Lần cuối cùng khi tôi ở đó, anh đã nói với mọi người như thế này: “Tôi muốn các bạn biết vì sao tôi để Jack sử dụng nhà của tôi. Tất cả khởi nguồn từ câu chuyện về một chàng thanh niên là con của một người huấn luyện ngựa rày đây mai đó, đi từ chuồng ngựa này sang chuồng ngựa khác, hết đường đua này đến đường đua nọ, hết đồn điền này sang đồn điền kia rồi hết trang trại này sang trang trại khác để huấn luyện ngựa."
"Cũng vì vậy mà việc học trung học của cậu con trai liên tục bị gián đoạn. Vào năm cuối ở bậc trung học, cậu được yêu cầu viết một bài luận về việc cậu muốn trở thành người như thế nào và muốn làm gì khi trưởng thành."
“Đêm đó cậu đã viết một bài luận dài 7 trang giấy mô tả mục tiêu của mình là một ngày nào đó có thể làm chủ một trang trại ngựa. Cậu viết thật chi tiết về ước mơ của mình, thậm chí cậu còn phác họa sơ đồ một trang trại rộng 200 mẫu, cho thấy vị trí của tất cả tòa nhà, chuồng ngựa cũng như đường đua. Tiếp theo cậu lập ra một kế hoạch lát sàn thật chi tiết cho một ngôi nhà rộng hơn 1.200 m2 tọa lạc trên trang trại mơ ước rộng 200 mẫu.
“Cậu đã đặt hết tâm ý của mình vào đề án này và ngày hôm sau cậu trao nó tận tay thầy giáo. Hai ngày sau, cậu nhận lại bài luận của mình. Ngay trên trang đầu là một chữ F màu đỏ rất to cùng với lời ghi chú: ‘Gặp thầy sau giờ học’.
“Thế là chàng trai với ước mơ ấp ủ của mình đi gặp thầy giáo sau buổi học và hỏi: ‘Tại sao em lại bị điểm F ạ?’.
“Người thầy trả lời: "Đây là một mơ ước hoang đường đối với một người như em. Em không có tiền. Em sinh ra trong một gia đình có cuộc sống không ổn định. Em cũng không có tài xoay xở. Mà sở hữu một trang trại ngựa lại cần rất nhiều tiền. Em cần phải mua đất. Em phải chi tiền cho việc gây giống ngựa thuần chủng và sau đó là những khoản chi phí to lớn cho đàn ngựa giống này. Em không cách nào làm được đâu’. Rồi người thầy nói thêm: ‘Nếu em viết lại bài luận này với một mục tiêu thực tế hơn, thì thầy sẽ xem xét lại điểm của em’.
“Chàng trai về nhà và suy nghĩ thật lâu, thật kỹ lời của thầy giáo. Cậu hỏi cha mình nên làm gì. Người cha trả lời: ‘Nghe này con trai, con phải tự quyết định thôi. Dẫu vậy, cha nghĩ đây sẽ là một quyết định rất quan trọng đối với con đấy’.
“Cuối cùng, sau một tuần đắn đo về bài luận của mình, chàng trai nộp lại bài luận ấy mà không sửa lại bất kỳ chỗ nào. Cậu còn ghi rõ: ‘Thầy có thể giữ nguyên điểm F này còn em sẽ tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình’.”
Rồi Monty quay sang đám đông đang tụ tập và nói: “Tôi kể cho các bạn câu chuyện này bởi vì các bạn đang ngồi trong ngôi nhà rộng hơn 1.200 m2 ngay giữa trang trại ngựa 200 mẫu của tôi. Tôi vẫn còn đóng khung bài luận văn đó và để ở chỗ lò sưởi”.
Anh nói thêm: “Phần hay nhất của câu chuyện là vào mùa hạ cách đây hai năm, cũng người thầy giáo đó đã đưa 30 đứa trẻ đến cắm trại tại trang trại của tôi trong một tuần. Trước lúc rời khỏi đây, thầy nói: ‘Này Monty, giờ thì thầy có thể nói với em điều này. Khi còn làm thầy của em, thầy cũng giống như kẻ đánh cắp ước mơ. Trong suốt những năm đó, thầy đã tước đi rất nhiều ước mơ của bọn trẻ. May thay em đã có đủ nghị lực để không từ bỏ ước mơ của mình’”.
Đừng để bất kỳ ai tước đi ước mơ của bạn. Dù thế nào đi nữa, hãy nghe theo con tim của mình.
- Jack Canfield
JACK CANFIELD & MARK VICTOR HANSEN
Ngày Mẹ khóc
Vào một ngày mùa đông âm u cách đây rất lâu, tôi từ trường trở về nhà, lòng đầy háo hức. Trong tay tôi là tờ báo thể thao ưa thích số mới ra và tôi có một ngôi nhà cho riêng mình. Bố tôi đang ở chỗ làm, em gái tôi đi vắng, còn mẹ tôi đang ở nơi làm việc mới và sẽ về nhà trong vòng một tiếng nữa. Tôi nhảy chân sáo bước vào phòng khách và bật công tắc đèn.
Tôi ngạc nhiên đến sững người trước những gì mình trông thấy. Mẹ tôi đang ngồi co ro ở góc đi-văng, hai tay ôm lấy mặt. Mẹ đang khóc. Tôi chưa bao giờ thấy mẹ khóc.
Tôi nhẹ nhàng tiến đến và đặt tay lên vai mẹ. “Mẹ ơi.” – Tôi gọi. “Có chuyện gì hả mẹ?”
Bà thở dài và gượng cười. “Thật ra thì chẳng có gì con ạ. Không có gì ghê gớm cả. Chỉ là mẹ sẽ mất công việc mới này mất thôi. Mẹ đánh máy không được nhanh.”
Tôi nói: “Nhưng mẹ chỉ mới làm có ba ngày thôi mà, mẹ có thể theo kịp mà”. Tôi lặp lại những lời mà mẹ đã nói với tôi hàng trăm lần mỗi khi tôi gặp rắc rối trong việc học hoặc khi làm điều gì đó quan trọng.
“Không được đâu.” - Bà buồn rầu nói. “Không có thời gian cho việc đó con ạ. Mẹ không thể gánh nổi khối lượng công việc của mình. Mẹ làm cho mọi người trong văn phòng phải làm việc nhiều gấp đôi.”
“Chỉ vì họ giao cho mẹ quá nhiều việc đấy thôi.” - Tôi nói - hy vọng chỉ ra sự thiếu công bằng trong việc bà cảm thấy mình thất bại. Bà quá hiền lành khi thừa nhận như vậy.
“Mẹ luôn nói mẹ có thể làm bất cứ điều gì mà mẹ đã đặt làm mục tiêu trong đầu,” - bà nói - “và bây giờ mẹ vẫn nghĩ mẹ có thể làm được hầu hết mọi việc. Nhưng mẹ không thể làm điều này”.
Tôi cảm thấy mình bất lực và hụt hẫng. Ở tuổi mười sáu, tôi vẫn cho rằng mẹ có thể làm được mọi chuyện. Vài năm trước, khi chúng tôi bán trang trại đi và dọn đến thị trấn, mẹ đã quyết định mở một nhà trẻ. Mẹ tôi không được đào tạo gì hết, nhưng điều đó cũng không ngăn được bà. Bà tham gia các khóa học từ xa về chăm sóc trẻ nhỏ, làm các bài tập và trong sáu tháng bà chính thức đảm đương được công việc.
Chẳng bao lâu sau danh sách đăng ký gửi trẻ đã đầy và bà có cả danh sách đăng ký trước nữa. Phụ huynh khen ngợi mẹ tôi, còn lũ trẻ cho thấy bà đã chiếm được tình cảm yếu mến của chúng bằng sự luyến tiếc khi phải ra về vào buổi chiều. Tôi đón nhận sự việc này như một điều hoàn toàn bình thường đối với khả năng của mẹ.
Nhưng rồi nhà trẻ và cả nhà nghỉ mà ba mẹ tôi mua sau này cũng không đủ chi phí cho việc học hành của chị em tôi. Chúng tôi bán nhà nghỉ lúc tôi học lớp mười một. Hai năm nữa, tôi sẽ vào đại học. Và trong ba năm kế tiếp, em gái tôi cũng sẽ đi học. Thời gian trôi qua nhanh và mẹ tôi phải nghĩ ra đủ mọi cách để dành dụm tiền. Cha tôi chắc chắn không thể làm nhiều hơn được nữa - ông đã canh tác tám mươi mẫu đất và còn làm cả một công việc toàn thời gian nữa chứ.
Giống như nhiều đứa trẻ mười sáu tuổi khác, tôi muốn cha mẹ dành thời gian và chú ý đến mình nhưng tôi chẳng bao giờ nhận ra rằng họ cũng có những nhu cầu và vấn đề của riêng họ. Thật ra, tôi chẳng hiểu gì về cuộc sống của họ cả bởi vì tôi chỉ biết nghĩ cho mình.
Vài tháng sau khi bán nhà nghỉ, mẹ tôi mang về nhà một chiếc máy đánh chữ cũ. Nó bị vênh một vài ký tự và bàn phím đã cũ mèm. Vào bữa cơm tối hôm đó, tôi đã gọi cái máy đó là “đống sắt vụn”.
“Đó là thứ tốt nhất chúng ta có thể mua đấy.” - Mẹ nói. “Nó vẫn còn tốt, đủ để mẹ học.” Và thế là từ hôm ấy, ngay sau khi dọn dẹp xong bàn ghế và rửa sạch chén đĩa, mẹ tôi lại miệt mài trong phòng may đồ để tập luyện. Những tiếng gõ chầm chậm cứ tiếp tục hằng đêm tới tận nửa khuya.
Một đêm gần Giáng sinh, tôi nghe mẹ tôi nói với cha rằng có một công việc phù hợp đang cần tuyển người ở đài phát thanh. “Đó sẽ là một công việc thú vị anh ạ,” - bà nói - “nhưng em đánh máy chưa nhanh lắm”.
“Nếu em muốn làm công việc đó thì em cứ nộp đơn đi.” - Cha tôi động viên mẹ.
Tôi không hề ngạc nhiên hoặc có một chút ấn tượng nào khi mẹ được nhận vào làm công việc đó. Nhưng mẹ tôi lại rất hứng khởi.
Thứ hai, sau ngày đầu tiên mẹ đi làm, tôi thấy mẹ không còn hào hứng nữa. Trông mẹ rất mệt mỏi và buồn bã. Tôi cũng chẳng màng hỏi tới.
Thứ ba, cha tôi nấu bữa tối và dọn dẹp nhà bếp. Mẹ ở trong phòng may luyện tập. “Mẹ ổn chứ ạ?” - Tôi hỏi cha.
“Mẹ gặp chút rắc rối với việc đánh máy con ạ.” - Ông trả lời. “Mẹ cần phải luyện tập thêm. Cha nghĩ mẹ sẽ rất vui lòng nếu chúng ta cùng giúp đỡ mẹ thêm một chút đấy.”
“Con có giúp rồi mà.” - Tôi trả lời, lập tức trở nên cảnh giác.
“Cha biết con đã giúp.” - Cha nói thật từ tốn. “Và con có thể giúp nhiều hơn nữa. Con hãy nhớ rằng mẹ đang làm việc chủ yếu là để con có thể vào học đại học đấy.”
Thực tình tôi chẳng hề bận tâm. Trong cơn tự ái, tôi gọi điện cho đứa bạn và đi ra ngoài uống nước. Khi tôi về nhà thì trong nhà tối om, ngoại trừ ánh đèn hắt ra từ cửa phòng mẹ. Tôi có cảm giác rằng mẹ đánh máy thậm chí càng lúc càng chậm hơn. Tôi ước mẹ có thể quên hết mọi chuyện.
Sự kinh ngạc và bối rối của tôi khi nhìn thấy mẹ đẫm nước mắt hôm thứ tư là một dấu hiệu cụ thể cho thấy tôi chỉ hiểu rất ít về áp lực mà mẹ phải chịu. Ngồi cạnh mẹ trên ghế, tôi bắt đầu dần hiểu ra.
“Mẹ nghĩ tất cả chúng ta ai cũng có đôi lần thất bại.” - Mẹ khẽ nói.
Tôi có thể cảm nhận nỗi đau và nỗ lực kiềm chế những cảm xúc mãnh liệt của mẹ trước sự xuất hiện của tôi. Bỗng nhiên có gì đó trong tôi chợt trỗi dậy. Tôi đến gần và choàng tay ôm lấy mẹ.
Mẹ khóc òa lên. Bà úp mặt vào vai tôi khóc nức nở. Tôi ôm mẹ thật chặt và không nói gì cả. Tôi biết tôi đang làm những gì mình nên làm, những gì tôi có thể làm và như thế là đủ. Vào khoảnh khắc đó, khi cảm nhận lưng mẹ đang rung lên vì xúc động, cũng là lần đầu tiên tôi hiểu được sự yếu đuối của mẹ.
Mẹ vẫn là mẹ của tôi, nhưng hơn thế nữa, bà cũng là một con người giống như tôi, biết sợ hãi, đau đớn và thất bại. Tôi có thể cảm nhận nỗi đau của mẹ cũng như mẹ đã cảm nhận được nỗi đau của tôi hàng ngàn lần khi tôi tìm kiếm sự bình an trong vòng tay bà.
Rồi chuyện đó cũng kết thúc. Lau nước mắt, mẹ đứng dậy và nhìn tôi. “Con này, có thể mẹ là người đánh máy chậm nhưng mẹ không phải là kẻ dựa dẫm nên mẹ sẽ không tiếp tục công việc mà mẹ không thể làm nữa. Ngày mai mẹ sẽ hỏi xem liệu mẹ có thể làm đến hết tuần này không. Rồi mẹ sẽ xin nghỉ.”
Và mẹ tôi đã làm thế thật. Sếp của mẹ tôi lấy làm tiếc về trường hợp của bà. Họ kết thúc công việc trong sự tôn trọng lẫn nhau, ông ấy đề nghị trả cho mẹ một tuần lương nhưng mẹ đã từ chối. Một tuần sau, mẹ nhận công việc bán thực phẩm khô với mức lương chỉ bằng một nửa so với ở đài phát thanh. Mẹ tôi chỉ nói đơn giản: “Đó là công việc mà mẹ có thể làm được”.
Nhưng những buổi luyện tập với chiếc máy đánh chữ màu xanh cũ kỹ vẫn cứ tiếp tục mỗi tối. Giờ đây tôi có cảm giác rất khác khi đi ngang qua phòng mẹ vào ban đêm và nghe tiếng gõ của mẹ văng vẳng. Tôi biết có điều gì đó đang diễn ra trong phòng chứ không chỉ là một người phụ nữ đang học đánh chữ.
Hai năm sau, khi tôi vào đại học, mẹ tôi đã có một công việc trong văn phòng với mức lương khá hơn và nhiều trách nhiệm hơn. Tôi phải thừa nhận rằng, bằng một cách lạ thường nào đó, bà đã học được rất nhiều từ thất bại lần đó, cũng giống như tôi vậy. Bởi vì vài năm sau đó, khi tôi học xong và tự hào được nhận vào làm phóng viên cho một tờ báo thì bà đã là phóng viên của một tờ báo trong thị trấn của chúng tôi được sáu tháng.
Tôi và mẹ không bao giờ nhắc lại buổi chiều mẹ đã suy sụp ấy nữa. Nhưng mỗi khi tôi thất bại trong lần cố gắng đầu tiên và bị niềm kiêu hãnh hoặc sự thất vọng xui khiến tôi từ bỏ điều mình mong mỏi, tôi luôn nhớ lại thời gian mẹ học đánh máy. Nhìn thấy sự yếu đuối của mẹ, tôi không chỉ học được cách khâm phục sức mạnh của mẹ mà còn khám phá được sức mạnh của chính tôi.
Cách đây không lâu, tôi giúp mẹ tổ chức sinh nhật lần thứ sáu mươi hai của bà. Tôi nấu bữa tối cho cha mẹ mình rồi sau đó dọn dẹp nhà bếp. Mẹ tôi vào xem trong lúc tôi dọn dẹp và nhắc lại cái ngày nhiều năm trước khi mẹ trở về nhà với chiếc máy đánh chữ cũ kỹ, kinh khủng đó. Tôi hỏi: “À, thế chuyện gì đã xảy ra với cái máy đánh chữ quái vật đó hả mẹ?”.
“Ồ, mẹ vẫn giữ nó đấy.” - Bà trả lời. “Con biết đấy, nó là một kỷ vật... về cái ngày con nhận ra mẹ cũng chỉ là một con người. Mọi việc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu mọi người biết rằng người khác cũng là những người bình thường như mình.”
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng bà đã nhận ra chuyện gì xảy đến với tôi hôm đó. Tôi bật cười chính mình. Tôi nói: “Ước gì hôm nào mẹ cho con cái máy đó”.
“Mẹ sẽ cho con,” - bà nói - “nhưng với một điều kiện”.
“Điều kiện gì ạ?.”
“Rằng con sẽ không bao giờ sửa nó. Gần như không thể nào đánh chữ trên cái máy đó và đó chính là cách tốt nhất mà nó đã phục vụ gia đình chúng ta.”
Tôi mỉm cười với ý nghĩ đó. “Và còn nữa,” - bà nói - “đừng bao giờ trì hoãn một cái ôm dành cho ai đó khi con cảm thấy muốn làm như vậy. Con có thể mãi mãi bỏ mất cơ hội đó”.
Tôi quàng tay qua người mẹ, ôm bà thật chặt và cảm thấy biết ơn sâu sắc khoảnh khắc ấy, cũng như tất cả những khoảnh khắc hạnh phúc mà bà đã cho tôi trong suốt những năm qua. “Chúc mừng sinh nhật mẹ!” - Tôi nói.
Chiếc máy đánh chữ màu xanh cũ kỹ giờ đang nằm trong văn phòng của tôi, không hề được sửa chữa. Nó là một kỷ vật nhưng điều nó nhắc nhở tôi không hẳn là điều nó mang lại cho mẹ tôi. Khi tôi gặp rắc rối với một bài viết và nghĩ đến việc từ bỏ hoặc khi tôi bắt đầu cảm thấy thương hại bản thân và nghĩ rằng mọi việc lẽ ra phải suôn sẻ hơn cho mình, thì tôi lại cuộn mẩu giấy vào trong chiếc máy cũ kỹ thảm hại đó và đánh máy, từng từ từng từ thật khổ sở, giống như mẹ tôi đã từng làm.
Những gì tôi nhớ đến lúc đó lại không phải là thất bại của bà mà chính là sự can đảm của bà, sự can đảm để tiến lên phía trước.
Đó chính là kỷ vật tuyệt vời nhất mà tôi có.
- Gerald Moore
JACK CANFIELD & MARK VICTOR HANSEN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét