P07: Vượt Lên Chính Mình - Tập 2 - hocviensong

Latest

Ad Section

BANNER 728X90

Thứ Tư, 21 tháng 7, 2010

P07: Vượt Lên Chính Mình - Tập 2

Guy Gabaldon
"Để có được một tinh thần mạnh mẽ, bạn cần phải trải qua một quá trình khổ luyện."

Trận chiến giành lại hòn đảo Saipan do quân Nhật chiếm đóng ngày 7 tháng 7 năm 1944 trong Chiến tranh thế giới thứ hai ở Thái Bình Dương là một trận khó quên trong lịch sử. Nó như một truyền thuyết về anh lính binh nhì can đảm Guy Gabaldon, một lính thủy đánh bộ.
Với vốn từ tiếng Nhật "đường phố", một khẩu súng cacbin, đơn độc mình anh đã chiêu hàng được hơn 1.500 binh lính Nhật. Về sau, câu chuyện này được dựng thành phim Hell to Eternity. Từ chỗ có một tuổi thơ bất hạnh, tứ cố vô thân, Guy Gabaldon trở thành người hùng trong mắt nhiều người – kể cả những người từng là tù binh của anh.
Từ năm 10 tuổi, tôi đã sống lang thang trong những khu nhà ổ chuột ở Los Angeles. Đánh giày là công việc thường ngày của tôi ở phố Skid Row - nơi dành cho một đứa trẻ vô gia cư như tôi, cùng những kẻ nghiện rượu… nói chung là những người thuộc đủ mọi tầng lớp cặn bã của xã hội.
Skid Row những năm 30 của thế kỷ XX là nơi mà bạn có thể học hỏi được rất nhiều điều. Ở đây, một đứa trẻ 10 tuổi có thể tiếp thu được sự gan dạ và lì lợm từ những tay đấm quyền Anh, các cô gái điếm và cả những người lương thiện. Ngoài việc đánh giày ra, đôi lúc tôi còn làm các việc vặt giúp những cô gái điếm và thỉnh thoảng họ có giúi cho tôi vài xu lẻ. Để đi lại, tôi thường nhảy lên những xe tải chở đầy hàng hóa hoặc đu lên đầu các toa xe lửa. Mặc dù đôi lần cũng bị cảnh sát tóm, nhưng tôi vẫn có cách để thoát thân.
Những năm tháng sống lây lất trên đường phố đã dạy tôi những bài học mà không nơi nào tôi có thể học được. Sống trong môi trường đó, nếu khéo léo xoay xở bạn mới tồn tại được. Năm 13 tuổi, tôi chuyển sang Barrio, thuộc phía đông Los Angeles, và vẫn tiếp tục sống trong cảnh tương lai mờ mịt. Đến năm 15 tuổi, tôi đến ở Little Tokyo, khu dành cho người Nhật.
Không hiểu sao tôi thích tất cả những thứ có liên quan đến người Nhật, từ thức ăn đến những câu chuyện kể về các võ sĩ samurai truyền thống, những thiếu nữ Nhật xinh xắn, và cả niềm tự hào, kiêu hãnh lẫn sự kiên định trong mọi việc họ làm. Cuối cùng, tôi cũng đã có được một mái ấm đúng nghĩa khi dọn đến ở với gia đình Nikano. Hàng ngày, tôi giúp những người anh em nuôi giao báo cho người Nhật quanh khu nhà tôi ở. Tôi giúp mẹ nuôi trông nom cửa hàng bán hoa tươi. Tôi còn được họ cho đi học tại trường của người Nhật, học viết chữ kana (bộ ký tự tiếng Nhật), học tiếng kanji (chữ Nhật, viết với gốc từ Hán). Mặc dù rất thích nói tiếng Nhật, nhưng tôi nói không được mạch lạc lắm. Để chỉ tôi cách viết chữ kata-kana, anh nuôi tôi, Lyle, có thể dành cho tôi hàng giờ. Không chỉ thế, khi hòa mình trong môi trường của người Nhật, tôi đặc biệt say mê những truyền thuyết về các chiến binh samurai. Không ngờ nhiều năm sau đó, tôi đã thu phục được rất nhiều "những chiến binh Samurai quả cảm", đội  binh tinh nhuệ nhất của Nhật hoàng Hirohito.
Năm 17 tuổi, tôi gia nhập vào Hải quân. Với chiều cao 1m62, cân nặng 57 kg, và bị thủng màng nhĩ nên tôi bị loại ngay từ đầu. Đó là nỗi thất vọng lớn nhất thời niên thiếu của tôi.
Sau đó, tôi tình cờ đọc được mẩu quảng cáo cần tuyển thông dịch viên tiếng Nhật cho quân chủng lính thủy đánh bộ. Mặc dù biết khả năng nói tiếng Nhật của mình còn hạn chế, nhưng tôi vẫn quyết định cho mình cơ hội. Vì đang rất cần thông dịch viên, nên họ đồng ý nhận tôi ngay, bỏ qua cả khiếm khuyết về lỗ tai thủng của tôi.
Làm phiên dịch không được bao lâu, họ lại điều tôi ra chiến trận. Tôi được đưa đến tổ súng cối 81 ly. Sau đó, tôi được đào tạo trở thành lính trinh sát và gia nhập vào quân đoàn đánh chiếm đảo Saipan.
Khi lên đến đảo, tôi quyết định đi trinh sát một mình, và ngay khi đó tôi đụng độ cùng lúc với 3 người lính Nhật. Tôi nói với họ: "Te o gaete" (giơ tay lên). Đây có lẽ là lần đầu tiên tôi nói với quân địch bằng tiếng Nhật. Thấy một trong 3 tên loay hoay với khẩu súng trường, tôi liền nổ súng vào hắn trước. Hai tên còn lại hạ súng xuống, tôi thuyết phục rằng sẽ không làm hại nếu họ chịu nghe lời tôi. Họ là những tù binh đầu tiên của tôi khi khởi nghiệp nhà binh. Lúc đó, tôi cảm thấy rất vui, bởi tôi đã làm tốt hơn cả nhiệm vụ. Thế nhưng, khi ra trình diện trước viên đại úy, ông ta đã cho tôi một tràng thuyết giảng về những nguyên tắc trong quân đội, vì tôi đã tự ý ra ngoài một mình và lệnh cho tôi không được tái phạm thêm lần nào nữa. Nhưng ngày hôm sau, tôi lại tiếp tục đi ra ngoài và mang về thêm 12 tù binh nữa. Lần này, viên sĩ quan chỉ huy xử sự hoàn toàn khác. Từ tù binh, chúng tôi đã khai thác được những thông tin cực kỳ quan trọng. Cấp trên cũng đã nhanh chóng đồng thuận với hành động của tôi. Có lẽ, đây chính là sự khởi đầu tốt đẹp cho "hoạt động độc lập" của tôi trên đảo Saipan.
Sáng ngày 8 tháng 7 năm 1944, tôi đưa hai tù binh lên một ngọn núi và cố gắng giảng giải, thuyết phục họ, bảo rằng nếu chống cự, chắc chắn họ sẽ không thoát khỏi cái chết. Tôi còn nói thêm, nếu họ vẫn tiếp tục cuộc chiến, trước sau gì họ cũng không thoát những nòng súng sắp sửa khai hỏa của chúng tôi. Không những thế, tôi còn chỉ cho họ thấy những chiếc tàu của chúng tôi đang neo đậu ngoài khơi, chờ lệnh nổ súng vào những nơi trú ẩn của quân Nhật. "Tại sao các anh phải chết trong khi các anh vẫn còn lối thoát với không ít điều kiện ưu đãi? Các anh đưa người của mình đến chỗ chết, như thế không đúng với luật quân đội Bushido của các anh.”
Vướng mắc tôi gặp phải là làm sao cho những người này hiểu chúng tôi sẽ không tra tấn hay giết hại họ, mà sẽ đối xử tử tế cũng như sẽ trả họ về Nhật sau khi cuộc chiến kết thúc. Mặc dù tôi biết rất rõ luật Bushido, nó buộc họ phải tự sát chứ không được đầu hàng vì đầu hàng là hành động hèn nhát. Đó chính là điểm mấu chốt khó tháo gỡ nhất. Nếu tôi không thể thuyết phục được họ, có lẽ tôi cũng chẳng có cơ may sống sót. Tôi biết có hàng trăm binh lính thiện chiến của quân địch đang ẩn nấp đâu đó và nếu họ rượt đuổi, giỏi lắm tôi chỉ có thể hạ được 2 đến 3 tên trước khi bị họ bắn gục. Liệu tôi có thể vượt qua được? Cho đến phút này tôi vẫn gặp may, nhưng cơ may để thuyết phục những cảm tử quân của Nhật đầu hàng là vô cùng hiếm hoi. Sau một hồi thuyết phục, một tù binh đi xuống những hang bên dưới để thuyết phục đồng đội. Một ở lại cùng tôi, vì anh ta nghĩ rằng mình không đủ khả năng thuyết phục.
Một lúc lâu sau, người kia quay lại cùng với 12 binh lính khác, người nào cũng kè kè súng bên mình. Trước tình cảnh đó, tôi cảm giác dường như mình đang bị bao vây. Tôi nghĩ thầm, có khi nào đến lượt tôi sẽ trở thành tù binh của những binh sĩ cuồng tín này không.
Nhưng họ không tỏ thái độ gì. Tất cả đứng trước mặt tôi, chờ xem tôi sẽ phản ứng thế nào. Nếu nổ súng, tôi hiểu tính mạng của mình cũng chẳng được bảo toàn. Tôi giữ thái độ bình tĩnh, không tỏ vẻ bối rối hay hoảng sợ. "Dozo o suwari nasai!" (Mời ngồi!). Tôi tỏ vẻ mình đang là người kiểm soát tình thế. Đây là lần đầu tiên tôi nghĩ mình còn quá trẻ để chứng tỏ uy quyền của một người lính. Nhưng tôi không còn cách nào khác. Tôi mời họ hút thuốc, cố gắng giữ bình tĩnh và sự can đảm vốn có của mình. "Heitai – san!" (Xin chào những binh sĩ đồng nghiệp!). Sau đó, tôi nói liền một hơi: "Tôi đến đây để trao cho các bạn thông điệp của tướng quân ‘Mad’ Smith, vị tướng phụ trách khu vực Marianas. Từ lâu, ngài Smith đã ngưỡng mộ lòng dũng cảm của các bạn nên ra lệnh chúng tôi đưa các bạn  - các binh lính còn lại sau cuộc tấn công Gyokusai ngày hôm qua - đến nơi an toàn. Hành động của các bạn sẽ được ghi vào lịch sử. Tướng quân của chúng tôi bảo đảm rằng các bạn sẽ được đưa tới Hawaii an toàn, được ở những nơi có đầy đủ tiện nghi cho đến khi chiến tranh kết thúc. Lời nói của tướng quân chúng tôi là lời hứa danh dự. Ông ấy không muốn bất cứ người nào phải đổ máu vô ích".
Đa phần những lính Nhật này không biết tướng Smith là ai, nhưng qua sự quan sát của mình, tôi nhận thấy họ có vẻ rất tôn trọng những vị tướng quân. Tôi bảo rằng với hỏa lực mạnh, Hải quân Hoa Kỳ có thể tiêu diệt hết bọn họ. Vừa nói tôi vừa chỉ cho họ xem hàng trăm con tàu đang đậu ngoài khơi. Lúc này, trong toán quân bắt đầu nổi lên những tiếng xì xào. Tranh thủ giây phút đó, tôi cố gắng thuyết phục họ - hoặc sống, hoặc "Vĩnh biệt, mẹ thân yêu".
Khi chỉ huy nhóm, một trung úy, nhoài người nhận lấy điếu thuốc từ tay tôi, nét mặt mọi người mới dần dãn ra. Một số đứng yên tại chỗ, một số đi loanh quanh ở khu vực gần đó. Tôi nói chuyện với họ bằng những mẫu câu tiếng Nhật học được ở Los Angeles: "Warera Nihonjin toshite hazukashii koto o shitara ikemasen" (Là người Nhật chúng ta không nên phạm phải một hành vi nào đáng hổ thẹn). Họ bật cười, có lẽ họ cười vì cách phát âm ngọng nghịu của tôi. Hẳn bọn họ biết tôi không phải là người Nhật.
Viên sĩ quan chỉ huy hỏi, liệu những bệnh xá ở căn cứ của chúng tôi có được trang bị đầy đủ không. "Ôi trời đất ơi!" – suýt nữa tôi bật to thành tiếng trong nỗi vui mừng – vậy là họ đã chấp nhận lời đề nghị của tôi! Không bỏ lỡ cơ hội, tôi nói ngay: "Bệnh xá của chúng tôi có đầy đủ phương tiện, và cả những bác sĩ giỏi". Nghe xong, viên sĩ quan quay ra nhìn chằm chằm vào những chiếc tàu đang neo cách xa vách núi chỉ chừng trăm mét. Anh ta hiểu rằng, nếu chống cự tất thảy đều phải chết, kể cả tôi. Nhưng qua thái độ của viên chỉ huy, tôi nhận thấy anh ta chưa muốn chết. "So da yo! Horyo ni naru!" (Được, chúng tôi đồng ý là tù binh của bạn), anh ta nói. Tôi thở phào nhẹ nhõm: "Cuối cùng thì các bạn cũng đồng ý. Thật tuyệt vời!".
Viên chỉ huy bảo bốn người ở lại cùng tôi rồi dẫn những người khác leo lên vách núi. Trong khi ngồi chờ những người kia quay lại, chúng bắt chuyện với nhau. Những người lính ấy kể cho tôi nghe về gia đình, quê hương họ và đủ thứ chuyện linh tinh khác. Về phần mình, tôi kể cho họ nghe về cuộc sống của tôi với những gia đình người Nhật ở California, và tình cảm đối với những người đã cưu mang tôi. Tôi nói với họ, rằng cả tôi và họ đều là những binh lính, đều phải tuân theo mệnh lệnh, mặc dù bản thân mình chẳng liên quan gì nguồn gốc và mục đích của cuộc chiến tranh này. Họ tỏ vẻ đồng tình với những suy nghĩ của tôi. Tôi chia sẻ với họ những điếu thuốc mình mang từ Mỹ sang cũng như khẩu phần ăn tôi mang trong ba lô, họ có vẻ rất thích.
Chưa đầy một giờ sau, viên sĩ quan cùng với hơn 50 binh sĩ khác nữa cùng xuất hiện. Trong thoáng chốc, tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Tôi cảm thấy mình thật đơn độc trong cuộc chiến này. Tất cả mọi người ngồi đối diện với tôi. Trông họ không có vẻ gì là kẻ bại trận. Vẻ tự hào lẫn nghiêm túc thể hiện rõ trên nét mặt từng người lính, như thể họ chưa hề có quyết định đầu hàng. Trong tình huống đó, tôi luôn nhắc nhở mình phải giữ vững phong thái tự tin, một trong những phẩm chất quan trọng mà người lính cần phải có. Viên chỉ huy lên tiếng: "Chúng tôi còn khoảng vài trăm người nữa ở phía dưới kia, một số không phải là binh lính và một số thì bị thương. Tôi muốn có thuốc để chữa trị cho những người bị thương". Tôi lấy gói thuốc bột sulfat đưa cho anh ta xem và nói chúng tôi có gấp nhiều lần như thế tại căn cứ. Anh ta yêu cầu nước uống và thuốc men cho những trường hợp khẩn cấp. "Hãy kiên nhẫn", tôi đáp, "Tôi hứa danh dự với anh là một khi anh tập trung người của anh lại đầy đủ ở đây, tôi sẽ liên lạc ngay với chỉ huy của tôi".
Những binh lính Nhật từ từ rời khỏi nơi ẩn nấp. Những hàng người dài dằng dặc. Trời ạ, bọn họ có cả thảy bao nhiêu người đây? Nếu họ bất ngờ nổi loạn, có lẽ tôi sẽ quăng súng và tháo chạy mất thôi. Tôi ra lệnh tách những người không phải là binh lính sang một bên, và để những người bị thương qua một khu vực riêng. Có nhiều người bị thương khá nghiêm trọng, nhưng ánh mắt họ vẫn hừng hực lửa chiến đấu. Đa số họ muốn chờ tôi thực hiện lời hứa của mình, nhưng một số người trẻ tuổi hơn dường như không muốn đầu hàng. Họ yêu cầu thức ăn, nước uống, và chăm sóc y tế. Tình huống trở nên khá bất ổn và căng thẳng. Nếu không chuẩn bị kịp thời, có lẽ họ sẽ giết tôi trước rồi sau đó lại rút vào các hang động. Tôi cần sự hỗ trợ ngay lập tức. 
Một vài lính thủy của chúng tôi đang mai phục trên ngọn đồi, vì vậy tôi bảo một trong những tù binh của mình cởi áo ra và móc áo lên một nhánh cây rồi vẫy vẫy. Đồng đội tôi nhìn thấy liền chạy đến bằng xe jeep, còn một số khác chạy bộ theo sau. Có hàng trăm lính thủy đã đến hiện trường. Họ xăng xái giúp tôi chuyển những binh lính bị thương nặng đến khu điều trị và sau đó phụ tôi làm một số việc khác nữa.
Thật không ngờ, chỉ đơn độc một mình, anh binh nhì như tôi đã bắt giữ được hơn 1.500 binh lính và dân sự từ một đạo quân cuồng tín nhất trên thế giới! Quả là một điều kỳ diệu. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ làm được như thế!
Mọi người có thể ngạc nhiên tự hỏi vì sao tôi có thể gan lì trước sự khốc liệt của chiến tranh như vậy, trong khi tôi chỉ là một cậu bé chưa qua khỏi tuổi 18. Là người gốc Mehico, mồ côi từ bé, sống lang thang ở khu Skid Row và làm công việc đánh giày để kiếm sống... đó là những tiền đề để tôi có thể trở thành cậu bé hư hỏng. Nếu không vì mục tiêu chiến đấu cho tổ quốc mà tôi đã lựa chọn ngay từ đầu, hoặc nếu không được nuôi nấng bởi các gia đình người Mỹ gốc Nhật, tôi không biết liệu mình có cơ hội để làm một việc tưởng chừng quá sức như vậy hay không. Nếu chẳng may phải lớn lên trong khu ổ chuột, bạn có hai con đường để đi, một là bạn chọn trở thành người tốt và hai là làm người xấu. Còn tôi, tôi quyết định lèo lái con thuyền của cuộc đời mình đi theo hướng tích cực.
Phần thưởng cho sự chịu đựng gian khổ chính là những kinh nghiệm bạn thu được. 
Aeschylus
Bất hạnh là liều thuốc thử phẩm chất của con người.
Seneca
Con người là tập hợp những nỗ lực của chính mình.
S.Young
Hoài nghi là một tên phản bội, bởi nó khiến bạn sợ hãi không dám liều mình, vì thế bạn đánh mất cơ may thành công của mình. 
William Shakespeare
Những người dám liều lĩnh là những người mà bạn sẽ thua họ.   
John Scully
Người khôn ngoan nhất không phải là người gặt hái được nhiều thành công, mà là người biết biến thất bại thành những lợi thế nhất định. 
Richard R. Grant
Bạn chỉ có thể thắng nếu bạn dám đương đầu với thất bại. 
Rocky Aoki
Khi học trò đã sẵn sàng, thầy giáo sẽ xuất hiện. 
Ngạn ngữ cổ Trung Hoa
Nguồn: Vượt lên chính mình 2 - First News và NXB Tổng hợp TP.HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét