mến và tôn trọng cha tôi, bà vẫn nhận thấy những điểm tốt và cả những điểm xấu trong hành vi của cha tôi và sẵn sàng chia sẻ những suy nghĩ ấy một cách thẳng thắn. Bà thích chọn những cánh cửa hẹp và luôn vượt qua một cách tuyệt vời bằng ý chí sắt đá của mình. Quả thật tôi rất ngưỡng mộ bà.
Nguồn: Vì sao họ thành công ? - First News và NXB Trẻ TPHCM
Hết lòng chia sẻ thành quả, dám nhận trách nhiệm
“Luôn đúng giờ một cách chính xác, và trên tất cả là một khát vọng làm việc cần mẫn và sẵn sàng cống hiến - để không là một người bàng quan ngoài cuộc mà phải chung vai gánh vác mọi việc - cũng như đủ can đảm bày tỏ chính kiến của mình, dù cho có bị phản đối.”
- Jane Cahill Pfeiffer
Cứ thế tôi lớn lên bên cạnh mẹ, làm một đứa con ngoan, sẵn sàng gánh vác thêm trách nhiệm, và ấp ủ nhiều điều thú vị từ cuộc sống. Tôi vốn là một nữ sinh trường dòng. Vào những năm trung học, tôi từng muốn trở thành nữ tu nhưng rồi tôi cảm thấy mình cần phải kiểm chứng lại ước nguyện đó. Và tôi quyết định mình sẽ vào một đại học không dính dáng gì đến tôn giáo, Đại học Maryland.
Trường này có nhiều môn mới lạ và hấp dẫn - chẳng hạn như môn nghệ thuật sân khấu, xuất bản báo chí - và để cho sinh viên tự quản. Ở môn nghệ thuật sân khấu, tôi thực hành cả ở vai trò đạo diễn, viết kịch bản, và diễn viên. Tôi tham gia ban tự quản sinh viên và trở thành chủ tịch hội nữ sinh viên. Tôi được học với nhiều vị giáo sư giỏi như nhà sử học vĩ đại Gordon Prange, người đã làm tôi thật sự xúc động khi giảng về lịch sử Chiến tranh Thế giới thứ II và nước Nhật. Tôi còn rất thân thiết với ông Charles (Curly) Byrd, Hiệu trưởng trường và nhiều vị trưởng khoa khác nữa.
Điều lạ là tôi vẫn không từ bỏ ý định trở thành tu sĩ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Maryland, tôi vào một dòng tu kín ở Berkeley, California và dạy học ở đó một năm. Sau đó tôi quyết định trở về thủ đô Washington để sống cùng gia đình.
Năm 1955, tôi vào IBM, khi đó còn rất non trẻ, làm lập trình viên, rồi giảng dạy và có được rất nhiều kinh nghiệm với loại máy IBM 650, tiền thân của những chiếc máy vi tính cá nhân ngày nay.
Sau đó, đam mê chu du đây đó trỗi dậy trong tôi, tôi quyết định nghỉ việc ở IBM và đi du lịch vòng quanh châu Âu với hai người bạn. Vậy mà thần may mắn vẫn không từ bỏ tôi, một lãnh đạo cao cấp của IBM đã nghe một bài diễn văn do tôi trình bày trước công ty sau khi T.J. Watson, Tổng giám đốc, mất. Ông gọi cho mẹ tôi và bảo rằng ông sẽ tuyển lại tôi khi tôi trở về, khỏi phải nói cũng biết mẹ tôi cảm thấy nhẹ nhõm thế nào.
Năm 1957, trong nỗ lực đầu tiên của Chính phủ Mỹ cho chương trình chinh phục không gian, hàng chục người chúng tôi lao vào lập trình phóng những tên lửa, đầu tiên là không người lái, sau đó có chở theo một số sinh vật, và cuối cùng là có người lái. Lúc đầu dường như Buck Rogers của Mỹ có phần lấn lướt nhưng ngay sau đó phi thuyền Sputnik của Liên Xô được phóng lên. Cuộc chạy đua bắt đầu và chương trình không gian của Mỹ cất cánh. Thật tuyệt vời khi bạn đã từng là một trong những người lập trình và phân tích hệ thống đầu tiên của IBM vào thời kỳ sơ khai đó. Tôi thật sự trưởng thành khi làm việc cho chương trình không gian này.
Vào năm 25 tuổi tôi đi Bermuda để làm điều phối viên của chi nhánh IBM tại đó. Tôi sống ở Bermuda nhiều năm liền, làm việc cật lực và tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu. Vào giữa những năm 60 tôi có nhiều cơ hội nghề nghiệp và thăng tiến ở IBM, đồng thời cũng tham gia chương trình có tên gọi là Thực tập sinh Nhà Trắng. Đó là một chính sách của chính phủ nhằm tìm kiếm những người trẻ tuổi, thành đạt để giao cho những trọng trách trong thời gian một năm tại Nhà Trắng. Khoảng thời gian công tác ngắn ngủi đó đã mang lại cho tôi một cái nhìn cận cảnh về sự phức tạp trong việc quản lý và điều hành đất nước. Ở đây, tôi cũng được nhiều người quý trọng. Cho tới giờ, tôi vẫn còn liên lạc với Ngoại trưởng John Gardner, Ngoại trưởng Robert Wood, và nhiều bạn bè thực tập sinh khác ở Nhà Trắng.
Khi thời hạn phục vụ tại Nhà Trắng của tôi kết thúc vào tháng 9 năm 1967, Thomas Watson Jr. mời tôi ăn tối tại Washington và đề nghị tôi làm một trong những trợ lý hành chánh trong văn phòng của ông. Tôi nhận lời. Các trợ lý của Thomas Watson đều là những người hết sức dễ thương nhưng được ví như những quả ngư lôi sẵn sàng xuyên phá mọi bức tường. Vào ngày tôi bước vào tòa nhà Armonk, một đồng sự ra đón tôi đã nói: “Tôi luôn muốn biết một “nữ ngư lôi” sẽ hoạt động như thế nào”. Đó là khoảng thời gian rất thú vị: nhiều thay đổi trong cơ cấu tổ chức của IBM được thực hiện và đó cũng là giai đoạn trưởng thành vượt bậc của bản thân tôi.
Sau đó tôi được đề cử vào chức Phó Chủ tịch IBM, phụ trách thông tin liên lạc và đối ngoại với các cơ quan chính phủ. Thử thách lớn nhất là tôi phải theo đuổi và giải quyết những tranh tụng, kiện cáo về việc chống độc quyền kinh doanh. Và may mắn lại xuất hiện với tôi khi tôi được tiếp xúc với những người nổi tiếng như Burke Marshall, Nick Katzenbach, Frank Carey… Họ đều có những đức tính tuyệt vời và luôn dành thời gian học hỏi lẫn nhau. Tôi hạnh phúc khi có được những cố vấn vĩ đại như Bruce Oldfield và Jim Turnock trong những năm làm việc cho NASA. Tại IBM, bạn là đàn ông hay phụ nữ không thành vấn đề, điều quan trọng là bạn có hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hay không. Tôi thật sự biết ơn Thomas Watson vì ông ấy đã cho tôi nhiều cơ hội để chứng tỏ mình.
Cuộc đời tôi thật sự thăng hoa khi tôi lập gia đình với Ralph vào năm 1975. Lúc đó Ralph là Chủ tịch Hội đồng quản trị IBM khu vực Viễn đông (châu Mỹ). Vì muốn sống với nhau bên cạnh những đứa con tuyệt vời của anh ấy, tôi rời IBM và bắt đầu làm cố vấn cho những công ty tôi có quan hệ trước đây. Tổng thống Jimmy Carter mời tôi vào nội các của ông ấy vào năm 1976 nhưng lúc đó tôi vừa trải qua một cuộc phẫu thuật và mới lập gia đình với Ralph nên tôi đã từ chối.
Tháng 9 năm 1977, Fred Silverman, Chủ tịch NBC mời tôi giúp ông với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Thật là một thay đổi lớn khi tôi chuyển từ IBM xuống một tổ chức nhỏ hơn, cơ cấu tổ chức kém hơn. Mặc dù phải đương đầu với những vấn đề phức tạp nhưng được làm việc với Fred thật là một kinh nghiệm tốt. Chúng tôi đã tiến những bước dài trong việc đưa tin và những chương trình truyền hình chất lượng cao, kể cả những thành tựu nổi bật trong việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức nội bộ.
Fred và tôi phát triển theo hai hướng khác nhau, tôi rời NBC vào năm 1980 để trở về với công việc cố vấn của mình. Trên thực tế tôi phải đảm đương nhiều việc cùng lúc. Một phần ba thời gian dành cho kinh doanh, một phần ba cho những tổ chức phi lợi nhuận, và một phần ba để làm những việc Ralph và tôi yêu thích. Ralph là Giám đốc Thương mại Toàn cầu của IBM khi về hưu vào tháng 9 năm 1986. Vì cả hai chúng tôi chịu trách nhiệm xúc tiến kinh doanh và thực hiện những cam kết cho các quỹ từ thiện nên sau khi Ralph nghỉ hưu, tôi trở nên rất bận rộn. Mọi người thường thắc mắc sao mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp như thế. Vâng, đó là bởi tôi có một quan niệm sống giản dị: Luôn đúng giờ một cách chính xác, và trên tất cả là một khát vọng làm việc cần mẫn và sẵn sàng cống hiến để không là một người bàng quan ngoài cuộc mà phải chung vai gánh vác mọi việc cũng như đủ can đảm bày tỏ chính kiến của mình dù có bị phản đối. Dám nhận trách nhiệm là một trong những điều kiện cơ bản để thành công. Tôi thấy điều đó ở những đứa con riêng của chồng tôi. Bọn trẻ sẵn sàng nhận trách nhiệm về cuộc đời mình và làm cả những việc cực nhọc nhất để chuẩn bị bước vào đời nên chúng rất hiểu giá trị của công việc. Khi bạn hiểu rõ việc bạn đang làm và truyền cảm hứng cho người khác, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống thật thú vị.
Để thành công trong kinh doanh, bạn phải hết lòng chia sẻ những thành quả và dám nhận trách nhiệm khi cần. Thất bại là mẹ thành công, nhưng thành công có tới 1.001 người cha trong khi thất bại thì chẳng có lấy một người đỡ đầu. IBM là công ty tiên phong trong việc áp dụng phương pháp tổ chức hoạt động theo nhóm. Từ lập trình viên các cấp cho đến bộ phận truyền thông hay đối ngoại đều làm việc theo mô hình này để tập trung trí tuệ tập thể nhằm giải quyết các vấn đề nằm ngoài tầm hiểu biết cá nhân.
Việc kinh doanh ngày nay khác hẳn thời của tôi. Nó thay đổi từng ngày từng giờ. Không ai dám cam đoan là mình sẽ làm ở một công ty suốt đời. Công nghệ cũng phát triển nhanh đến chóng mặt. Lớp trẻ ngày nay phải nhận ra rằng họ phải luôn học, học, và học để theo kịp thời đại. Họ phải tự quyết định cuộc đời mình. Họ phải kiên trì và có lòng tự trọng cũng như sẵn sàng cống hiến để trở thành người hữu dụng cho xã hội chứ không nên có ý nghĩ rằng cuộc đời chỉ là một canh bạc mà họ, người chơi, chỉ cần chiến thắng mà không cần phân biệt đúng sai. Nếu bạn không có một chuẩn mực đạo đức nào để điều chỉnh hành vi của mình, bạn sẽ rất vất vả khi cần nhận diện điều tốt và điều xấu. Công ty đầu tiên bạn làm, cấp trên đầu tiên dìu dắt bạn, và những đồng nghiệp đầu tiên hỗ trợ bạn là những yếu tố bảo đảm sự thành bại trong sự nghiệp của bạn sau này. Hãy luôn ghi nhớ điều này.
Ở cấp độ rộng, nhiều người trẻ tuổi cần phải thấy rằng có một khoảng cách rất lớn giữa họ và những người khác ở khắp mọi miền đất nước và khắp nơi trên thế giới - một khoảng cách không gì có thể đo được. Nhìn lại nền kinh tế của chúng ta trong 10 năm gần đây, việc chi ngân sách diễn ra không đồng đều. Rồi sẽ có những nhóm người, già, trẻ, bé, lớn bị bần cùng hóa. Lớp trẻ cần tìm những phương cách cải thiện cuộc sống của họ. Ở nhiều thành phố, có nhiều người tình nguyện đi phát cháo từ thiện, làm việc cho các nhà dưỡng lão, xây nhà cho người vô gia cư, hay tham gia các chương trình giúp đỡ người tàn tật. Họ làm những công việc vừa giúp họ vượt lên chính mình, vừa giúp đỡ người khác và học hỏi được nhiều điều từ đó. Nếu cuộc đời của bạn chỉ gói gọn trong việc đi mua sắm và thu gom của cải mà không giúp đỡ ai thì tôi nghĩ rằng vào một độ tuổi nào đó, bạn sẽ giật mình tự hỏi: “Tất cả những điều đó thật sự có ý nghĩa gì?”. Chúng ta có sống mãi được đâu. Khi nghĩ về cuộc đời và cái chết của chồng tôi ở tuổi 69, tôi nhận ra rằng ông ấy là một người thật sự đã cống hiến hết tài năng của mình, ông đối mặt với cái chết một cách bình thản. Tôi còn nhớ lời ông ấy nói: “Mọi việc tôi muốn làm tôi đều đã làm. Tôi muốn làm lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa nhưng thế này tôi cũng mãn nguyện lắm rồi”. Đó là một tấm gương tuyệt vời cho tôi và các con của chúng tôi.
Tôi thường khuyên các con phải biết phân tích những việc chúng đang đối mặt, đơn giản bằng cách viết ra các khả năng có thể lựa chọn, ưu và khuyết điểm của vấn đề rồi tự quyết định dù biết rằng quyết định đó có thể thay đổi. Đừng phân tích chi li mọi thứ để rồi án binh bất động. Bạn phải tập cho mình tính cương quyết. Dĩ nhiên ngày nay việc quyết định sẽ khó khăn hơn thời của tôi vì có quá nhiều cơ hội, có thể làm bạn phân vân trong việc chọn lựa. Bạn phải tự mày mò bươn chải vì không có ai cầm tay chỉ việc cho bạn nữa. Người tài giỏi là người có một quan điểm riêng, có mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng và làm việc chăm chỉ. Bạn không thể để nước đến chân mới nhảy. Bạn phải vừa học vừa làm việc cật lực nếu bạn muốn thành công. Và điều này sẽ chẳng bao giờ thay đổi theo thời gian.
Kết luận
Jane Cahill Pfeiffer có một sự nghiệp đáng để mọi người mơ ước ở IBM, NBC và trong lĩnh vực tư vấn. Bà nói rằng bà đã đạt được điều đó nhờ biết sắp xếp và phân bổ thời gian, cộng với tinh thần làm việc chăm chỉ và lòng can đảm để làm một thành viên năng động trong mọi tổ chức mà bà tham gia.
Jane hiểu rõ những giá trị cơ bản, có óc tò mò có định hướng, dám nhận lãnh trách nhiệm khi cần thiết, và sống có mục đích rõ ràng bên cạnh người mẹ góa bụa. Cũng như các nhà lãnh đạo khác được đề cập đến trong quyển sách này, Jane thừa nhận mình cũng có sợ hãi, nhất là trong những năm làm việc cho chương trình không gian. Nhưng bà nhận ra thuốc giải độc cho sự sợ hãi chính là sự chuẩn bị chu đáo cho công việc và bà đã mang theo bài học này trong suốt sự nghiệp của bà.
Jane được thăng chức Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị đúng vào khoảng thời gian mà giới nữ đấu tranh yêu cầu được giao các trọng trách cao hơn trong các công ty. Ngày nay tuy môi trường kinh doanh trên thế giới đã rất khác biệt, nhưng những lời khuyên của bà vẫn còn nguyên giá trị. Đó là, trước hết cần xác định rằng bạn phải luôn học hỏi vì công nghệ ngày nay thay đổi từng giờ từng phút. Hai là, bạn phải hiểu rõ mình là ai và biết sử dụng các chuẩn mực đạo đức của bạn như một chiếc kim chỉ nam cho sự nghiệp của bạn. Ba là, luôn thành thật với lương tâm của mình dù có bị buộc thôi việc.
Cuối cùng, Jane luôn đề cập đến sự may mắn khi bà bắt đầu sự nghiệp trong một công ty xuất sắc. Từ đó bà khuyên lớp trẻ hãy cẩn thận trong việc chọn lựa công ty đầu tiên để bắt đầu làm việc. Điều đó tạo điều kiện cho họ học hỏi được nhiều từ một môi trường làm việc tích cực với những con người tài giỏi. Tuy may mắn không phải là tất cả, nhưng chính nó là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành đạt của một người phụ nữ như bà vào những thập niên 60 – 70 của thế kỷ XX.
Nguồn: Vì sao họ thành công ? - First News và NXB Trẻ TPHCM
Những câu chuyện về các doanh nhân thành đạt
Wilkes BashFord - Ông chủ chuỗi cửa hiệu thời trang Wilkes Bashford
Lần đó Wilkes bắt tay tôi và nheo mắt nói: “Tóc chị dài thật đấy!”. Tôi cười to vì không chỉ ông mà ai cũng nói như thế. Nhưng tôi thích để tóc dài vì nó tạo cho tôi một vỏ bọc để chống đỡ thế giới này và để tôi có cái mà mân mê mỗi khi phải dự họp. Từ đó trở đi, mỗi lần gặp nhau ông đều lưu ý tới mái tóc của tôi và nó trở thành một đề tài bông đùa bất tận giữa hai chúng tôi và lần nào tôi cũng chỉ cười và cam đoan rằng tôi sẽ không cắt ngắn nó.
Cửa hiệu thời trang của Wilkes có vị trí tốt nhất ở San Francisco. Dĩ nhiên ông có nhiều chi nhánh khắp bang California nhưng tôi luôn nhớ tới cửa hiệu mấy tầng lầu ở phố Sutter mỗi khi nghĩ về ông. Bước vào cửa hiệu, khách hàng sẽ bị mê hoặc dần theo mỗi tầng lầu bởi cách trang trí cực kỳ hấp dẫn và điệu nghệ. Nhân viên bán hàng rất nhiệt tình và luôn làm khách hài lòng tối đa. Wilkes rất am hiểu về thời trang và cung cách phục vụ. Ông thành công trong việc kinh doanh của mình bằng việc theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của cửa hiệu và luôn tuân thủ các nguyên tắc đã định. Căn cứ vào sự ngưỡng mộ mà mọi người dành cho ông thì có lẽ món tài sản quý giá nhất mà ông sở hữu chính là con người ông.
Tôi phỏng vấn Wilkes trong văn phòng của ông với sự hiện diện của một chú chó nhỏ. Tình yêu động vật đã thúc giục ông thành lập một nhà mở ở Mendocino dành cho các con vật bị bỏ rơi. Hàng năm ông đều tổ chức một cuộc diễu hành dành cho thú nuôi và chủ của chúng để gây quỹ tài trợ cho nhà mở này.
Wilkes là người có óc hài hước và rất vui tính nên cuộc phỏng vấn diễn ra khá thoải mái. Ông miêu tả cuộc đời mình với cái nhìn rất chi tiết. Và, cũng như nhiều người tôi từng gặp, ông có niềm tin mạnh mẽ rằng ông có thể thành công trong bất cứ công việc nào bằng sự nỗ lực không ngừng của mình. Thật vậy, ông lấy cảm hứng và niềm vui trong công việc làm động lực cho chính mình. Wilkes không bao giờ chê bai hay nói xấu ai cũng như luôn đối xử tốt và quan tâm tới tất cả mọi người. Những phẩm chất tuyệt vời đó chắc chắn đã đóng góp rất nhiều vào sự thành đạt của ông.
Nguồn: Vì sao họ thành công ? - First News và NXB Trẻ TPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét