Sự kết hợp văn hóa Đông và Tây
“Thành công xuất phát từ một tầm nhìn rõ ràng và sự nỗ lực hết mình. Không phải mọi cố gắng của bạn luôn mang lại thành công, nhưng bạn có quyền tự hào vì đã cố gắng hết mình. Làm được điều đó, bạn đã thành công đến chín mươi phần trăm.”
- John Chen
Họ đã đi đầu trong làn sóng thu nhỏ những chiếc máy tính mainframe của IBM (máy chủ, rất đồ sộ về kích thước nhưng dung lượng hạn chế) để hạ giá thành và tăng tính hiệu quả.
Đó là cả một kỷ nguyên mới về mạng máy tính. Hãng Sun Microsystems cũng từng bước lớn mạnh thành một công ty cung cấp dịch vụ mạng sừng sỏ với trị giá tài sản lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ. Một số công ty đã có phần mềm bổ sung và một trong số này là Sybase. Vào thời điểm đó, Sybase thiết lập những cơ sở dữ liệu để chạy những máy vi tính đời mới nhằm thay thế dần những chiếc máy IBM vừa kềnh càng vừa có hệ điều hành phức tạp.
Ngày đó người ta đồn rằng IBM sắp phá sản nhưng rõ ràng họ vẫn lớn mạnh cho đến hôm nay. Riêng Sybase có những bước tăng trưởng nhảy vọt và trở thành một trong những đứa con cưng của ngành công nghiệp máy tính non trẻ này vào những năm đầu của thập niên 90. Tất cả các công ty ở Wall Street và vô số các công ty bưu chính viễn thông đều sử dụng phần mềm của chúng tôi. Lúc đó, các sáng lập viên và những người giữ vị trí chủ chốt trong công ty có thu nhập rất cao và họ trở nên kiêu ngạo - ít nhất là theo suy nghĩ của tôi. Còn tôi thì đang điều hành một công ty sản xuất linh kiện máy tính (phần cứng) và đang cố tìm cách hợp tác với Sybase. Nhưng Sybase thành công đến mức họ chẳng chịu ngồi nghe ai cả. Nếu bạn đến Sybase để giới thiệu về công ty bạn mà không đồng ý hoặc không hiểu mọi điều họ nói thì tốt nhất là đừng tới đó. Một trong những "nạn nhân" của Sybase là SAP, kẻ dẫn đầu trong trào lưu tiếp theo, tức thiết kế và cung cấp các dịch vụ mạng trọn gói cho khách hàng. SAP muốn hợp tác với Sybase để cải tiến và phát triển phần mềm hơi kém hiệu năng của Sybase nhưng Sybase ngoảnh mặt làm ngơ. Hành động này đã biến SAP thành đối thủ cạnh tranh của Sybase và giải pháp phần mềm Oracle ra đời.
Thật không may cho Sybase, vào giữa thập niên 90, nhiều công ty bắt đầu lo lắng về cái gọi là sự cố Y2K. Việc lập trình lại mọi thứ tỏ ra không hiệu quả, nhất là về giá cả, nên họ cần những trình ứng dụng trọn gói. Đó là thời cơ của SAP và họ đã không bỏ qua. Cuối năm 1993, Sybase bắt đầu lao vào ngõ cụt, và thay vì cố gắng hết mình để giành lại thị trường thì họ lại đi theo một hướng khác. Họ liên doanh liên kết với các đối tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau hòng mở rộng thanh thế - từ nghiên cứu phát triển, cơ sở dữ liệu, triển khai ứng dụng, và công nghệ kết nối không dây. Tuy nhiên, sự hợp tác chỉ kéo dài không quá chín tháng vì công ty chẳng có một chiến lược kinh doanh hay thế mạnh quản lý nào để có thể điều hòa các lợi ích giữa các bên. Đó là vào năm 1995 và Sybase là một Liên minh (Conglomerate) có tổng doanh thu hơn một tỉ đô la. Dù Sybase cho chào đời nhiều công nghệ tiên tiến nhưng thị trường vẫn không chấp nhận vì khách hàng chuộng những phần mềm trọn gói hơn cho việc giải quyết sự cố máy tính năm 2000. Do đó Sybase rơi vào tình thế khó khăn, mất dần thị phần và doanh số sụt giảm xuống mức 800 triệu đô la trong bốn năm liên tiếp.
Cuối năm 1997, tôi được mời vào Sybase thế chỗ Mitchell Pressman, Tổng giám đốc vừa bị cho nghỉ việc, để thực hiện ý đồ của Ban giám đốc là cải tổ công ty và đưa nó trở về vị trí trước đó trên thương trường. Lúc tôi vào thì các lãnh đạo chủ chốt đã bỏ đi nên hệ thống tổ chức nội bộ bị thiếu hụt, gãy vỡ và rối tung. Sybase có chi nhánh ở 60 quốc gia với hơn 6.000 nhân viên nhưng hoạt động kém hiệu quả vì thiếu tầm nhìn chiến lược và tính đồng nhất. Tôi đã từng thành công trong việc xoay chuyển tình thế của Pyramid Technology, một công ty có quy mô nhỏ hơn, chẳng những đưa nó trở lại làm ăn có lãi mà còn khuyếch trương thêm. Vì vậy, Hội đồng quản trị Sybase tin tưởng tôi có thể bắt tay vào việc để giải quyết rốt ráo mọi vấn đề của công ty, từ những nguyên lý kinh doanh nền tảng đến việc thành lập một đội ngũ nhân viên làm việc hiệu quả và xây dựng một tầm nhìn chiến lược hướng về thị trường, cũng như tăng doanh số bán và làm cho các bảng cân đối kế toán trở lại sáng sủa hơn. Họ cần một người biết việc, và đó là lý do tôi được chọn.
Lúc mới bắt đầu sự nghiệp, tôi thường kiêu ngạo cho rằng mọi người đều khờ khạo còn tôi thì quá khôn ngoan. Tôi tốt nghiệp Cal tech (Học viện Công nghệ California), nơi chúng tôi được nhồi nhét ý nghĩ rằng mình nằm trong số một phần trăm những con người có đầu óc siêu việt nhất thế giới. Nhưng về sau, càng thành công, tôi càng thấm thía một câu châm ngôn của Trung Quốc rằng núi cao còn có núi cao hơn.
Tuy vậy, tôi đã đem về nhiều thành tích ngoài mong đợi và rất tự hào về những gì tôi đã làm cho Sybase vào thời điểm đó. Tôi đã dốc toàn lực để đáp ứng mọi kỳ vọng của công ty và nâng cao năng lực quản trị chung để phù hợp với các mục tiêu hoạt động của công ty. Còn tầm nhìn chiến lược? Thật ra, nếu bạn đã ở đủ lâu trong ngành kinh doanh thì việc xây dựng một tầm nhìn xa là không khó vì bạn có thể cảm nhận được nhịp đập của nó một cách rất tự nhiên. Tôi muốn là người chiến thắng nhưng không phải bằng mọi giá, tôi thích thực hiện những bước đi chậm mà chắc. Andy Grove (Chủ tịch Tập đoàn Intel) có câu nói rất nổi tiếng: "Tôi luôn là người hoang tưởng". Thật vậy, mỗi sáng thức dậy ông đều lo rằng sẽ có người đuổi kịp ông và thế là ông càng nỗ lực. Đó là lý do tại sao ông trở nên cực kỳ thành công. Tôi cho rằng lòng tin cùng với một chút "hoang tưởng" kiểu ấy là điều kiện mà mọi người cần có để đạt đến thành công.
Thành thật mà nói, hầu như tất cả mọi thành công của tôi đều đến từ một tập thể lớn. Từ nhỏ, trong khi chơi thể thao, tôi đã biết rằng đồng đội thật sự mạnh hơn cá nhân và nếu tập thể cần một thủ lĩnh thì tôi luôn cố gắng trở thành người đứng mũi chịu sào. Đoàn kết là sức mạnh. Vì thế, tôi cho rằng tạo được một tập thể gắn bó và hưng phấn chính là yếu tố quan trọng để thành công trong mọi tình huống, nhất là những lúc dầu sôi lửa bỏng.
Có nhiều cách để làm giàu nhanh nhưng cá nhân tôi được thăng tiến không phải vì tiền. Tôi muốn rằng sau khi về hưu, tôi sẽ tự hào nói rằng chí ít mình cũng đã làm được một điều gì đó có ý nghĩa hơn; tôi đã chia sẻ những điều vĩ đại với những con người vĩ đại, đó mới chính là động cơ của tôi.
Tôi lớn lên gặp thời khó khăn, cha mẹ tôi là dân di cư từ Trung Quốc sang Hong Kong. Cha tôi được dạy làm kế toán thực hành. Sống trong vùng đất nằm dưới sự đô hộ của Vương quốc Anh, gia đình tôi thoạt đầu rất khó khăn vì không ai trong chúng tôi nói được tiếng Anh còn bằng cấp kế toán của cha tôi thì vô giá trị. Ông học tiếng Anh vào buổi tối còn ban ngày làm những việc vặt nuôi sống gia đình. Hong Kong vào những năm 1950 chỉ là một hòn đảo nhỏ với một làng chài. Nhưng ba, bốn thập niên tiếp theo, nó đã trở thành một trung tâm tài chính và thương mại hùng mạnh đứng thứ hai trên thế giới. Sự biến chuyển này là kết quả của sự cần mẫn của mọi người dân. Viễn cảnh đó đã mài giũa tầm nhìn của tôi. Nếu bạn tập trung vào mục đích của mình và làm việc chăm chỉ, bạn sẽ tiến bộ. Đó là điều giúp tôi luôn hướng về phía trước.
Lớn lên, tôi làm đủ mọi việc để có miếng ăn, để được đi học. Tôi luôn tâm niệm rằng không có gì được cho không bao giờ. Nếu bạn muốn thay đổi cuộc đời, bạn phải vào những trường đại học danh tiếng và phải học hành cũng như làm việc cật lực. Còn nếu bạn chỉ muốn vào những trường hạng hai, hạng ba thì bạn học ra sao cũng được nhưng cuộc đời bạn rồi cũng sẽ thường thường như thế.
Tôi may mắn được học những trường tiếng tăm ở Mỹ. Tôi học được nhiều về các nền văn hóa khác nhau. Tôi học được tinh thần thi đua quyết liệt trong học tập cũng như trong cuộc sống. Đại học Brown làm tôi say mê, còn ở Cal tech thì việc học rất gian nan nhưng nhờ đó tôi rèn luyện được sự tự tin không gì có thể sánh được. Sự kết hợp giữa thời niên thiếu khó khăn và nền giáo dục khắt khe của Mỹ đã thực sự làm tôi tự tin hơn rất nhiều. Dần dần tôi nhận ra rằng đừng bao giờ chăm chăm vào thành công của người khác mà phải chú ý tạo thành công cho riêng mình. Nếu có một cái nhìn thực tế về những gì bạn phải hoàn thành và làm theo cách của bạn là điều rất quan trọng. Tôi từng thấy nhiều người cố gắng làm việc cật lực để giống người khác. Không phải thế, cái chính là những gì bạn làm phải tỏ ra khác biệt. Nếu bạn đã làm hết sức và cảm thấy thoải mái với chính mình thì đó là điều bạn cần phải tự hào.
Tất cả bạn bè của tôi, những người tôi cho là cực kỳ thành đạt đều rất tự tin. Họ có những mục tiêu rõ ràng và theo đuổi chúng bằng cả con tim và khối óc. Khi vào Sybase, tôi nói: "Chúng ta sẽ thành công". Khoảng chín tháng trước đây, tôi triệu tập một cuộc họp gồm những giám đốc hàng đầu của Sybase trên toàn thế giới. Tôi bảo họ rằng phẩm chất quan trọng nhất mọi người cần có là niềm tự hào, và nó phải xuất phát từ một tầm nhìn rõ ràng và sự nỗ lực hết mình. Không phải mọi cố gắng của bạn luôn mang lại thành công, nhưng bạn có quyền tự hào vì đã cố gắng hết mình. Nếu bạn làm được điều đó, bạn đã thành công tới 90%. Đôi khi tôi thức giấc lúc 3 giờ sáng để nghe báo cáo qua điện thoại. Có nhiều điều không chắc chắn từ những quyết định quan trọng, rằng không biết công việc có xuôi chèo mát mái hay không. Có lúc bạn bắt buộc phải chấp nhận những hậu quả xấu. Nếu công việc không như ý bạn thì bạn phải tự nhủ: "Chúng ta đã được chia những lá bài này, hãy cố tập trung chơi tốt nhất”. Tôi nghĩ rằng những người thành đạt cao đều hài lòng với cách thức xử lý công việc của bản thân họ.
Những người thành đạt cũng rất thông minh nhưng tôi nghĩ rằng sự khác biệt giữa họ và những người không thành đạt là rất nhỏ. Nhiều người không biết khoa trương để mọi người biết đến nhưng không có nghĩa là họ ngốc nghếch. Nhiều người có bằng cấp thường tỏ ra khôn ngoan lanh lợi, nhưng thực tế là những người khác cũng đâu kém hơn.
Nhưng có rất nhiều điểm chung giữa những người thành đạt, chẳng hạn như lòng kiên trì, sự cần cù vượt khó và một đức tính khác mà ít người nói đến là tinh thần chấp nhận cả thành công lẫn thất bại. Tôi nghĩ có đến 90% người thành đạt đồng ý rằng kết quả cuối cùng không phải là quan trọng nhất, mà quan trọng hơn cả là con đường dẫn đến thành công. Vì thế, tôi tin rằng ý chí góp phần rất quan trọng trong sự thành công của mỗi người.
Điều tôi học được ở cương vị một người nước ngoài điều hành một công ty Mỹ là sự cần thiết của việc nỗ lực phát triển kỹ năng giao tiếp. Để làm việc tốt ở đất nước này bạn phải giao tiếp một cách minh bạch. Tôi cố gắng tập trung vào những ý chính để đảm bảo rằng tôi đang diễn đạt những ý tưởng quan trọng nhất chứ không phải cố thể hiện qua dáng vẻ bên ngoài hay cách nói chuyện. Năm 1973 tôi đặt chân đến nước Mỹ, khi đó khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của tôi rất tệ. Những gì cần diễn đạt, tôi nghĩ trong đầu bằng tiếng Hoa rồi sau đó dịch sang tiếng Anh một cách chậm chạp khiến người ta nghĩ rằng tôi không có gì để nói nên đã bỏ đi. Để cải thiện tình hình, tôi dành khá nhiều thời gian cho việc học nội dung, cấu trúc câu và cách sử dụng trọng âm trong tiếng Anh. Giờ đây cách nhấn giọng của tôi vẫn mang chút âm hưởng của tiếng Hoa nhưng nó không còn làm tôi bối rối nữa và tôi thật sự tự hào về điều đó.
Cuối cùng, tôi biết vẫn còn một cái nhìn thiên lệch về hình ảnh của người châu Á ở đất nước này. Tôi nghĩ một trong các thế mạnh của tôi là sự nhận thức sâu sắc về các nền văn hóa khác nhau và sự hiểu biết thấu đáo rằng: chiếc áo không bao giờ làm nên thầy tu.
Kết luận
Không như các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ngày nay với những phi vụ đầu tư chớp nhoáng, thật dễ chịu khi chúng ta nghe John quan niệm rằng ông xem trọng việc đầu tư chậm mà chắc. Hơn nữa, cách nhìn nhận sự việc không bị bó buộc khiến ông dám mạo hiểm và nhận được những kết quả tốt đẹp từ những nỗ lực tối đa của mình.
Thật vậy, biết rõ các thế mạnh của mình, và biết thể hiện chúng ở đâu, lúc nào là những đức tính quan trọng của các CEO. Ngoài ra, niềm tự hào và lòng tự tin cũng rất quan trọng. Làm thế nào một người có thể có được những đức tính này, nhất là niềm tự hào? John nói rằng lòng tự hào đến từ việc bạn nắm rõ các mục tiêu của mình và cố gắng hết sức để thực hiện chúng. Đối với ông, cách thức đi đến thành công luôn quan trọng hơn kết quả cuối cùng.
John cũng nói rằng tinh thần làm việc tập thể, một chất keo kết dính cần thiết trong mọi tổ chức, đang bị mất đi. Nhưng ông tin tưởng rằng đó chỉ là tạm thời và cùng với lòng trung thành, nó sẽ sớm quay trở lại với các công ty trong tương lai gần.
Ngoài ra, thời thơ ấu của các CEO cũng tác động đến tính cách và sự thành công của họ sau này. John Chen từ nhỏ đã biết sự làm việc chăm chỉ và học vấn là chìa khóa của thành công. Trong nền kinh tế toàn cầu đa văn hóa ngày nay, chính sự đa dạng sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh doanh tốt hơn. Đối với John, sự nhạy bén này dường như xuất phát từ ước muốn thấu hiểu và khả năng giao tiếp hiệu quả của ông với những người xung quanh.
Nhớ về cuộc phỏng vấn John, tôi thấy dường như ở ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính cạnh tranh và tính thực tế của phương Tây với triết lý "vô vi" của phương Đông, thể hiện qua sự từng trải của ông khi nhận thức rằng "mình giỏi còn có người giỏi hơn". John Chen thật là một Tổng giám đốc điều hành có khả năng truyền cảm hứng cho mọi người.
Nguồn: Vì sao họ thành công ? - First News và NXB Trẻ TPHCM
Donald M.Kendall - Nguyên TGĐ điều hành tập đoàn Pepsi
Năm 1965 ông thiết kế đề án sáp nhập Pepsi-Cola với FritoLay để hình thành Tập đoàn Pepsi. Dưới sự lãnh đạo của ông, Pepsi trở thành một trong những tập đoàn hùng mạnh nhất Hoa Kỳ hiện nay với các chi nhánh có mặt trên 200 quốc gia trên khắp thế giới. Don còn là thành viên Hội đồng quản trị của Công ty Orvis và Tập đoàn Resound, Giám đốc Ủy ban Kinh doanh Mỹ - Nga và Viện Quan hệ Đông-Tây Hoa Kỳ.
Khuôn mặt tròn và chòm râu trông rất “ông già Noel" của Don cho thấy (và thực sự là như thế) ông là một người thân thiện, vui tính, có lối nói chuyện tuyệt vời và cực kỳ quan tâm đến việc rèn luyện thể hình dù đã ở vào tuổi tám mươi. Bên cạnh việc dẫn dắt Tập đoàn Pepsi lên đến vị trí đỉnh cao trong kinh doanh, Don cũng có những đóng góp quan trọng vào việc xây dựng và phát triển các mối quan hệ quốc tế và sự công bằng của con người. Năm 1989, ông nhận được giải thưởng danh giá George F. Kennan vì những đóng góp của ông trong tiến trình cải thiện quan hệ với Liên bang Xô Viết. Và những thành công của ông trong vai trò của một Tổng giám đốc điều hành là một thực tế hiển nhiên.
Nguồn: Vì sao họ thành công ? - First News và NXB Trẻ TPHCM
Không thành công nếu không hứng thú
“Có được sự may mắn và một người cố vấn đáng tin cậy là yếu tố rất cần thiết cho sự thành công của bất kỳ ai, nhưng sự hỗ trợ quan trọng nhất chính là việc tìm thấy niềm vui trong công việc. Đừng bao giờ cố sức bám trụ một công việc mà bạn không thích nhưng vẫn phải làm vì một lý do nào đó.”
- Donald M. Kendall
Khi chiến tranh kết thúc, tôi xuất ngũ và bắt đầu đi tìm việc làm. Khi đó, quân đội có chương trình hỗ trợ cho những ai muốn theo học đại học nhưng bạn phải cam kết là sẽ làm việc cho họ trong ba năm sau khi tốt nghiệp. Dù không có đủ tiền để có thể theo học cho đến hết đại học nhưng tôi không muốn ở trong quân đội lâu hơn nữa nên quyết định không theo con đường này.
Ngay khi xuất ngũ, tôi lập tức chuyển sang bờ Đông vì nghe nói nghề câu cá hồi ở đây rất khấm khá. Rồi một người bạn thời còn trong quân đội bảo tôi nộp đơn xin vào Pepsi làm việc. Bản thân anh ấy không thể làm cho Pepsi vì mang họ Lehman. Số là trước đây Walter Mack, một người thuộc đế chế Pepsi, đã cưới một cô vợ dòng họ Lehman nhưng sau đó họ ly dị. Vì lẽ đó Pepsi và nhà Lehman cắt đứt quan hệ với nhau. Tôi nghe lời anh ta, đi phỏng vấn và được nhận vào Pepsi với mức lương khởi điểm 400 đô la. Đó là vào năm 1947.
Tôi bắt đầu từ xưởng đóng chai, sau đó chuyển qua khâu giao hàng bằng xe tải, và cuối cùng làm tiếp thị món nước giải khát màu nâu mang lại nhiều sảng khoái của Pepsi. Tôi yêu công việc này. Thỉnh thoảng tôi có những cuộc nói chuyện với sinh viên và tôi luôn khuyên họ rằng mỗi sáng thức dậy, nếu họ thấy không hứng khởi với công việc mình sẽ làm trong ngày thì tốt nhất nên chọn việc khác mà làm. Không có con đường nào có thể đưa bạn đến thành công nếu bạn không có hứng thú trong công việc hiện tại. Tôi tin rằng đó là một trong những vấn đề đáng quan tâm của giới trẻ hiện nay. Phần lớn họ cần một việc làm chứ không phải họ yêu thích công việc họ đang làm.
Lúc ấy, tôi rất phấn khởi với những gì tôi đang làm cho Pepsi và may mắn là tôi có rất nhiều cơ hội để thăng tiến. Kết thúc công việc tiếp thị nước ngọt, tôi chuyển qua làm ở bộ phận kinh doanh nội địa. Với tôi, mỗi một ngày trôi qua luôn luôn có nhiều điều mới mẻ để làm và để học hỏi.
Nhiều người có tài và lẽ ra có thể đạt đến những vị trí quản lý cao cấp nhưng rồi họ đã không thể vì đã không biết lựa chọn đúng vị trí vào những thời điểm thích hợp. Để thành công, bạn cần phải là người thật may mắn, nhưng chỉ may mắn thôi thì chưa đủ. Tôi từng làm tiếp thị Pepsi tại thành phố Atlantic. Nhóm tám người chúng tôi làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Nhưng Atlantic là một thành phố sống về đêm nên tôi luôn nán lại đến khuya. Hầu như toàn bộ doanh số của tôi đều được thực hiện vào ban đêm và nó lớn hơn doanh số của tất cả các thành viên khác cộng lại. Ban giám đốc công ty biết được thành tích này của tôi nên đã cất nhắc tôi lên bộ phận phụ trách chiến lược tiếp thị toàn quốc.
Bạn cũng cần phải tự tin, bằng không bạn sẽ chẳng bán được thứ gì cả. Tôi sinh ra ở một nông trại. Sáu tuổi tôi đã biết vắt sữa bò, cắt cỏ, chặt cây, làm vườn, điều khiển hầu như tất cả các loại máy móc trong nhà và cứ thế cho đến hết trung học. Điều này cho tôi niềm tin vì tôi biết mình có nhiều kỹ năng và có thể làm được nhiều việc. Do đó, tôi chưa bao giờ lo sợ là mình bị thất nghiệp.
Đối với đa số người thì kinh nghiệm là yếu tố quan trọng trước khi khởi sự kinh doanh, dĩ nhiên trừ phi họ có năng khiếu đặc biệt. Nếu một người có ý tưởng lớn và mở công ty kinh doanh theo ý tưởng đó thì thật lý tưởng. Nhưng đó không phải là công thức phổ biến cho những người trẻ tuổi ngày nay. Hầu hết những người trẻ tuổi thường thiếu kinh nghiệm và tôi cho rằng kinh nghiệm thậm chí quan trọng hơn những bài lý thuyết suông ở trường. Nếu bạn đang làm việc tại một công ty và bạn thực sự yêu thích công việc của mình, bạn không cần phải vào trường kinh doanh nào cả mà hãy học ngay trong công việc của mình. Tôi không khuyến khích bạn vào trường để học kinh doanh ngoại trừ đó là những công việc cần kiến thức chuyên ngành như kế toán hoặc tiếp thị.
Tôi biết đến công việc kinh doanh là nhờ vào thực tế công việc và biết quản lý nhờ vào thời gian phục vụ trong quân đội. Lúc đó, thay vì ngồi chờ đến lượt bay như những phi công khác, tôi lên văn phòng và nói với sếp là tôi thích công việc văn thư tuy không có kinh nghiệm gì. Kết quả là tôi đã trở thành một nhân viên hành chánh - thống kê tốt. Tài chính - kế toán không phải là điểm mạnh của tôi nên tôi học một khóa kế toán hàm thụ.
Tôi học được rất nhiều từ những người xung quanh. Tại nhà máy ở Pittsburgh, tôi được Fred Sabowski, giám đốc điều hành, quan tâm và hết lòng chỉ dạy. Ông thường trò chuyện với tôi đến một giờ sáng. Lúc đó tôi đã mệt bở hơi tai nhưng vẫn ngồi với ông và tôi đã học được rất nhiều kinh nghiệm kinh doanh từ ông. Tôi cũng học được nhiều về ngành kinh doanh đóng chai nhượng quyền từ những người lâu năm trong nghề. Walter Dowson, người nắm trong tay hệ thống các nhà máy đóng chai của cả một tiểu bang Michigan rộng lớn, quả là một con người tuyệt vời. Lúc đó không hiểu sao những người lớn tuổi thường thích kể cho bọn nhóc thế hệ trẻ chúng tôi nghe những câu chuyện ly kỳ về kinh doanh. Nhờ vậy, tôi có mối quan hệ với cả những nhà máy đóng chai ở Denver và Chicago. Còn người phụ trách vùng Louisville là một kỹ sư. Khi tôi đến bán thiết bị cho ông, ông lôi ra một cái thước lô-ga, tức thì tôi cũng rút ra một cái tương tự. Tôi học được cách sử dụng loại thước này hồi còn ở quân đội. Ông không thể tin rằng một thanh niên như tôi mà cũng biết sử dụng thước lô-ga. Kết quả là chúng tôi thân nhau từ đó.
Thuở nhỏ, có lẽ cô giáo lớp năm của tôi là người có ảnh hưởng lớn nhất đối với tôi. Cô tin ở tôi và luôn theo dõi sự nghiệp của tôi từ đó đến nay. Cô không có con nên dành hết sự quan tâm của mình cho tôi. Đó là chính là một trong những động lực lớn thúc đẩy tôi tiến bộ. Cha mẹ tôi ly dị nhau và tôi thật may mắn có được một người như cô trong đời.
Theo tôi, tìm thấy niềm vui trong công việc là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của bạn, bên cạnh kinh nghiệm, sự may mắn và đội ngũ các cố vấn đáng tin cậy. Đừng bao giờ nhận một công việc bạn không thích vì bạn sẽ không thể đi tới thành công. Việc học hành cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Trừ phi bạn muốn trở thành kỹ sư, bác sĩ hoặc biết chính xác bạn muốn gì ở trường đại học, bạn mới cần phải bước vào đó. Hãy tích lũy kinh nghiệm từ thực tế công việc và luôn mở rộng tầm nhìn về tương lai của bạn. Ở tuổi xế chiều, dù muốn dù không bạn vẫn phải thu hẹp mục tiêu của mình; vì thế, hãy mở rộng nó tối đa khi bạn còn trẻ. Và cuối cùng, để khởi nghiệp, bạn cần phải học càng nhiều càng tốt tất cả mọi thứ có liên quan đến việc kinh doanh của bạn, đừng bao giờ chỉ tập trung vào một mặt duy nhất.
Kết luận
Tôi thích cách Don Kendall định nghĩa về sự may mắn và vai trò đòn bẩy của nó đối với sự thành công. May mắn dường như cũng là một cơ hội, vì thế nó chỉ đến với những ai thực sự can đảm, dám mạo hiểm và luôn sẵn sàng nắm bắt nó trong sự nghiệp cũng như trong cuộc sống cá nhân.
Cũng như Frank Cary, Don Kendall bắt đầu sự nghiệp ở vị trí một nhân viên bán hàng có niềm say mê công việc cao độ. Ông tin rằng sự tự tin của mỗi con người được xây dựng từ thuở ấu thơ và là phẩm chất quan trọng của bất kỳ ai. Cũng như nếu bạn đã từng thành công với môn đi dây tử thần, bạn sẽ tự tin hơn, bản lĩnh hơn và dễ dàng vượt qua mọi trở ngại khác. Sự tự tin theo thời gian sẽ chuyển thành kinh nghiệm chuyên môn của bạn.
Suy nghĩ của Don Kendall về thành công rất thực tế. Thành công ngày hôm nay của ông được đúc kết qua kinh nghiệm của chính mình và qua những người mà ông đã từng làm việc chung. Don thật lòng biết ơn những người từng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và giúp ông có được thành công ngày hôm nay. Có thể nói, Don đã dấn thân, đã nghe, đã học hỏi và đã thành công.
Nguồn: Vì sao họ thành công ? - First News và NXB Trẻ TPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét