Phần III: Khám phá bí ẩn hạnh phúc
Biết giữ trạng thái cân bằng
Chính những truyện cổ tích đã giúp tôi rất nhiều trong việc giảm bớt những lo lắng. Câu chuyện nào cũng kết thúc có hậu dù diễn biến truyện rất gay cấn, hồi hộp và nhân vật chính phải trải qua nhiều chông gai thử thách.
Ở Trung Hoa có câu chuyện rất hay về điều này. Người nông dân nghèo nọ có một con ngựa bỏ chuồng đi mất. Hàng xóm bảo thật đáng tiếc cho ông ta. Người nông dân trả lời: “Cũng không sao cả!”. Vài tháng sau, con ngựa quay về, dẫn theo một con ngựa cái đã có chửa. Sau đó, con ngựa cái sinh ra một chú ngựa con rất đẹp. Hàng xóm đến chúc mừng ông ta. Nhưng ông lại nói: “Làm sao biết được đây có phải là may mắn hay không?”.
Một hôm, đứa con trai mới lớn của ông cưỡi chú ngựa non đi chơi và chẳng may té gãy chân. Ai cũng bảo đấy là chuyện xui xẻo, nhưng người nông dân vẫn bình thản: “Biết đâu đó lại là chuyện may mắn?”. Một thời gian sau, đất nước có giặc ngoại xâm, mọi thanh niên đều phải ra trận, riêng con trai ông vì bị què nên được miễn đi lính. Trong làng, cứ mười trai tráng ra trận thì đã có tới chín người không bao giờ trở về. Con trai người nông dân vì không phải ra trận nên được sống tới già trong cảnh yên ấm của gia đình.
Câu chuyện vui trên đã cho chúng ta thấy một bài học thú vị về thái độ sống. Đừng bao giờ quá lo lắng! Cuộc sống còn dài lâu và mọi chuyện vẫn cứ tiếp diễn. Các sự việc nối tiếp nhau diễn ra, và một chuyện rủi ro có thể là nguyên nhân để dẫn tới những may mắn kế tiếp. Thế thì, bất cứ khi nào cảm thấy đầu óc bấn loạn lên vì lo lắng, bạn hãy bình tâm, kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi sự việc lắng xuống, và hy vọng vào một diễn biến mới tốt đẹp sẽ bắt đầu.
Nguồn: Hạnh phúc không khó tìm - First News và NXB Tổng hợp TPHCM
Học cách suy nghĩ lạc quan
“Luôn có một tia sáng ở cuối đường hầm.” - Người lạc quan nói. Kẻ bi quan đáp rằng: “Chắc chắn có một đoàn xe lửa sắp đâm thẳng vào chúng ta”.
David Baird
Rồi một ngày, tôi nhận ra rằng những tháng ngày đã qua của đời mình sao mà nhạt nhẽo và vô nghĩa. Không thể để tình trạng đó mãi kéo dài, tôi quyết định phải sống khác đi.
Tác giả Mihaly Csikszentmihalyi đã từng viết: “Điều quan trọng nhất là chúng ta phải học cách thưởng thức cuộc sống. Điều đó không chỉ giúp ta cảm nhận ý nghĩa cuộc sống mà còn giúp ta hiểu rõ giá trị cuộc sống mà lâu nay ta chưa hiểu một cách đầy đủ”. Để trở thành một kẻ bi quan thì rất dễ, nhưng để trở thành một người lạc quan, hiểu rõ giá trị và ý nghĩa của cuộc sống thì lại là điều không dễ. Bởi lẽ, kẻ bi quan thường không có hy vọng, không tin mọi thứ có thể thay đổi được, và nhất là chẳng bao giờ dám làm điều gì để thay đổi. Vì thế, tôi đã quyết tâm phải trở thành một người lạc quan, và bắt đầu bằng cách nhìn mọi sự vật, sự việc trong cuộc sống hàng ngày ở những khía cạnh tươi sáng hơn.
Những người có suy nghĩ lạc quan thường có khuynh hướng tiếp nhận sự việc tiêu cực với thái độ bình tĩnh, tự tin rồi dần dần đưa sự việc tiêu cực đó vào tầm điều khiển của mình. Cùng trong một hoàn cảnh, nhưng ứng xử của người lạc quan và kẻ bi quan rất khác biệt. Chẳng hạn, với một người phải chịu áp lực công việc rất cao, luôn túng thiếu về tài chính và đang mắc một món nợ lớn. Nếu anh ta là một người lạc quan, biết tin tưởng vào những điều tốt đẹp, anh ta sẽ tự biết thúc đẩy, động viên mình làm việc hiệu quả hơn để cải thiện tình hình, chẳng bao lâu nợ nần cũng sẽ trả hết, áp lực công việc sẽ giảm dần, cuộc sống sẽ dễ chịu hơn. Ngược lại, là một người bi quan, anh ta chỉ toàn nghĩ đến những điều tệ hại: mình không có khả năng thay đổi được tình hình, mọi việc chỉ có thể càng ngày càng xấu đi mà thôi, tình trạng túng bấn sẽ kéo dài, biết đâu nay mai sẽ thất nghiệp, nợ nần chồng chất biết bao giờ mới trả xong…
Đứng trước một biến cố nào đó, người lạc quan và kẻ bi quan luôn có thái độ nhìn nhận khác nhau. Người lạc quan luôn cố gắng tìm kiếm những khía cạnh tốt đẹp của tình hình, nghĩ đến những kết quả lâu dài, nghĩ đến những gì tốt nhất trong khả năng có thể làm được để cải thiện tình hình. Họ tin tưởng ở kết quả tốt đẹp mà họ có thể gặt hái, tin rằng những bất lợi rồi cũng sẽ giảm bớt nếu mình biết khai thác tối đa khía cạnh thuận lợi, dù ít ỏi. Những người lạc quan sẽ mang niềm tin đó vào công việc, làm việc quyết tâm hơn, hăng say và chịu khó hơn rất nhiều lần để đạt được thành quả mà họ mơ ước… Trong khi đó, kẻ bi quan thì có thái độ hoàn toàn ngược lại. Họ xem công việc chỉ có tính chất nhất thời, làm như thể mọi chuyện xảy ra đều nằm ngoài tầm điều khiển của họ và những chuyện kém may mắn đều hoàn toàn do khách quan. Họ cho rằng có cố gắng đến đâu cũng vô ích mà chẳng bao giờ nghĩ đến việc phải phát huy nội lực của bản thân để tác động ngược trở lại ngoại cảnh. Lâu dần, ý chí và nghị lực của kẻ bi quan bị mài mòn và anh ta chỉ còn biết khoanh tay phó mặc tất cả cho số phận.
Cách tốt nhất để thay đổi thái độ của bản thân từ chỗ bi quan trở nên lạc quan là chúng ta hãy thay đổi cách lý giải của mình về mọi việc. Nhiều khi, chỉ vì cách lý giải nóng vội, nông nổi, hời hợt, hoặc do thành kiến, cố chấp mà bạn nhìn cuộc sống bằng cái nhìn bi quan. Cho nên, thử thay đổi cách lý giải của mình, cố gắng tìm hiểu kỹ lưỡng, sâu sắc hơn một chút về mọi chuyện xảy ra trong cuộc sống, chúng ta sẽ nhìn thấy những khía cạnh tích cực mà lâu nay mình chưa nhìn thấy. Điều đó không những giúp bản thân ta gặt hái được thành quả trong công việc mà còn mang lại niềm hạnh phúc trong cuộc sống.
Có thể đưa ra đây một ví dụ điển hình về sức ảnh hưởng của tinh thần, thái độ đến kết quả công việc. Trong một trận bóng, đội A và đội B đều có khả năng chơi xuất sắc ngang nhau. Song, có thể khẳng định rằng, đội bóng nào chơi với tinh thần lạc quan và thái độ tin vào chiến thắng mãnh liệt hơn thì khả năng nắm phần thắng cũng nhiều hơn. Một kết quả nghiên cứu trong hơn 40 năm, dựa trên 200 sinh viên chưa tốt nghiệp của trường Đại học Harvard cho thấy: những người có thái độ sống tích cực từ thời sinh viên sẽ vẫn giữ được sức khỏe tốt khi sống đến 65 tuổi; trong khi đó, những người có thái độ sống tiêu cực đã không thể vượt qua được tuổi 65.
Những kết quả nghiên cứu khác của các tác giả David Myers và Ed Diener của trường Đại học Harvard cũng cho chúng ta thấy rằng, thái độ lạc quan là một trong những bí quyết để sống hạnh phúc, chứ không phải là do giới tính, điều kiện kinh tế hay địa vị xã hội của chúng ta quyết định.
Chúng ta càng biết sống lạc quan, thì hạnh phúc trong cuộc sống mà ta cảm nhận được sẽ càng lớn lao, bất tận!
Nguồn: Hạnh phúc không khó tìm - First News và NXB Tổng hợp TPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét