P12: Vì Sao Họ Thành Công - Tập 1 - hocviensong

Latest

Ad Section

BANNER 728X90

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

P12: Vì Sao Họ Thành Công - Tập 1

Faith Popcorn - Nhà tương lai học

Faith Popcorn là một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực dự báo các xu hướng xã hội. Bà là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Faith Popcorn Brain Reserve, một công ty tư vấn tiếp thị được bà sáng lập năm 1974. Bà có hai quyển sách viết về các xu hướng tương lai thuộc hàng best-selling: “The Popcorn Report” và “Clicking”.
Bà cung cấp dịch vụ tư vấn cho nhiều công ty thông qua việc tiên đoán các nhu cầu tương lai của khách hàng và hành vi của họ. Bà nhận dạng các thói quen xã hội như tính ky bo cũng như hành vi tiêu xài bạt mạng, tư duy phụ nữ, sự trả thù ngọt ngào và dự đoán cả sự ra đời của thương mại điện tử và hoạt động mua sắm trực tuyến. Những dự đoán của bà được đánh giá là đúng đến chín mươi lăm phần trăm. Faith đã tốt nghiệp Đại học New York và Trường Biểu diễn Nghệ thuật.
Faith hơi gầy nhưng rất dẻo dai, sôi nổi, tác phong nhanh nhẹn đầy sức sống. Lần đầu tiên tôi gặp bà tại nhà em gái tôi ở Manhattan. Lần đó có cả con gái tôi, Annabel. Faith và Annabel cách nhau cả một thế hệ nhưng cả hai rất tâm đầu ý hợp trong lĩnh vực làm đẹp và các xu hướng thời trang hiện đại. Faith là người quan tâm đến mọi người và mọi thứ. Bà làm quen với mọi người rất dễ dàng, và tôi cho rằng đó cũng là một lý do khiến bà thành công như ngày nay.
Tôi phỏng vấn bà tại trụ sở chính của Brain Reserve nằm ở khu Thượng Đông Manhattan thành phố New York. Nhìn bên ngoài tòa nhà trông như mọi ngôi nhà lân cận khác nhưng khi bước vào bên trong, bạn sẽ lập tức nhận ra sự khác biệt. Toàn bộ nhân viên của bà đều mặc com-plê đen, cả cô con gái yêu của bà cũng vậy, và hầu hết đều dưới ba mươi tuổi. Bầu không khí làm việc rất sinh động và hối hả. Rõ ràng là họ không có sự phân biệt về cấp bậc trên dưới vì trông họ rất bình đẳng với nhau. Tôi không nhìn thấy một căn phòng trang nghiêm bí hiểm nào (loại văn phòng dành cho các vị lãnh đạo cao cấp) trong tòa nhà của họ.
Faith rất chuyên nghiệp và dễ phỏng vấn vì những gì bà bán cho khắp thế giới là sản phẩm của chính bản thân bà. Bà sáng tạo ra và tự tiếp thị chính mình như một biểu tượng của tương lai. Như một nghệ sĩ dày dạn kinh nghiệm, bà trình diễn cuộc đời bà trong sự khoáng đạt, khởi xướng các sáng kiến một cách rõ ràng, chính xác và luôn có những cảm nhận tinh tế trước mọi biểu hiện của người đối diện. Faith là một phụ nữ có khả năng truyền cảm hứng, một doanh nhân và là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa.
Nguồn: Vì sao họ thành công ? - First News và NXB Trẻ TPHCM

Óc Quan sát tinh tế và sự nhạy bén về văn hóa
“Phụ nữ điều hành công ty bằng cách cho mỗi nhân viên của họ một lá phiếu. Mọi người đều có quyền bày tỏ ý kiến. Bạn không thể khiến mọi người làm tốt bất cứ việc gì nếu họ chưa thông tỏ về nó.”  
- Faith Popcorn

Tôi thành lập Faith Popcorn Brain Reserve vào năm 1974. Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn cho các công ty thuộc câu lạc bộ Fortune 500 (Nhóm 500 công ty hàng đầu Hoa Kỳ).
Thường thì cấp Hội đồng quản trị và cấp giám đốc hay thuê chúng tôi đưa ra những dự báo trước vài thập niên và giúp họ nghĩ ra các sản phẩm hoặc chiến lược kinh doanh đón đầu tương lai.
Họ quá bận rộn với việc điều hành công việc trong hiện tại và những gì còn chưa hoàn thành của quá khứ mà không có thì giờ nhìn về tương lai, cho nên chúng tôi giúp họ bằng những dự báo như thế. Chúng tôi dự báo chính xác đến chín mươi lăm phần trăm các trào lưu xã hội, xu hướng tương lai và tất cả đều được ghi lại trong sách vở bằng những phương pháp khoa học nhất. Nói ngắn gọn, chúng tôi tiến hành khảo sát, điều tra, nghiên cứu tất cả các lĩnh vực có liên quan đến hoạt động của khách hàng của chúng tôi nhằm đưa ra một câu trả lời duy nhất cho họ, đại loại như, “Quý vị đừng làm cái này, hãy theo cái kia đi”, hoặc “Hãy làm theo công thức này đi”.
EVEolution - The Eight Truths of Marketing to Women (tạm dịch: EVEolution - Tám Chân lý Tiếp thị với Khách hàng nữ), cuốn sách do Lys Marigold và tôi là đồng tác giả, là cuốn hay nhất mà tôi đã từng viết (Lys cũng đồng ý như thế).  Nó bàn về sự khác nhau trong cách nhìn nhận vấn đề giữa đàn ông với phụ nữ và đưa ra những phương cách tiếp thị khác nhau dành cho từng giới. Phụ nữ thường mua đến tám mươi phần trăm lượng hàng tiêu dùng trên thế giới nên họ là một thị trường rất lớn. Tuy nhiên, EVEolution là một cuốn sách khó đọc. Nó miêu tả một phương thức tiếp thị mới thông qua tám điển hình lịch sử của các công ty mà chúng tôi đã có dịp tư vấn, từ GE Capital (Công ty tài chính thuộc Hãng sản xuất điện tử General Electric) cho đến Jiffy Lube.
Chúng tôi nổi tiếng với xu hướng “cocooning” (tạm dịch: đóng kén), một xu hướng mua sắm tại gia. Ít ai biết được rằng tên gọi này do chúng tôi tự đặt từ năm 1981, khi mọi người vẫn còn say sưa trong ma túy, tình dục và nhạc rock 'n' roll. Chúng tôi thường “đi trước thời đại” như thế. Chẳng hạn, chúng tôi tư vấn cho một nhà hàng thức ăn nhanh thế này: “Quý vị có biết rằng giao hàng tận nhà sẽ quan trọng như thế nào trong thời gian tới không? Quý vị đã định dạng lại sản phẩm và cung cách phục vụ của mình để nắm thế thượng phong ngay từ bây giờ chưa?”. Về phía khách hàng, đầu tiên họ xét xem tương lai đó là gì và người tiêu dùng đúng là có nhu cầu đó hay không. Sau đó, họ sẽ định dạng lại sản phẩm và dịch vụ của họ, ngay cả khi phải thay đổi một vài thứ cho phù hợp.
Ý nghĩ thành lập Faith Popcorn's Brain Reserve chợt đến khi tôi đang làm giám đốc ý tưởng (copywriter) và sáng tạo (creative) cho một hãng quảng cáo và bị cho thôi việc vì "đi trên mây". Thậm chí tôi còn lập một công ty quảng cáo nhỏ cho riêng mình. Tôi để ý thấy rằng những điều tôi tiên đoán sau đó đều trở thành hiện thực cả. Ví dụ, tôi nói: “Các món ăn theo kiểu người da đỏ sắp thịnh hành đấy. Món Mexico cũng vậy”. Và sự việc diễn ra đúng như vậy thật. Vâng, tôi có thể nói cho bạn biết loại xe nào sẽ bán chạy sắp tới. Tôi nhận ra rằng tôi đã sử dụng các phương pháp suy luận khoa học một cách rất vô thức. Tôi có hàng ngàn người bạn chỉ để trò chuyện và động não với họ nhằm chắt lọc thông tin. Đó là một Ngân hàng ý tưởng với 7.500 bộ não chuyên gia của chúng tôi. Mỗi năm, chúng tôi cũng trò chuyện với khoảng 4.000 người tiêu dùng trên mười sáu lĩnh vực trong suốt hai mươi năm qua. Tôi đọc khoảng 500 tạp chí và bản tin mỗi tháng bằng nhiều thứ tiếng, trong đó có cả tiếng Nhật và tiếng Hoa, và tôi gọi đó là Ngân hàng kiến thức của chúng tôi.
Tôi là người có thể cảm nhận được những gì người khác không thể cảm nhận. Mười năm trước đây, tôi đoán rằng phụ nữ sẵn sàng từ bỏ công việc để có con và sẽ mở công ty riêng. Ngày nay, rất nhiều phụ nữ sở hữu và điều hành công ty của riêng mình với tổng số nhân viên lớn hơn toàn bộ nhân viên của các công ty thuộc Fortune 500 gộp lại. Lần khác, tôi bảo giám đốc một hãng hàng không rằng: “Ông biết chưa, tiếp viên hãng ông sắp đình công đấy”. Ông ấy bảo: “Bà nói gì thế? Chúng tôi vẫn xuôi chèo mát mái với nhau mà!”. Hai tuần sau, họ đình công.
Cha mẹ tôi đều là luật sư, nhưng mẹ tôi là một luật sư rất lơ đễnh, còn cha tôi là một luật sư hình sự làm việc cho Cục Điều tra Tội phạm của quân đội Mỹ ở Thượng Hải. Tôi có một em gái nhỏ hơn tôi bảy tuổi. Hồi nhỏ tôi sống ở Thượng Hải nên bị lôi cuốn bởi sự huyền bí của nền văn hóa Trung Hoa. Có lẽ đó là lý do sau này tôi nhận một đứa con nuôi người Hoa. Vì muốn trở thành thám tử tư nên tôi thường theo dõi một số người trên đường phố, nhưng chỉ theo dõi cho vui vậy thôi. Tôi nghĩ thật thú vị khi nghe ai đó bảo rằng họ sắp sửa làm gì rồi thật sự họ đã làm gì. Kinh doanh cũng thế - bạn phải biết người ta nói, nghĩ, và làm như thế nào trong tương lai. Tôi tập hợp tất cả các dữ liệu thu thập được và phân tích, phán đoán xem họ đang nghĩ gì và sẽ làm gì. Tôi cũng là một con mọt sách. Tôi đọc ba mươi quyển sách mỗi tuần về mọi chủ đề: thời trang, điện tử, thực phẩm, thể thao… Có lẽ sự nhạy bén về văn hóa và óc quan sát tinh tế là chìa khóa cho sự thành công của tôi.
Phụ nữ có khả năng đọc được suy nghĩ của người đối diện rất tốt và khả năng này đã giúp họ trở thành những người bán hàng giỏi. Vâng, chúng tôi cảm nhận sự việc bằng tất cả các giác quan của mình.
Nhưng tôi cũng cảm thấy rất phiền phức khi lúc nào, đi đến đâu trong đầu tôi cũng lởn vởn những câu hỏi như: “Điều đó có ý nghĩa gì?”, “Họ đang nghĩ gì thế?”. Giống như một cặp tình nhân nói rằng họ đang rất hạnh phúc, nhưng trên thực tế bạn thấy họ không phải như vậy. Từ nhỏ tôi đã thực hành điều đó: quan sát và nhận xét. Tôi được mệnh danh là một bà cụ non.
Cha mẹ tôi không chấp nhận việc trẻ con đi làm thêm kiếm tiền. Đã có lúc tôi muốn làm nghệ sĩ nên tôi vào trường nghệ thuật sân khấu ở New York để học diễn xuất. Sau khi tốt nghiệp, lẽ ra tôi phải vào trường luật học tiếp nhưng tôi không đi. Cha tôi mất trong một tai nạn xe hơi khi tôi mười chín tuổi. Đó là một bước ngoặt lớn trong đời tôi. Nếu ông còn sống chắc tôi sẽ là một luật sư, vì tôi rất ngưỡng mộ cha. Bạn trai tôi làm ở ngành quảng cáo nên tôi có học qua một khóa về quảng cáo và cũng khá tinh thông về nó. Tôi rất mạnh về kỹ năng viết, rất ngắn gọn và rất súc tích - nên được đề nghị một vị trí trong một hãng quảng cáo. Tôi nhận lời nhưng thật lòng mà nói, tôi chưa bao giờ muốn làm việc trong ngành quảng cáo. Tôi không muốn bị ép phải nói hươu nói vượn để thỏa mãn cái tôi của khách hàng.
Năm 1968, trước khi mở công ty riêng, tôi đổi tên thành Popcorn, vốn là biệt danh do sếp tôi đọc trại cái tên “Plotkin” của tôi mà thành. Đó quả thật là một ý tưởng rất hay vì “Bắp Nổ” (popcorn – bắp nổ) đúng là một cái tên khó ai có thể quên được. Giờ đây cái tên đó đã nằm trên hộ chiếu của tôi và theo tôi đi khắp cùng trời cuối đất.
Khi khởi nghiệp, tôi không có tiền và cũng chẳng làm ra đồng nào trong mười năm ròng. Công ty tôi chỉ có Stuart Pittman, cộng sự của tôi, và một thư ký. Stuart là đồng nghiệp thân của tôi từ hồi còn làm ở hãng quảng cáo. Nhưng sau khi chung vốn với tôi, Stuart muốn lái công ty theo hướng quảng cáo, trong khi tôi lại muốn làm tư vấn nên chúng tôi đành chia tay. Phải mất một thời gian dài tôi mới gầy dựng được tiếng tăm cho công ty và bắt đầu có chút lợi nhuận. Tôi chỉ biết công ty sắp ăn nên làm ra và sẵn sàng bỏ thêm năm mươi năm nữa để nuôi dưỡng nó nếu cần thiết. Tôi biết mọi công ty đều phải hướng đến tương lai và vì thế, họ sẽ phải cần đến công việc của tôi. Điều đó đã và đang diễn ra đúng như thế.
Một trong các khách hàng thuở ban đầu của chúng tôi là Campbell's Soups. Họ thật sự hiểu công việc mà tôi đang làm. Hồi đó, công việc của tôi chưa có tên nên theo lời khuyên của họ, tôi đặt nó là Trends và sau này nó tỏ ra thật thích hợp. “Trends” đơn giản chỉ nghiên cứu các khuynh hướng tiêu dùng trong tương lai. Đối với Công ty Campbell, tôi nhận ra rằng những cái lon thiếc đựng xúp sắp hết thời và đề nghị họ nghĩ đến việc sử dụng hộp nhựa hay giấy để thay thế. Họ thất vọng và lấy làm phiền lòng trước đề nghị “khiếm nhã” của chúng tôi. Mười năm sau, hộp nhựa và lon giấy được sử dụng khắp mọi nơi, nhưng họ không phải là người đầu tiên sử dụng chúng. Chúng tôi cũng từng khuyến cáo xu hướng Food-for-One (tạm dịch: Khẩu phần cho một người) vì chúng tôi dự đoán phụ nữ sẽ chọn lối sống độc thân nhiều hơn, nhưng họ cũng không nghe dù chúng tôi chứng minh bằng những con số thống kê nhân khẩu học có độ tin cậy cao. Ngày nay thực tế diễn ra đúng như vậy.
Số phụ nữ mở công ty riêng ngày nay nhiều gấp hai lần so với nam giới và họ sẽ trở thành một lực lượng hùng hậu trong thập niên tới. Phụ nữ điều hành công ty bằng cách trao cho mỗi nhân viên của họ một lá phiếu. Đối với họ, mọi người đều có quyền bày tỏ ý kiến. Bạn không thể khiến mọi người làm tốt bất cứ việc gì nếu họ chưa thông tỏ về nó. Phụ nữ chúng tôi kể cũng vui. Tôi không tuyển những người chỉ biết nói “không” hoặc “không thể” vì họ không có cái mà tôi gọi là nhiệt huyết. Tôi thích nhìn cảnh tượng khách hàng bước vào và thấy có một sự ngăn nắp gọn gàng trong công ty. Điều đó có sự đóng góp rất lớn của những bộ đồng phục. IBM hầu như là nhà phát minh đầu tiên của những bộ đồng phục công sở. Tôi rất thích nhìn các chàng trai của họ trong bộ com-plê xanh và những chiếc cra-vát giống hệt nhau. Trông họ thật chuyên nghiệp và tuyệt vời.
Tôi cũng là người hay bốc đồng. Chẳng hạn, hơn bốn năm về trước, khi cùng một người môi giới bất động sản đi mua một căn hộ có hai phòng ngủ, chúng tôi đi ngang ngôi nhà này. Tôi bảo: “Trời ơi, nếu tôi nhìn thấy một căn nhà như thế, tôi sẽ mua ngay”. Cô ấy nói: “À, căn nhà này đang bị kê biên tài sản”. Không có dấu hiệu gì cho biết điều đó - chẳng có bảng rao bán hay thông báo kê biên gì cả. Đúng là tôi có một bản năng đoán trước mọi việc. Thế là máu bốc đồng nổi lên, óc phán đoán hoạt động và tôi hình dung nếu mình chuyển hết công ty về đây thì sẽ rất có lợi về kinh tế. Thế là chúng tôi dự đấu giá, mua được nó và phát triển công ty ở đây.
Nếu làm luật sư, có lẽ tôi xếp hạng chót trong số các luật sư bét nhất. Thú thật, tôi cảm thấy rất tồi tệ khi la mắng người khác hoặc nói sai điều gì đó. Và tôi cũng không bao giờ trở thành một luật sư giàu có được, vì có quá nhiều sự bất công trên đời này có thể được mua bằng tiền, mà tôi thì không thể ngửa tay nhận những đồng tiền đó được. Tôi không ngưỡng mộ người giàu có vì phía sau gia tài của họ thường là một tội ác. Những người như Eleanor Roosevelt mới là thần tượng của tôi. Tôi rất ái mộ bà. Con gái tôi cũng là một thần tượng đang lên của tôi.
Đối với tôi, thành công là tạo dựng cơ nghiệp và làm cho nó phát đạt. Nó không chỉ đơn thuần là kinh doanh, là sự cần mẫn, mà còn là cả cuộc đời tôi. Sẽ không có ngành kinh doanh “Trends” (Tư vấn về các xu hướng xã hội) nếu không có chúng tôi. Tôi rất tự hào nói rằng tôi là người đã khai sinh ra ngành này. Đại học Harvard từng mời tôi dạy một khóa về đánh giá mức độ tập trung qua gương mặt của các sinh viên. Tôi muốn để lại một di sản cho thế hệ sau. Tôi muốn nó sẽ trở thành một nghề nghiêm túc. Làm được điều đó mới thực sự là một thành công đối với tôi.
Một khía cạnh khác của thành công nằm ở vai trò làm mẹ của người phụ nữ. Tôi hy vọng mình là một bà mẹ tốt. Ngoài điều đó ra, tôi không còn hạnh phúc nào lớn hơn.
Rất nhiều bạn bè tôi nghiên cứu về phép thiền định của Phật giáo. Đó là điều tốt. Đó là một xu hướng mà tôi gọi là Tìm nơi nương tựa. Tôi cần nhiều những thứ như thế trong đời. Nếu tôi chết ngay bây giờ, liệu mọi việc có ổn không? Tôi không biết, có thể ổn, cũng có thể không. Nhưng điều họ muốn hướng đến là sự bình an trong tâm hồn - cái mà tôi chưa có.
Tôi sẽ khuyên lớp trẻ đang khởi nghiệp hôm nay rằng nếu muốn trở thành doanh nhân, hãy tìm một cộng sự có thể làm những việc mà bạn không thể làm tốt được. Ngoài ra, bạn phải thật sự có một ý tưởng rõ ràng về các mục tiêu của bạn và vận dụng những biện pháp tốt nhất sẵn có để thực hiện và theo đuổi tới cùng. Một việc khác mà tôi đã làm là gặp gỡ những người giỏi để học hỏi từ họ. Dale Carnegie cũng làm thế. Tôi thích ông và thích cả quyển Think and grow rich (Nghĩ và làm giàu) của ông. Đó là một cuốn sách hay nhất mà tôi từng đọc. Khởi đầu sự nghiệp, Dale Carnegie viết về 100 nhân vật mà ông ngưỡng mộ, như Thomas Edison chẳng hạn, và xin nói chuyện với họ. Tôi khuyên các bạn trẻ hãy mạnh dạn tìm hiểu thần tượng của mình. Khi các em nhỏ viết thư hay gửi e-mail xin gặp tôi, tôi đều dành thời gian tiếp chuyện và hướng dẫn các em tham quan văn phòng của chúng tôi. Tôi không thích được gọi là cố vấn vì nó làm tôi có cảm giác mình đã già. Nhưng nếu ai đó hỏi tôi rằng: “Tôi có thể nói chuyện với bà về những việc tôi định làm và kế hoạch kinh doanh của tôi không?”, tôi sẽ nói ngay: “Vâng, tất nhiên rồi, hãy nói tôi nghe nào!”. Vì thế, hãy đến gặp những người mà bạn ngưỡng mộ và hỏi họ: “Làm thế nào ông/bà được như ngày nay? Ông/bà có thể cho tôi một lời khuyên không?”. Điều đó rất có ích và có thể tạo ra một hướng đi mới cho bạn.
Kết luận
Faith Popcorn không có ý định bắt đầu sự nghiệp bằng nghề dự đoán các xu hướng xã hội. Bà bắt đầu từ ngành quảng cáo và khám phá ra rằng bà có khả năng tiên đoán công chúng muốn gì trong tương lai và đặt tên cho các xu hướng đó. Faith cũng từng muốn làm thám tử tư cũng như làm luật sư cho đến khi cái chết của người cha đã làm bà thay đổi quyết định. Faith định nghĩa thành công là làm cho công việc kinh doanh của mình trở nên thịnh vượng. Bà rất say mê công việc, toàn tâm cống hiến cho công ty của mình, và bà cũng muốn các nhân viên của mình như thế. Bà khuyên lớp trẻ nếu muốn trở thành doanh nhân thành đạt trước hết hãy lập kế hoạch kinh doanh rõ ràng, tìm các cộng sự có những kỹ năng bổ khuyết cho mình, và gặp gỡ những người tài giỏi để học hỏi. Song song đó, hãy rèn luyện kỹ năng giao tiếp hiệu quả và hãy mạnh dạn đặt câu hỏi mọi lúc, mọi nơi, và với mọi người.
Những lời tâm sự của Faith thể hiện chính xác con người và hình ảnh của bà trước công chúng: rạng rỡ, sống động, và đầy tự tin. Tôi tin rằng các bạn sẽ học hỏi được nhiều điều qua cuộc phỏng vấn mà bà dành cho tôi.
Nguồn: Vì sao họ thành công ? - First News và NXB Trẻ TPHCM

John Sculley - Nguyên TGĐ điều hành Tập đoàn Apple

John Sculley được đề bạt chức Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Apple vào năm 1983 khi doanh số của Apple chỉ đạt 600 triệu đô la một năm. Dưới quyền điều hành của ông, doanh thu của Apple tăng đến 8 tỉ đô la và Apple đã từng nhận được giải thưởng xuất sắc nhất về quảng cáo trên truyền hình và sách báo.
Sculley nổi tiếng nhờ việc phát triển thương hiệu Apple vào công nghệ máy vi tính cá nhân. Nhiều nhãn hiệu lớn đã được tạo ra trong nhiệm kỳ của ông như: Macintosh, Apple Desktop Publishing và máy tính xách tay Apple PowerBook. Tạp chí Advertising Age và Adweek đều bình chọn ông là Nhà Quảng cáo Xuất sắc nhất của năm và Bản tin điện tử Tài chính bầu John Sculley là Tổng giám đốc điều hành giỏi nhất trong mười năm đầu của Kỷ nguyên Tiếp thị (tức vào khoảng cuối thập niên 80, đầu thập niên 90).
Sculley đến Apple từ Tập đoàn Pepsi, nơi ông có năm năm làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành và mười sáu năm làm quản lý và tiếp thị. Ông là người đã từng đưa Pepsi qua mặt Coca Cola để giữ vị trí dẫn đầu trong thị trường nước giải khát tại Mỹ, theo đánh giá của AC Nielsen, một công ty chuyên nghiên cứu về thị trường nổi tiếng trên thế giới. Hiện nay ông đang làm việc cho công ty tư vấn và cho thuê tài chính do ông hùn vốn với hai người anh trai Athur và David.
Tôi gặp John lần đầu vào những năm đầu của thập niên 1980. Lúc đó ông nhận được nhiều mối quan tâm của công chúng về Apple và tôi nghĩ rằng ông rất tự mãn và kiêu ngạo. Nhưng tôi đã lầm. Ông rất khiêm tốn, thông minh, sâu sắc, sẵn sàng lắng nghe và không hề cao ngạo. John cuốn hút mọi người bởi vóc dáng cao lớn, cân đối, nhanh nhẹn, mái tóc hoe đỏ và một cá tính mạnh mẽ. Dường như ông cố ý ăn mặc không đúng cách như muốn nói rằng ông không chú ý nhiều đến vẻ bề ngoài của mình. Và cũng vì thế mà ông rất quyến rũ. Tôi từng giới thiệu ông với nhiều người và ai cũng có ấn tượng tốt về ông. Một trong những người đó là cha tôi, Thomas Watson Jr., người thật sự mến ông dù rằng họ là những đối thủ của nhau (cha tôi làm CEO của IBM). Một trong những thế mạnh trong kinh doanh của John là ông được rất nhiều người yêu quý.
Mùa thu năm ngoái, ông đến nói chuyện tại Hội nghị Công nghệ của Đại học Haas ở Berkeley và được chào đón nồng nhiệt. Cuối buổi thuyết giảng đó, tôi đến hỏi xin bản ghi chép của ông, và ông đã đưa cho tôi một tấm thẻ ghi chú các đề mục và thời lượng cho từng đề mục được ông ghi chép rất tỉ mỉ. Ông là một con người xuất sắc trên nhiều phương diện.
Nguồn: Vì sao họ thành công ? - First News và NXB Trẻ TPHCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét