P11: Vì Sao Họ Thành Công - Tập 1 - hocviensong

Latest

Ad Section

BANNER 728X90

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

P11: Vì Sao Họ Thành Công - Tập 1

Sống hữu ích cho đời
“…Nếu bạn tận hiến cho tình yêu và niềm đam mê của mình, bạn sẽ được những điều tốt đẹp. Nhưng nếu chúng không đến với bạn, hãy thay đổi và chọn những mục tiêu khác.”
- Jack Kornfield

Hiện nay, tôi là một trong những huấn luyện viên lâu năm và là một trong những sáng lập viên của Trung tâm Spirit Rock, một trung tâm thiền học chuyên trợ giúp cộng đồng các hình thức luyện tập nhận thức tư tưởng, sự tịnh tâm và lòng trắc ẩn để họ có thể sống một cuộc sống tinh thần bình an trong đời sống gia đình, trong hoạt động kinh doanh, sáng tạo nghệ thuật và cả lĩnh vực chính trị.
Giáo trình giảng dạy của Spirit Rock xuất phát từ các truyền thống Phật giáo và mở rộng cho tất cả mọi người không phân biệt trình độ học vấn, tôn giáo và địa vị xã hội. Không phải mọi người đến đây để trở thành Phật tử, giáo sĩ thiền hay thánh nhân để phù hộ gia đình họ. Họ đến để học cách đánh thức bản tính thiện của mình để có một cuộc sống đúng với chân giá trị của bản thân và sự tri ngộ vô biên. Đó là một trung tâm giáo dục kiểu Mỹ, giảng dạy các triết lý Phật giáo theo phong cách Mỹ; không có tụng niệm hoặc lễ nghi tôn giáo nào nên những lời giảng dạy rất đơn giản và dễ hiểu. Theo ước đoán của tôi, hiện trung tâm có mười ngàn người đến học mỗi năm và danh sách những người thường xuyên liên lạc với chúng tôi đã lên đến bốn mươi ngàn địa chỉ. Chúng tôi hy vọng có thể cung cấp một không gian tĩnh lặng để mọi người có thể tạm xa lánh những rối rắm đời thường, có thể tịnh tâm và mở rộng lòng từ bi hỉ xả để từ sự tĩnh tại đó, họ sẽ trở nên hạnh phúc hơn, sáng suốt hơn. Chúng tôi đặc biệt giúp đỡ những người muốn học cách vượt qua các khó khăn và bất kỳ trở ngại nào xuất phát từ nỗi sợ hãi, lo lắng, giận dữ hay bất an trong lòng. 
Chúng tôi cũng đón tiếp các vị mục sư, linh mục và các giáo sĩ Do Thái đến với trung tâm. Họ muốn học cách tĩnh tâm thiền định để dạy cho giáo dân của họ. Chúng tôi đã có nhiều khóa học đặc biệt như thế. Chúng tôi cũng có một giáo trình dạy thực hành thiền tại gia và nhiều khóa huấn luyện cho giới trẻ ở các khu phố nghèo trong các cộng đồng khác nhau.
Khi còn nhỏ, tôi không mảy may nghĩ rằng mình sẽ làm những việc như đang làm ngày hôm nay. Cha tôi là một nhà khoa học thành công nhưng bất hạnh vì cuộc sống luôn bị quấy rầy. Cha tôi dạy trường y và nhiều viện hàn lâm khác nên tôi có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều người thành đạt. Có người rất dễ mến, có người rất đáng thương nhưng cũng có người rất bạo tàn. Tôi bắt đầu nhận ra rằng sự thông minh, lỗi lạc, và danh tiếng khắp thế giới có khi cũng không mang lại hạnh phúc. Hạnh phúc thật sự của con người chỉ đến từ sự hài lòng về sự tồn tại của chính họ trên thế gian này, chứ không phải từ những thành công xuất sắc về thương mại hay những giải thưởng hàn lâm danh giá. Tôi bỗng quan tâm đến điều đó khi chỉ mới là một cậu bé mười mấy tuổi.
Cha tôi là một người đáng sợ, hay giận dữ, rất độc đoán và khó khăn. Mỗi khi ông về đến nhà thì bốn anh em tôi nín bặt, chờ đợi xem tâm trạng ông thế nào ngày hôm đó. Mẹ tôi thì lại rất hướng ngoại, sống rất lạc quan và dễ chịu. Bạn bè tôi ai cũng yêu quý bà và hay đến tâm sự với bà đủ mọi chuyện trên đời. Tuy nhiên khi cha tôi có mặt thì họ lặn mất tăm!
Anh em chúng tôi đã thử mọi cách để làm vừa lòng ông nhưng vô ích. Tôi trở thành người kiến tạo hòa bình duy nhất trong nhà. Ngày nay tôi vẫn phải làm công việc ấy. Một người anh của tôi chắc sẽ phản kháng lại cha tôi nếu anh trở lại thời đó. Một anh khác thì sa sút tinh thần, bởi không thể chịu đựng nổi cha tôi. Còn người thứ ba thì trở nên hài hước và hay ví von. Còn tôi, khỏi phải nói tôi mừng đến mức nào khi được bước ra khỏi nhà để vào đại học.
Tôi rất thích khoa học vì cha tôi là một nhà vật lý sinh học, một trong những người đầu tiên sáng chế ra loại thuốc con nhộng, máy giúp thở và tim nhân tạo. Nhưng chỉ đơn giản là thích thế thôi, chúng tôi không ước mơ trở thành khoa học gia này nọ mà chỉ cố học cho thật giỏi.
Tôi vào lớp dự bị y khoa của Đại học Dartmouth. Với tôi, làm bác sĩ cũng tốt. Học kỳ đầu tiên tôi theo học môn hóa hữu cơ và vài môn khoa học khác. Sau đó tôi ghi danh vào lớp Châu Á Học với một vị giáo sư thỉnh giảng từ Harvard, Tiến sĩ Wing Tsit Chan. Tôi ngưỡng mộ vốn kiến thức uyên thâm của ông về nền văn hóa Trung Quốc, về Đạo Khổng và hệ thống khoa cử của chế độ phong kiến Trung Quốc ngày xưa. Sau cuộc khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn 1900 - 1901 (cuộc nổi dậy của các võ sĩ Trung Quốc), ông cũng nghiên cứu thêm về nền văn hóa hiện đại của Trung Quốc. Một hôm, ông giảng cho chúng tôi nghe về Lão Tử và Phật giáo. Tôi như được mở mắt và bừng tỉnh. Sau một thời gian ngắn, tôi chuyển hẳn sang học ngành này. Tôi bắt đầu đọc quyển Tây Tạng Kinh về Sự Chết và bất cứ sách nào nói về phái Thiền Tông (Zen). Đó là vào những năm 1960 và trên thế giới xuất hiện nhiều trào lưu tư tưởng mới nên có lẽ tôi cũng bị tác động chăng?
Những năm 1960, tiền bạc chưa phải là một thước đo xã hội như bây giờ. Gia đình chúng tôi đã từng sống những ngày không một xu dính túi nhưng rồi chúng tôi đã vượt qua và lớn lên. Tôi chỉ bị chi phối khá nhiều bởi cuộc sống và cả những nỗi đau mà người cha trái tính của tôi đem lại. Sự sợ hãi luôn ngự trị trong gia đình chúng tôi thời đó. Vì thế, tôi tìm kiếm những gì có thể mang lại cho mình sự bình an trong tâm hồn. Với tôi, điều đó quan trọng hơn tiền bạc.
Tốt nghiệp Dartmouth, tôi không muốn sang Việt Nam chiến đấu mà tình nguyện gia nhập lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc để có cơ hội giúp đỡ con người thay vì bắn giết họ. Tôi đề nghị được đi đến những nước có Phật giáo phát triển để kết hợp học hỏi thêm nơi các thiền viện. Sau khi đọc về các thiền sư phái Thiền Tông và các Lạt-ma (thầy tu Tây Tạng), tôi nghĩ rằng trên đời này phải có những người cao thâm lắm, họ thông thái hơn cả những bộ óc vĩ đại nhất trong các trường đại học lừng danh của nước Mỹ. Tôi được điều sang Thái Lan hai năm hỗ trợ các nhóm cứu thương ở Thung lũng sông Mê Kông. Chúng tôi được học tiếng Thái một cách bài bản nên nói rất tốt. Có điều chiến sự ở đó rất ác liệt.
Là nước lấy đạo Phật làm Quốc giáo, Thái Lan có rất nhiều chùa chiền, đền miếu, thiền viện cùng các vị cao tăng. Tôi gặp Ajahn Chah, bốn mươi bảy tuổi, sư phụ đầu tiên của tôi lúc tôi hai mươi hai. Ajahn là người có óc khôi hài, thâm thúy và niềm vui sống luôn lấp lánh trong đáy mắt ông. Khi tôi đề nghị Ajahn nhận tôi làm đệ tử, Ajahn không nhận lời ngay mà hỏi ngược lại rằng liệu tôi có chịu đựng được những khuôn phép khắt khe của nhà chùa hay không? Rằng tôi còi cọc như vậy khi đi tu còn ốm hơn thế nữa, khi đó họ biết làm sao với bộ xương khô của tôi? Rằng tôi có chắc là đã có quyết định cuối cùng hay chưa? Và vô số các câu hỏi khác. Tôi thích một sư phụ, một cố vấn như vậy.
Tôi cũng được truyền nguồn cảm hứng từ một sư phụ người Mỹ uyên thâm và rất tuyệt vời, người đã đến Thái Lan trước tôi nhiều thập niên và đang là một trụ trì. Ông từng được vua Thái Lan trao tặng phần thưởng cao quý vì họ xem ông như một trong những thượng tọa của đất nước mình.
Thế rồi tôi vào chùa, tụng kinh gõ mõ và đi… khất thực (còn gọi là đi bát). Đó là truyền thống nhà Phật. Chúng tôi cầm bát đi khắp các làng mạc xa xôi hẻo lánh từ mờ sáng cho đến khi mặt trời lên cao. Đó là một kinh nghiệm rất sống động và tuyệt vời. Tôi đi xin, mọi người sẵn lòng chia sẻ với tôi chút lương thực ít ỏi của họ, nhưng tôi không được mở miệng cám ơn họ. Tôi chỉ được phép cảm ơn họ trong tâm tưởng, và trả ơn họ bằng việc làm của mình. Chúng tôi đem đến cho họ những tư tưởng, triết lý của nhà Phật, triết lý làm người; động viên an ủi họ và cứu chữa họ bằng những bài thuốc cỏ cây mà chúng tôi được học nơi nhà chùa.
Thỉnh thoảng chúng tôi nhập thất vài ngày để tịnh tâm. Trong lúc tịnh tâm, chúng tôi "nhìn" thấy mọi cảm xúc của thế gian đang dâng trào - sự cô đơn, nỗi sợ hãi, niềm khát khao, tham vọng và niềm hy vọng vào sự cứu rỗi. Chúng tôi có thể thấy mọi ngóc ngách của tâm hồn mình. Dần dà, chúng tôi nhìn thấy cả thế gian, một thế giới đầy mưu ma chước quỷ, đầy sợ hãi và tham vọng, nhưng chúng tôi không còn sợ nó nữa.
Tôi sống và tu ở Thái Lan năm năm. Sau đó trở về sống với gia đình tại quê nhà ở Washington và… cưới vợ. Rồi tôi suy tư về tương lai của mình. Tôi quyết định lấy bằng thạc sĩ tâm lý học để tự tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra với tôi. Tôi được học các giáo lý nhà Phật và nhận ra rằng bản thân mình có sự thay đổi, nhưng tôi vẫn chưa hiểu như thế để làm gì? Tôi tiếp tục học lên cao và lấy bằng tiến sĩ khoa học ngành tâm lý học y khoa.
Những năm 1970, khi tôi đang học cao học năm thứ nhất, tôi gặp hai vị Lạt-ma Chogyam Trungpa và Ram Das, họ mời tôi tham gia giảng dạy phần văn hóa Đông Nam Á tại trường Đại học Phật giáo Hoa Kỳ, còn gọi là Học viện Naropa, của họ. Ở đó tôi còn gặp Joseph Goldstein và Sharon Salzburg, những người sau này cùng tôi thuê lại các chủng viện Thiên Chúa giáo và các trại Hướng đạo sinh để mở các trung tâm giảng dạy về thiền lúc bấy giờ.
Sau khoảng một năm hoạt động, các trung tâm thiền của chúng tôi bắt đầu thu hút nhiều người đến học. Sau đó, chúng tôi mua lại một tu viện cũ rộng lớn, lý tưởng chỉ với giá 150 ngàn đô la để chính thức thành lập cơ sở của riêng mình. Ram Das, lúc này đã nổi tiếng với quyển Be Here Now đã bán được hơn một triệu bản, cũng đến tham gia với chúng tôi. Và trong mười năm đầu tiên, tôi cứ sống ở đó nửa năm và nửa năm còn lại đi giảng tại các trung tâm khác xen kẽ với việc viết sách. Tôi không muốn thành danh hay phát tài nhờ những việc này. Tôi chỉ muốn truyền đạt cho mọi người những điều kỳ diệu tôi cảm nhận được từ các sư phụ của tôi. Tôi học được rằng khi gặp những hoàn cảnh đau buồn hay khó khăn, con người vẫn có thể giữ cho tâm hồn mình tĩnh tại. Những lời chỉ giáo này mới thật sự quan trọng đối với tôi, và tôi muốn truyền lại điều đó cho mọi người. Một người bạn thân của tôi, cũng là quản lý đầu tiên của trung tâm chúng tôi tại Massachusetts và sau này thành chủ tịch một hãng phim lớn tại Hollywood, nói rằng anh ấy tin thành công đơn giản chỉ là tìm một công việc nào đó mà bạn thấy thú vị và theo đuổi nó tới cùng. Đó cũng chính là những gì chúng tôi đã và đang làm. Chúng tôi giảng dạy và viết sách, giúp đời từ những cống hiến trong công việc của chúng tôi, chứ không phải những kế hoạch xây dựng thêm các trung tâm, hay bán được nhiều sản phẩm, dịch vụ.
Một trong những phẩm chất tạo nên thành công cho tôi là lòng tin và sự linh động. Đó là niềm tin mạnh mẽ rằng khi có điều gì đó không diễn ra đúng như mong muốn của bạn, bạn có thể thử một công việc khác, một nghề nghiệp khác! Và đó cũng là một đức tính mà anh em tôi thừa hưởng từ gia đình lớn của chúng tôi, bên cạnh tính cầu toàn và óc tò mò ham học hỏi từ thế giới xung quanh.
Nếu chỉ làm việc và giảng dạy thì tôi không có được một cuộc sống thật sự. Tôi thấy cuộc đời tôi thật sự có ý nghĩa sau khi lập gia đình và có con. Cuộc sống gia đình và vai trò làm cha làm mẹ giúp tôi thực tế hơn, hữu dụng hơn khi ở vị trí của một người thầy, một người hướng dẫn cho người khác.
Nếu được làm lại, liệu tôi có làm khác đi? Không, tôi vẫn chọn con đường mình đã đi. Tôi có cảm giác rằng niềm tin của tôi đã gặp cơ duyên của nó. Tôi từng muốn vào Harvard nhưng không đủ điểm. Vì không đủ điểm nên tôi vào Dartmouth. Và ở Dartmouth tôi được gặp cố vấn của tôi, Tiến sĩ Wing Tsit Chan, và mọi điều sau đó diễn ra như câu chuyện tôi vừa kể với các bạn.
Kết luận
Khác với các doanh nhân, Jack Kornfield cống hiến hết mình cho các tổ chức phi lợi nhuận, nhất là Spirit Rock, trong một sứ mạng ông tự trao cho mình là hỗ trợ con người thuộc mọi tầng lớp xã hội rèn luyện ý chí, niềm đam mê và lòng tin yêu cuộc sống để họ có thể hoàn thành ước mơ và hoài bão của mình.
Hầu như đối với ông, thành đạt không biểu hiện ở sự giàu có của cải vật chất hay bằng cấp học vị cao, mà ở sự hữu ích của bản thân đối với đời. Đây là một quan niệm khá mới mẻ trong quyển sách này. Nó mang màu sắc tâm linh, tôn giáo và phảng phất những nét văn hóa Á Đông.
Câu trích dẫn mà tôi thích nhất trong cuộc phỏng vấn Jack Kornfield là một câu nói của sư phụ ông, Maha Ghossananda: “Bạn phải thấy mình hạnh phúc. Được sống, đó là món quà vô giá mà bạn đang có”. Và chúng ta có thể xem đó là thông điệp mà Jack muốn chuyển tải đến mọi người thông qua việc giảng dạy thiền định và những cuốn sách của ông. Ông không truyền bá đạo Phật, nhưng lấy triết lý nhà Phật làm triết lý sống cho mình và kêu gọi mọi người thực hành bằng một cái tâm trong sáng, bác ái và vị tha, cố gắng không ngừng trong học tập cũng như trong nghề nghiệp và sống theo những giá trị thật của mình. Đó cũng là Phật vậy!
Nguồn: Vì sao họ thành công ? - First News và NXB Trẻ TPHCM  

Robert Mondavi - Nhà sáng lập Hãng rượu vang Mondavi

Robert Mondavi xuất thân từ một gia đình chuyên nghề sản xuất rượu vang nổi tiếng ở California. Ông tốt nghiệp trường Stanford, rất nhạy bén trong kinh doanh và tiếp thị ngành rượu vang. Năm 1966, Mondavi thành lập hãng sản xuất rượu vang Robert Mondavi ở Oakville, California mà hiện nay ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Mondavi là nhà sản xuất rượu vang hảo hạng lớn nhất California, xuất khẩu rượu sang chín mươi quốc gia trên thế giới. Công ty này được cổ phần hóa năm 1993 và cổ phiếu của nó đang được giao dịch trên Thị trường Chứng khoán New York.
Ông và vợ là Margaret Biever tham gia rất tích cực vào nhiều tổ chức xúc tiến phát triển ngành thực phẩm và rượu vang như Great Chefs Program, Robert Mondavi Missions Program, American Center for Wine, Food và Arts. Ông còn là thành viên của Hiệp hội Các nhà Sản xuất Rượu Vang Hoa Kỳ cũng như các tổ chức Brotherhood Knighs of the Vine và Chaine des Rotisseurs.
Tôi phỏng vấn Robert tại văn phòng của ông ở Oakville. Robert là một người dễ mến, thu hút với nụ cười ấm áp. Ông có gương mặt mà bất cứ nhà điêu khắc nào cũng rất thích: xương gò má cao, sống mũi thẳng, đẹp và mạnh mẽ. Ông có vẻ rất say mê khi kể lại các câu chuyện đáng nhớ trong đời mình, và vì ông vừa mới in xong một quyển hồi ký nên hồi ức của ông như còn mới nguyên. Gần cuối cuộc phỏng vấn, vợ ông bước vào và ôm hôn ông. Rõ ràng tình cảm của hai người vẫn rất nồng nàn. Ông từng nói với tôi rằng ông hiểu rất rõ tầm quan trọng của sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình.
Robert rất khiêm tốn khi nói đến các thành tích và thành thật thừa nhận các điểm yếu của mình. Sự thông minh, ham học hỏi cùng với tinh thần khoáng đạt đã đem lại cho ông một cuộc sống tràn ngập niềm đam mê.
Nguồn: Vì sao họ thành công ? - First News và NXB Trẻ TPHCM

Trực giác nhạy bén và một thái độ sống tích cực
“Giờ đây tôi đã nhận ra rằng “non sông dễ đổi, bản tính khó dời”, cho nên tôi thấy thanh thản như đang sống trong cõi niết bàn.”
- Robert Mondavi

Tôi là một người thích cạnh tranh từ bé. Chơi thể thao, tôi muốn mình giỏi nhất; học hành, tôi chỉ thích đứng đầu. Tôi không phải là người thông minh tuyệt đỉnh mà chỉ ở mức trung bình khá, nhưng tôi có trực giác tốt. Tôi luôn tìm cơ hội thi đua để thành công.
Lúc còn trẻ, tôi thấy nhiều người nói chung rất lười biếng, họ sợ phiêu lưu mạo hiểm và không muốn làm những công việc vất vả. Trực giác bảo tôi rằng nếu tôi chăm chỉ và dồn hết sức mình vào công việc, tôi sẽ thành công. Đó là các nguyên tắc cơ bản đầu tiên của tôi và tôi tự tin rằng mình sẽ thành công nếu gặp điều kiện thích hợp.
Cha mẹ tôi từ Ý di cư sang Mỹ năm 1906 (thực ra, cha tôi đến trước hai năm rồi mới trở về Ý cưới và đưa mẹ tôi sang đây). Tôi có hai chị gái và một anh trai, những người có tính tình rất khác tôi. Anh tôi trái ngược hoàn toàn với tôi. Anh ấy rất bảo thủ. Trước đây, tôi từng tin rằng tôi có thể làm các anh các chị tôi suy nghĩ theo cách của tôi nhưng giờ đây tôi nhận ra rằng tôi không thể thay đổi được bản chất con người. Càng lớn tuổi, bạn càng khôn ngoan và trải nghiệm hơn. Giờ đây, tôi đã chấp nhận sự khác biệt của mỗi con người, chấp nhận những ý kiến khác nhau trên tinh thần chung sống hòa bình. Nhờ vậy, tôi sống rất thanh thản và hạnh phúc.
Trong kinh doanh, tôi luôn thảo luận cởi mở và giải thích các triết lý kinh doanh của tôi với mọi người. Tuy nhiên, nếu có ai không đồng ý với tôi, họ nên tìm một nơi khác để thực hiện triết lý của riêng họ. Có nhiều cách điều hành một công việc kinh doanh, và bạn cần những người hiểu và tin vào triết lý của bạn. Hãy mời họ gia nhập với bạn, bạn sẽ thành công.
Cha tôi đến thăm khi tôi đang học ở Stanford vào năm 1935, sau khi chính phủ bãi bỏ Đạo luật cấm sản xuất rượu được hai năm. Tôi tâm sự với cha rằng tôi muốn làm doanh nhân hoặc luật sư. Ông nói: "Này Bobbie (cha tôi hay gọi tôi như thế), ngành rượu vang sẽ có triển vọng đấy, Thung lũng Napa là vùng đất trồng nho tốt nhất California này".
Chúng tôi sống ở Minnesota từ năm 1919, năm Đạo luật cấm rượu có hiệu lực và mỗi gia đình chỉ được phép sản xuất hai trăm gallon (1 gallon (Mỹ) = 3,78 lít; 1 gallon (Anh) = 4,54 lít) một năm. Trước khi gia đình tôi chuyển đến California vào năm 1923, cha tôi thường đến các vùng Napa, Sonoma, Fresno ở California mua nho về làm rượu. Một hôm, ông bảo: "Tại sao chúng ta không bước vào ngành công nghiệp non trẻ này và đi lên cùng nó?". Và tôi đã đồng ý với ông.
Cha mẹ tôi cho tôi uống rượu vang từ khi tôi mới ba, bốn tuổi. Khi vào Stanford, chúng tôi thường kéo nhau đi uống bia và tôi say bí tỉ. Các bạn tôi uống bia, whisky, rượu ngô, rượu gin - nhưng không hề uống một giọt rượu vang nào - và hơn một phần ba trong số họ say bét nhè. Họ chẳng biết thế nào là uống rượu. Nếu biết uống chừng mực, rượu vang sẽ rất tốt cho sức khỏe.
Tôi không học cách chế biến rượu nho từ bất kỳ trường lớp chính quy nào mà tôi được một giáo sư của Đại học California hướng dẫn về kỹ thuật trồng nho và cách làm rượu nho suốt hai tháng hè, mỗi tuần dăm ba giờ, và đọc thêm quyển Nguyên tắc và Thực hành làm Rượu Vang. Lúc tôi đến thì thung lũng Napa chỉ mới có hai mươi xưởng làm rượu nho. Ngày nay, Napa có trên hai trăm năm mươi nhà máy sản xuất rượu vang, quả là một sự thay đổi vô cùng to lớn.
Vào năm 1937, khi mới bước vào ngành sản xuất rượu vang, chúng tôi chỉ chế biến vang thô. Tôi nhận ra rằng chúng tôi cần phải chế biến rượu vang tinh chất ngay tại Napa nếu muốn thành công về lâu dài. Năm 1943, tôi thuyết phục cha mua lại Charles Krug, một trong những nhà máy sản xuất rượu vang lâu đời nhất thung lũng Napa, được thành lập từ năm 1861. 
Càng làm, tôi càng có nhiều kiến thức về rượu vang. Khi tham quan các xưởng rượu khác trong vùng, tôi nhận thấy việc kinh doanh của chúng tôi như thế là khá thành công. Tại các cuộc hội chợ rượu vang của bang, rượu của chúng tôi ngon hơn nhiều so với rượu của các xưởng khác và chúng tôi đã dần dần gầy dựng được uy tín.
Cho đến năm 1966, chúng tôi vẫn còn rất lận đận. Chúng tôi chỉ có hai năm kinh doanh khả quan vào thời Chiến tranh Thế giới thứ II là các năm 1943, 1945. Nói chung rượu vang thời đó chưa được dân Mỹ ưa thích lắm.
Cũng năm 1966, tôi bán lại phần vốn của mình ở Charles Krug cho anh tôi và xây dựng cho riêng mình một nhà máy sản xuất rượu vang lấy tên Robert Mondavi. Đó là khởi đầu của một cuộc cách mạng về sản xuất và kinh doanh rượu vang ở California.
Tôi thường so sánh vang của chúng tôi với vang của các hãng khác, đầu tiên là với các nhãn hiệu nổi tiếng ở California, sau đó là với loại vang Bordeaux và Burgundy hảo hạng của Pháp, để tìm cách cải thiện chất lượng và mẫu mã.
Trước đó, vào năm 1962, tôi nhận ra rằng các nhà sản xuất rượu vang Pháp có bí quyết riêng của họ. Tôi quyết định sang Pháp tìm hiểu và nhận ra rằng vang đen Pinot, vang đỏ Chardonnay và vang trắng Riesling của họ có quy trình sản xuất hoàn toàn khác nhau. Còn chúng tôi đen, trắng, đỏ tất tần tật đều như nhau. Còn nữa, họ ủ rượu với thời gian nhiều năm dài ngắn rất khác nhau.
Cho nên tôi đã thử nghiệm bằng nhiều kỹ thuật khác nhau đối với các loại nho của chúng tôi và ngạc nhiên làm sao, vang của chúng tôi có nhiều đặc điểm mà vang của họ không có. Chúng tôi cải tiến chất lượng vang của mình bằng công nghệ sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh cao, đóng thùng chặt, và chọn loại gỗ có thể cho ra lò những mẻ rượu thơm ngon nhất.
Chúng tôi cũng nhận ra rằng, phải trồng nho theo lối tự nhiên thì chúng mới cho chất lượng rượu tốt nhất - không phải trái to nhất là trái có chất lượng tốt nhất. Chúng tôi mất cả đời để gầy dựng những vườn nho có thể tạo phẩm chất đặc sắc, hương vị nồng nàn, quyến rũ cho các loại vang của chúng tôi. Ngày nay, nho của chúng tôi đã sánh ngang với tất cả các loại nho hảo hạng nhất trên thế giới.
Lý do chúng tôi qua mặt các nhà làm rượu vang khác là vì họ không biết áp dụng những khác biệt nhỏ nhặt đó, họ không đủ mạo hiểm làm khác đi những gì đã trở thành truyền thống, dù chỉ một chút. Tôi thì luôn sẵn sàng làm việc đó và đó cũng chính là nguyên nhân gây chia rẽ hai anh em tôi, đến mức tôi phải bước ra lập một xưởng rượu riêng để mặc sức tung hoành.
Sự thông hiểu nhau trong kinh doanh cũng rất quan trọng. Tôi và anh tôi trao đổi với nhau rất nhiều nhưng không ai hiểu ai cả. Về sau, tôi dạy các con tôi rằng phải bảo đảm tất cả những điều mình nói ra mọi người đều hiểu rõ, dù họ là người trong gia đình hay bất cứ ai. Tôi đã áp dụng điều này với chính các con tôi là Mike, Tim, và Marcia. Bằng không, chúng tôi đã chẳng thể đồng tâm hiệp lực với nhau.
Mọi người hỏi tôi bí quyết nào đã giúp tôi thành công, bài học nào tôi có thể chia sẻ với những người đang bắt đầu sự nghiệp hay đang làm lại cuộc đời? Vâng, có một vài nguyên lý cơ bản dẫn dắt chúng ta đến thành công, không những trong kinh doanh mà trong hầu hết mọi mặt của cuộc sống.
Để thành công, bạn không cần phải có những bằng cấp danh giá hay có những bí quyết cao siêu, mà điều bạn cần nhất là một trực giác nhạy bén, cộng với tinh thần làm việc chăm chỉ và lòng dũng cảm theo đuổi đến cùng mục đích của bạn. Đó là các phẩm chất nền tảng. Trên nền tảng đó còn có mười lăm đức tính khác nữa mà tôi đã học được trên đường đời. Đó là:
Trước tiên và quan trọng nhất, bạn phải tự tin và trung thực với chính mình.
Thứ hai, bất cứ việc gì bạn đã chọn, hãy toàn tâm toàn ý để đạt thành tích xuất sắc nhất.
Thứ ba, sự quan tâm trong công việc vẫn chưa đủ, bạn phải có lòng đam mê và yêu thích công việc. Được làm việc mình thích là một hạnh phúc.
Thứ tư, đặt những mục tiêu vừa tầm mà bạn tin rằng mình có thể làm được. Khi bạn đạt được mục tiêu đó rồi thì hãy đưa ra các mục tiêu khác và điều đó sẽ trui rèn cho bạn tinh thần dám đương đầu với thách thức và rủi ro.
Thứ năm, phải hoàn toàn thành thực và cởi mở. Tôi không bao giờ có điều gì bí mật cả. Gia đình tôi thường điên đầu vì việc tôi hay tiết lộ các bí quyết của chúng tôi. Nhưng tôi tin rằng sớm muộn gì họ cũng biết. Tôi luôn sẵn lòng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với người khác nếu họ cũng có thái độ tương tự đối với chúng tôi.
Thứ sáu, cho một được mười. Những gì bạn cho đi sẽ làm giàu thêm cuộc sống của bạn và bạn sẽ nhận được nhiều lần hơn thế. Cho nên hãy học cách cho đi trước khi nhận lại.
Thứ bảy, chỉ hứa và cam kết những gì trong khả năng của mình. Sự thất hứa có thể hủy hoại thanh danh của bạn một cách vô phương cứu chữa.
Thứ tám, hãy hiểu rằng bạn không thể nào làm thay đổi bản tính con người. Bạn có thể cải thiện được họ nhưng bạn không thể thay đổi bất cứ ai trừ chính bạn. Hãy chấp nhận sự khác biệt để làm việc cùng họ. Tôi học được điều đó sau bảy mươi năm cuộc đời và tôi thấy tâm hồn yên tĩnh làm sao khi khám phá ra điều thú vị này.
Thứ chín, hãy sống và làm việc hòa đồng với mọi người và đừng bao giờ phán xét ai. Thay vào đó, hãy rèn luyện sức chịu đựng, sự thấu hiểu và lòng trắc ẩn. Con người rất nhạy cảm, đừng bao giờ la mắng họ trước mặt các đồng nghiệp của họ. Hãy mời họ vào và nói chuyện riêng với họ. Nếu bạn muốn dạy ai cách bay lên, bạn không thể bắt đầu bằng việc cắt đôi cánh của anh ta. Tôi biết được điều này cũng khá muộn trong đời.
Thứ mười, con người có cách hành xử khác nhau đối với cùng một sự việc nên luôn có nhiều sự hiểu lầm. Hãy luôn cảnh giác để tránh gây hiểu lầm và các va chạm nhỏ nhặt nhất, đặc biệt khi điều đó xuất phát từ các quan điểm chính trị, tôn giáo và các tiêu chuẩn đạo đức khác.
Thứ mười một, sự thông hiểu lẫn nhau là rất quan trọng. Chúng ta cần học cách hàn gắn các lỗ hổng của sự hiểu lầm. Để làm được điều đó, chúng ta phải lắng nghe cẩn thận và bảo đảm rằng người khác hiểu rõ những điều mình nói.
Thứ mười hai, hiếm khi bạn tìm thấy sự hòa hợp hoàn toàn giữa hai người. Nếu bạn thấy ở đâu có sự hòa hợp, có nghĩa là giữa hai người đó đã có sự tin cậy nhau hoàn toàn. Hãy cởi mở với mọi người bằng cả tình cảm, tâm hồn và trí tuệ của bạn. Hãy dành thời gian để chia sẻ kinh nghiệm và tận hưởng những giây phút quý giá trong đời cũng như những vẻ đẹp của cuộc sống. Luôn dành thời gian chơi đùa với gia đình để tạo ra thật nhiều tiếng cười. Không có thứ thuốc nào giúp giữ được tình yêu sống mãi và ngân vang bằng tiếng cười và những lời cổ vũ đúng lúc.
Thứ mười ba, hãy tỏ ra linh động trong công việc và đời sống cá nhân. Đối với tổ quốc, công ty và gia đình cũng thế. Độc tài và cứng rắn không mang lại kết quả tốt, nhưng tự do và sự mềm dẻo có thể làm được rất nhiều thứ.
Thứ mười bốn, luôn có thái độ tích cực. Những điều tốt đẹp trong cuộc sống đã được xây dựng nên từ thái độ này và nó cần phải được tiếp tục phát triển.
Thứ mười lăm, các nhà lãnh đạo lỗi lạc nhất không thống trị, mà truyền cảm hứng. Từ sự cứng rắn và các sai lầm của tôi trong quá khứ, tôi học được bài học cuối cùng này. Tôi mong rằng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các giáo viên và các bậc cha mẹ thấu hiểu điều đó. Thuở nhỏ, tôi được học giáo lý Công giáo và được dạy kính sợ Chúa chứ không yêu thương Chúa. Rằng, nếu tôi làm điều này, tôi sẽ bị xuống địa ngục; nếu tôi làm điều kia, tôi sẽ được lên thiên đàng. Rồi tôi vào đại học, các giáo sư bảo chúng tôi hãy sử dụng chính cái đầu của mình. Đừng tin vào những gì người ta viết trong sách, đó chỉ là các ý kiến của riêng họ. Họ có thể có lý nhưng bạn hãy sử dụng đầu óc của chính bạn và tự quyết định.
Vì thế, để thành công bạn nên chọn một công việc kinh doanh mà bạn cảm thấy thoải mái tự tin và có thể làm tốt nhất. Có nhiều người rất thông minh nhưng chỉ có vài người trong số họ có trực giác nhạy bén. Có nhiều nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa, nhưng ít người thực hiện được tầm nhìn của họ.
Có nhiều cách khác nhau để thực hiện cùng một công việc. Cách của bạn không phải là duy nhất, nhưng bằng sự cống hiến hết mình cho công việc, bằng sự cần cù và biết thúc đẩy mọi người tin vào triết lý của bạn và cùng làm việc với bạn, cuối cùng bạn sẽ thành công.
Một yếu tố khác góp phần vào thành công của bạn là học cách sống hạnh phúc hơn, sâu lắng hơn với mọi người xung quanh bạn. Rất ít người có thể làm được điều đó. Giờ đây, tôi yêu vợ tôi nhiều hơn lúc tôi mới cưới cô ấy mười tám năm về trước. Mọi người nhìn chúng tôi và tự hỏi rằng sao chúng tôi làm được như thế. Tôi không cố gắng làm thay đổi người vợ yêu dấu của mình mà chỉ chấp nhận cô ấy theo cách của tôi. Đó là những điều rất nhỏ bé nhưng lúc nào đó nhìn lại, bạn sẽ thấy có những việc không cần phải lớn lao nhưng đã làm cho bạn sống tốt hơn. Tôi đã đi một đoạn đường dài và học được nhiều bài học quý giá, mong rằng chúng cũng sẽ ít nhiều có ích cho các bạn.
Kết luận
Mục tiêu nghề nghiệp ban đầu của Robert là trở thành luật sư hay doanh nhân. Nhưng rồi ông lại thành công xuất sắc trong ngành sản xuất và kinh doanh rượu vang với nhãn hiệu nổi tiếng khắp thế giới ngày nay: Rượu vang Mondavi.
Trong sự nghiệp của mình, Robert Mondavi đã học được rất nhiều bài học về kinh doanh, về cách giao tiếp, ứng xử giữa con người với nhau và về một thái độ sống tích cực. Sự giao tiếp hiệu quả, lối quản lý mềm dẻo, tôn trọng ý kiến cá nhân đồng thời với một trực giác nhạy bén và lòng kiên định với con đường đã chọn là những chiếc chìa khóa vàng đã đưa ông đến thành công không những trong kinh doanh mà trong cả cuộc sống đời thường.
Nguồn: Vì sao họ thành công ? - First News và NXB Trẻ TPHCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét