Jack, người bạn tốt nhất của tôi
Nếu sống một cuộc đời theo đúng kịch bản của chính mình, thì sẽ chẳng có điều bất ngờ nào hết.
Theresa Peluso
Lớn lên ở vùng núi của Bắc Carolina, có vẻ như chẳng có gì ngoài một tương lai khó khăn đang chờ đợi Jack phía trước. Jack chỉ mới học xong lớp ba. Cha và hầu hết những người họ hàng của Jack làm việc trong một xưởng cưa ở địa phương, và mọi người đều cho rằng cậu sẽ nối nghiệp. Một chọn lựa khác duy nhất đó là làm việc cho những người nấu rượu lậu.
Trước khi đến tuổi thiếu niên, Jack đã phát hiện ra cách kiếm tiền dễ dàng bằng việc đi bán rượu bắp. Không may, cậu cũng đã ngày càng yêu thích đối với thứ chất lỏng ấy và trở thành khách hàng “sộp” nhất của chính mình. Một buổi tối mùa thu, trên chiếc xe chất đầy rượu bắp, không thể chạy thoát khỏi các nhân viên thuế vụ đang đuổi theo, Jack đã bị bắt.
Bị kết án tù, ông đã phải trải qua vài năm bị cùm chân, cùng làm việc với một nhóm tù nhân bị xích chân lại với nhau. Chẳng có gì ngạc nhiên khi những ngày tháng nhục nhã đó chỉ làm tăng thêm sự tức giận và cay cú của Jack đối với cuộc đời.
Khi được phóng thích, quyết tâm từ bỏ sự tẻ nhạt nơi quê nhà, Jack tham gia vào đội thương thuyền. Làm việc trên những chuyến tàu chở hàng hóa ra nước ngoài, Jack đã có cơ hội đi vòng quanh thế giới. Tuy nhiên, do đắm chìm trong làn sương mù của rượu uýt-ky nên đối với Jack, tất cả các bến cảng đều giống nhau - chỉ có các quán rượu và các vụ lộn xộn.
Cuối cùng thì chứng nghiện rượu cũng bắt Jack phải trả giá. Không còn đủ sức để làm việc, ông phải trở về Bắc Carolina, vùng đồi núi quen thuộc của mình. Ông làm việc bất cứ khi nào và bất kỳ ở đâu, nhưng chỉ làm đủ để mua một bình rượu, loại chất lỏng đã khống chế cuộc đời ông.
Một đoàn xiếc lưu động đã thuê ông làm nhân viên bảo trì cơ khí, và thế là ông bắt đầu một chuyến đi say xỉn qua các thành phố và thị trấn nhỏ của nước Mỹ. Năm tháng trôi qua trong nhạt nhòa, rồi số lần ông tỉnh dậy trong nhà giam với những vết cắt và vết bầm tím mà ông không thể giải thích được do đâu ngày càng nhiều. Sau cùng, bị sa thải khỏi đoàn xiếc, ông đến ở tại một thị trấn nhỏ xa lạ của Pennsylvania. Làm một số công việc lặt vặt cũng giúp ông có tiền để uống rượu trong một thời gian. Nhưng dần dần sức khỏe của ông suy giảm đến mức ngay cả những việc đơn giản nhất cũng trở nên quá sức đối với ông.
Cuối cùng, ở giai đoạn nghiêm trọng của chứng nghiện rượu, Jack sống bằng tiền trợ cấp xã hội và còn bảo người ta giao rượu uýt-ky đến tận căn phòng trọ tồi tàn của mình. Một buổi tối nọ, người ta phát hiện Jack nằm bất tỉnh trong tình trạng hôn mê do rượu và đã đưa ông vào phòng cấp cứu.
Trong thời gian Jack nằm viện, các bác sĩ đã thuyết phục ông hãy đi điều trị. Không còn biết đi về đâu, ông đành phải đồng ý. Điều đó đã trở thành bước ngoặt trong cuộc đời ông. Lúc tôi gặp Jack thì ông đã không hề “đụng vào rượu” từ vài năm trước đó.
Về phần tôi, tôi đã làm hỏng một sự nghiệp tốt đẹp tại thành phố New York. Trong giai đoạn đó, tôi đã xa lánh tất cả những người tôi quen biết. Lòng tràn ngập sự phiền muộn và oán trách bản thân, nên trong suốt mấy năm trời, tôi cứ giấu mình dưới đáy chai rượu gin, sợ hãi cuộc sống, nhưng lại cảm thấy còn sợ chết hơn.
Vì những lý do đến nay tôi vẫn chưa hiểu nổi, Chúa đã can thiệp, và sau khi nhận được nhiều sự giúp đỡ cần thiết, tôi bắt đầu nhiệm vụ khó khăn là chỉnh đốn lại cuộc đời mình. Tôi chuyển đến một thành phố nhỏ để làm lại từ đầu. Và hơn một năm sau, triển vọng nghề nghiệp của tôi đã được cải thiện vững vàng. Nhưng về mặt cảm xúc, tôi không được ổn cho lắm.
Thế rồi tôi gặp Jack.
Tôi đã căng mắt đọc quyển sách chỉ dẫn tại phòng khách của một tòa văn phòng trong mấy phút trước khi có một người đàn ông thấp bé tròn trịa mặc bộ đồ công nhân đi lạch bà lạch bạch về phía tôi. Sau khi toét miệng cười vì thấy sự bối rối của tôi, ông ta chỉ hướng cho tôi đi.
Tôi đi chưa được mấy bước thì ông ấy gọi với theo bằng một giọng miền Nam kéo dài và thân thiện: “Mà này, chàng trai, tôi không nhớ nổi lần cuối cùng tôi nhìn thấy người có khuôn mặt buồn rầu như cậu là khi nào đấy”.
Ngạc nhiên trước sự quan sát mang tính cá nhân như thế, tôi quay lại phía ông. Với một vẻ mặt hơi buồn bã nhưng chân thành, người đàn ông tôi chưa một lần quen biết ấy nhìn vào mắt tôi và nhẹ nhàng nói: “Chàng trai à, nếu hôm nay không có ai nói với cậu là họ yêu cậu, thì tôi nói đây”. Cùng với tiếng leng keng của xâu chìa khóa, ông ấy quay đi và mất dạng sau một cánh cửa dẫn vào khu vực cầu thang.
Người bảo vệ luôn tươi cười thân thiện này đã làm tôi xúc động và tôi tìm nhiều lý do để đến thăm tòa nhà văn phòng “của ông ấy”. Ngồi trong căn phòng trực ồn ào của Jack dưới tầng hầm, chúng tôi đã có những giây phút ngắn ngủi trò chuyện cùng nhau. Dần dần, tôi nhận ra những trải nghiệm vô giá và những hiểu biết sâu sắc mà Jack đã truyền cho tôi.
Khi chúng tôi đi bộ dọc theo phố Main, nhiều chiếc xe hơi đã nhấn còi để chào chúng tôi và các chủ cửa hiệu cũng bước ra chào hỏi. Tôi ngạc nhiên trước sức ảnh hưởng kỳ diệu mà người đàn ông một thời hết hy vọng này đang tạo được đối với mọi người xung quanh. Ông ấy bảo tôi: “Mỗi ngày qua là một hồng ân. Lẽ ra tôi đã chết từ lâu rồi, nhưng vì một lý do nào đó, Chúa nhân từ đã quyết định cho tôi một cơ hội thứ hai, và tôi mong mỏi dùng nó để giúp đỡ mọi người”.
Triết lý sống của ông ấy rất đơn giản: “Hãy sống trọn vẹn mỗi ngày và làm mọi việc thật tốt trong khả năng của mình. Khi thức giấc, hãy xin Chúa nhân từ dõi theo bạn, và trước khi ngủ, hãy cám ơn Người”. Tôi còn thấy ông cho người khác mượn tiền, dù biết rằng có thể họ sẽ không trả. Nếu ai đó yêu thích một món đồ của ông, thì hầu như lúc nào cũng thế, ông ấy sẽ tặng nó cho họ.
Công việc của tôi trở nên thuận lợi, và tôi trở lại làm việc trên Đại lộ Madison. Với tình bằng hữu và sự hỗ trợ của Jack, đời sống cá nhân của tôi cũng có một bước chuyển tốt đẹp. Tôi gặp và yêu một người phụ nữ tuyệt vời, và một năm sau ngày chúng tôi gặp gỡ, người phụ nữ xinh đẹp ấy đã đồng ý trở thành vợ của tôi.
Vào một buổi chiều hè gió hiu hiu thổi, tôi đứng trước bệ thờ trong nhà thờ, mặc trên người một bộ lễ phục bó sát và miệng nở nụ cười thật thỏa nguyện. Giữa điệu nhạc của tiếng đàn organ, tình yêu của đời tôi - lộng lẫy trong bộ váy cưới đăng-ten, từ từ bước xuống lối đi chính.
Vị linh mục hỏi to: “Ai sẽ trao tay cô dâu cho chú rể?”. Trong tích tắc, bệ thờ bừng sáng như được bao phủ trong một màn sương màu phấn nhạt, và mùi hương trong lành, mát dịu của cơn mưa đang đến gần bay thoảng qua nhà thờ. Khi tôi cầm lấy bàn tay cô dâu, chúng tôi nhìn vào đôi mắt xanh ươn ướt của một người mà chính tình yêu thương và sự dẫn dắt của ông đã giúp chúng tôi có được ngày này.
Và thế là người bạn tốt nhất của tôi, Jack, đã mỉm cười với chúng tôi và tự hào lên tiếng: “Tôi đây”.
JACK CANFIELD & MARK VICTOR HANSEN
Chiếc nhẫn vàng nho nhỏ
Đừng nhìn nơi bạn ngã xuống, mà hãy nhìn nơi bạn bắt đầu trượt.
- Ngạn ngữ châu Phi
Ngay từ khi mới nhập viện, tôi đã được rất nhiều người đến thăm. Đối với mọi người, nguy cơ suy sụp của tôi là quá rõ ràng, nhưng dường như tôi lại không nhận thấy điều đó.
Lúc đó, tôi có rất nhiều thức ăn giúp nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Tôi còn có một quyển nhật ký ghi lại trung thực chuyến trở về từ địa ngục của mình. Ngoài ra, trong người tôi lúc nào cũng có thuốc lá và cái bật lửa.
Vật duy nhất tôi không có khi ấy là chiếc nhẫn cưới của mình. Những cơn khủng hoảng liên tiếp xảy đến do tôi không thể kiểm soát được thói quen uống rượu. Trọng lượng của tôi cũng giảm đi rất nhanh do tôi thường xuyên bỏ bữa. Chẳng biết thế nào mà chiếc nhẫn cưới chồng tôi đã lồng vào tay tôi sáu tháng trước đã bị tuột đâu mất.
Tôi nhớ sáng hôm đó mình đã đeo chiếc nhẫn vào, và đêm hôm ấy tôi cũng không có tháo nó ra. Tôi nghĩ là mình đã tháo nhẫn ra lúc rửa bát. Tôi kiểm tra nhà bếp, kiểm tra trong quần áo, lục tung cả phòng ngủ, rồi nhà tắm, nhà bếp một lần nữa, và lục cả cái ổ của con mèo. Nhưng chẳng thấy đâu hết.
Vì chồng tôi đang đi công tác, nên đó là buổi tối cô đơn nhất trong đời tôi khi tôi ngồi cạnh cái ổ mèo và khóc sướt mướt vì đã đánh mất chiếc nhẫn cưới. Sau đó, tôi chạy ra ngoài trong cơn mưa lạnh để bới tung mớ rác của hai tuần qua ra tìm. Vẫn chẳng ích gì.
Tôi quay vào nhà, lau khô người và cố chuốc cho mình say mèm bằng một chầu rượu táo. Tôi rất ghét rượu táo, có lẽ đó là lý do tại sao nó là món rượu duy nhất còn lại trong nhà. Vậy mà lần đầu tiên, tôi thấy mình không say được! Thế là tôi cứ uống trong năm ngày liên tục cho đến khi tôi được đưa vào trung tâm y tế, nơi tôi gặp bà Ida – một nhân viên vệ sinh.
Vào buổi sáng đầu tiên gặp nhau, bà nói với tôi: “Những người bệnh không thích trò chuyện đâu. Còn tôi, tôi lại rất thích trò chuyện với mọi người. Nó khiến công việc trở nên thú vị hơn”. Bà thích sự ngăn nắp gọn gàng ở bệnh nhân. Bà bảo: “Cháu thật ngăn nắp, và cháu cũng không ốm đến mức không thể trò chuyện được”.
Trong khi lau chùi nhà vệ sinh, dọn dẹp sọt rác và đổ gạt tàn thuốc đã đầy ắp của tôi, bà hỏi tại sao tôi lại phải nhập viện.
Tôi trả lời: “Cháu cần được nghỉ ngơi. Cháu đã rất đau khổ vì đánh mất chiếc nhẫn cưới của mình. Cháu đang cố trấn tĩnh lại”.
Bà Ida nói: “Cháu cần phải cầu nguyện với Thánh Anthony. Ngài sẽ tìm thấy các đồ vật khi cháu hỏi ngài”.
Ồ, hay thật đấy, tôi thầm nghĩ. Và sau khi bà ấy đi khỏi, tôi cẩn thận viết lại mẩu đối thoại vừa rồi của chúng tôi vào nhật ký, và cảm thấy mình rất nghệ sĩ khi làm như vậy.
Ngày hôm sau, bà Ida quay trở lại và hỏi: “Thế cháu đã tìm thấy chiếc nhẫn cưới chưa?”.
“Dạ chưa, bà Ida ạ. Vẫn không tìm ra nó.”
“Thế cháu đã nói với Thánh Anthony chưa?”
Trời ơi, vậy là bà ấy nghĩ nghiêm túc về vụ Thánh Anthony ư? Tôi thưa thật: “Dạ chưa”. Bà có vẻ thất vọng. Vì thế tôi tìm cách giải thích thật khéo: “Nhưng cháu chưa quen biết với Ngài, bà Ida ạ. Cháu không thể yêu cầu một ai đó chưa quen biết giúp đỡ mình như vậy được bà ạ”.
Bà Ida dừng lau sàn nhà tắm và suy nghĩ về điều tôi vừa nói. Rồi bà chậm rãi: “Ta hiểu rồi”. Nói đoạn bà vui vẻ hẳn lên. “Hãy nói với Ngài rằng ta gửi cháu đến với Ngài. Thánh Anthony biết rõ ta mà. Và nếu không phải ca trực của ta thì cháu cứ để lại trong phòng dịch vụ một mảnh giấy nhỏ để ta biết diễn biến của chuyện này nhé. Chỉ một mảnh giấy nhỏ thôi, ghi là: ‘Bà Ida, Thánh Anthony đã giúp cháu rồi ạ’. Thế thì ta có thể giúp cháu tạ ơn Ngài”.
Bà Ida đi khỏi, căn phòng trở lại yên tĩnh, chỉ còn tôi với những điếu thuốc lá cùng quyển nhật ký. Làm hay không làm đây? Không, tôi không thể. Việc ấy thật vớ vẩn, cảm tính và đạo đức giả nữa. Tôi đâu có tin vào những điều như thế.
Nhưng bà Ida thì lại tin vào những điều như vậy, và bà đã cho tôi lời khuyên về vấn đề duy nhất quan trọng đối với tôi lúc đó. Các bác sĩ cho tôi những lời khuyên về kế hoạch tăng cân, còn Hội những người cai rượu thì khuyên tôi nên dự các buổi họp mặt của hội. Tôi không thích những thứ đó. Tôi chỉ muốn tìm lại chiếc nhẫn của mình.
Tôi không biết phải cầu nguyện thế nào, cũng chưa bao giờ nghe nói đến chuyện cầu nguyện với một vị thánh. Và tôi cũng không biết Anthony có phải là cái tên xuất hiện trong các mục quảng cáo trên báo không. Tôi đã tuyệt vọng thật đấy, nhưng tôi sẽ không làm một kẻ đạo đức giả đâu. Tôi ghét những kẻ đạo đức giả lắm.
“Mình sẽ viết một bài thơ”, tôi quyết định như thế. Về mặt ngữ nghĩa thì bài thơ không phải là lời cầu nguyện, cho nên tôi cũng sẽ không phải là kẻ đạo đức giả. Như thế tôi sẽ vẫn giữ được những suy nghĩ ban đầu của mình mà vẫn có thể đáp lại thịnh tình của bà Ida.
Không phải là lời cầu nguyện với Thánh Anthony
Ida bảo con hãy thưa chuyện với Ngài
Bà ấy nói bà biết Ngài rất rõ
Chuyện là về chiếc nhẫn cưới của con
Ngài giúp con tìm ra nó chứ?
Tuần rồi con đã đánh mất nó
Cùng với sự tỉnh táo của mình
Con đang dần giành lại sự sáng suốt
Và nếu tìm lại được cả chiếc nhẫn thì thật tuyệt vời...
Bầu trời không mở ra trên nóc trung tâm y tế, thiên đường cũng chẳng hạ xuống gần tôi, tôi cũng không nghe thấy tiếng thiên thần ca hát, thế là tôi gấp quyển nhật ký lại và đi ngủ.
Ngày hôm sau, tôi được ra viện. Chồng tôi đến đón tôi và chúng tôi cùng bắt đầu lại một lần nữa cuộc sống chung.
Khi tôi nằm dài trên chiếc trường kỷ trong phòng khách thì chồng tôi quyết định khởi đầu cuộc sống mới bằng cách dọn dẹp những vỏ chai bia được dồn từ sáu tuần trước – đống vỏ chai chiếm mất một nửa diện tích cái ga-ra chứa được hai chiếc xe hơi của chúng tôi. Mười phút sau, anh ấy trở lại, đôi bàn tay run run với chiếc nhẫn cưới của tôi.
Chồng tôi bảo: “Nó rơi ra từ một thùng đựng sáu chai bia. Anh đang xách một lần bốn cái để bỏ vào thùng sau của xe hơi. Chắc hẳn là anh đã lật úp một cái xuống, bởi vì cái nhẫn rơi ra ngay trước chân anh”.
Mặc dù không quen với những điều kỳ diệu nho nhỏ, những lời cầu nguyện, thánh thần hoặc những may mắn từ trên trời rơi xuống, nhưng tôi biết rằng với tôi, từ nay thế giới này sẽ khác hẳn. Tôi không biết có phải Thánh Anthony có ấn tượng với bài thơ của tôi hay không. Tất cả những gì tôi biết là bà Ida đã tin tưởng vào những điều đó và đã mang tôi đến với niềm tin cũng như vị thánh yêu mến của bà.
Tôi tiến đến bên chiếc điện thoại và gọi cho trung tâm y tế. “Phòng dịch vụ phải không ạ? Tôi muốn gửi một tin nhắn cho bà Ida. Tin nhắn quan trọng...”. Tôi không biết phải cầu nguyện như thế nào hay phải cảm ơn Chúa ra sao, nhưng tôi có cảm giác bà Ida sẽ sốt sắng giúp tôi một lần nữa.
JACK CANFIELD & MARK VICTOR HANSEN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét