P09: Nơi Nào Có Ý Chí, Nơi Đó Có Con Đường - Tập 1 - hocviensong

Latest

Ad Section

BANNER 728X90

Thứ Tư, 21 tháng 7, 2010

P09: Nơi Nào Có Ý Chí, Nơi Đó Có Con Đường - Tập 1

Người tự kiến tạo đời mình

“Đừng bao giờ nói bạn không thể làm một việc nào đó trước khi bạn thử sức với nó!”Khởi đầu từ một phụ nữ trẻ chưa có kinh nghiệm và kiến thức gì đáng kể trong lĩnh vực kinh doanh, Pam Lontos đã viết nên câu chuyện thành công bằng chính cuộc đời mình. Đó là một câu chuyện đáng để nhiều người học hỏi.
Cô không có bí quyết gì đặc biệt bởi cô luôn bị kiểm soát trong phần lớn cuộc đời mình. Từ nhỏ, cha mẹ luôn cảnh báo rằng cô không được liều lĩnh. Cô không được đi tắm biển vì “dễ bị chết đuối”; cô không được mua sắm ở khu trung tâm thành phố với bạn bè vì “giá cả đắt đỏ”. Đến lúc lập gia đình, cô lại bị chồng thuyết phục từ bỏ ngành tâm lý học, chuyên ngành mà cô rất yêu thích, để chuyển sang ngành sư phạm, làm một nghề “không sợ bị thất nghiệp”, nhưng cũng là công việc cô không hề có chút hứng thú.
Sau ba năm đi dạy ngán ngẩm, Pam bỏ nghề với hy vọng công việc nội trợ và chăm sóc con cái sẽ làm cho cuộc sống của cô có ý nghĩa hơn. Nhưng cô đã nhanh chóng cảm thấy chán ngán và tuyệt vọng.
Tình trạng này đã xảy ra với hàng triệu phụ nữ khác. Pam Lontos, bà mẹ của hai đứa con, có một cuộc sống đầy đủ tiện nghi cùng một người chồng thành đạt nhưng lại thiếu thốn tình cảm. Cô luôn cảm thấy trống rỗng và vô tích sự. Cô chỉ sống vật vờ và có cảm giác rằng mình chẳng đóng góp được gì cho xã hội. Càng nghĩ về điều đó, cô càng trở nên trầm cảm.
Mọi người đối phó với chứng trầm cảm theo nhiều cách khác nhau. Một số vào bệnh viện, số khác thì đắm mình vào rượu và ma túy. Riêng Pam thì lấy giấc ngủ làm cách giải quyết vấn đề của mình – và cứ thế suốt năm năm liên tục. Mỗi sáng cô thức dậy, đưa con đến trường rồi về nhà tìm “hạnh phúc” trong giấc ngủ vùi.
Chỉ mới hơn ba mươi tuổi, cô ngủ 18 tiếng mỗi ngày và tăng cân vùn vụt. Nhiệt huyết, lòng tự tin và niềm vui sống hoàn toàn biến mất nơi cô. Những lúc không ngủ, cô buồn có thể chết đi được.
Nếu cảm thấy cuộc đời không đáng sống nhưng bạn buộc phải sống thì bạn chỉ có một cách duy nhất để thoát khỏi tình cảnh đó: thay đổi. “Cả cuộc đời tôi trước đây luôn có một ai đó quyết định thay tôi, nhưng chẳng có gì tốt đẹp cả.” Thay đổi là một thử thách lớn, Pam phải chui ra khỏi vỏ ốc của mình để tự mình tạo ra một cuộc sống thực sự có ý nghĩa.
Hành động đầu tiên để cô trở về với thế giới đời thường là ghi danh vào một phòng tập thể dục thẩm mỹ. Điều đó nghe có vẻ bình thường, nhưng khoảnh khắc cô bước qua ngưỡng cửa phòng tập, cô như bắt đầu bước vào một cuộc sống mới.
Jim, chủ phòng tập, là một người tinh tế và năng động. Ông lập tức nhận ra rằng Pam cần được giúp đỡ. Ông đã khích lệ để cô có thể gặt hái những kết quả tốt đẹp nhất. Ông cũng cho cô mượn những cuộn băng cassette có những câu chuyện động viên tinh thần. Pam đã nghe đi nghe lại những cuộn băng đó hàng chục lần.
Sau vài tháng luyện tập, Pam trở lại gọn ghẽ như ngày nào và nỗi sợ hãi trong cô cũng tan biến theo. Pam dũng cảm hơn và tự hỏi: Bây giờ mình sẽ làm gì? Đây là câu hỏi cô không bao giờ đủ can đảm nghĩ tới trước đây. Lúc nhỏ, cô phụ gia đình bán giày dép. Có lẽ cô sẽ thích hợp với công việc bán hàng. Và khi chứng kiến bản thân mình thay đổi ngày một tốt hơn, cả về tinh thần lẫn thể chất, cô ấp ủ câu hỏi tại sao mình không bắt đầu từ đây, ngay phòng tập này?
Mặc dù chưa có kinh nghiệm và cũng chưa được huấn luyện trong lĩnh vực bán thẻ hội viên, cô vẫn đề nghị Jim cho cô làm công việc đó: “Anh là người đã cho tôi những cuộn băng cassette đó và khích lệ tôi sống có ích, vậy anh phải thuê tôi chứ!”. Jim không những nhận cô làm nhân viên, mà còn chia sẻ với cô những triết lý sống tích cực, lạc quan yêu đời và giúp cô vượt qua những nỗi sợ hãi. Khi Pam nói từ trước tới giờ cô chưa từng lái xe vào trung tâm thành phố, Jim khuyến khích cô ngồi vào sau tay lái, còn mình ngồi bên cạnh làm hướng dẫn viên, và cứ thế họ lái xe xuống phố.
Khi sự tự tin của cô tăng lên, doanh số cũng tăng theo. Trong vài tuần, Pam lái xe đi khắp nơi và bán được nhiều thẻ hội viên hơn so với những nhân viên khác. Chỉ trong một thời gian ngắn, cô đã trưởng thành vượt bậc. Cô lấy triết lý của Jim làm nền tảng cho mình “Đừng bao giờ nói bạn không thể làm một việc nào đó trước khi bạn thử sức với nó!”.
Thành công của Pam trong năm đó là bước khởi đầu cho thành công sắp tới của cô. Có một trạm phát thanh vừa khai trương trong thành phố. Cô thuyết phục vị giám đốc ở đó nhận cô vào làm nhân viên quảng cáo. Hai bên thỏa thuận là cô làm việc không lương mà chỉ hưởng phần trăm hoa hồng trên doanh thu quảng cáo.
Cô không biết đó là thử thách vô cùng lớn, bởi trạm phát thanh này chưa có tên tuổi, nên không có nhiều thính giả. Cô không biết là mình chỉ có thể bán được quảng cáo cho những công ty nhỏ mà thôi, bởi các công ty lớn chỉ mua quảng cáo ở các đài phát thanh lớn, có số lượng thính giả nhiều hơn. Vì không biết điều đó nên cô gọi tất tần tật mọi công ty lớn và nhỏ để chào mời họ quảng cáo dựa trên chất lượng và tiềm năng phát triển thính giả của đài, hơn là số người nghe hiện tại.
Pam cũng không hề biết doanh số trong khoảng thời gian tháng giêng sau kỳ nghỉ luôn luôn thấp. Nên cô vẫn nỗ lực hết mình trong tháng giêng như những tháng khác, trong khi các nhân viên kinh doanh khác đều lơ là và trông đợi vào tháng hai. Nhờ đó, cô đã kiếm được khoản huê hồng lớn nhất từ trước tới nay trong việc bán quảng cáo trên phát thanh Dallas. Kể từ đó, Pam liên tục dẫn đầu về doanh thu, bằng số tiền bán quảng cáo của sáu nhân viên khác gộp lại.
Cô ngày càng tự tin hơn và đủ can đảm để đối mặt với tình trạng hôn nhân của mình. Sau khi giải quyết một số vấn đề, cô và chồng chia tay nhau.
Công việc ở đài phát thanh cũng có những lúc thăng trầm. Tình hình kinh doanh trở nên hết sức tồi tệ. Pam không biết rằng mọi người thường phải bỏ cuộc khi gặp những thời khắc khó khăn. Mọi người xung quanh cô bỏ việc, nhưng cô lại đề nghị được đảm nhận vị trí mới: Giám đốc kinh doanh. Cấp trên quá bất ngờ, họ không hề phản đối đề nghị của cô. Cô nhận công việc tồi tệ nhất nhưng lại tỏ ra vô cùng phấn khích!
Trong buổi họp đầu tiên, Pam viết mục tiêu phải đạt được trong tháng lên bảng: 100.000 đô la. Mọi người trố mắt kinh ngạc. Về phần mình, Pam bán được trung bình 35.000 đô la mỗi tháng. Cô nghĩ ba nhân viên kia cũng bán được như mình. Sau buổi họp, vị tổng giám đốc gọi cô vào phòng và giải thích, doanh số trung bình của đài chỉ có 42.000 đô la một tháng, phần cô là 35.000 đô la cộng với 7.000 đô la của cả ba nhân viên cộng lại. Vì thế, theo ông mục tiêu 100.000 đô la mà cô đề ra là không thực tế.
Buổi chiều hôm đó, Pam định xem xét lại và hạ mục tiêu xuống còn 50.000 đô la. Nhưng trên đường đi làm vào sáng hôm sau, cô nghe lại cuộn băng cassette mà Jim đã cho cô trước đây. Cô kiên quyết không từ bỏ mục tiêu “viển vông” 100.000 đô la đã đề ra. Ở cuộc giao ban sáng hôm đó, cô khẳng định lại sự tin tưởng của cô đối với họ, rằng họ có thể làm được.
Vào cuối tháng, doanh số cả nhóm đạt 100.000 đô la. Đến tháng mười hai, doanh số lên tới 140.000 đô la. Ba tháng sau, họ đạt doanh thu 180.000 đô la. Gần một năm sau, Pam và bộ phận kinh doanh đạt con số kỷ lục 272.000 đô la. Họ đã giành được những kết quả bất ngờ mặc dù lượng thính giả chỉ tăng trong một chừng mực nhất định.
Chỉ sau hai năm làm việc tại đài ở cương vị Giám đốc kinh doanh, Pam được đề bạt chức Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh, vị trí thứ hai sau Tổng giám đốc. Cô không hề biết rằng thông thường phải mất từ năm đến mười năm để đạt đến vị trí này và chưa từng ai được đề bạt thẳng lên chức vụ Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh từ vị trí Giám đốc kinh doanh. Cô nói: “Tôi mừng vì mình không hề biết điều này. Nếu không thì giờ này có lẽ tôi vẫn còn là một Giám đốc kinh doanh!”.
Sau bốn năm thành công tại đài phát thanh, Pam từ nhiệm để bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới. Ngày nay, Pam Lontos là một diễn giả, tác giả và là chuyên gia tư vấn tiếp thị và kinh doanh nổi tiếng. Hàng ngày, cô vẫn động viên người khác làm theo chính xác những gì mình đã làm – đó là tin vào những gì khả năng của mình có thể vươn tới, chứ không phải khuôn mình trong những hạn chế để làm mình lo sợ và chùn bước.
PAM LONTOS
Nguồn: Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường - First News và NXB Tổng hợp TPHCM phối hợp ấn hành

Người anh hùng thầm lặng

“Trước tiên hãy quyết định mục đích sống của bạn; sau đó nhìn nhận nó bằng một cái nhìn lạc quan; và, đừng bao giờ từ bỏ nó.” Như hàng trăm ngàn nhân viên tiếp thị khác trên khắp nước Mỹ, anh thức dậy từ tờ mờ sáng để chuẩn bị cho một ngày mới, chỉ có điều, anh phải mất ba tiếng để ăn mặc và đi đến chỗ làm.
Mặc cho cơn đau hành hạ, Bill Porter luôn giữ đúng thông lệ của mình. Công việc đối với Bill là tất cả: nó là lẽ sống của đời Bill. Chỉ có công việc mới chứng minh được rằng Bill vẫn còn là một con người, dù con người đó đã từng một lần bị đời từ chối. Nhiều năm trước, Bill đã nhận ra rằng anh chỉ có một lựa chọn duy nhất: hoặc mãi mãi chấp nhận mình là nạn nhân, hoặc làm một con người như bao người khác.
Bill chào đời vào năm 1932 trong một ca sinh khó. Vì thế, các bác sĩ buộc phải dùng phooc-xê (forceps: kẹp y tế) để can thiệp và, thật không may, làm tổn thương một phần não của anh. Hậu quả là Bill bị bại não, mất khả năng nói và vận động. Khi Bill lớn lên, mọi người đều nghĩ rằng anh bị tâm thần, các cơ quan giám định y khoa thì kết luận anh “không có sức lao động”, rằng anh không có khả năng làm bất cứ công việc nào.
Nhưng, mẹ Bill không nghĩ thế. Bà luôn bảo Bill rằng: “Con không sao cả. Con có thể làm mọi việc con muốn và con có thể tự lập hoàn toàn!”.
Tin tưởng ở mẹ, Bill quyết chí chọn nghề tiếp thị. Anh chưa bao giờ nghĩ rằng mình không có khả năng làm việc. Đầu tiên anh nộp đơn vào công ty Fuller Brush, nhưng họ nói rằng thậm chí anh còn không thể cầm nổi một tờ giấy. Công ty Watkins cũng trả lời anh như thế. Nhưng Bill khăng khăng rằng anh có thể, rằng anh bảo đảm mình sẽ làm được công việc đó. Cuối cùng, Watkins động lòng nhận anh, nhưng với một điều kiện: Bill phải chịu trách nhiệm tiếp thị khu vực Portland, bang Oregon, nơi không ai muốn nhận cả. Nhưng, đối với Bill, đó là cả một cơ hội lớn.
Phải ba bốn bận ngập ngừng, Bill mới đủ can đảm bấm chuông nhà người khách hàng đầu tiên vào năm 1959 và nhận được câu trả lời “không!”. Rồi các nhà tiếp theo cũng thế. Nhưng cuộc đời đã cho Bill một bản năng sinh tồn mạnh mẽ. Anh không nản lòng, ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa anh quay lại những ngôi nhà đó cho tới khi anh bán được món họ cần.
Ba mươi tám năm Bill kiên trì giữ công việc của mình như thế. Mỗi sáng, trên đường ra “địa hạt” của mình, anh ghé qua hàng đánh giày để nhờ các chú bé cột hộ dây giày vì tự tay anh không làm được việc đó. Sau đó, anh dừng lại trước mặt anh chàng gác cửa một khách sạn nọ nhờ cài hộ anh chiếc cúc áo trên cùng và siết lại cái cà vạt để trông anh bảnh bao hơn.
Hàng ngày, bất kể thời tiết tốt xấu thế nào, anh đều hoàn tất 10 dặm đường tiếp thị, kéo lê thùng hàng mẫu lên đồi xuống dốc bằng cánh tay phải cong vẹo của mình. Anh mất ba tháng để “thăm viếng” lần đầu tất cả các gia đình trong địa hạt anh phụ trách. Mỗi khi có người đặt hàng, chính họ là người điền phiếu giúp anh vì anh chẳng thể giữ nổi cây bút trong tay.
Bill quay về nhà sau 14 giờ làm việc ngoài đường mỗi ngày, kiệt sức, xương khớp mỏi nhừ, đầu nhức như búa bổ. Vài tuần một lần, anh vẽ lại sơ đồ địa chỉ khách hàng để người phụ nữ anh thuê có thể giao hàng một cách chính xác. Chỉ việc đó thôi cũng ngốn mất của anh 10 tiếng đồng hồ. Anh thường lên giường rất trễ và luôn thức dậy vào lúc 4 giờ 45 sáng.
Năm này sang năm khác, ngày càng có nhiều cánh cửa mở ra chờ đợi Bill và doanh số bán của anh bắt đầu tăng dần. Sau 24 năm với hàng triệu lần gõ cửa, cuối cùng Bill đạt được mục tiêu của mình: Anh được công nhận là nhân viên bán hàng giỏi nhất của Watkins khu vực miền Tây và là nhân viên hiệu quả nhất từng làm việc tại Watkins.
Đầu những năm 1990, Bill đã bước qua tuổi 60. Mặc dù Watkins lúc ấy đã có đội ngũ tiếp thị hơn 60.000 người, nhưng chỉ có Bill vẫn trung thành với lối bán hàng tận nhà. Đa số các gia đình giờ đây thường mua sỉ các sản phẩm tiêu dùng tại siêu thị để được chiết khấu nên công việc của ông có phần khó khăn hơn, nhưng Bill không hề phàn nàn hay lấy làm tiếc về công việc của mình. Ông vẫn tiếp tục công việc mà ông yêu thích và làm tốt nhất – đó là ngày ngày đi đến tận nhà khách hàng và chăm sóc họ chu đáo.
Mùa hè năm 1996, Công ty Watkins tổ chức một hội nghị toàn quốc và Bill hôm đó không phải gõ cửa nhà ai để bán một món hàng nào cả. Lần này, chính Bill là một sản phẩm của công ty: ông được tôn vinh là Nhân viên xuất sắc nhất lịch sử Watkins vì lòng dũng cảm và sự cống hiến xuất sắc đối với công ty. Một phần thưởng đặc biệt của Chủ tịch Công ty dành cho cá nhân có cống hiến xuất sắc nhất đã được trao tặng cho Bill Porter, người chiến thắng số phận của mình một cách đáng khâm phục.
Trong buổi tôn vinh đó, bạn bè và đồng nghiệp của Bill đều đứng cả dậy và không ngớt lời tán dương anh trong nụ cười và nước mắt chan hòa. Irwin Jacobs, Tổng giám đốc điều hành của Watkins, nói với các nhân viên của mình rằng: “Bill là biểu tượng của những khả năng có thể trở thành hiện thực nếu một người biết sống có mục đích, và khắc sâu mục đích đó vào con tim, khối óc của mình để luôn hướng đến thành công.”
Đêm đó, người ta không đọc thấy trong ánh mắt Bill một cơn đau nào ngoài sự long lanh của một niềm tự hào và hạnh phúc.
BILL PORTER
Nguồn: Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường - First News và NXB Tổng hợp TPHCM phối hợp ấn hành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét