P06: Vượt Lên Chính Mình - Tập 2 - hocviensong

Latest

Ad Section

BANNER 728X90

Thứ Tư, 21 tháng 7, 2010

P06: Vượt Lên Chính Mình - Tập 2

Sonny Hill
"Với tôi, thất bại là con đường ngắn nhất để đi đến thành công."

Nếu có dịp đến bang Philadelphia, bạn hỏi bất kỳ người dân nào ở đây Ông Bóng Rổ là ai thì hầu hết câu trả lời sẽ là Sonny Hill.
Ông không chỉ là huyền thoại của Liên đoàn Bóng rổ miền Đông trước đây, mà còn là đồng sáng lập viên của giải Baker League nổi tiếng thế giới, đồng thời cũng là một trong những phát ngôn viên người Mỹ da đen của Hiệp hội Bóng rổ Hoa Kỳ.
Hiện tại, Sonny Hill là Ủy viên cố vấn của đội Philadelphia 76ers và CoreState Spectrum. Ông là người đi tiên phong trong công tác xã hội và đã thực hiện vô số chương trình phát triển cộng đồng cùng các hoạt động thể thao khác nhau. Gần đây, Sonny Hill được trao giải “Clarence Farmer Service”, giải thưởng nhằm tôn vinh những đóng góp nổi bật của ông trong việc hòa hợp sắc tộc và giảm thiểu nạn bạo lực trong giới trẻ. Đúc kết những kinh nghiệm trong cuộc đời mình, Sonny Hill nói: "Vận rủi và sự phân biệt chủng tộc là  những người thầy vĩ đại của tôi".
Tôi lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của bà tôi. Bà luôn nhìn thấy ở tôi một điều gì đó thật đặc biệt. Dù luôn cho tôi được tự do thể hiện bản thân, nhưng bà cũng biết kìm tôi lại đúng lúc. Đó là nền tảng quan trọng cho cuộc sống của tôi sau này. Khi gặp trắc trở trong cuộc sống, tôi không ngại đối diện với nó. Nếu cố gắng hết sức, tôi tin mình sẽ chiến thắng, và tôi sẽ nỗ lực hết mình để thực hiện công việc đạt đến mức tốt nhất mà tôi có thể.
Thử thách đến với tôi rất sớm. Giai đoạn tôi trưởng thành, nạn phân biệt chủng tộc đã là chuyện "xưa như trái đất". Trong khu tôi ở, bóng chày là môn thể thao hàng đầu. Vào năm 1949, tôi là một trong bốn thiếu niên da đen được vào Liên đoàn Bóng chày Mỹ. Chúng tôi thuộc một đội duy nhất trong Liên đoàn có cầu thủ người da đen. Mặc dù là niềm tự hào của người dân trong vùng, nhưng tôi vẫn cảm thấy sợ hãi và bị xúc phạm bởi sự kỳ thị chủng tộc của mọi người xung quanh.
Những khi đến thành phố khác thi đấu, chúng tôi phải chịu đựng những hành vi tiêu cực từ nhiều người vì màu da của mình. Thế nhưng, khi vượt qua được những tổn thương của sự phân biệt, tôi đã nhận thức một cách rõ ràng hơn, đúng đắn hơn về điều này và dũng cảm đối diện với nó. Vị huấn luyện viên da trắng của chúng tôi, người khởi xướng việc chọn những người da đen vào đội bóng, còn đau đầu hơn cả chúng tôi. Thực tế, có không ít người da trắng đã mang đến cơ hội cho người da đen và họ đối xử với chúng tôi rất bình đẳng.
Khi đó, những học sinh da đen chỉ mới bắt đầu có cơ hội được chơi trong đội thể thao của trường trung học. Với khả năng đích thực của mình, tôi trở thành đội trưởng của môn bóng rổ lẫn bóng chày. Một lần nữa tôi lại đối diện với một đội hình và môi trường không có bất kỳ người da đen nào. Rất nhiều người trong số họ không thích chơi với người da đen. Nhưng cũng chính từ đó, tôi đã tìm được những người bạn thật sự, những người đồng đội chân thành đi cùng tôi trong suốt một chặng đường.
Tôi được nhận trợ cấp từ trường Cao đẳng Trung tâm của bang Ohio. Tôi ở đó một năm rưỡi, và đăng ký tham dự giải Liên đoàn Bóng rổ chuyên nghiệp (EBL) thuộc miền Đông nước Mỹ. Với chiều cao khoảng 1m76 và cân nặng 65kg, tôi không những là người duy nhất có chiều cao khiêm tốn, mà còn là vận động viên nhẹ cân nhất so với quy định về mặt thể chất của liên đoàn. Tôi chỉ có thể chơi ở vòng ngoài và không có quyền chọn lựa. Nếu ai đó chỉ đánh giá tôi qua thể chất thì họ đã lầm, bởi tôi có thể khẳng định năng lực của mình thông qua việc kiếm được 25 đô la cho một trận đấu. Hai ngày cuối tuần tôi kiếm được 50 đô la, một số tiền không nhỏ vào khoảng năm 1958, và ít người có thể kiếm được ngần tiền ấy chỉ trong một tuần như tôi. Ngoài ra, tôi còn kiếm được thêm 15 đô la khi thi đấu nghiệp dư trong đội hình Harlem Comedy Kids.
Rất nhiều lần tôi muốn nổi lên chống lại sự phân biệt chủng tộc một cách vô lý trong xã hội. Nhưng tôi đã cố nuốt cơn giận và sự tổn thương vào lòng. Để rồi khi bình tĩnh hơn, tôi nhận ra, vẫn còn nhiều cách để giải quyết tốt vấn đề. Trong một trận đấu bóng rổ chỉ duy nhất mình tôi là người da đen, các đối thủ vây quanh và nhạo báng tôi. Thay vì đập họ một trận cho hả giận, trái lại tôi vẫn bình thản bảo với họ rằng, mỗi một lần họ chơi xấu là một lần họ tạo cho tôi cơ hội ghi bàn. Kết quả cuối trận đấu tôi đạt được 55 điểm, và giành được danh hiệu Cầu thủ sáng giá nhất. Đám đông khán giả tận mắt chứng kiến cách tôi xử lý tình huống quá tuyệt vời nên quay sang ủng hộ tôi.
Thời điểm năm 1960, có một quy định là những cầu thủ giỏi nhất không được bố trí thi đấu trong suốt mùa hè. Tôi bèn tìm gặp những cầu thủ cùng lứa như John Chaney (huấn luyện viên Đại học Temple), Ray Scott (Detroit Pistons) và đồng lập ra giải đấu mang tên Baker League.  Đây là giải đấu chuyên nghiệp đầu tiên và duy nhất tổ chức thi đấu trong mùa hè. Mặc dù đang thi đấu cho đội  Harlem Comedy Kids trong giải EBL, làm việc cho Teamsters, nhưng tôi vẫn lo chu toàn cho giải Baker League từ việc chọn trang phục thi đấu cho cầu thủ đến việc trả lương cho các trọng tài. Ngoài ra, tôi cũng tham gia thi đấu một số trận và phụ trách huấn luyện. Giải đấu này đã trình làng những gương mặt cầu thủ tiêu biểu người da trắng lẫn da đen như: Wilt Chamberlain, Guy Rodgers, Woody Salisbury. Nhiều cầu thủ trong danh sách 50 cầu thủ giỏi nhất của giải NBA cũng chơi cho Baker League.
Thế nhưng, vận rủi vẫn không ngừng đeo bám tôi sau những thành công như thế. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây không phải là tôi đã đối diện với bao nhiêu khó khăn, mà là tôi đã xoay xở ra sao những khi gặp trở ngại.
Là người miền Nam, nên tôi phát âm hơi kéo dài. Ưu thế này đã giúp tôi làm tốt được nhiều nghề. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã thích được thể hiện mình nên tôi chú tâm vào việc luyện giọng cho đến khi có thể nói năng một cách hùng hồn và truyền cảm. Vì thế, khi giã từ sự nghiệp thi đấu thể thao, tôi phụ trách chương trình tường thuật của NBA trên kênh TV-CBS. Mặc dù chưa từng chơi cho NBA, nhưng kiến thức của tôi về các môn thể thao và quan hệ với các cầu thủ thuộc giải này rất tốt. Khi tôi cần làm các cuộc phỏng vấn về Bill Bradley, Rich Barry, Earl Monroe hay Wilt Chamberlain, họ sẵn sàng đến với tôi. Sau 4 năm tận tụy làm việc với CBS, không hiểu sao tôi lại bị sa thải. Khi sự việc xảy ra, không ai cho tôi một lời giải thích, ngoại trừ những lời chỉ trích tệ hại. Nếu họ muốn tôi thay đổi phong cách, tôi sẵn sàng thay đổi theo yêu cầu và sẽ thành công, nhưng tôi vẫn là chính mình. Tôi bị sa thải ư? Không hề gì! Bởi tôi tin những cơ hội khác sẽ lại đến với mình.
Hãy luôn tự hào về bản thân mình! Bạn sẽ vượt qua mọi trở ngại nếu bạn có được tính kiên trì. Hãy chứng tỏ cho những ai có thái độ kỳ thị bạn biết rằng, bạn không dễ dàng bị khuất phục trước thái độ của họ. Ngược lại, bạn sẽ làm tốt hơn nữa miễn là bạn có cơ hội.
Thành công không chứa đựng điều gì bí ẩn, nhưng người ta thích tin vào những phép mầu. Thực tế không có điều diệu kỳ nào mà không xuất phát từ một nền tảng là sự kiên trì và nỗ lực. Hãy can đảm đối mặt với những trở ngại và nỗ lực vượt qua nó. Hãy là một người thành công ngay cả khi thành công đó khởi đầu từ những thất bại.
Tôi tin những muộn phiền và thất bại đến với mình là nền tảng giúp tôi có thể cảm nhận cuộc sống ở một mức cao hơn.  
Anthony Robbins
Thất bại ư? Tôi chưa bao giờ gặp phải. Với tôi, chúng chỉ là những bước lùi tạm thời.
Dottie Walters
Nếu bạn đã cố gắng hết sức mình thì bạn sẽ vẫn thanh thản ngay cả khi gặp thất bại.
Robert S. Hillyer
Người ta không đánh giá tôi bởi số lần tôi vấp ngã mà là những lần tôi thành công. Bởi thành công đó chính là những lần tôi thất bại nhưng không bỏ cuộc.
Tom Hopkins
Nguồn: Vượt lên chính mình 2 - First News và NXB Tổng hợp TP.HCM

Dennis Palumbo
"Cuộc đời tôi tuy phải trải qua nhiều bất hạnh, nhưng tôi luôn chọn con đường sáng để đi."

Dennis Palumbo "ra mắt" điện ảnh Hollywood bằng kịch bản phim My Favorite Year, với sự tham gia diễn xuất của Peter O’Toole.
Chuyên mục “Cuộc đời nhà văn” trong nguyệt san của Hội Nhà văn Mỹ do ông phụ trách được công chúng đánh giá cao. Bước sang tuổi 40, ông chuyển sang lĩnh vực chữa bệnh bằng liệu pháp trị liệu tâm lý.
Trong lĩnh vực mới mẻ này, ông đã giúp những nhà viết kịch bản, đạo diễn phim, và những nhà viết tiểu thuyết mới vào nghề hiểu biết về những vấn đề tâm lý xã hội nhằm phục vụ cho việc sáng tác của họ. Không chỉ thế, ông còn tư vấn cho những ai có ý định thay đổi nghề nghiệp. Cần mẫn như một con ong tận tụy với nghề, để rồi sau đó Dennis Palumbo đã cho ra đời cuốn sách Writing From the Inside Out, và nó nhanh chóng trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất.
Ông bà tôi có chín người cháu và tôi là đứa đầu tiên được vào đại học. Hồi tôi còn bé, trong gia đình ai cũng muốn tôi sau này sẽ trở thành kỹ sư. Nhưng chỉ sau năm thứ nhất đại học, tôi đã bỏ ngang khoa cơ khí và chuyển hẳn sang lĩnh vực văn chương. Điều đó khiến cho gia đình và bố mẹ tôi rất thất vọng. Sau này khi đã làm cha, tôi mới thực sự thấu hiểu sự quan tâm và lo lắng mà mọi người dành cho tôi, một cậu thanh niên vừa tròn 18 tuổi. Lúc đó, tôi không quen biết bất kỳ một nhà văn nào. Vì thế, mọi người nghĩ tôi quá liều lĩnh trong quyết định của mình.
Thời gian đầu khi đến thành phố Louisville, bang Kentucky, tôi nhận viết quảng cáo cho đài phát thanh truyền hình. Nhưng sau đó tôi bỏ công việc này và chuyển đến Los Angeles. Ở đây, tôi bị thất nghiệp trong hai năm. Để kiếm sống, tôi đã viết và bán những mẩu truyện vui cho nhà xuất bản truyện tranh. Đó là loại công việc rất ít nhà văn nào làm. Nhưng tôi phải làm vì không tìm được việc nào khác. Trong lúc tuyệt vọng, tôi tìm đến sân khấu hài và thử giọng làm diễn viên với mong muốn ai đó trong nghề sẽ chú ý đến tôi. Sau khoảng tám, chín tháng làm việc miệt mài ở sân khấu hài, tôi nhận được lời từ chối nhận mình làm diễn viên hài kịch. Bà Mitzi Shore nói tôi không có khả năng diễn hài. Nếu Mitzi không thích lối diễn của bạn, đồng nghĩa với việc bạn sẽ không được lên sân khấu. Điều đó khiến tôi bị tổn thương. Tuy nói vậy, nhưng Mitzi vẫn mời Gabe Kaplan đến xem tiết mục của tôi. Tôi thừa hiểu ông ta đến không phải để xem tôi biểu diễn, mà chỉ để đánh giá khả năng viết lách của tôi thôi. Vài tháng sau, khi tôi sắp sửa nghỉ việc ở chỗ Mitzi, thì Gabe đã gọi điện cho tôi. Ông ta nói rằng đã đọc một số tài liệu tôi viết, và muốn tôi về làm việc ở chỗ ông ấy. Một năm sau đó, tôi đã thành công với những tác phẩm như Welcome Back, Kotter.
Nếu Mitzi thuê tôi làm diễn viên hài, có lẽ tôi sẽ không có cơ hội gặp ông Gabe. Sau thành công của My Favorite Year, tôi bắt đầu có định hướng cho con đường sắp tới của mình trong lĩnh vực viết lách, lĩnh vực mà tôi nghĩ mình có nhiều may mắn.
Trong vòng một năm rưỡi, tôi đi du lịch khắp thế giới và làm phim về những người leo núi cho nhà sản xuất Robert Redford. Theo chân những nhà leo núi, tôi đã trèo lên tận đỉnh Himalayas, sống ở đó một thời gian, chịu đựng nhiều khó khăn vất vả để hoàn thành bộ phim. Cũng từ đó, tôi khám phá ra một thế giới lớn hơn thế giới biểu diễn. Trong đầu tôi thoáng có ý định đổi nghề, mặc dù công việc vẫn luôn tiến triển suôn sẻ. Sau đó, tôi quyết định theo học thêm ba năm rưỡi ở trường Đại học Pepperdine.
Sau khi nhận được bằng tốt nghiệp, tôi làm bác sĩ thực tập ở khoa tâm thần của một bệnh viện. Ở đó, tôi tham gia 2 lớp học, trong đó có lớp của một giáo sư chuyên nghiên cứu về tâm thần phân liệt. Ông mời tôi hợp tác để chăm sóc và chữa trị cho các bệnh nhân tâm thần. Chắc bạn không thể tưởng tượng công việc này vất vả đến mức nào đâu! Chúng tôi phải làm việc với những người luôn ở trạng thái tinh thần không ổn định, phải vắt óc nghĩ ra những trò chơi mới để thu hút sự chú ý và tìm cách chữa trị cho họ - những người mà xã hội gọi là người điên.
Khi ngồi trong một nhà hàng sang trọng cùng thảo luận với những đạo diễn phim, mắt tôi cứ thường phải liếc nhìn đồng hồ vì sợ sẽ về bệnh viện muộn. Trong suốt một vài tháng đầu làm việc ở bệnh viện, áp lực nhiều đến nỗi tôi luôn có ý nghĩ mình đã chọn nhầm đường. Và tôi thầm lo ngại, không biết mình sẽ chịu đựng được bao lâu!
Trong nhóm bệnh nhân của tôi có Christ, một người lúc nào cũng trong trạng thái sợ sệt, luôn có ý nghĩ là ma quỷ sẽ bước ra từ chiếc tivi và bắt anh ta đi. Tôi cố gắng thuyết phục anh ta diễn lại ảo giác đó. Và anh ta càng từ chối  bao nhiêu thì tôi lại càng thúc giục bấy nhiêu. Bầu không khí trong phòng trở nên yên lặng lạ kỳ. Những bệnh nhân nhìn tôi chằm chằm. Đột nhiên, một người đứng dậy nói: "Này Christ, cái gã này còn điên nặng hơn chúng ta đấy". Thì ra, tôi đã nhầm tưởng rằng sự thúc giục của mình sẽ làm được một điều gì đó mang lại niềm vui cho họ, nhưng thực tế chẳng ai cười cả. Lúc đó, thầy hướng dẫn xuất hiện và vỗ vỗ vai tôi : "Đừng cố bắt họ làm những gì chúng ta muốn, mà hãy hiểu những gì họ đang làm".
Bệnh nhân thứ hai của tôi được chẩn đoán bị mắc chứng hoang tưởng. Anh ta cho rằng cuộc sống của mình như là một cái neo mà anh ta phải giữ chặt lấy, nếu buông tay anh ta sợ nó sẽ trôi mất. Và dù tôi đã rất cố gắng giúp anh ta thoát khỏi ý nghĩ đó, nhưng một lần nữa tôi lại không thành công. Một số người cho rằng tôi không thích hợp với công việc này. Thực sự bản thân tôi cũng cảm thấy như vậy. Đột nhiên tôi nghĩ: "Tại sao mình lại đi giúp người khác, trong khi những vấn đề của chính mình lại không thể giải quyết được".
Sau này tôi nhận ra, chỉ cần sự yêu thích và say mê nghề nghiệp thì dù bạn có mất bao nhiêu thời gian để thực hiện, cũng không thành vấn đề. Chẳng hạn như Harvey Keitel đã mất 7 năm để có thể trở thành diễn viên, vì anh luôn khát khao được đóng phim và cảm thấy cuộc đời mình gắn liền với phim ảnh. Và anh ta tìm mọi cách để biến ước mơ của mình thành hiện thực. Để có thể tiến xa hơn vào lĩnh vực mình yêu thích, bạn hãy xem những gian nan mà mình gặp phải trên đường đi là điều cốt yếu giúp bạn khẳng định tình yêu đối với nghề.
Một vài tuần sau đó, tôi tiếp xúc với một bệnh nhân mắc chứng nói thao thao bất tuyệt. Không thể chờ cho tới lúc anh ta nói xong, tôi ngắt lời: "Anh có thể ngừng nói trong 5 phút để chúng ta trò chuyện một lúc được không?". Sững người lại một lát, anh ta đáp: "Được thôi!". Từ lúc bắt đầu công việc này, đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc thật sự, bởi bệnh nhân đã chịu nghe theo lời tôi. Tôi xem đó là một bước đột phá lớn trong nghề của mình. Chỉ vì quá nghi ngờ về khả năng trở thành bác sĩ trị liệu, nên khi gặp những khó khăn nho nhỏ trong quá trình làm việc, tôi đã vội có ý nghĩ mình không có khả năng và không ít lần đã muốn bỏ nghề.
Mỗi khi gặp thất bại, tôi xấu hổ đến mức không nhìn thấy những kinh nghiệm quý báu ẩn trong đó. Phải thừa nhận một điều rằng, lúc còn là nhà văn tôi thấy mình rất may mắn. Chính vì vậy khi gặp thất bại, tôi không có đủ can đảm để đối diện với nó mà luôn tìm cách lẩn tránh, để rồi nghĩ mình là người kém năng lực làm việc. Tôi nhận thấy rằng, không chỉ bệnh nhân của tôi có thiếu sót trong vấn đề nhận thức mà chính tôi cũng vậy. Để có thể giúp đỡ họ, trước hết tôi phải tự tin vào bản thân mình và không bao giờ lùi bước trước khó khăn.
Khi bước lên sân khấu, bạn có thể đoán biết tâm lý khán giả để nhanh chóng đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của họ. Nhưng bệnh viện tâm thần không là sân khấu cũng chẳng phải phim trường. Đây là thế giới thật, với những con người thật đang mắc bệnh và đang trong tình trạng vô cùng đáng thương, mặc dù bản thân họ không hề cảm nhận được điều đó.
Đã không ít lần tôi tự hỏi: "Mình là ai trong thế giới này?". Tôi nhớ Samuel Johnson từng nói: "Hoàn cảnh khó khăn giúp con người hiểu mình là ai". Điều này dường như đang xảy đến với tôi. Tôi nghĩ mình đã học được rất nhiều điều, bởi tôi thành công ở cái tuổi rất trẻ, tuổi 20. Hóa ra, tất cả chỉ là ảo tưởng. Ở bệnh viện tâm thần, nơi ngày ngày tôi phải đối mặt với những bệnh nhân đang kêu la, gào thét, một lần nữa tôi lại loay hoay với câu hỏi "Mình là ai trong cái thế giới này?".
Có thể nói, đó là quãng thời gian xấu nhất trong cuộc đời tôi. Tôi đã từ bỏ sự nghiệp viết lách, vì vậy nếu rời khỏi bệnh viện, tôi không biết mình sẽ làm việc gì. Nhưng sự thật tôi không muốn lưu lại nơi này chút nào. Tôi không hiểu sao đang lúc thành công trong nghề viết, thoắt cái tôi lại đổi hướng con thuyền cuộc đời mình. Tôi thấy mình thật nông nổi trong mọi quyết định. Tôi có cảm giác dường như mình đã đánh mất nhiều thứ.
Nhưng cũng chính nhờ những trăn trở đó, tôi đã biết mình thực sự cần gì. Nó giúp tôi nhận ra những giá trị thật sự trong đời. Tôi lao vào làm việc miệt mài, quên cả bản thân mình để có thể đồng cảm với bệnh nhân. Khi tôi buột miệng: "Liệu anh có thể ngừng nói trong 5 phút được không?", lúc đó, tôi đã không còn đủ kiên nhẫn để nghe anh ta nói nữa. Và thật bất ngờ, dù mắc bệnh nhưng anh ta vẫn hiểu tôi đã nản đến mức nào. Anh ta nắm lấy tay tôi, ra vẻ đã hiểu vấn đề và hợp tác cùng tôi chế ngự căn bệnh của mình.
Thất bại là một trong những nguyên nhân dễ khiến bạn nản lòng nhất. Nhưng hầu hết những người thành công trên thế giới này đều phải kinh qua nhiều thất bại. Chính những lần vấp ngã sẽ cho bạn hiểu mình cần phải làm gì, mình là ai trong tương lai và làm sao để tránh lặp lại thất bại. Do vậy, bạn phải luôn luôn học hỏi để có thể tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Trong cuốn Warrior’s Code có một câu mà tôi rất thích, đó là: "Mạo hiểm, thất bại và lại mạo hiểm!".
Tôi nhận ra mình đã sai khi đánh giá thấp vai trò của thất bại, hay nói cách khác, tôi không dám đối mặt với rủi ro. Nếu không dám mạo hiểm, cơ hội thành công của bạn sẽ không nhiều. Jon Voight từng nói: "Bạn đừng sợ những khuyết điểm, hãy can đảm đối diện với nó, vì qua đó bạn sẽ học hỏi được rất nhiều điều thực sự bổ ích".
Hệ thống giáo dục của chúng ta luôn coi trọng thành tích bằng cách trao thưởng cho học sinh đạt điểm cao. Nhưng như thế sẽ tạo ra sự máy móc, rập khuôn theo những gì có trong sách vở, thiếu môi trường để các em tự do bay bổng với khả năng sáng tạo của mình. Chúng ta nên hạn chế tính cạnh tranh dựa trên điểm số và thành tích, đặc biệt trong những năm đầu tiên trẻ cắp sách đến trường. Hãy tạo điều kiện cho chúng có cơ hội khám phá những điều mới mẻ, dám mạo hiểm đương đầu với thử thách, và sẵn sàng đối đầu với thất bại. Bằng cách này, chúng ta sẽ giúp trẻ phát hiện ra khả năng thật sự của mình và khả năng đó sẽ giúp chúng tự chủ, chủ động hơn trong con đường học tập vươn tới những chân trời tri thức.
Trước đây, tôi không bao giờ chấp nhận thất bại. Nhưng giờ đây, tôi hiểu ra rằng, thất bại chính là con đường ngắn nhất đi đến thành công. Không ai có thể biết được mình sẽ thành công hay thất bại nếu không bắt tay vào hành động. Khi làm một việc gì đó, bạn nhận được nhiều lời khen hoặc chê từ bất kỳ ai, người thân, bạn bè, hàng xóm... là điều tất nhiên. Có thể bạn sẽ cảm thấy khó chịu vì điều đó, nhưng bạn hãy hiểu rằng, những lời đó xuất phát từ những cách nhìn khác nhau trong thực tế cuộc sống. 
Vẻ hào nhoáng sang trọng là thứ mà mọi người luôn ao ước, nhưng chính sự trưởng thành trong khó khăn mới thực sự làm người ta ngưỡng mộ.
Francis Bacon
Trên mỗi ngọn núi đều có những lối đi mà khi đứng dưới thung lũng, bạn không thể nhìn thấy được.
James Rogers
Những nỗ lực của bạn chỉ có thể đơm hoa kết trái nếu bạn quyết không bỏ cuộc.
Napoleon Hill
Những người thiếu năng lực luôn mong chờ kết quả tốt đẹp mà  chẳng muốn nỗ lực. Họ biện minh, thất bại là do họ kém cỏi và thiếu cảm hứng, hoặc không may mắn, chứ không thừa nhận là do mình thiếu nỗ lực. Những người tài năng đều nhận thức rằng để giành được vinh quang họ đều phải trải qua vô vàn thử thách, đối phó với những khó khăn đó bằng sự tự tin và lòng kiên trì. Do đó, một tính khí mạnh mẽ là bản chất của tài năng.
Eric Hoffer
Thất bại lớn nhất của một người là anh ta không bao giờ chịu thừa nhận mình có thể bị thất bại.
Gerald N. Weiskott
Khi phải chống chọi với những thử thách của cuộc sống, bạn đừng vội nản lòng. Bởi đó là cơ hội tốt để những khả năng tiềm ẩn trong bạn có dịp được phát huy
S. Young
Nguồn: Vượt lên chính mình 2 - First News và NXB Tổng hợp TP.HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét