Cha nhịn ăn dành tiền nuôi con ăn học, ngày ông lên thăm, cậu chứng kiến cảnh đau lòng nhất - hocviensong

Latest

Ad Section

BANNER 728X90

Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2017

Cha nhịn ăn dành tiền nuôi con ăn học, ngày ông lên thăm, cậu chứng kiến cảnh đau lòng nhất


Một ngày nọ trong lúc cùng anh bạn đồng hương Đại Tường của tôi dọn nhà, khi dọn tới một hộp sách cũ, đột nhiên tôi thấy cậu ngẩn người ngồi bệt xuống đất, đôi mắt rưng rưng. Những giọt nước mắt như đang chực rơi xuống… 
Cậu ta mở cho tôi xem một cuốn sổ ghi chép, trên đó ghi thu chi hằng ngày từng khoản từng khoản một. Nó quả là rõ ràng chi tiết từ tiền ăn sáng tới các khoản nhỏ nhất như mua tăm, mua giấy ăn. Ngồi xem một hồi ký ức như ùa về Đại Tường kể cho tôi nghe một chuyện cũ đã qua của cậu ấy.
Tường là cậu bé sinh ra ở một ngôi làng nhỏ tại Từ Châu. Trong ký ức của cậu, cha thường xuyên phải làm công ngắn hạn ở ga tàu, ít có thời gian ở nhà. Nhưng sự vắng mặt thường xuyên của ông cũng không làm cậu mất đi sự kính trọng và yêu thương khâm phục cha mình. Sau khi thi đỗ đại học, cậu thấy cha tới ngân hàng rút một bọc tiền, tỉ mẩn nhấp nước bọt đếm từng tờ, từng tờ một rất nhiều lần và đưa cho cậu.
Khi bắt đầu học năm thứ nhất, Đại Tường nghiện chơi game trầm trọng. Cậu thường xuyên ở cả đêm ngoài quán nét gần cổng trường để thỏa mãn cơn nghiện của mình. Mặc dù cũng cảm thấy cách sống của mình không ổn nhưng khi nhìn chúng bạn xung quanh mình không đá bóng thì xem phim hoặc chơi game, lâu dần cậu coi như đó là chuyện bình thường.


Đại Tường sinh ra tại một ngôi làng nhỏ tại Từ Châu. (Ảnh theo diembaomang.com)

Kỳ nghỉ hè năm đó, sau khi ở nhà chơi dài vài ngày, cảm thấy vô vị chán nản, Đại Tường thấp thỏm xin tới chỗ cha chơi. Trong tâm cậu suy nghĩ: “Ít nhất ở đó còn có quán nét chứ không lạc hậu như ở quê nhà cậu”. Nghe lời nói dối của cậu muốn “ra chỗ cha để lên mạng tìm tài liệu”, cha cậu đột nhiên phá lệ đồng ý. 
Khi tới nơi, từ đằng xa Đại Tường đã nhìn thấy cha đang đứng đợi ở cổng ga. Chỉ qua một năm thể nghiệm cuộc sống sinh viên, suy nghĩ và cách nhìn nhận vấn đề của cậu dường như thay đổi 180 độ. Lần đầu tiên cậu cảm thấy có đôi chút khó chịu và hơi xấu hổ khi nhìn thấy cha trong đám đông. Bữa đó cha cậu mặc một cái áo cũ đã bị sờn vai, lại rộng thùng thình, trông không ra dáng chút nào.
Vừa gặp cha chưa kịp chào hỏi cậu đã nói: “Cha, cái áo này cũ quá rồi lại rách nữa. Sao cha không bỏ nó đi?”. Cha cậu chỉ mỉm cười và nói: “Con à! Cha đi lao động chân tay mà, có phải làm văn phòng đâu, ần gì phải mặc đồ mới chứ?”. Thấy cha vẫn cố tình không hiểu ý mình, cậu nói giọng có vẻ khó chịu: “Nhưng nó rộng thùng thình thế kia cũng có vừa với người cha đâu?”. Cha cậu vẫn nhẫn nại giải thích: “Áo rộng một chút mới tốt con ạ. Khi bê vác đồ phải giơ tay lên nếu mặc áo vừa người quá sẽ bị rách hết”.
Theo cha về nơi ông ở, có một điều Đại Tường không bao giờ ngờ được là cha cậu vẫn sống lặng lẽ trong căn gác lửng của một ngôi nhà cấp bốn tồi tàn chỉ tầm 6-7 mét vuông. Thời điểm gần nhất cậu lên thăm cha là vào năm 2003. Khi đó với mức thu nhập một tháng của cha là hơn 4000 NDT (khoảng hơn 12 triệu đồng).
Đặt túi hành lý xuống, cậu đảo mắt nhìn quanh nơi cha sống và làm việc. Trong phòng mọi thứ thật đơn sơ và cũ kỹ, ngoài một chiếc giường cá nhân bằng sắt có một cái giá gỗ để đồ dùng cá nhân. Một chiếc bồn rửa mặt bằng xứ vàng vàng xỉn màu từ lâu, một chiếc khăn rửa mặt cũ tới mức không biết rốt cuộc nó là màu gì… Cậu cứ vẫn luôn tưởng tượng rằng, khi cha lên thành phố làm công, cuộc sống của ông sẽ phải đầy đủ, tiện nghi như người thành phố. Cậu không ngờ rằng cha sống trong môi trường kham khổ, bần hàn đến thế.
Thấy con ngẩn người hồi lâu, ông nhìn Đại Tường đầy âu yếm và nói: “Con ngồi đây nghỉ đi nhé. Cha phải đi làm việc đã”. Nói rồi vội vàng rời đi. Tò mò về công việc của cha, cậu đứng ngồi không yên và nhẹ nhàng đóng cửa xuống lầu đi theo xem cha làm gì.

Vài phút sau cậu nhìn thấy cha đi từ sau xe ra. Ông đang còng lưng bê một thùng carton rất to, đi được vài bước ông lại dừng lại lấy cái khăn đang vắt trên cổ lau mồ hôi, rồi tiếp tục còng lưng bê chiếc thùng tới chỗ xe đẩy và chất lên đó. Vài phút sau lại chạy bốc từng thùng carton to hơn người từ xe tải lên xe đẩy tay và cứ tiếp tục lặp đi lặp lại công việc đó. Sau khi xe đẩy đã đầy, cậu thấy cha còng lưng đạp chân mạnh xuống đất để đẩy chiếc xe vào trong kho đông lạnh. Tuy rằng đứng cách cha cả mấy chục mét, Đại Tường vẫn nhìn thấy những đường gân xanh đang nổi rõ trên chân cha.Theo cha đi lòng vòng qua một vài con phố, cuối cùng Đại Tường thấy cha tới một kho đông lạnh. Ở đây cũng đang tập trung khoảng mười người tầm tuổi như cha cậu, có người đang đẩy xe đẩy, có người đang cầm đòn gánh. Cha cậu đến cửa bảo vệ và nhận chiếc xe đẩy của mình. Vừa khi đó bên ngoài có một chiếc xe tải cỡ lớn đi vào, cha cùng với đội của ông đứng xung quanh và đi vào trong xe.
Hóa ra đồng tiền cha kiếm được đều là mồ hôi nước mắt vất vả cực nhọc như vậy mới có được. Nhìn cha làm việc trong tâm cậu không khỏi hổ thẹn và tự trách bản thân. Cậu mon men tới gần cổng bảo vệ hỏi thăm bác bảo vệ xem chuyển một chuyến hàng như vậy là bao nhiêu tiền? Bác bảo vệ cho hay: “Bê một thùng đó là năm hào, cha cậu đẩy 1 chuyến xe được bảy thùng tức là 3,5 tệ (khoảng 13 nghìn đồng)”.
Sau khi tận mắt thấy cha vất vả làm lụng kiếm tiền, chiều đó Đại Tường xin cha cho về nhà. Cậu không muốn ở đó để lên mạng nữa. Trên đường về cậu không khỏi ngậm ngùi và cứ luôn nhớ tới hình ảnh cha còng lưng đẩy xe hàng tới độ gân xanh nổi trên chân. Cậu còn tính xem tiền mình lên mạng chơi game là bao nhiêu chuyến xe của cha, là mất bao nhiêu mồ hôi nước mắt của cha.


Nhìn thấy cha vất vả lao động, Đại Tường bỏ ý định chơi game – cậu xin cha về quê. (Ảnh theo thaidui.com)

Thấm thoắt rồi kỳ nghỉ hè cũng trôi qua, trước khi cậu trở lại trường, cha lại ra ngân hàng rút một cọc tiền và đếm từng tờ, từng tờ một rồi đưa cho cậu. Cậu đếm lại số tiền cha đưa rồi rút ra một nửa đưa lại cho cha và nói: “Học kỳ tới của con cũng ngắn, con không cần nhiều vậy đâu, chỉ một nửa là đủ rồi cha ạ”. Từ ngày hôm đó cậu đã hạ quyết tâm phải trở thành một người con hiếu thảo và một học trò ngoan ở trường.
Tuy nhiên quyết tâm của cậu chỉ thoảng qua như mây khói. Khi vô tình thấy những trò chơi và những tiếng gào thét thích thú của đám bạn ở trong quán nét, lòng cậu lại không nhẫn nhịn được trước ma lực hấp dẫn của nó. Và một lần nữa cậu lại đắm mình vào những trò chơi vô bổ trên mạng thâu đêm suốt sáng.
Đến kỳ nghỉ lễ, nhóm bạn trong phòng lại rủ nhau hát hò, tụ tập ăn uống và đi tắm hơi. Thế là số tiền cậu mang từ nhà lên theo nhau đi hết. Đại Tường liền gọi điện cho mẹ, nói dối là đợt rồi mình mới bị ốm, đã tiêu hết tiền rồi và bảo bà gửi lên.
Ba ngày sau đó, nhiệt độ ở Tây An đột ngột trở lạnh. Chiều đó khi đang ngồi đánh bài với bạn, cậu nhận được tin nhắn có người tới tìm. Khi tới cổng trường, cậu nhìn thấy hình dáng gầy gò của cha đang co ro dưới gốc cây. Cha cậu tuy mới hơn 50 tuổi mà như ông lão 70, già yếu mắt mờ chân chậm, nét mặt đầy mệt mỏi, trên người còn đeo một cái túi trong đựng ruột chăn bông.
Sau khi đưa cha vào trong sân trường, Đại Tường hỏi ông: “Sao cha lại đến đây làm gì? Con có đọc cho mẹ số tài khoản, cha chỉ cần chuyển tiền vào thẻ là được mà. Đi một quãng đường xa như vậy lại còn mang thứ này trên lưng vừa vất vả vừa lãng phí tiền”. 
Cha cậu cười nịnh và nói: “Nghe mẹ con nói con bị bệnh, giờ đã khỏi hẳn chưa? Con nên mua đồ ngon chút mà ăn, nên biết tự chăm sóc mình con nhé. Con không cần lo tiền sinh hoạt đâu, chỉ cần con tự biết ăn uống khỏe mạnh, thành tích học tập tốt thì dù có cần nhiều hơn cha cũng tìm cách lo cho con. Trời bắt đầu trở lạnh rồi. Đây là chiếc chăn bông mẹ con dùng bông bà ấy tự trồng và dệt cho con đấy. Con mang lên đắp thêm cho đỡ lạnh”. 
Đại Tường ngập ngừng chỉ nói được mấy từ: “Dạ…. Con đỡ rồi ạ!”. Hai cha con ngồi nói chuyện một hồi. Rồi cha nói với cậu: “Nhìn thấy con vậy là cha yên tâm rồi. Con cầm lấy tiền này. Cha đi về không để ảnh hưởng gì tới con đâu”. Đang định đưa cha vào căng tin trường ăn món gì đó cho ấm bụng, Đại Tường lại nghe cha nói: “Chỉ còn hai tháng nữa là tới kỳ nghỉ đông của con rồi phải không? Lần này cha mang cho con 3000 tệ (khoảng hơn 10 triệu đồng), con vừa bị ốm nên ăn đồ bổ một chút, như vậy mới có sức mà học”. Nói rồi ông cùng con đi ra cổng trường, đi được vài bước ông quay lại bảo cậu: “Con về đi, tiễn cha ra tới đây là được rồi”. 
Biết tính cha, Đại Tường không dám nói gì thêm và quay vào trường. Đi được một đoạn, cậu quay đầu lại phát hiện cha vẫn đang đứng đó giơ tay vẫy vẫy cậu. Hình ảnh đó làm cậu hồi tưởng thời học trung học, mỗi khi tiễn cậu lên trường trên huyện cha cũng đều đứng vẫy như vậy. Nhìn dáng cha đứng đó, lòng Đại Tường trào dâng xúc cảm, không biết từ lúc nào nước mắt chảy tràn mi.
Túi tiền phồng phồng trong tay dường như đang cổ vũ cậu, cơn nghiện một tuần không được đáp ứng lại một lần nữa réo gọi Đại Tường. Như con nghiện bị bỏ đói lâu ngày, ăn cơm xong cậu lại ra quán nét trước cổng trường. Sau 5 tiếng “chém giết” hoành tráng trên mạng, cậu lại dùng cách cũ, tới cái cây to trước cổng trường và trèo tường vào ký túc xá.
Vào đúng lúc ấy, tim cậu nhói đau khi nhìn thấy một hình ảnh quen thuộc. Dưới ánh đèn đường mờ nhạt, cha cậu đang ngồi co ro trong góc tường trên một tấm vỏ bìa carton không biết nhặt được ở đâu. Trên đầu ông quấn chiếc khăn len cậu dùng từ thời trung học đã cũ. Chiếc áo sờn vai không đủ ấm làm ông co ro thu vào một góc dưới lề đường. Nhìn thấy chiếc áo cha mặc, lại nhìn lại mình cậu không khỏi ân hận. Trong khi cha nhịn ăn nhịn mặc, hy sinh tất cả, thì cậu lại diện đủ quần áo thời trang hãng nọ hãng kia, lớp này lớp khác mà vẫn thấy thiếu.


Người cha co ro dựa vào góc tường, chiếc áo sờn vai và tấm bìa carton không đủ giữ ấm qua đêm.

Kể tới đây, Đại Tường không nhịn nổi, càng khóc to hơn, khóc một hồi cậu kể tiếp: “Sau đó mẹ gọi điện thoại có kể với tôi, bữa đó khi nghe tin tôi bị bệnh, cha liền bất chấp tất cả cứ muốn đến xem tôi ra sao. Vì không mua được vé ngồi, lại tiếc tiền không muốn mua vé nằm nên đã chọn mua vé đứng hơn 20 giờ đồng hồ để đến thăm tôi. Lại tiếc tiền thuê nhà trọ nên chui vào góc tường trường tôi ngủ tạm qua đêm… Nghe mẹ kể lại vậy tôi khóc ngẹn trong điện thoại không nói được lời nào. Trước khi mẹ nói chuyện đó, tôi vẫn cứ giả vờ như không biết điều đó, giả vờ như chuyện đó là chuyện của ai. Bởi vì tôi biết tính cha mình, ông là một người rất cố chấp. Nếu khi đó tôi gọi ông dậy ông sẽ nhất định không chịu theo tôi đi tìm nhà trọ mà vẫn kiên quyết ngồi đó”. 
Đêm đó sau khi nhìn thấy hình ảnh đó của cha, Đại Tường chỉ lẳng lặng trở về ký túc xá. Bình thường, cậu nhớ cha luôn dạy mình: “Thân làm người con trai thì không được khóc lóc ủy mị, luôn phải biết cứng rắn vững vàng thì mới xứng đáng làm chỗ dựa cho cả nhà”. Tuy nhiên khi đó không biết tại sao tim cậu cảm giác như có người bóp ngẹt. Cậu bỗng thấy nỗi đau tận trong sâu thẳm lòng mình. Mỗi khi nghĩ tới hình ảnh cha co ro trong chiếc áo sờn vai không đủ ấm, cậu lại thấy nghẹn lời và vô cùng hối hận.
Từ sau lần đó, Đại Tường bỏ hẳn chơi điện tử và không bao giờ vào quán nét nữa. Cậu còn tự mua cuốn sổ và ghi chép chi tiết từng khoản, từng khoản chi tiêu của mình hàng ngày vào đó như một cách tự nhắc nhở mình. 
Nói đến đây, Đại Tường lại im lặng một hồi và cúi đầu nói: “Trước đây, tôi từng nghĩ rằng cha mình đúng là số khổ. Không biết cách hưởng thụ cuộc sống. Qua lần đó tôi mới hiểu, hóa ra thói quen của ông là dành tất cả mọi thứ tốt đẹp nhất cho con trai mình. Từ năm mười bảy tuổi ông đã bắt đầu làm việc trong kho đông lạnh. Ông làm từ đó cho tới mùa xuân năm ngoái…”.
Nghẹn lời, tới đây cậu không nói tiếp được nữa. Tôi biết cậu đang nhớ cha, vì cha cậu mới mất vào mùa xuân năm ngoái. Trước khi mất, ông có để lại cho cậu ấy một khoản tiết kiệm là 370 nghìn tệ (khoảng hơn 1 tỷ đồng).
Hình ảnh cha của Đại Tường là hình ảnh hy sinh thầm lặng của rất nhiều người cha nghèo khổ trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Đó là tình yêu sâu lắng. cao cả và sự hy sinh thầm lặng không mong chờ chút báo đáp. Tôi nghĩ rằng có một điều may mắn cho cha Đại Tường vì dù sao con trai ông cũng đã nhìn thấy hình ảnh ông co ro trong góc tường, cảm nhận được sự hy sinh thầm lặng của cha mình.

Trong cuộc sống này có lẽ còn có rất nhiều người con không nghĩ đến và cũng chưa nhìn thấy tình yêu thương sự hi sinh thầm lặng của cha mình như Đại Tường. Hãy trân quý cha mẹ mình, hãy yêu họ bằng tình yêu nồng ấm nhất. Cách tốt nhất để cha mẹ vui lòng, được hạnh phúc chính là bạn hãy làm một người tốt, chí ít là một người có ích cho xã hội. 
Kiên Định biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét