13: Bí Mật Tình Yêu - hocviensong

Latest

Ad Section

BANNER 728X90

Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2010

13: Bí Mật Tình Yêu

Đối nhân xử thế
Khi chỉ ngón tay vào một người nào đó, bạn nên nhớ rằng bàn tay bạn có đến ba ngón tay khác đang chỉ vào chính mình.
Louis Nizer

Đôi khi chúng ta tự hỏi, tại sao thế giới này lại có quá nhiều mối bất đồng, quá nhiều sự lường gạt và nỗi sợ hãi, sự nghèo đói và nỗi bất hạnh,… Chúng ta than phiền cuộc sống chỉ đầy rẫy những lo toan, những thao thức, lại luôn khắc nghiệt với mình đến nỗi chúng ta không thể tìm thấy bất kỳ một niềm vui nào trong đời.
Đôi khi, chúng ta sống ích kỷ, thờ ơ và vô tình trước nỗi đau của đồng loại. Chúng ta luôn gào lên một câu hỏi: "Xã hội đã mang đến cho tôi những gì?", mà chưa bao giờ tự hỏi bản thân: "Mình có thể làm gì có ích cho xã hội?".
Trong cuộc sống, chắc chắn bạn luôn mong muốn được quan tâm, đồng cảm, được chia sẻ và yêu thương. Vậy, tại sao bạn không làm như vậy với những người khác? Có một câu danh ngôn rất hay rằng: "Hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn họ đối xử với mình". Những biểu hiện của sự quan tâm, chia sẻ, dù chỉ là rất nhỏ thôi, cũng có thể trở thành những sợi dây bện chặt tình cảm cộng đồng. Chính những mối ràng buộc qua lại đó sẽ là nền tảng của mối quan hệ thân ái, cùng nhau sống trong hòa bình, cùng nhau hợp tác và phát triển. Khi đó, mỗi người sẽ dễ dàng từ bỏ những nhu cầu vật chất tầm thường của bản thân để nhường chỗ cho những lợi ích chung to lớn của cộng đồng.
Nếu mỗi người trong chúng ta đều cống hiến hết mình cho tình yêu và sự sống trên trái đất này, nhân loại sẽ vĩnh viễn được sống trong hòa bình. Và trên thế giới này sẽ không còn nghèo đói, bất hạnh và khổ đau.
Nguồn: Bí mật tình yêu  - First News và NXB Trẻ TPHCM

Những lời khen chân thành
Những lời khen chân thành có thể mang lại hiệu quả lớn lao hơn chúng ta tưởng rất nhiều.
Samuel Johnson

Tôi có thể dám chắc rằng mọi người chúng ta đều mong muốn được khen ngợi. Lời khen chính là biểu hiện của sự trân trọng và đánh giá cao mà người khác dành cho chúng ta.
Nhưng tất nhiên chúng ta cần phân biệt đâu là lời khen thực sự, còn đâu là lời nịnh hót núp dưới danh nghĩa của những lời khen, bởi chỉ khi nào lời khen xuất phát từ thực tế thì lúc đó nó mới có giá trị.
Những lời khen ngợi chân thực nhất, quan trọng nhất là từ những người thân yêu của chúng ta. Họ chính là những người hiểu chúng ta nhất, và luôn mong muốn chúng ta được trở nên tốt đẹp hơn. Bằng cách khen ngợi, họ đã giúp chúng ta phát huy sức mạnh tiềm ẩn của bản thân mà có khi tự chúng ta không phát hiện được. Ngược lại, chúng ta cũng không nên dè sẻn một lời khen, một câu động viên, một ánh mắt khích lệ đối với những người ta yêu thương. Chúng sẽ là động lực lớn lao để họ có thể làm tốt hơn nữa.
Những lời khen chân tình cực kỳ đơn giản và chẳng mất một xu. Hãy sử dụng nó thường xuyên như một món quà tinh thần vô giá trong cuộc sống.
Nguồn: Bí mật tình yêu  - First News và NXB Trẻ TPHCM

Nghịch lý tình yêu
Ngọn lửa tình yêu cháy rực hơn khi lòng căm hờn bị dập tắt.
Ella Wheeler Wilcox

Có một nghịch lý trong tình yêu: chúng ta thường xúc phạm và làm tổn thương những người ta yêu quý nhất. Ta liên tục chỉnh sửa những lỗi lầm của họ, nghi ngờ những quyết định của họ, đánh giá thấp những gì họ đạt được…
Thậm chí, có khi ta còn đòi hỏi, kỳ vọng và đặt ra những tiêu chuẩn quá cao đối với họ, chỉ để thỏa mãn niềm kiêu hãnh của bản thân mình. Sẽ chẳng có gì sai trái khi mong muốn những người mình yêu thương trở thành người tốt nhất, giỏi nhất, hoàn hảo nhất. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ làm được điều đó nếu lúc nào cũng sẵn sàng tuôn ra những lời trách móc thậm tệ, những câu chê bai khắc nghiệt, những lời phê phán cay độc.
Cách đây vài năm, một cô giáo tâm sự với tôi rằng dù cô đã giảng dạy rất nhiệt tình, quan tâm đến học sinh rất chu đáo,… nhưng lớp học vẫn buồn tẻ. Các em học sinh tỏ ra không hứng thú trong tiết học của cô, thờ ơ với những câu hỏi và gợi ý… Đến tham quan lớp học của cô một vài lần, tôi đã hiểu được vấn đề. Đó là bởi cách cư xử thiếu tế nhị của cô giáo: thay vì nhẹ nhàng nhắc nhở khi các em chưa hiểu bài, thì cô lại chú tâm bắt các em phải trả lời: Các em đã làm gì mà không nghe giảng, tại sao lại không hiểu bài? Cô không thể kiên nhẫn khi các học sinh của mình không thể tiếp thu bài ngay, vì theo ý cô, cô đã mất rất nhiều công sức trong việc chuẩn bị cho bài giảng, và đã giảng kỹ như thế thì không thể có ai đó không hiểu bài được. Hơn thế nữa, khi mở rộng vấn đề, phân tích thêm về bài học, cô lấy chính các khuyết điểm, sai sót của các em học sinh trong lớp làm ví dụ với những lời bình mỉa mai khiến các em cảm thấy bị xúc phạm.
Một anh bạn của tôi cũng đã từng rất ngỡ ngàng với đề nghị chia tay của người bạn gái vì lý do: cô ấy không thể chịu nổi sự đả kích đầy ác ý của anh mỗi khi cô phạm sai lầm. Đúng lúc cô cần anh an ủi, động viên thì anh lại dội gáo nước lạnh lên cô bằng những lời trách móc cay đắng mà theo ý anh là: chỉ để cô ấy tốt hơn mà thôi.
Phê bình là một nghệ thuật phức tạp và tế nhị. Khi muốn phê bình một ai đó, chúng ta phải chắc rằng động cơ của mình là mang tính xây dựng, việc làm của mình là cần thiết và phải đặt mình vào vị trí của họ để có thể hiểu được tác động của những lời nói ấy. Một động cơ đúng cũng không thể bào chữa cho cách làm sai, vì vậy chúng ta cần phải rất khéo léo và chân thành.
Nguồn: Bí mật tình yêu  - First News và NXB Trẻ TPHCM

Tình yêu và niềm say mê
Tôi say sưa với đời.
Tôi yêu sự thay đổi, yêu những gam màu của tự nhiên và những chuyển động của sự sống. Được nói, được nhìn ngắm, được lắng nghe, được thả bộ dọc theo những con phố, được nghe nhạc và ngắm nhìn những bức tranh,… tất cả những điều ấy đối với tôi đều thật tuyệt vời.
Arthur Rubinstein

Người lớn chúng ta vẫn thường hay tiếc nuối khi nhớ về tuổi thơ của mình, nhớ về cảm giác tò mò và say mê mọi thứ một cách rất tự nhiên của ngày ấy, và ao ước được thêm một lần có cảm giác như vậy trong đời.
Chẳng ai có thể quên được những kỷ niệm thời thơ ấu hồn nhiên khi chúng ta nằm dài trên thảm cỏ để ngắm nhìn trời mây cả buổi chiều mà không biết chán, chăm chú quan sát những con chuột chũi đào hang sâu vào lòng đất, tưởng tượng ra đủ mọi hình thù khi nhìn những đám mây đang bay lơ lửng trên bầu trời… Thế giới xung quanh dường như luôn mở ra những điều thú vị khiến chúng ta tò mò và say mê.
Càng lớn, chúng ta càng đánh mất dần niềm say mê với cuộc sống này. Chúng ta tìm thấy những mối quan tâm khác hơn là ở thiên nhiên. Thời gian của chúng ta dành để làm việc, để kiếm tiền và đuổi theo những giấc mộng lợi danh của mình hơn là háo hức với những cuộc phiêu lưu, khám phá. Tầm mắt, khối óc của chúng ta mở ra, nhưng cuộc đời lại hạn hẹp dần giữa những con số, những ám ảnh về thành công, về tiền bạc,… Cuộc đời cứ thế trôi đi, và chúng ta cũng không hề hay biết rằng mình đã trở thành một con người khô khan, đáng chán biết dường nào.
Thật ra, không nhất thiết phải quay lại thời thơ ấu để đánh thức niềm say mê đối với cuộc đời. Chúng ta hoàn toàn có thể tìm thấy niềm vui, niềm say mê trong những công việc bình thường hàng ngày. Tất cả những gì chúng ta phải làm là có một cái nhìn lạc quan hơn với mọi sự việc diễn ra quanh mình. Cuộc sống có vô vàn những điều tốt đẹp, nhưng chúng đang bị chôn vùi đâu đó dưới vẻ buồn chán, u ám do chính cái nhìn của chúng ta. Một khi đã đánh thức cái nhìn lạc quan của mình đối với những sự vật, chúng ta sẽ có thể nhận thấy rằng cuộc đời này đáng sống biết bao!
Nguồn: Bí mật tình yêu  - First News và NXB Trẻ TPHCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét