14: Hạnh Phúc Không Khó Tìm - Tập 1 - hocviensong

Latest

Ad Section

BANNER 728X90

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

14: Hạnh Phúc Không Khó Tìm - Tập 1

Vượt lên sự ích kỷ bản thân
“Hãy đóng cửa nhà mình lại, rồi hòa vào dòng người ngoài kia. Hãy giúp đỡ những người đang cần giúp đỡ mà bạn gặp trên đường.”
Karl Menninger

Cynthia rất đau khổ sau khi ly hôn. Tôi giúp cô ấy xác định những gì cô ấy có thể làm lúc này để có thể vượt qua nỗi đau khổ. Một trong những lý do khiến cô ấy phải ly hôn là vì cô cảm thấy hôn nhân của mình không hạnh phúc trong nhiều năm qua. Suốt thời gian chung sống, càng lúc cô càng cảm thấy mình luôn hành động đúng, rằng mình chẳng có gì sai trái cả, nhưng cô vẫn không cảm thấy hạnh phúc.
Một ngày nọ, Cynthia tìm đến tôi và nói: “Em cảm thấy tiếc cho chính bản thân mình, tiếc cho một cuộc hôn nhân chẳng đi đến đâu! Chúng em phải sống trong một căn hộ chật chội, chồng thì chẳng bao giờ hiểu vợ mình muốn gì. Em thật sự cảm thấy quá mệt mỏi…”
“Phải!” - Tôi đáp - “Em có thể cảm thấy thất vọng, tức giận, buồn bực vì cuộc hôn nhân không được như ý muốn của mình. Nhưng bây giờ em hãy thử nghĩ lại xem, dường như lúc nào em cũng chỉ biết nghĩ đến bản thân mình.”
Và rồi, để giúp Cynthia thoát ra hẳn tâm trạng suy sụp, tôi giao cho cô ấy một việc: Trong tuần tới, cô phải âm thầm làm một việc tốt cho người khác, ít nhất một lần trong ngày. Và bấy nhiêu thôi cũng đủ để trong lần gặp nhau kế tiếp, Cynthia cảm thấy vui vẻ hơn rất nhiều, khác hẳn với tâm trạng nặng nề nhiều năm qua!    
Khi gặp những khó khăn trong cuộc sống, chúng ta dễ có khuynh hướng chỉ biết lo cho mình, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến mình. Nếu cứ sống như thế, tâm hồn của chúng ta sẽ ngày càng trở nên ảm đạm, tăm tối, cạn hẹp, lúc nào cũng chỉ thấy có mỗi mình là gặp chuyện khó khăn! Đó chính là lý do vì sao việc có được một tầm nhìn vượt ra khỏi chính bản thân mình lại có một ý nghĩa rất quan trọng!
Nhà tâm lý học Bernard Rimland đã đúc kết kinh nghiệm từ một trắc nghiệm nhỏ đối với 216 sinh viên. Ông yêu cầu từng em hãy nghĩ về 10 người mà mình biết rõ nhất, sau đó, đánh giá xem từng người đó có hạnh phúc hay không? Rồi sau đó, xem xét tiếp đến khía cạnh họ là người ích kỷ hay không ích kỷ? Kết quả thật đáng ngạc nhiên. Có đến 95% người ích kỷ không hề cảm thấy hạnh phúc, và 70% người hạnh phúc là những người không có tính ích kỷ. Kết quả đó phần nào cho chúng ta thấy rằng, nếu chỉ biết sống một cách ích kỷ, thì chúng ta khó mà cảm nhận được hạnh phúc trong cuộc sống! Rimland đã nhận xét, những người ích  kỷ là những người chỉ biết làm những việc khiến cho bản thân họ được hạnh phúc. Thế nhưng, khi làm như vậy thì bản thân họ lại cảm thấy ít hạnh phúc hơn so với những người luôn biết giúp đỡ người khác một cách nhiệt thành.
Nếu bạn nghĩ rằng, cuộc sống có quá nhiều điều kinh khủng, đầy rẫy những bất công, đau khổ… đến nỗi bạn chẳng còn biết nghĩ gì hơn là tìm cách vun vén cho chính mình, thì bạn sẽ ngày càng trở nên bế tắc trên con đường đi tìm hạnh phúc cuộc sống. Bạn hãy biết nghĩ xa hơn bản thân mình! Không chỉ mình bạn đau khổ mà rất nhiều người khác còn gặp khổ đau hơn bạn! Khi bạn biết nghĩ đến những đau khổ của người khác, bạn sẽ cảm thấy rằng mình vẫn còn hạnh phúc lắm và mình vẫn còn có thể giúp đỡ được người khác. Nếu sống ích kỷ thì dù có giàu sang đến đâu chăng nữa, bạn vẫn bị người khác xa lánh. Trái lại, dù nghèo khổ nhưng nếu có một tấm lòng bao dung, vị tha, một trái tim nhân ái thì bạn cũng sẽ luôn được những người xung quanh trân trọng, cảm phục và yêu thương. 
Tóm lại, khi biết nghĩ đến người khác, biết làm cho người khác cảm thấy vui, chắc chắn mỗi người chúng ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc cuộc sống ở một ý nghĩa lớn lao hơn!
Nguồn: Hạnh phúc không khó tìm   - First News và NXB Tổng hợp TPHCM

Biết vì lợi ích của người khác
“Hãy nhớ rằng, hạnh phúc rất dễ lan tỏa. Vì vậy, muốn nhận nhiều hạnh phúc thì bạn hãy cố gắng làm cho những người xung quanh cũng cảm thấy hạnh phúc.”
Maurice Maeterlinck

Gần đây, tôi quan tâm đến những buổi diễn thuyết với đề tài “Hãy biết yêu thương bản thân, vì hạnh phúc của người khác” của Mark Abramson. Tôi rất đồng ý với Mark rằng, đó là một ý tưởng tuyệt vời. Lâu nay, chúng ta thường nghĩ, yêu thương bản thân là một điều có vẻ ích kỷ. Tuy nhiên, nếu hiểu rằng chúng ta yêu thương bản thân không phải vì mình mà còn vì người khác nữa thì điều đó sẽ trở nên có ý nghĩa hơn rất nhiều.
Câu nói trên có hai vế: “yêu thương bản thân” và “vì hạnh phúc của người khác”. Ai trong chúng ta cũng mang nặng ơn nghĩa đối với những người thân yêu của mình, như cha mẹ, vợ chồng, con cái, họ hàng, bạn bè… Khi họ cảm thấy hạnh phúc, thì bản thân chúng ta mới cảm thấy hạnh phúc, và ngược lại. Nói cách khác, hạnh phúc của bản thân ta gắn chặt với hạnh phúc của những con người đó. Nếu vẫn còn chưa hiểu hoặc không tin vào câu nói trên, bạn hãy thử suy nghĩ mà xem. Con cái của bạn có lớn lên trong hạnh phúc được không nếu cha mẹ chúng lục đục với nhau? Chúng có hạnh phúc khi biết rằng mẹ của chúng là một người đàn bà tội lỗi, hư hỏng, bị xã hội ruồng rẫy? Chúng có hạnh phúc không khi biết cha chúng là một người đàn ông sống thiếu trách nhiệm, buông thả, không được mọi người coi trọng?... Vậy nên, muốn được hạnh phúc, bản thân mỗi người cần tôi luyện nhân cách cũng như thái độ ứng xử trong cuộc sống, cho chính mình và cho mọi người. Hạnh phúc phải bắt nguồn từ trong tâm hồn, suy nghĩ, thái độ của mỗi người, trước khi lan tỏa ra cuộc sống bên ngoài. Một tâm hồn đẹp, một thái độ tích cực có sức mạnh rất lớn để thúc đẩy người khác hướng tới những điều tốt đẹp.   
Chúng ta thường có xu hướng ích kỷ, tự nuông chiều bản thân. Mỗi khi nói đến hai chữ “hạnh phúc”, thì ngay lập tức ta nghĩ đến cái gì đó chỉ thuộc về bản thân mình mà chẳng hề liên quan gì đến người khác. Nhưng thực tế không hoàn toàn giống như những gì ta nghĩ! Vì cuộc sống của ta có liên quan với cuộc sống của người khác, nên hạnh phúc của ta cũng liên quan đến hạnh phúc của người khác. Chúng ta nên dành một chút thời gian để suy nghĩ về ý tưởng sâu sắc mà Mark Abramson đã nêu ra.
Khi cảm thấy mình không hạnh phúc, chúng ta có bao giờ nghĩ đến những người thân không? Trong cuộc sống, những lúc gặp thất bại trong công việc, tôi buồn bã, mỏi mệt, phát ốm nhưng chẳng thiết ăn uống và cũng chẳng chịu đi khám bệnh. Tôi có thái độ chán nản, bất cần như thế để làm gì kia chứ? Chỉ vì tôi không biết nghĩ đến những người thân trong gia đình tôi, nên tôi mới xử sự như vậy. Nếu tôi biết nghĩ đến người khác, chắc chắc tôi đã biết yêu quý bản thân mình hơn, cố gắng tỏ ra vui vẻ, ăn uống bình thường, và không làm cho mọi người phải lo lắng vì mình! Đừng bao giờ tự hành hạ bản thân, để rồi làm cho người khác phải khổ sở theo!
Trong cuộc sống, mọi thái độ, hành vi, cử chỉ, cảm xúc của bạn đều có ảnh hưởng đến những người xung quanh. Mặt khác, chúng ta còn dựa vào mối quan hệ giao tiếp với những người xung quanh để tìm sự cân bằng cảm xúc của mình. Chẳng hạn, khi có điều gì bức bối, ngổn ngang trong lòng, nếu tâm sự được với một ai đó, bạn sẽ thấy lòng mình không còn trĩu nặng nữa và nhanh chóng tìm lại được sự cân bằng, thanh thản cho tâm hồn.
Trong thực tế, sự ảnh hưởng của cảm xúc từ người này lên người khác có thể diễn ra mà không nhất thiết mọi người phải ở chung trong một căn phòng hay một không gian nhất định nào đó. Một nghiên cứu trong môi trường hải quân cho thấy, cảm xúc của người sĩ quan chỉ huy có ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc của từng người lính. Từng người lính đều có khuynh hướng bị chi phối bởi tâm trạng của người sĩ quan chỉ huy, cho dù họ không đứng trên cùng một chiếc tàu.
Tóm lại, một khi đã hiểu được mối liên hệ giữa cảm xúc của ta và của người khác, giữa hạnh phúc của ta và của người khác, chúng ta sẽ biết cách sống và cư xử phải lẽ với những người xung quanh: cha mẹ, con cái, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng,… Bởi vì, hạnh phúc thật sự có khả năng lan tỏa từ người này sang người khác!          
Nguồn: Hạnh phúc không khó tìm   - First News và NXB Tổng hợp TPHCM

Bạn luôn được quyền chọn lựa
“Nếu bạn quyết định 'không chọn gì cả', thì đó cũng đã là một sự lựa chọn rồi!”
Neil Peart

Martha phàn nàn với tôi rằng, suốt 5 năm qua, lúc nào cô ấy cũng phải theo chồng đi khắp nơi để thực hiện những bộ phim mà anh ta làm đạo diễn. Là một người vợ, Martha luôn mong muốn được ở bên cạnh chăm sóc cho chồng, song, cô cũng cảm thấy sức ép và không thoải mái khi cứ phải rong ruổi quanh năm suốt tháng như vậy. Đó là chưa kể trong thời gian xa nhà, cô buộc phải gửi hai đứa con gái nhỏ cho ông bà ngoại nhờ trông nom giúp.
 Nghe vậy, tôi mới hỏi Martha: “Thế chồng em có lấy dây thừng trói em lại rồi ném vào xe hơi, bắt buộc em phải đi cùng anh ấy không? Nếu thực sự không muốn thì em cứ việc ở nhà, điều đó cũng không có nghĩa là em không yêu chồng, không làm tròn bổn phận người vợ”. Thật ra, trong bất cứ trường hợp nào, mỗi người chúng ta đều có quyền lựa chọn. Bản thân Martha cũng được quyền lựa chọn những điều cô ấy thật sự muốn làm. Không một ai có thể ép buộc hay ngăn cản cô ấy được, kể cả chồng của cô ấy! Nếu cô ấy viện lý do rằng mình đi theo đoàn làm phim của chồng là để gìn giữ hôn nhân thì đó là một lý do hoàn toàn thiếu tính thuyết phục. Có nhiều cách để gìn giữ hạnh phúc hôn nhân, chứ đâu cứ phải lúc nào cũng tự trói chặt mình vào những việc mà thực tâm mình chẳng thấy thoải mái chút nào!
Phải mất một thời gian khá dài, Martha mới nhận ra rằng bản thân cô ấy cũng có quyền lựa chọn. Tôi đã nhiều lần khuyên cô ấy: “Em phải tin rằng, mình có quyền lựa chọn trước những gì đang xảy ra trong cuộc sống, chứ không phải những gì đang xảy ra đi ngược lại với mong muốn của em đâu!”. Và tôi hiểu rằng, cô ấy đã bắt đầu cảm nhận được hạnh phúc cuộc sống, khi hiểu rằng bản thân mỗi người đều có quyền lựa chọn.
Thế mà suốt 5 năm nay, cô ấy cứ mang cảm giác là mình đang phải chịu đựng những bất lợi từ hoàn cảnh khách quan. Tôi biết, không chỉ riêng cô ấy mà nhiều người cũng có cảm giác tương tự, vì vậy, họ ít khi cảm thấy hài lòng, hạnh phúc trong cuộc sống. Họ chỉ chú ý đến những gì ràng buộc mình, những gì đang gây khó chịu cho họ trong hoàn cảnh hiện tại nên luôn cảm thấy bất hạnh và bế tắc. 
Nhưng sự thật là, bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều được quyền chọn lựa. Khi hiểu rằng mình có quyền lựa chọn, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn!
Một tác giả viết rất sâu sắc về đề tài này là Viktor Frankl. Suốt 5 năm trời, ông đã bị giam cầm trong nhà tù và các trại tập trung của Đức quốc xã. Ông nhận ra một điều rằng, tự do là thứ không thể bị hủy diệt. Ngay cả khi ta không được tự do về thể xác, thì mỗi người chúng ta cũng vẫn còn có tự do trong tâm hồn mình. Ông đã viết: “Trong những hoàn cảnh sống tưởng chừng như con người không còn một chút tự do nào, thì con người vẫn còn một thứ tự do cuối cùng - đó là tự do lựa chọn thái độ của mình đối với hoàn cảnh”.
Nếu lúc nào chúng ta cũng nghĩ mình chẳng hề có một sự lựa chọn nào cả, thì chắc chắn chúng ta sẽ chẳng bao giờ có bất cứ một sự lựa chọn nào. Sở dĩ như vậy là do chúng ta không biết cách tự khuyến khích, tự thúc đẩy chính mình. Một nhà triết học Hy Lạp thời cổ đại đã nói rằng: “Bí quyết của Hạnh phúc là Tự do, nhưng bí quyết của Tự do lại chính là sự tự khuyến khích, thúc đẩy chính mình vươn lên”. Nếu muốn sống hạnh phúc, nhất định bạn phải biết cách tự khuyến khích, thúc đẩy chính mình đưa ra quyết định lựa chọn đúng đắn, phù hợp cho riêng bạn.
Tương lai của chúng ta, một phần nào đó, sẽ được định hình từ chính những quyết định lựa chọn của bản thân chúng ta ở hiện tại. Tương lai không chỉ là kết quả của việc bạn chọn ra được cho mình một con đường - trong vô số những ngã rẻ khác nhau của cuộc đời - để tiến bước, mà trước hết, đó còn là kết quả bạn đã lựa chọn và tạo ra trong suy nghĩ của mình, trong ý chí của mình, và sau đó là tạo ra trong những hành động, những việc làm của bạn. Tương lai không chỉ là nơi chúng ta đi tới, mà còn là nơi do chính chúng ta tạo ra. Con đường đi tới tương lai không chỉ là con đường mà chúng ta tìm kiếm, mà còn là con đường do chính chúng ta tạo ra.
Khi Martha nhận ra rằng mình có quyền lựa chọn bất kỳ vấn đề nào của cuộc sống thì cô ấy sẽ trở nên hạnh phúc hơn hẳn! Trước đây, Martha đã từng nghĩ rằng mình không có quyền lựa chọn một cuộc sống riêng theo ý muốn của cô, vì nếu như thế sẽ ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng! Thế nên, cô ấy cứ mãi cảm thấy bế tắc. Bây giờ thì mọi chuyện đã khác rồi! Martha đã hiểu ra rằng, tình cảm vợ chồng chỉ là một phần của cuộc sống, bên cạnh đó, cô cũng cần có trách nhiệm nuôi dạy con cái, vun vén cho tổ ấm của hai vợ chồng, và cũng cần phải chú ý chăm sóc bản thân. Luôn được ở bên cạnh chồng có thể khiến Martha cảm thấy hạnh phúc, nhưng điều đó không có nghĩa là chồng cô quyết định luôn cả nghề nghiệp và đời sống riêng tư của cô. Cô yêu chồng, nhưng cô vẫn có quyền lựa chọn cho mình một công việc ổn định để có điều kiện gần gũi, chăm lo cho con cái. Nếu cô ấy làm tốt vai trò của một người vợ, người mẹ thì chồng cô cũng sẽ rất biết ơn và kính trọng cô. Như thế, Martha sẽ cảm thấy mãn nguyện vì bên cạnh hạnh phúc gia đình, cô đã tìm thấy cho mình một cuộc sống độc lập, tự chủ cùng với một công việc mới!   
Vậy cho nên, nếu bạn nghĩ mình là nạn nhân của một hoàn cảnh sống, hoặc bạn chưa tìm thấy lối thoát ra khỏi một bế tắc nào đó trong cuộc sống, thì bạn hãy suy nghĩ lại. Bạn có quyền chọn lựa, và tất cả đều tùy thuộc vào sự lựa chọn của chính bạn!
Nguồn: Hạnh phúc không khó tìm   - First News và NXB Tổng hợp TPHCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét