Giá Đâu Đó Có Người Đợi Tôi - Phần 12 - hocviensong

Latest

Ad Section

BANNER 728X90

Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2010

Giá Đâu Đó Có Người Đợi Tôi - Phần 12

TRONG NHIỀU NĂM LIỀN

Khi tôi đến, cô ấy đã đợi sẵn ở đó và mỉm cười với tôi. Cô ấy còn bảo chắc chắn đây là lần đầu tiên em không bắt anh phải đợi, anh thấy đấy, không nên vội thất vọng và tôi, tôi bảo cô ấy rằng tôi chưa từng thất vọng.
Chúng tôi không ôm hôn nhau. Tôi bảo cô ấy em chẳng thay đổi gì cả. Nhận xét như thế quả là ngu xuẩn nhưng đó chính là điều tôi nghĩ, chưa kể tôi thấy cô ấy còn xinh đẹp hơn trước. Cô ấy trông rất xanh xao và những mạch máu li ti màu xanh hiện lên rõ mồn một quanh hai mắt, trên hai mí mắt và hai bên thái dương. Cô ấy gầy rộc đi và nét mặt còn hốc hác hơn trước. Cô ấy có vẻ cam chịu hơn nhiều trong khi tôi vẫn còn nhớ rất rõ ấn tượng hoạt bát linh lợi toát ra ở cô ấy trước kia. Cô ấy nhìn tôi chăm chú không rời mắt. Cô ấy muốn tôi nói chuyện với cô ấy, cô ấy muốn tôi im miệng. Cô ấy luôn mỉm cười với tôi. Cô ấy muốn gặp lại tôi và tôi thì không biết mình phải cử động chân tay như thế nào, không biết liệu tôi có thể hút thuốc hay chạm vào tay cô ấy được không.
Đó là một thành phố thảm thê. Chúng tôi đã đi bộ đến công viên, xa hơn một chút.
Chúng tôi kể cho nhau về cuộc sống hiện tại. Cuộc trò chuyện khá rời rạc. Chúng tôi đều giữ lại cho riêng mình những bí mật. Cô ấy lựa chọn câu chữ. Có một lúc, cô ấy đã hỏi tôi về sự khác biệt giữa sự rối loạn tinh thần và tình trạng vô công rồi nghề. Tôi cũng không biết nữa. Cô ấy ra hiệu cho tôi biết rằng dẫu sao đi nữa, chuyện đó cũng không quan trọng. Cô ấy bảo rằng tất cả những chuyện này đã khiến cô ấy trở nên quá cay đắng hay quá nghiệt ngã, dù thế nào chăng nữa cũng quá khác với bản tính thật sự của cô ấy.
Chúng tôi hầu như không đề cập đến căn bệnh của cô ấy, trừ có lúc cô ấy nhắc đến những đứa con của mình, nói rằng đối với chúng đó không còn là cuộc sống nữa rồi. Cách đây ít lâu, cô ấy muốn nấu mì cho chúng và cô ấy thậm chí không thể thực hiện ý định đó vì cái nồi nước quá nặng để cô ấy có thể nhấc nó lên và rằng không, thực sự đó không còn là cuộc sống nữa rồi. Thời gian sống cùng với cô, chúng đã phải đau buồn nhiều hơn là hiện tại.
Cô ấy bắt đầu tôi kể về vợ và các con tôi, về công việc tôi đang làm. Thậm chí cả về Marcheron. Cô ấy muốn biết tất cả mọi chuyện nhưng tôi thấy rõ rằng phần lớn thời gian, cô ấy đâu có để ý nghe tôi nói.
Chúng tôi ngồi xuống một băng ghế trang trí hình vảy cá đối diện với một đài phun nước khô ron, có lẽ là từ ngày cắt băng khánh thành đến giờ. Mọi thứ đều xấu xí. U ám và xấu xí. Sương bắt đầu rơi và chúng tôi ngồi xích lại gần hơn một chút để sưởi ấm cho nhau.
Cuối cùng, cô ấy đứng dậy, đã đến lúc cô ấy phải về.
Cô ấy nói em muốn cầu xin anh một đặc ân, chỉ một mà thôi. Em muốn cảm nhận anh. Và vì tôi không trả lời, cô ấy đã trả lời suốt những năm qua, cô ấy đã muốn cảm nhận mùi da thịt tôi. Tôi ghì thật chặt tay mình tận đáy túi áo khoác bởi nếu không làm thế, hẳn tôi sẽ…
Cô ấy đi vòng ra sau lưng tôi và cúi xuống tóc tôi. Cô ấy giữ nguyên tư thế ấy một lúc lâu và tôi cảm thấy khó chịu vô cùng. Rồi sau đó, cô ấy đưa mũi xuống hõm gáy tôi và vòng quanh đầu tôi, cô ấy nhẩn nha một chút vội vàng, thế rồi cô ấy ngửi dọc theo cổ tôi xuống đến cổ áo sơ mi. Cô ấy hít hà và cũng để nguyên hai tay chắp sau lưng. Rồi cô ấy nới nỏng cà vạt của tôi và mở hai nút đầu tiên trên sơ mi và tôi cảm thấy chóp mũi lạnh toát của cô ấy sát vào phần đầu xương đòn của mình, tôi… tôi…
Tôi đã có một động tác hơi có phần đột ngột. Cô ấy ngước lên và đặt cả hai bàn tay xương xương lên vai tôi. Cô ấy bảo rằng em đi đây. Em muốn anh đừng nhúc nhích và đừng quay đầu lại nhìn. Em van anh. Em van anh đấy.
Tôi không nhúc nhích. Dẫu sao chăng nữa tôi cũng không muốn làm thế bởi tôi không muốn cô ấy nhìn thấy cặp mắt sưng mọng và vẻ mặt nhăn nhúm của tôi.
Tôi đã chờ đủ lâu rồi tôi trở ra xe.


GIÁ ĐÂU ĐÓ CÓ NGƯỜI ĐỢI TÔI
MARGUERITE! Bao giờ thì chúng ta được ăn gì? - Mặc xác anh.       Từ khi tôi viết truyện ngắn, chồng tôi gọi tôi bằng cái tên Marguerite, cùng lúc tay vỗ bồm bộp vào mông tôi, rồi bữa tối nào anh ấy cũng nhăng cuội rằng chẳng bao lâu nữa anh sẽ thôi việc, sống nhờ vào tác quyền của tôi.      
- Hượm đã nào… tôi ấy à!? Không thành vấn đề, tôi sẽ đợi chuyện đó xảy ra và tôi sẽ lái chiếc jaguar XK 8 tới trường đón bọn trẻ. Đã tính cả rồi chứ… Tất nhiên là thỉnh thoảng tôi phải xoa bóp vai cho cô ấy nhưng cũng chẳng sao hết… cái xe á? … Tôi chọn màu xanh lục ấy.

Chồng tôi lảm nhảm suốt những câu không đầu không đũa về chuyện ấy và những người khác lúng túng không biết còn phải làm sao.
Họ nói chuyện với tôi bằng cái giọng người ta thường dùng khi nhắc đến một bệnh lây truyền qua đường tình dục:
-         Chuyện chị viết ăn là thật đấy à?     
-         Và tôi, tôi liền nhún vai và chìa ly của mình ra cho trụ cột gia đình. Tôi làu nhàu rằng không, làm gì có chuyện đó, hầu như có viết lách gì đâu. Và kẻ đang phấn khích tột độ kia, người mà vào một ngày nọ tôi đã xiêu lòng cưới làm chồng lại bồi thêm:     
-          Hượm đã nào… nhưng cô ấy không kể cho các bạn nghe sao? Em yêu à, em không kể với mọi người chuyện em giành giải thưởng tại Saint-Quentin à? Chà!... cũng phải đến mười ngàn quan chứ ít gì!!! Chỉ mất có hai tối bên chiếc máy tính cá nhân cô ấy đã tậu với giá năm trăm quan trong một đợt bán hàng từ thiện và thu về những mười ngàn quan!...
-         Còn vụ làm ăn nào sinh lời hơn thế? Nhưng tôi sẽ không tiết lộ với các bạn về tất cả các giải thưởng cô ấy giành được đâu…phải không em yêu, mình cứ khiêm tốn thôi nhỉ

Đúng là trong những lúc như thế này, tôi chỉ muốn giết chết anh ta.    
  Nhưng tôi sẽ không làm vậy.

Trước hết là bởi anh ta nặng những tám mươi hai kilô (anh ta cứ khăng khăng là tám mươi, chỉ đơn thuần là trò làm đỏm) và sau nữa, bởi vì anh ta nói đúng.
Anh ta có lý, tôi sẽ trở thành loại người nào đây nếu tôi bắt đầu quá tin vào điều đó?     
Tôi trễ nải công việc? Rốt cuộc tôi đã nói những câu kinh khủng với cô đồng nghiệp tên Michaline? Tôi sắm cho mình một cuốn sổ nhỏ bìa da rắn và lưu lại những ghi chép để dành sau này sẽ dùng đến? Tôi cảm thấy quá sức cô độc, quá xa, quá gần, quá khác biệt? Tôi tìm đến mộ Chateaubriand[40] để tĩnh tâm suy nghĩ? Tôi nói: “Không, không phải tối nay, em xin anh đấy, đầu em đã ong lên cả rồi đây này”? Tôi quên cả giờ đón con vì có một chương cần viết cho xong?     
Phải đến đón lũ trẻ ở nhà vú em từ năm giờ rưỡi chiều trở đi. Bạn bấm chuông cửa, bọn trẻ liền ùa cả ra phía cửa, tim đập rộn, thằng bé mở cửa cho bạn dĩ nhiên không tránh khỏi thất vọng khi nhìn thấy bạn, bởi bạn có mặt ở đó không phải để đón nó nhưng qua cái giây ủ dột đầu tiên (miệng mím lại, vai xuội lơ và món thú bông kéo lê tràn sàn), thằng bé quay sang con trai bạn (đang đứng ngay đằng sau) rồi hét tướng lên:
- LOUIS, LÀ MẸ CẬU ĐẤY!!!!!     
Rồi bạn liền nghe thấy câu trả lời:  
   - Ơ nhưng… tớ biết rồi mà.
Nhưng nàng Marguerite đã chán ngán mệt mỏi với tất cả những điệu bộ nhõng nhẽo này.     
Nàng muốn biết rõ ràng đích xác về chuyện này. Dù nàng có phải đi đến tận Combourg mới biết được ngay lập tức.
Nàng đã chọn một vài truyện ngắn (mất hai đêm thức trắng), in chúng ra bằng chiếc máy in cà tàng (mất hơn ba tiếng đồng hồ mới cho ra một trăm ba mươi tư trang giấy!), nàng áp chặt đống giấy má bản thảo trước ngực và mang đến một hàng photo gần trường Luật. Nàng đứng xếp hàng đằng sau đám nữ sinh viên ồn ào và vắt vẻo trên những đôi giày cao gót (Marguerite, nàng cảm thấy thấy mình thật quê kệch và già cỗi).     
Cô nhân viên hỏi:     
- Bìa và gáy dùng màu trắng hay đen đây?     
Và nàng lại thêm lần nữa toát mồ hôi hột (trắng à? liệu có gợi nên hình ảnh về một kẻ chịu lễ ban thánh thể tầm thường không nhỉ?... nhưng còn màu đen, nhất định sẽ tạo ấn tượng quá sức tự tin ề bản thân, khác nào một loại luận án tiến sĩ cơ chứ?... đúng là đại hoạ).     
Cuối cùng, cô nàng nhân viên trẻ măng phát sốt ruột:     
- Đấy chính xác là tài liệu gì vậy?     
- Vài mẩu chuyện ấy mà…     
- Mẩu chuyện gì kia?     
- Không, nhưng không phải những mẩu tin đăng báo đăng đâu, những truyện ngắn sáng tác ấy, cô hiểu chứ? … Tôi cần sao ra để gửi cho nhà xuất bản…     
- …???... À vâng… nhưng mà chuyện ấy chẳng gợi ra ý tưởng nào về màu sắc của bìa hay gáy sách cả…     
- Cô cứ chọn bất kỳ màu nào cô thích, tôi tin tưởng ở cô (coi như ván đã đóng thuyền).
- Vậy thì tôi sẽ đóng cho chị bìa màu lam vì trong thời gian này, chúng tôi đang có đợt khuyến mại cho màu lam: giá chỉ 30 quan thay vì 35 quan… (Một bìa sách màu lam xuất hiện trên chiếc bàn làm việc trang nhã của một chủ bút lịch lãm của la rive gauche[41]… Ực.     
- Nhất trí, vậy thì dùng màu lam đi (đừng có cưỡng lại Định mệnh nhé, cô em).    
Kẻ kia nhấc nắp máy photo hiệu Rank Xerox to đùng lên và thao tác cho bạn như thể đó là những bản sao luật dân sự tầm thường và cứ thế, tôi đưa lại cho chị cái mớ giấy lộn xộn và cứ thế, tôi gập cho chị nát nhừ những mép giấy.     
Người nghệ sĩ âm thầm chịu đựng.     
Vừa bỏ tiền vào két, cô nhân viên vừa cầm lại điếu thuốc dở đang để tạm phía trên ngăn kéo két, rồi cô buột miệng:     
- Những truyện ngắn của chị nói về gì vậy?     
- Về mọi thứ.     
- Ra vậy.
- …       - …     
- Nhưng chủ yếu là về tình yêu.     
- Vậy hả?     
Nàng mua một chiếc phong bì bìa cứng tuyệt đẹp. Loại bền nhất, đẹp nhất, đắt nhất với bốn góc lượn tròn và một phần nắp gập không chê vào đâu được. Loại phong bì chúa nhất.     
Nàng ra bưu điện, hỏi mua loại tem bộ, những con tem đẹp nhất, những con tem giới thiệu về tác phẩm hội hoạ hiện đại. Nàng liếm cho chúng vừa đủ ướt với đầy vẻ trìu mến, dán chúng lên bì thư với vẻ cực kỳ thành tâm, nàng đọc một câu bùa ếm chiếc phong bì, nàng cầu phúc cho nó, nàng lấy dấu thánh giá bên trên rồi niệm thêm một vài câu thần chú hẳn là vẫn còn trong vòng bí mật.     
Nàng tiến lại gần thùng thư “chỉ dành cho thư gửi đi Paris và các vùng phụ cận”, nàng ôm ấp kho báu của mình lân cuối, nàng quay nhìn đi nơi khác và nhét nó qua khe.     
Đối diện với bưu điện có một quán bar. Nàng ngồi ở đó, tay chống cằm, gọi một ly rượu táo trắng. Nàng không thích rượu táo trắng cho lắm nhưng cũng hay, giờ đây nàng đã có được cương vị nghệ sĩ đáng nguyền rủa để làm việc. Nàng châm một điếu thuốc và, chính xác kể từ phút này, ta có thể nói như vậy, nàng chờ đợi.
* *     *     
Tôi đã không nói bất cứ chuyện gì với bất cứ ai.     
- Này, em làm gì với chiếc chìa khoá hòm thư đeo thòng trước ngực vậy?- Đâu có gì đâu.     
- Này, em làm gì với tất cả quảng cáo Castorama[42] đang cầm trong tay vậy?     
- Đâu có gì đâu.     
- Này, em làm gì với cái túi đeo của người bưu tá thế?     
- Em đã nói là không có gì mà lại!...     
- Hượm đã nào… nhưng em phải lòng hắn hay sao thế?!    
Không. Tôi đã không hé lộ bất cứ điều gì. Bạn cứ thử nghĩ xem, nếu tôi trả lời: “Em đang chờ thư phúc đáp của một nhà xuất bản.” Xấu hổ  Chết đi được.     
Tóm lại… những đồ quảng cáo mà người ta nhận được bây giờ thật là điên, thật toàn những thứ hầm bà lằng.
Và rồi công việc, và rồi cô bạn đồng nghiệp Michaline và những móng tay giả dán vụng, và rồi những cây mỏ hạc phải chuyển vào trong nhà, và rồi những cuộn băng hoạt hình Walt Disney, chiếc tàu điện nhỏ, và chuyến thăm bệnh viện lần đầu tiên trong mùa tại phòng khám nhi khoa, và rồi con chó rụng lông lả tả, và rồi Eureka Street[43] để đo đạc cái vô biên, và rồi rạp chiếu phim, và rồi gia đình và bạn bè, và rồi những cảm xúc khác nữa (nhưng chẳng nhằm nhò gì nếu đặt cạnh Eureka Street, thật đấy.     
Nàng Marguerite của chúng ta đành nhẫn cam chịu ngủ động.
Ba tháng sau.    
ALLÉLUIA!     
ALLÉLUIA! ALLLÉLU-U-U-U-U-IA! Nó đã đến.
Thư phúc đáp.
Nó nhẹ bẫng.
Tôi nhét nó vào dưới áo đan chui đầu và gọi Kiki của tôi:
“Kiiiiiiiiiiiiiiiiiikiiiiiiiiiiiiiiiii!!!!”     
Tôi sẽ đọc lá thư này một mình, trong sự tĩnh mịch và tịch lặng của vạt rừng nhỏ kế bên nhà dùng làm khu vệ sinh lộ thiên cho tất tật lũ chó trong khu phố. (Xin lưu ý là ngay cả trong những thời điểm như thế này, tôi vẫn rất tỉnh táo.)     
“Thưa bà blablabla, chúng tôi vô cùng quan tâm đến blablabla và chính vì lẽ đó mà blablabla tôi muốn gặp bà blablabla, xin hãy liên lạc với thư ký của tôi blablabla, rất mong bà sẽ blablabla thưa bà thân mến blablabla…”
Tôi nhấm nháp.     
Tôi thưởng thức.     
Tôi tận hưởng.     
Thời cơ để nàng Marguerite báo thù đã đến.     
- Anh yêu à? Khi nào chúng ta được ăn vậy?     
- ???... Sao em lại hỏi anh câu đó? Xảy ra chuyện gì vậy?
- Không, chẳng có chuyện gì hết, chỉ là em sẽ không còn mấy thời gian dành cho việc bếp núc nữa, với cả đống thư hâm mộ cần phải trả lời này, đó là còn chưa kể đến những buổi liên hoan, những cuộc triển lãm, những hội chợ sách … những chuyến công du trên toàn nước Pháp, cả trong các tỉnh và lãnh thổ hải ngoại ố là la… Chúa ơi. Xét cho cùng, lại sắp đến hẹn chăm sóc móng định kỳ, vì như anh biết đấy… trong những buổi ký tặng sách thì điều quan trọng nhất là có được hai bàn tay hoàn hảo… thật điên vì tất cả mọi người đều ảo tưởng về chuyện ấy…
Nhưng những lời mê sảng này là gì vậy?   
  Marguerite để bức thư phúc đáp của ngài chủ bút lịch lãm của khu thành nội Paris “tuột khỏi tay” rồi rơi xuóng mảng bụng bòn vo của chồng mình, anh ta đang đọc những mẩu rao vặt trong tạp chí Autos Plus.     
- Hượm đã nhưng này! Em định đi đâu thế?!     
- Không đi đâu cả, em vừa mới nhận được thư thôi mà. Chỉ có một chuyện em phải báo với Micheline. Anh hãy diện thật bảnh, tối nay em đưa anh đến Đại Bàng Đen…
Đến Đại Bàng Đen ấy hả?     
- Vâng. Chính là nơi Marguerite có thể sẽ dẫn chàng Yann[44] của mình đến, em đoán vậy…    
- Yann là ai kia?     
- Phuuuù, bỏ qua chuyện đó đi… Anh chẳng biết gì về thế giới văn chương hết.
Tôi bèn liên lạc với phòng thư ký. Tôi cho rằng đó là một cuộc tiếp xúc hết sức tốt đẹp bởi vì người phụ nữ trẻ ấy còn hơn cả duyên dáng.     
Có lẽ cô ấy đã dán một mẩu giấy nhắc việc màu hồng ngay trước mặt: “Nếu A.G gọi đến, hãy tỏ ra duyên dáng HẾT SỨC CÓ THỂ!” kèm theo một dấu gạch chân đúp bên dưới.     
Có thể lắm chứ…     
Những con người đáng mến, chắc họ tưởng rằng tôi cũng đã gửi truyện ngắn của mình đến những nhà xuất bản khác… Họ e rằng đã chậm chân hơn kẻ khác. Một nhà xuất bản còn lịch sự hơn nữa, toạ lạc trên một con phố còn sang trọng hơn nữa trong khu thành nội, với một nữ thư ký tiếp chuyện điện thoại còn duyên dáng hơn nữa cùng với một cặp mông còn bốc lửa hơn
Ôi không, như thế thì thật quá bất công đối với họ.     
Bạn thấy đó, thảm hoạ sẽ kinh khủng đến mức nào nếu tôi đóng bìa màu khác cho tập bản thảo, bởi bây giờ Chiếc máy nhỏ[45] sẽ không có mẩu giấy nhắc màu hồng huỳnh quang trước mặt?     
Tôi không dám hình dung ra tình huống ấy.    
Cuộc hẹn được ấn định vào tuần kế tiếp. (Cả hai chúng tôi đều muốn kéo dài thời gian như thế.)     
Bỏ qua những mối bận tâm thực tế đầu tiên: xin nghỉ phép một buổi chiều (Micheline, ngày mai tôi sẽ không đi làm đâu đấy!); gửi bọn trẻ, nhưng không phải bất cứ chỗ nào cũng được, phải là ở một nơi chúng được vui sướng kia; báo trước với tình yêu của mình:     
- Mai em sẽ đi Paris.    
- Có việc gì thế?     
- Em có việc.     
- Một cuộc hẹn hò chăng?     
- Thì cũng thế cả thôi.
- Ai vậy?       - Người đưa thư.     
- Á à! Lẽ ra tôi nên ngờ đến điều này rồi mới phải…     
… Chợt vấn đề duy nhất thực sự quan trọng nảy sinh: tôi sẽ ăn mặc thế nào đây?     
Kiểu văn sĩ tương lai đích thực không chút thanh nhã nào hết bởi lẽ cuộc sống thực là ở nơi khác kia. Đừng yêu quý tôi chỉ vì tôi có bộ ngực đồ sộ; hãy yêu tôi vì điều cốt tuỷ trong tôi.     
Kiểu một chị gà mái mắn đẻ đích thực, trong tương lai sẽ đều đặn cho ra lò những tác phẩm ăn khách bởi cuộc sống thực vẫn luôn hiện hữu. Đừng yêu tôi vì tài năng mà tôi có;  hãy yêu tôi vì những trang viết của tôi được công chúng tìm đọc.
Kiểu một người đàn bà cực kỳ hấp dẫn trong mắt các quý ông lịch lãm của la rive gauche và để xơi tái ngay tức khắc bởi lẽ cuộc sống thực nằm trên bàn làm việc của ngài. Đừng yêu tôi vì bản thảo của tôi, hãy yêu tôi vì cái cốt lõi tuyệt vời của tôi.   
  Này hỡi Atala[46], bình tĩnh lại đi nào.     
Xét cho cùng, tôi đã căng thẳng quá mức, chắc bạn đang nghĩ rằng một ngày như ngày hôm đó thì không nên để ý tới trò gạ gẫm bằng chân của của ông ta rồi làm thất lạc một chiếc tất trên thảm. Đó chắc chắn là ngày quan trọng nhất trong cuộc đời bé mọn của tôi, tối sẽ không phó thác mọi sự cho một bộ trang phục hẳn là không gì cưỡng nổi sức hấp dẫn nhưng hết sức rườm rà.     
(Ồ vâng! Váy siêu siêu ngắn cũng là một loại trang phục rườm rà.)
Tôi sẽ đến hẹn với một chiếc quần jean. Không hơn không kém. Chiếc 501 cũ của tôi, mười năm tuổi, cũ sờn, stone washed[47] với các nút đinh tán bằng đồng và cái mác màu đỏ trên mông bên phải, chiếc quần đã mang hình dáng và mùi cơ thể tôi. Bạn chí cốt của tôi.     
Dẫu sao tôi cũng vẫn có một thứ cảm xúc yếu mềm dành cho người đàn ông thanh lịch và mẫn tiệp đang vầy vọc tương lai của tôi giữa hai bàn tay thon dài (cho xuất bản? hay là không ?),chiếc quần jean thì trông hơi cứng nhắc thật, phải công nhận thế.    

Chà… bao nhiêu là việc phải lo, bao nhiêu là việc phải nghĩ.     
Được, tôi đã quyết định dứt khoát. Vẫn mặc quần jean nhưng kết hợp với đồ lót chất liệu rủ.    

Nhưng ông ta sẽ không thể nhìn thấy những đồ mặc bên trong ấy được, bạn sẽ nói với tôi như vậy… Tatatata đừng hoài công khuyên nhủ tôi chuyện ấy, người ta không thể leo đến CHỨC TỔNG BIÊN TẬP NHÀ XUẤT BẢN CAO VỜI mà không có một khả thiên bẩm để phát hiện ra loại quần áo lót mỏng dính khó hình dung nhất.   
  Không, những gã đàn ông đều biết rõ.    

Họ biết người phụ nữ ngồi trước mặt họ có mặc một đồ lót bằng cotton cạp cao đến rốn hay một chiếc quần lót hàng Một giá màu hồng hoàn toàn nhàu nhĩ biến dạng hay một trong những món tiêu pha quá đà làm phái nữ đỏ mặt (vì cái giá mà họ trả) và làm phái nam mặt ửng hồng (vì cái giá mà rồi đây Dĩ nhiên là họ biết chứ.     
Và trong trường hợp này, tôi có thể tiết lộ với bạn rằng tôi đã không tiếc công sức đầu tư (phải trả bằng hai tấm séc), tôi đã lấy một bộ áo nịt kèm quần lót, thứ gì đó gây ấn tượng thật đặc biệt.     
Chúa ơi…     

Hàng chất lượng tuyệt hảo, chất liệu tuyệt vời, với đường may kỹ càng, cả bộ bằng lụa màu trắng ngà với đường viền đăng ten Calais dệt bằng tay bởi nữ công nhân vóc người nhỏ nhắn mang quốc tịch Pháp nhé,mềm mại, xinh xắn, kiểu cách, dịu dàng, gây ấn tượng khó quên, dạng đồ vật tan chảy trong miệng chứ không phải trong tay.     
Định mệnh, ta đã sẵn sàng.

Giữa lúc ngắm nhìn mình trong gươm của cửa tiệm (lũ ma lanh, họ có cách bố trí đèn chiếu sáng rất đặc biệt, chúng khiến cho bạn trông mảnh mai hơn và sở hữu một làn da dám nắng, cũng cùng một loại đèn tương tự được dùng để chiếu sáng những con cứ ươn trong siêu thị dành cho tầng lớp khán giả), kể từ khi nàng Marguerite tồn tại, lần đầu tiên tôi đã tự nhủ:
“Thế nào nhỉ, tôi không hối hận tất cả quãng thời gian dùng để gặm móng tay, ngồi đồng đến phát nổi mẩn ngứa trước màn hình bé tí xíu của chiếc máy tính cá nhân. Ôi không! Tất cả những cái đó, tất cả những kỷ luật sắt được mang ra để chống lại nỗi e sợ và sự thiếu tự tin, tất cả những suy nghĩ hủ lậu này trong đầu tôi và tất cả những thứ mà tôi đã làm thất lạc hoặc đã quên khuấy bởi mãi nghĩ đến Giường xếp chẳng hạn, biết nói sao nhỉ, tôi không hề hối tiếc…”     

Tôi không muốn nói giá chính xác, bởi vì với chính sách chi tiêu hợp lý, ván bài brit của chồng tôi, suất bảo hiểm ô tô, khoản trợ cấp thu nhập tối thiểu và tôi có thể tiêu phạm đến tất cả những khoản đó, nhưng bạn nên biết rằng đấy là một con số khiến người ta phải rối trí; và nếu đã xét đến tầm quan trọng của sự việc thì chớ nên so đo tính toán chuyện tiền nong mà làm gì.

Xét cho cùng, người ta không bao giờ có được cái gì mà không phải trả giá, người ta không thể bắt được ruồi nếu chỉ dùng giấm và người ta đừng hòng mong đưa tác phẩm của mình đến với công chúng nếu không tự mình dấn thân, phải không nào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét