P05: Vượt Lên Chính Mình - Tập 2 - hocviensong

Latest

Ad Section

BANNER 728X90

Thứ Tư, 21 tháng 7, 2010

P05: Vượt Lên Chính Mình - Tập 2

Julia Sweeney
"Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ, cho dù bạn luôn gặp phải những trở ngại."

Cùng với chương trình “Tối thứ bảy” được phát trên Đài truyền hình NBC, bộ phim It’s Pat đã đưa tên tuổi của Julia Sweeney lên hàng ngôi sao sáng giá trong làng điện ảnh. Ngoài ra, cô còn được biết đến với vai trò đạo diễn và biên kịch của bộ phim God Said.
Không chỉ thế, cùng với anh trai, cô cũng đã cho ra đời ký sự Ha để tuyên truyền phòng chống bệnh ung thư. Có lẽ, tất cả những thành quả này sẽ không bao giờ tồn tại, nếu Julia Sweeney không gặp phải thất bại ngay trong lần trình diễn đầu tiên của mình.
Trước đây, tôi chưa một lần nghĩ mình có khiếu pha trò. Nhưng tôi cho rằng mọi thứ đều có thể học được, do vậy tôi ghi danh vào lớp đào tạo diễn viên hài. Vốn thích tìm hiểu tiểu sử các vị thánh cũng như nghiên cứu về cuộc đời của họ, tôi thấy có những vị rất hài hước và muốn học hỏi sự hài hước đó. Vì vậy, khi được yêu cầu trình diễn một vai nào đó, tôi nghĩ ngay đến nhân vật Mea Culpa. Thế là tôi sắm vai Mea Culpa trong bối cảnh cô ấy làm báo cáo thu hoạch ở trường, với những tấm áp phích hình ảnh các vị thánh vui tính do mình thiết kế.
Tôi đến biểu diễn ở một sân khấu hài trong dịp Open Mike Night (dịp để các diễn viên, nhà thơ… - những nghệ sĩ nói chung - thử nghiệm tác phẩm của họ trước khán giả). Thông thường khi bước lên sân khấu, bạn sẽ nhận được những tràng pháo tay cổ vũ, khích lệ, nhưng tôi không có được diễm phúc đó. Những tiếng la ó, phản đối rộ lên từ những hàng ghế khán giả khi tôi xuất hiện trong trang phục của nhân vật Mea. Mọi người hò hét đuổi tôi xuống sân khấu. Ngượng nghịu bước ra sau cánh gà, trong khoảnh khắc tôi cảm giác như có hàng vạn mũi dao đâm xuyên tim mình. Tôi đau khổ nghĩ rằng mình là một kẻ thất bại. Thì ra, qua cách phục trang, họ đã đánh đồng tôi với nhân vật nên vội vàng kết luận tôi là một diễn viên chẳng ra gì. Họ không hiểu tôi chỉ là người thể hiện nhân vật.
Vừa lúc đó, cô bạn cùng lớp, người đi cùng tôi đến đây và đã trình diễn trước, nhìn thấy tôi và hồn nhiên bộc lộ niềm vui sướng tột độ của mình:  "Này, hãy đoán xem chuyện gì đã xảy ra? Mitzi Shore, chủ câu lạc bộ đã chọn mình!". Trong tâm trạng hân hoan đó, buổi diễn đã kết thúc nhưng cô chưa vội về nhà mà muốn ở lại để tận hưởng niềm vui chiến thắng cùng những người bạn mới. Còn tôi, đang phục trang như nhân vật Mea và tay cầm những tấm áp phích to tướng hình ảnh các vị thánh, lại vừa bị khán giả tẩy chay nên tôi không muốn nán lại thêm phút giây nào nữa.
Tôi thu dọn những tấm áp phích và chuẩn bị ra về. Đúng lúc đó tôi nhìn thấy Mitzi đi về phía khu nhà tắm. Tôi chợt nhớ đến lời cô bạn khi nãy bảo tôi sao không hỏi thử Mitzi xem kết quả thế nào. Tôi trả lời cô ấy rằng có lẽ không được, vì khán giả đã thẳng thừng từ chối tôi. Nhưng bạn tôi nghĩ rằng Mitzi sẽ nghĩ khác: "Thế thì sao nào? Mitzi là một thiên tài, có thể cô ấy có cách nhìn khác. Bạn phải mạnh dạn lên chứ. Không hỏi thì làm sao biết được?".
Ngẫm thấy lời cô bạn cũng khá có lý, tôi đã đuổi theo Mitzi vào tận khu nhà tắm và tần ngần đứng đợi bên ngoài. Dẫu biết hành động của mình như thế là không được lịch sự cho lắm, nhưng tôi vẫn kiên nhẫn đợi. Cuối cùng, Mitzi cũng bước ra khỏi phòng tắm, tôi vội lên tiếng: "Chào chị Mitzi, tôi vừa diễn trên sân khấu, không biết tôi có thể…". "Cô diễn quá tệ, tồi tệ vô cùng! Cô không nhận thấy rằng chẳng ai cười được cả sao?". Lời nhận xét lạnh lùng của cô ta như gáo nước lạnh dội vào mặt, tôi đứng lặng người, nước mắt chực trào ra vì cảm thấy bị tổn thương ghê gớm. Tôi đỏ mặt ấp úng: "Vâng… vâng…". Mitzi tiếp lời: "Nếu người ta có nhận cô, cô cũng phải tự trọng mà từ chối chứ!". Lúc này tôi không sao kìm được nữa, để mặc cho nước mắt tuôn trào. "Vâng… cảm ơn chị", tôi nghẹn ngào trong tiếng nấc. Nỗi tủi nhục lẫn xấu hổ tràn ngập trong lòng. Tôi lặng lẽ quay đi và cảm giác như mình phải mất cả trăm dặm để quay ra chỗ đỗ xe, dù khoảng cách thật sự chỉ chừng vài chục mét. Chưa bao giờ như lúc này, tôi muốn được trở về nhà ghê gớm. Tôi  muốn được "giải thoát" khỏi nơi đây càng nhanh càng tốt.
Suốt đoạn đường về nhà, tôi đã suy nghĩ rất nhiều, tôi nhận thấy rằng với bối cảnh mà mình đã chọn, lẽ ra tôi không nên diễn hài theo cách vừa rồi. Nhưng tôi cũng chưa nghĩ ra sẽ thể hiện theo cách nào. Tôi cay đắng nhận thấy sân khấu hài không phải là sân chơi dành cho mình vì tôi không đáp ứng được những đòi hỏi của khán giả. Với một diễn viên mới bước lên sân khấu, việc phải đối mặt với tình huống như thế quả là một cú sốc quá lớn. Nhưng tôi cũng không phủ nhận rằng, chính điều đó đã giúp tôi có thêm nghị lực mạnh mẽ để có thể vượt qua những trở ngại trong cuộc sống sau này.
Tôi không thực hiện bất cứ vở hài kịch nào trong suốt một năm sau đó. Tôi tập trung cho công việc chuyên môn của một kế toán và được thăng chức. Cho đến một ngày, tình cờ tôi đọc được bài viết trên tờ Groundlings có đề cập đến lớp thử giọng cho các diễn viên nghiệp dư, tôi nghĩ mình nên đăng ký theo học. Và sau hai khóa tham dự, tôi đã xác định  được con đường sắp tới mình sẽ đi.
Để có thể xác định môi trường thích hợp cho sự phát triển của một giống cây nào đó, bạn phải thử nghiệm rất nhiều lần trong phòng thí nghiệm mới cho ra kết luận  cuối cùng. Còn tôi, trước đây tôi thất bại bởi tôi không biết được môi trường nào thật sự thích hợp với mình.
Khi đến với sân khấu hài lần đầu, tôi không biết được rằng có vô số cách để gây cười; vẫn có những khán giả thưởng thức thể loại hài của tôi, nhưng không phải là tất cả. Nếu tối hôm đó tôi không thất bại, có lẽ mãi mãi tôi sẽ không nhận thức được điều này. Biết thêm nhiều cách để thực hiện công việc của mình, bạn sẽ dễ dàng thành công hơn. Tôi khám phá ra rằng, trước khi có thể bộc lộ được khả năng thật sự của mình, bạn cũng cần phải biết những gì mình không thể làm được. Vì vậy với tôi, thất bại chính là bước đệm cho những thành công sau này.
Đôi khi, những thành quả tuyệt vời lại xuất phát từ những thất bại sớm gặp phải.
Thomas H. Huxley
Hầu hết những thành quả quan trọng trên đời đều được tạo ra bởi những người dù chẳng còn chút hy vọng nào nhưng vẫn kiên trì theo đuổi điều mình mong ước.
Dale Carnegie
Trong chừng mực nào đó, chúng ta đôi khi phải chấp nhận những điều không như ý. Nhưng tuyệt đối không được từ bỏ niềm hy vọng.
Martin Luther King, Jr
Nguồn: Vượt lên chính mình 2 - First News và NXB Tổng hợp TP.HCM

Victoria Williams
"Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạn hãy luôn tự hào về chính bản thân mình."

Với ngôn từ sống động và những giai điệu mạnh mẽ, Victoria Williams đã để lại ấn tượng không phai trong tâm trí mọi người. Album “Sweet Relief: A Benefit For Victoria Williams” là một tập hợp các tác phẩm xuất sắc của cô.
Trong album này có sự hiện diện của rất nhiều ca sĩ nhạc rock nổi tiếng như: Pearl Jam, Lou Reed, Matthew Sweet, Lucinda Williams, ban nhạc The Jayhawks... Có thể nói, chính tài năng và lòng đam mê nghề nghiệp là kết quả của hành trình đấu tranh chống chọi lại căn bệnh quái ác mà Victoria Williams  đang phải gánh chịu.
Chuyện xảy ra vào đầu những năm 1990, lúc đó tôi đang gặp nhiều khó khăn và tôi nghĩ chỉ có rượu mới có thể giúp mình giải tỏa được những căng thẳng, làm sáng tỏ những vấn đề tôi đang phải đối mặt. Kết quả, tôi trở thành một kẻ nghiện rượu trầm trọng. Sau đó, nhận thấy viễn cảnh tồi tệ của thói nghiện ngập này, tôi ngưng uống và gia nhập Hội những người nghiện rượu vô danh.
Lúc đó, tôi đang ở New York thu âm cho album đầu tiên của mình. Tôi cảm thấy mệt mỏi và không muốn tiếp tục nữa, nhưng nhà sản xuất không đồng ý. Họ đã đầu tư khá nhiều tiền vào album này và buộc tôi phải hoàn tất. Tôi càng cảm thấy bị áp lực nặng nề.
Công đoạn thu âm cuối cùng rồi cũng xong, nhưng lại không được in ra đĩa dù nhận được khá nhiều lời khen tặng từ các nhà phê bình. Tôi đến gặp người chịu trách nhiệm phát hành CD, họ nói: "Những đĩa thu âm loại nhạc giống như của chị đang đầy ắp kho mà chúng tôi không sao phân phối được". Rời Hãng Geffen, tôi  thu một album cho Hãng Rough Trade, nhưng được một thời gian hãng này lại lâm vào cảnh phá sản. Đã hai lần thu âm, nhưng những bản nhạc được thu âm của tôi rốt cuộc cũng chẳng cái nào được phát hành. Thêm vào đó, vợ chồng tôi vừa ly hôn, tinh thần tôi càng thêm sa sút.
Thật bất ngờ, tôi nhận được cuộc điện thoại của một phụ nữ mời tôi tham gia vào chuyến lưu diễn của Neil Young (trong khi những album của tôi chưa được phát hành và tôi cũng chẳng được ai biết đến). Làm sao có thể từ chối một cơ hội hấp dẫn như thế, khi mà tôi rất thích Neil và những bản nhạc của anh ấy? Tôi sung sướng mỉm cười với ý nghĩ được đứng chung sân khấu với thần tượng của mình. Cuối cùng, giấc mơ của tôi đã thành sự thật.
Những ngày sau đó, tôi khá tất bật với chuyến lưu diễn của Neil. Lịch diễn dày đặc, cộng với rất đông khán giả đến xem và cổ vũ cuồng nhiệt khiến tôi kiệt sức. Vào buổi diễn thứ 26, tôi nhận thấy có cái gì đó không ổn nơi mình. Chân tôi không thể bước nhanh, và tay không cử động được. Tôi đến ba bệnh viện khác nhau để khám, sau cùng, có một vị bác sĩ đoán rằng có thể tôi bị chứng đa xơ cứng. Trong tình trạng không tiền bạc, không bảo hiểm y tế, đã ly dị chồng, và đang phải chịu đựng căn bệnh mà chưa ai biết chính xác là gì, tôi hoang mang không  biết sắp tới chuyện gì sẽ xảy ra với mình nữa.
Các bác sĩ cho biết họ không thể đoán chính xác nguyên nhân căn bệnh của tôi, và vì thế, không có phương thuốc nào để chữa trị. Lúc đó, tôi thấy rất sợ, cả cô đơn nữa, mặc dù bạn bè vẫn hay đến bệnh viện thăm nom. Trong ngày tôi xuất viện, có một điều ấm lòng đã xảy ra: một quỹ từ thiện nào đó ở Los Angeles đã trả tất cả viện phí cho tôi. Sau đó, tôi được biết các nhạc sĩ ở New York đã giúp đỡ tôi bằng cách đăng ký tên tôi cho quỹ này, với mong muốn tôi nhận được sự hỗ trợ. Và rất nhiều người tôi chưa từng quen biết đã tìm cách liên lạc với tôi. Như ông Frank Sinatra, một người  hoàn toàn xa lạ, cũng gởi cho tôi 1.000 đô la. Tôi thầm cảm ơn lòng hảo tâm của Frank Sinatra, và không ít lần tự hỏi, không biết đã bao lần ông ấy giúp đỡ những người xa lạ như tôi.
Căn bệnh bí hiểm thách thức tôi rất nhiều. Nó làm tôi đôi lúc chẳng nhìn thấy gì. Cảm giác đó thật khủng khiếp. Các bác sĩ bảo đó là triệu chứng bị ảnh hưởng bởi thần kinh, nó có thể sẽ kéo dài 2 tuần, 2 tháng hoặc cũng có thể là 2 năm. Chẳng ai có thể xác định được nguyên nhân. Trên thực tế, triệu chứng này chỉ kéo dài với tôi 2 tuần. Nhưng cũng chính nhờ nó, tôi đã viết được một số ca khúc xuất thần, lột tả được tâm trạng phức tạp của mình trong thời điểm bấy giờ.
Tôi thử chơi đàn guitar trở lại, nhưng những ngón tay của tôi hầu như bị tê cứng và không thể cử động như trước kia. Nỗi tuyệt vọng khôn cùng bao trùm lấy tôi. Nhưng nghĩ tới tấm gương của mẹ, người đã chiến thắng căn bệnh ung thư chết người, tôi cũng dần khôi phục lại niềm tin. Tôi không thể để cho những cơn đau và căn bệnh khống chế cuộc đời mình. Thay vì xấu hổ phải giấu đi đôi bàn tay không còn những cử động tinh tế được nữa, tôi đã cố gắng dùng nó vào những việc khác. Tôi ra khu vườn sau nhà, dùng tay để đào đất và trồng cây. Và trong lúc trồng cây, tôi đã nghĩ ra cách chơi đàn thật độc đáo. Tôi khám phá ra các kiểu điều chỉnh âm điệu khác nhau… Hiện giờ, tôi đang chơi đàn theo kiểu đó. Tôi thích những giai điệu mới mà tôi tự mình tạo ra. Với những hạn chế về bệnh tình của mình, khi làm được những việc như vậy, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc đang len lỏi trong lòng. Khi không thể làm theo cách bình thường, bạn buộc phải tìm những cách khác thường để thực hiện những công việc hàng ngày. Và cũng nhờ những hạn chế của bản thân, tôi có nhiều cơ hội để sáng tạo hơn. Chính những tảng đá chắn đường đã trở thành những nấc thang cho tôi bước lên cao hơn.
Thỉnh thoảng, tôi vẫn bị co giật trong lúc chơi đàn. Hai bàn tay không còn tuân theo sự điều khiển của tôi nữa. Trước đây, tôi vẫn thường nghiêm khắc và cố gắng kiểm soát những việc mình làm, chẳng hạn chơi một bản nhạc đúng điệu. Nhưng bây giờ, tôi để âm nhạc tự do chảy theo những xúc cảm của chính mình. Tôi đã học được cách cười chính mình, ngay cả những lúc trên sân khấu. Dần dần, tôi bắt đầu nhận thức được sự tự do mà mình đang có. Đó là tôi có quyền chọn lựa thái độ sống của mình, hoặc chán nản vì đôi tay tê cứng, hoặc tạm hài lòng với những âm thanh mà đôi tay tê cứng ấy luôn cần mẫn trên các phím đàn…
Không chỉ đôi tay đau và tê cứng, hai bàn chân tôi cũng vậy. Chúng bị thít chặt lại mỗi khi tôi chơi đàn, nhất là khi chơi dương cầm. Chúng thực sự làm tôi khó chịu. Tôi nghĩ, những người đang trong tình trạng như tôi, tâm trạng họ chắc chắn cũng sẽ tồi tệ không kém. Có người bị chứng viêm khớp nặng, họ không chịu nổi sự đau đớn nên luôn cho rằng đó là căn bệnh nghiêm trọng và ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ cuộc sống của họ. Còn tôi, tôi đã học được cách chấp nhận, cố gắng vượt qua nỗi đau, giữ vững tinh thần và sống với một thái độ lạc quan.
Thực sự mà nói, để làm được như thế không dễ chút nào. Đã không ít lần tôi đã có ý định tự vẫn bởi tôi nghĩ mình không thể sống chung với căn bệnh này. Hoặc là tôi sống với một cơ thể khỏe mạnh, còn không thì tôi chẳng muốn trở thành gánh nặng cho người khác. Nhưng nghĩ lại, tôi không muốn trở thành một người hèn nhát và thiếu trách nhiệm với gia đình khi vin vào lý do đó để trốn chạy cuộc sống.
Trong suốt thời gian đó, chúng tôi vẫn gặp khó khăn về tài chính, vì thế Megan Ochs (con gái của danh ca huyền thoại Phil Ochs) và Sylvia Reed (vợ của Lou Reed) cùng làm album quyên góp cho tôi, với sự góp mặt của nhiều nhạc sĩ và ca sĩ tên tuổi thu âm những bản nhạc của tôi. Trong đó có Pearl Jam, the Jayhawks, Soul Asylum, Lucinda Williams, Lou Reed, Michelle Shocked, và nhiều người khác nữa. Một nhạc sĩ như tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được những nhân vật nổi tiếng này dành thời gian và tài năng của họ để giúp đỡ. Sự kiện này khá đặc biệt, vì vậy tôi quyết định trích ra một phần tiền thu được từ album lập ra quỹ Sweet Relief để giúp đỡ những nhạc sĩ không có bảo hiểm y tế trang trải viện phí nếu chẳng may có ai đó phải nằm viện. Ngày nay, thông qua những đóng góp của các cá nhân và tổ chức, quỹ Sweet Relief vẫn tiếp tục phát triển và giúp đỡ được rất nhiều nhạc sĩ vượt qua hoàn cảnh khó khăn.
Tôi chưa bao giờ thừa nhận căn bệnh đa xơ cứng là một may mắn đối với mình, nhưng tôi cũng không phủ nhận nó đã dạy tôi rất nhiều điều hay mà bình thường tôi không thể học được. Tôi biết quan tâm đến sức khỏe của mình hơn, như thay đổi thói quen ăn uống, tránh không ăn các món chiên, bánh mì… Trước đây, tôi miệt mài làm việc không kể giờ giấc, nhưng bây giờ tôi đã biết điều chỉnh nhịp độ. Nếu không bị bệnh, tôi nghĩ có lẽ nghề nghiệp của mình không được thăng hoa như bây giờ. Hầu hết những người tôi gặp đều nói họ biết tôi thông qua album Sweet Relief.
Có thể nói không ngoa rằng, căn bệnh đa xơ cứng chính là người thầy của tôi. Nhờ nó, tôi càng biết quý trọng mỗi ngày mình được sống. Tôi hiểu được giá trị thật sự của những người bạn. Để cuộc sống càng thêm thú vị và ý nghĩa, đôi khi chúng ta cần phải trải qua bão tố trước khi được hưởng bầu không khí trong lành của một ngày nắng đẹp. Cần lắm chứ những cơn cuồng phong như vậy, để con người có thể gắn kết lại với nhau...
Sau giai đoạn xới đất và gieo giống đầy gian nan, phần thưởng ngọt ngào sẽ đến một cách tự nhiên  vào mùa  thu hoạch.
Venerable Grand Master Hsing Yun
Cơ hội luôn đến vào lúc bạn không ngơ nhất.
Khuyết danh
Trong mỗi khó khăn, thất bại, và cả những nỗi khổ tâm đều chứa đựng mầm mống của thành quả tốt đẹp hoặc hơn thế nữa. 
Napoleon Hill
Tính cách không thể phát triển trong một môi trường êm ả và bình lặng. Chỉ khi trải qua những thử thách và chịu đựng, tâm hồn bạn mới thực sự mạnh mẽ, mục tiêu mới trở nên rõ ràng hơn, khát vọng ngày càng mãnh liệt hơn - và bạn sẽ thành công nhờ những điều đó.
Hellen Keller
Nếu mặt biển mãi mãi bình lặng, chắc chắn những thủy thủ tài ba sẽ chẳng bao giờ có mặt trên đời.
Ngạn ngữ Anh
Không phải tự dưng kim cương có thể sáng lấp lánh.
Mary Case
Những gì làm bạn đau khổ sẽ dạy bạn nhiều điều.
Benjamin Franklin
Nguồn: Vượt lên chính mình 2 - First News và NXB Tổng hợp TP.HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét