P02: Tìm Lại Giá Trị Cuộc Sống - Tập 12 - hocviensong

Latest

Ad Section

BANNER 728X90

Thứ Tư, 21 tháng 7, 2010

P02: Tìm Lại Giá Trị Cuộc Sống - Tập 12

Người ngồi một mình
Nhiều người sẽ học hỏi được từ những sai lầm của họ nếu họ không phủ nhận chúng.
Khuyết danh

Đó là một ngày thứ Bảy bình thường tại công viên Fenway ở Boston. Các con đường như đang vỡ tung lên với những tiếng còi xe và tiếng la hét. Tuy vậy, nếu nhìn gần hơn, chúng ta sẽ thấy rằng chẳng ai trò chuyện với ai. Đàn ông cũng như phụ nữ đều dán mắt xuống đường hoặc nhìn thẳng phía trước.
Thế rồi tôi thấy ông ấy. Một người đàn ông lớn tuổi đang ngồi một mình trên bậc thềm. Tò mò, tôi tiến đến gần để nhìn rõ hơn. Một cảm giác rùng mình chạy dọc sống lưng tôi. Rủi thay, nhiệt độ không phải là nguyên nhân của cái cảm giác kinh khủng ấy.
Giữa bạt ngàn các loại giày hiệu như Nikes và Timberland, người đàn ông xấu xí đó vẫn mang đôi giầy đã cũ sờn từ rất lâu. Trong bộ đồ cũ kỹ xơ cả vải, một tay ông run run cầm chiếc hộp đựng cà phê màu trắng bạc, tay kia cầm một tấm bảng. Trên tấm bảng ghi dòng chữ: Cựu Chiến Binh Chiến Tranh Hàn Quốc Đói Khổ.
Trông cứ như người chết rồi, đôi mắt vàng khè sâu hoắm của ông ấy khiến người ta dễ lầm tưởng ông là một kẻ nghiện rượu lâu năm, và trên khuôn mặt u sầu của ông là một màu xám nhạt. Tôi nhớ lại sự hy sinh của bản thân mình cho đất nước trong Chiến dịch Bão Sa mạc. Ngay lúc đó, tôi đã nghĩ cái bao tử của mình thực sự đã sôi sùng sục lên vì hai cái bánh mì kẹp xúc xích mà tôi vừa ăn ngấu nghiến.
Người ta đi vòng qua ông ấy cứ như thể ông là một người bị bệnh phong cùi. Không một ai dừng lại để giúp đỡ. Hiển nhiên, người ta dễ cho rằng người đàn ông đó là một kẻ lừa bịp chứ không cần tìm hiểu sự thật trong đôi mắt khổ sở của ông. Tôi cũng hiểu được phần nào điều đó. Vẫn còn nhiều sự thật mà người ta chẳng muốn biết. Trong trường hợp này, sự thật đó chỉ cho thấy rõ một xã hội lạnh lùng và dửng dưng.
Những người qua đường khác cư xử còn tệ hơn cả sự thờ ơ. Họ xấu tính đến mức đã ném lại đằng sau một lời xúc phạm, hoặc một tiếng cười chế nhạo để làm đau nhói trái tim người đàn ông tội nghiệp. Người cựu chiến binh đã quá già và mệt mỏi để phản ứng lại những điều đó. Mỗi khi người ta nói với ông một từ khó nghe, thì mắt của ông ấy nhắm lại trong chốc lát rồi lại mở ra, như thể ông đã hoàn toàn tiếp nhận sự tàn nhẫn ấy.
Mười lăm phút dài vô tận trôi qua, và mặc dù cái hộp cà phê vẫn trống rỗng nhưng tôi đã phải chứng kiến cảnh người anh em của mình đang phải chịu đựng quá nhiều nỗi hổ thẹn và tủi nhục. Bất cứ phẩm giá nào còn sót lại cũng bị tước đi một cách tham lam và tàn nhẫn bởi những con người mà vào một thời điểm nào đó trên đường đời, họ đã bị làm cho nhẫn tâm và mù lòa.
Bỗng nhiên một con người bất hạnh khác thu hút sự chú ý của tôi. Đó là một người đàn ông lớn tuổi khác; người này phải ngồi xe lăn. Ông ấy chầm chậm tiến đến chỗ tảng đá lát lề đường và sau đó đẩy xe lui lui tới tới nhằm cố gắng làm vành bánh xe quay đều. Nhưng chẳng ích gì. Sự quyết tâm cũng như những nỗ lực nhanh chóng bị thay thế bởi sự tuyệt vọng và những câu chửi rủa lầm bầm. Trong khi đó, hàng trăm người hâm mộ bóng chày ái quốc đang túa ra xung quanh ông ấy, và họ tiếp tục đi về những hướng khác nhau. Tôi đứng đờ người ra vì bàng hoàng.
Khi đã hết sững sờ, tôi bước tới hai bước tính giúp ông ấy, nhưng tôi đã chậm mất một bước. Người đàn ông vô gia cư nọ đã đặt tấm bảng và chiếc hộp rỗng của mình lên bậc thềm để đi giúp một người khác đang cần sự giúp đỡ hơn. Tôi rưng rưng nước mắt. Vẫn còn một điều gì đó tốt đẹp trên thế giới này.
Lạ lùng thay, điều đó dường như luôn xuất phát từ những người đang rất cần những thứ mà bản thân họ lại sẵn lòng cho đi và không hề tính toán. Hai người cùng nở một nụ cười chân thành, điều mà rõ ràng chỉ những người đang gặp hoạn nạn mới có thể hiểu được. Kẻ nghèo túng lại trở về với bậc thềm của mình giữa cái nhìn đầy xét đoán của hàng triệu cặp mắt tàn nhẫn. Tôi đứng đó trong sự kinh ngạc. Cảm giác ớn lạnh lúc nãy lại chạy dọc sống lưng tôi.
Sau khi đặt một tờ hai mươi đô mới cứng vào trong chiếc hộp của người ăn xin, tôi nhận được một cái gật đầu đáp lại sự hào phóng của mình, và sau đó là một cái vỗ nhẹ lên vai. Thằng em trai Randy của tôi nhướng mi mắt tỏ ý không đồng tình.
Suốt quãng đường dài lái xe về nhà, tôi đã giải thích cảnh bi đát ấy và chủ đề này dẫn đến một cuộc thảo luận sâu sắc khác thường.
Chúng tôi đã đi một quãng đường khá dài trong im lặng. Tôi quyết định rằng miễn ý định giúp đỡ người khác của tôi là chân thành, thế thì tôi đã chẳng làm tổn thương đến ai cả. Như thế xem ra còn tốt hơn. Ngoài ra, đó còn là một thực trạng của xã hội mà người ta nên quan tâm nhiều hơn từ góc độ cá nhân.
Mỗi ngày, hàng ngàn người đang trở thành nạn nhân của việc sử dụng chất gây nghiện, chứng nghiện rượu, nạn thất nghiệp và vô gia cư, nên bất cứ ai cũng có thể dễ dàng trở thành kẻ ngồi trên cái bậc thềm hiu quạnh đó. Nếu tôi ở hoàn cảnh của người đàn ông đó, tôi chỉ hy vọng người ta sẽ đủ tử tế để đặt cược niềm tin vào tôi, hơn là vào tờ vé số của nhà nước.
Khi đến sông Fall, Randy phá tan sự im lặng bằng một câu hỏi rất ngây ngô. Dù không trông đợi câu trả lời, nhưng Randy vẫn cứ hỏi: “Steve, anh có bao giờ tự hỏi rằng tại sao Chúa lại ban tặng cho rất ít người quá nhiều thứ, và lại ban cho rất nhiều người quá ít thứ không?”.
Bất ngờ khi thấy suy nghĩ của đứa em trai phản ánh đúng suy nghĩ của mình, tôi mỉm cười. Câu trả lời dường như rất dễ và rất rõ ràng. Trước sự ngạc nhiên của Randy, tôi trả lời một cách chân thành: “Anh nghĩ Chúa đã ban cho con người đầy đủ. Vấn đề là con người đã quên mất cách nào để chia sẻ với nhau những món quà hào phóng của Chúa!”.
Chẳng cần phải nói, chặng đường còn lại của chuyến đi diễn ra trong im lặng. Đội bóng chày Boston Red Sox tiếp tục thua; và ở đâu đó, trên bậc thềm lạnh lẽo, một người đàn ông khốn khó vẫn đang ngồi một mình.
JACK CANFIELD & MARK VICTOR HANSEN

Điều chưa nói
Bạn giữ lấy sự hận thù càng lâu, thì nó càng trở nên nặng nề hơn.
Khuyết danh

Những ký ức thuở tôi còn ngồi trong xe đẩy em bé là tiếng leng keng của nước đá trong ly uýt-ky pha soda và mùi vị của những trái ô-liu xanh. Mẹ tôi là một người phụ nữ xinh đẹp và hoạt bát, nhưng trước khi tôi biết đi chập chững, cũng là khoảng mười hai năm sau ngày cưới, cha tôi đã bỏ đi, mẹ trở nên suy sụp và chán nản.
Lúc đủ lớn để biết sử dụng điện thoại, có lần tôi đã gọi điện thoại cho cha để lấy lại tinh thần bởi quá sợ hãi do chứng kiến cảnh mẹ uống rượu. Cha con tôi thử nghiệm với việc cùng nhau chơi đùa trong một vài tuần vào mỗi mùa hè.
Trong chuyến đi chơi đáng nhớ nọ, cha tôi đã bỏ ra rất nhiều tiền cố thắng cuộc trong một trò chơi để giành lấy phần thưởng là một con gấu trúc nhồi bông thật to cho tôi. Cuối cùng người quản trò thấy động lòng và đã cho chúng tôi con gấu đó.
Khi tôi lên mười, chúng tôi đã từ bỏ những nỗ lực mỏng manh để tạo dựng một mối quan hệ. Cho dù có cố gắng đến đâu, tôi cũng không thể nào nói lời tạm biệt mà không khóc sướt mướt, để lại cho cả hai chúng tôi sự xúc động nghẹn ngào. Tôi tự trách mình đã xua đuổi cha.
Khi tôi bước vào độ tuổi thiếu niên, mẹ tôi kết hôn với một người đàn ông nghiện rượu nặng - người thường xuyên sử dụng nắm đấm một cách tùy tiện. Ngày ấy chưa có tổ chức bảo vệ trẻ em hay đường dây nóng chống nạn bạo lực trong gia đình. Chuyện xảy ra giữa hai vợ chồng thì chẳng có ai can thiệp, và vì vậy con cái cũng bị ảnh hưởng lây. Mẹ tôi thường xuyên bị đánh đập, có lần nghiêm trọng đến nỗi phải vào bệnh viện. Tôi đi học về và nhìn thấy một bãi chiến trường. Tôi lau chùi mấy vệt máu, vứt đi những mảnh vỡ, rồi làm bài tập và đi ngủ.
Cha dượng tôi bị giam mấy ngày và phải đi cai rượu, sau đó hai người đã về lại với nhau, và chúng tôi chuyển nhà. Tôi cho rằng chúng tôi đều quá tuyệt vọng để có thể cảm nhận được một điều gì đó. Nỗi đau đớn được chấp nhận. Và kết quả là chẳng có gì thay đổi.
Một đêm cuối hè nọ, một trận cãi vã khác lại nổ ra. Từ phòng mình, tôi lắng nghe những dấu hiệu để biết “trận” này khoảng bao nhiêu độ Richter. Tiếng ly tách vỡ loảng xoảng và tiếng la hét thất thanh khiến tôi phải chạy xuống phòng khách, lúc đó cha dượng tôi bắt đầu tiến về phía tôi. Có cái gì đó đánh xoảng một cái, và khi tôi và cha dượng nhìn nhau, tôi biết tôi sẽ là mục tiêu kế tiếp. Tôi quay người, mở cửa trước và chạy đi. Một chiếc xe cảnh sát đang chạy về phía nhà tôi, đèn pha đang chiếu sáng và còi báo động hú ầm ĩ. Tôi chạy về hướng khác.
Lúc đó, chỉ còn vài tháng nữa là tôi được mười bốn tuổi, chúng tôi vừa chuyển đến một bang khác và tôi cũng chẳng biết mình đang ở đâu. Tôi chưa đăng ký đi học, không bạn bè, không tiền bạc, chỉ có độc bộ quần áo đang mặc trên người. Nhưng tôi biết chắc một điều, đó là: tôi sẽ không tiếp tục sống như thế này nữa. Nếu như mẹ tôi đã chọn cuộc sống ấy thì đó là cuộc đời của bà và bà có thể cứ  sống như thế.
Khi đến một con đường cao tốc đông đúc, tôi thôi không chạy nữa. Tôi bắt đầu đi bộ. Đi được vài mét, tôi đến một buồng điện thoại công cộng và trong đầu tôi nảy ra ý nghĩ là tôi nên cho ai đó biết những chuyện đã xảy ra. Tôi bước vào và thực hiện một cuộc gọi do người nghe trả tiền cho một số máy đã lâu tôi không gọi. Khi vừa nghe tiếng cha tôi “Alô”, tôi phải cố gắng lắm mới không gác máy. Đang trong một tình trạng cực kỳ lo lắng nên việc nghe thấy giọng nói của cha khiến cho tôi xúc động mạnh.
Trong mấy giây, tôi phải cố chống chọi với những cảm xúc mà tôi đã cố kìm nén trong nhiều năm. Tại sao cha lại chưa cứu mình ra khỏi tất cả những chuyện này?
Cha tôi hơi lãng tai, nên tôi phải hét lên: “Cha, con đây. Con cần cha giúp đỡ, con không biết phải làm gì cả”. Tôi bắt đầu giải thích những điều vừa mới xảy ra và nói cho nhanh trước khi tôi hoàn toàn mất bình tĩnh. Tôi sẽ không khóc; điều đó đã làm cha tôi bỏ đi một lần rồi và tôi sẽ không bao giờ làm như vậy nữa. Tôi có thể nghe thấy tiếng tim mình đập mạnh. Mỗi nhịp đập như vọng vào đầu tôi. Hai bàn tay tôi run rẩy và đẫm mồ hôi, còn hai đầu gối của tôi gần như sắp khuỵu xuống. Tôi thở gấp và cảm thấy buồn nôn.
Tất cả những gì tôi muốn nghe là: “Được rồi, mọi việc sẽ ổn thôi con ạ”. Nhưng từ đầu dây bên kia, cha tôi nói: “Theresa, cha không thể giúp con...” và đó là tất cả những gì mà tôi đã nghe thấy. Tôi gác máy mạnh đến mức tôi nghĩ là nó sẽ bị vỡ, tôi giật mạnh cửa ra và bỏ đi. Tôi không biết mình đã đi bao xa để có thể giải tỏa được tất cả các cảm xúc - hóa ra là phải qua nhiều dặm, và trong nhiều năm.
Sau cùng, khi đã tê cóng, tôi biết mình cần phải suy nghĩ. Khi ấy tôi mới nhớ ra sở dĩ chúng tôi quyết định dọn đến nơi ấy là vì một người bạn thân của mẹ tôi sống gần đó. Tên bà ấy có trong danh bạ điện thoại và tôi lại thực hiện một cuộc điện thoại người nghe trả tiền khác cho bà ấy.  
Sau vài ngày và sau vài cuộc điện thoại, cha tôi biết tôi đã tìm ra được một chỗ ở và người bạn của mẹ tôi thay tôi đến thuyết phục mẹ tôi rằng tốt hơn hết là tôi không nên tiếp tục sống với mẹ tôi nữa. Hóa ra là cũng có vài điều ràng buộc liên quan đến việc thu xếp chỗ ở mới, nhưng tôi cũng đã được chuẩn bị để sống trong mọi hoàn cảnh rồi. Tôi bắt đầu năm học thứ hai của trường trung học một tuần trước lễ Tạ ơn, tôi tìm được một việc làm và tránh xa mọi rắc rối.
Trong gần ba mươi năm, tôi bỏ lại phần đời đó sau lưng mình và hầu như không liên lạc với ai trong gia đình. Cho đến một hôm nọ, điện thoại reo. Có người đã lần ra tôi thông qua một người bạn cũ của tôi – người bạn này biết nơi tôi làm việc. Cha tôi đang hấp  hối.
Từ đó, tôi cố gắng dành nhiều thời gian hơn để ở bên cạnh cha mình. Một buổi chiều nọ, chúng tôi ngồi lặng yên trong căn phòng khách nhỏ của ngôi nhà liên kế, nơi cha tôi đã sinh ra và lớn lên, tôi nói với cha rằng tôi rất hối tiếc vì quãng thời gian mà chúng tôi đã đánh mất. Tôi cũng nói rằng trong cuộc đời tôi, có rất ít việc tôi muốn thay đổi, ngay cả những điều tệ hại nhất đã làm tan nát tâm hồn và trái tim tôi.
Nhìn vào đôi mắt cha, tôi có thể thấy được rất nhiều nỗi niềm hối tiếc, nhiều hơn những gì chúng tôi có đủ thời gian để bù đắp lại, và nay cha tôi cũng không có sức để làm điều đó. Chúng tôi ngồi lặng im và để cho khoảnh khắc ấy trôi qua.
Nằm nghỉ được một lúc, cha đưa tay nắm lấy tay tôi, dùng cả hai bàn tay giữ lấy tay tôi, rồi ông nhắm mắt lại. Ông bắt đầu nói khẽ: “Con là đứa con gái bé bỏng của cha, và cha đã không giúp được gì cho con. Cha biết là khi ấy mọi việc đang diễn ra rất tồi tệ với con, nhưng mà vào ngày ấy thì trẻ con phải sống với mẹ”. Ông mở mắt ra và thở thật sâu trước khi nói tiếp.
“Nhưng hãy xem con đã làm được những gì này. Con đã tự chăm sóc bản thân mình. Con đã có được trong đời mình những con người yêu thương con và đùm bọc cho con.” Nước mắt chảy xuống má của cha tôi và lẫn vào đám râu cằm lởm chởm của ông.
“Đêm hôm ấy khi con gọi điện cho cha, cha cảm thấy vô cùng bất lực. Muốn đến với con khi ấy phải bay hàng mấy giờ đồng hồ, và cha đã không giúp được cho con. Cha đang định cố giúp con giữ bình tĩnh và nghĩ xem con phải làm gì cho đến khi cha kịp đến đó, thế nhưng...”
Tôi không biết cha tôi còn nói thêm những gì. Đột nhiên tôi trở lại là một cô gái bé nhỏ đang sợ hãi, cố tỏ ra thật can đảm trong một buồng điện thoại công cộng và nghe cha tôi nói: “... Cha không thể giúp con...”.
Nỗi đau buồn tràn ngập tâm hồn tôi khi tôi nhận ra rằng hành động vội vàng gác máy của tôi khi xưa đã đẩy cha tôi và tôi vào sự xa cách cả một đời.
Tôi vùi mặt vào lòng cha và khóc như đứa bé con mà cha đã rời bỏ nhiều năm về trước. Cha vuốt tóc tôi và vỗ nhẹ lên lưng tôi. Cha tôi trở lại là cha của ngày xưa, và tôi lại là đứa con gái bé bỏng ngày nào của cha. Tôi không thể nói được là hai cha con chúng tôi đã ở bên nhau như thế trong bao lâu, nhưng tôi có cảm giác như khoảng thời gian ấy dài bằng cả cuộc đời – hay chí ít cũng bằng cả một thời thơ ấu đã qua của tôi.
Vài tuần sau đó, cha tôi mất. Nhưng trong khoảng thời gian hai cha con chúng tôi ở bên nhau, chúng tôi chẳng bao giờ cảm thấy khó khăn khi nói với nhau những lời mà lẽ ra đã làm cho cuộc đời chúng tôi khác đi từ nhiều năm về trước: “Con yêu cha”, “Con tha lỗi cho cha” hay như  “Mọi việc rồi sẽ ổn thôi mà”.
JACK CANFIELD & MARK VICTOR HANSEN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét