06: Hạnh Phúc Không Khó Tìm - Tập 1 - hocviensong

Latest

Ad Section

BANNER 728X90

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

06: Hạnh Phúc Không Khó Tìm - Tập 1

Bạn có mong đợi cuộc đời phải thật công bằng?
“Nếu như mọi hạnh phúc trên đời đều đặt trên nền tảng của sự công bằng, thì cuộc sống chẳng còn gì là thú vị và để chúng ta phải cố gắng nữa!”
 Bertrand Russell

Có bốn người bạn cùng bắt tay vào khởi sự một doanh nghiệp. Họ phải thế chấp một tài sản khá lớn để vay vốn. Vì thế, họ phải làm việc 68 giờ mỗi tuần trong thời hạn một năm và không hưởng lương.
Một năm sau, khi họ đã có đủ số vốn cần thiết, một người thông báo cô ta có thai và đề nghị được nghỉ hộ sản trong vòng ba tháng.
Cô cũng yêu cầu cắt giảm giờ làm theo lời khuyên của bác sĩ sản khoa. Nhưng ba người bạn còn lại tỏ ra không hài lòng. Họ cho như vậy là không công bằng. Và suốt mấy tháng sau đó, họ không ngừng than vãn, khó chịu.
Bạn nghĩ thế nào về điều này? Xét trên nguyên tắc thì đúng là họ có quyền không bằng lòng. Nhưng trên thực tế, nếu lúc nào con người cũng bận tâm đến những điều không công bằng thì chúng ta không thể nào giải quyết được các vấn đề của mình. Mục đích của cả bốn người khi tham gia thành lập công ty phải chăng là quan tâm đến chuyện công bằng hay không công bằng? Điều mà họ quan tâm nhất vẫn là sự thành công trong công việc kinh doanh, về lợi nhuận mà họ sẽ thu được. Nếu biết chú ý đến điều đó, họ sẽ không còn mất thời gian so sánh điều này, điều kia có công bằng hay không. Thay vào đó, họ tập trung tâm sức để thúc đẩy công việc kinh doanh ngày một phát triển hơn.
Cuộc sống vốn dĩ không công bằng, luôn chứa đựng những điều bất ngờ, rủi ro ngoài ý muốn. Rất nhiều người không may lâm trọng bệnh, hay bỗng nhiên phải gánh chịu những tổn thất mà họ không hề gây ra, không hề lường trước. Có biết bao khó khăn, bất trắc, thảm họa nằm ngoài tầm kiểm soát, điều khiển của con người. Nếu chúng ta đo đếm hạnh phúc của đời mình dựa trên những điều mà chúng ta không có được và cảm thấy không công bằng, thì chắc chắn lúc nào chúng ta cũng thấy thân phận mình sao hẩm hiu quá! Không ai có thể sống bình yên suốt đời mà không bị những biến cố ngoài ý muốn tác động. Vì vậy, cách tốt nhất là chúng ta hãy hướng đến những gì ta đã và đang có, những niềm hy vọng mới, để cảm thấy nhẹ nhàng hơn đối với những nỗi buồn, những điều rủi ro trong cuộc sống.
Có những bất hạnh mà ta cứ nghĩ chỉ có một mình mình phải gánh chịu, nhưng thật ra, đã có cả hàng trăm ngàn người trước ta đã từng trải qua. Cho nên, một thái độ sống tích cực không phải là ngồi than thân trách phận, cho rằng cuộc sống bất công với mình mà là biết cách thích ứng với hoàn cảnh sống, nhận thức rõ những gì cần làm để vượt lên và thay đổi tình thế. Chúng ta luôn mong cuộc sống phải công bằng. Thế nhưng, trong khi người khác đang phải vất vả tìm cách cải biến những điều chưa tốt thì chúng ta lại chỉ biết ngồi một chỗ mà than trách. Làm như vậy tức là chúng ta đã không công bằng với chính bản thân mình và với người khác rồi!
Tại sao trong cùng một hoàn cảnh, cùng chịu tác động của một biến cố không may, nhưng người này thì tìm thấy hướng đi lên, còn với người kia thì chỉ thấy toàn đau thương, mất mát? Tất cả đều là do cách nhìn của chúng ta. 
Khi than trách, cũng là lúc bạn tự đánh mất cơ hội để vươn lên. Điều này có nghĩa là bạn đã tự mang lại cho mình sự bất công. Nhiều người khác không mất thời gian và công sức để oán than cuộc sống, họ biết tích cực suy nghĩ và hành động nhanh chóng để cải biến hoàn cảnh.
Trong trường hợp của bốn người bạn cùng thành lập công ty nêu trên, thay vì trách cứ mất lòng nhau, họ chỉ cần ngồi lại với nhau một chút để tìm giải pháp tốt nhất cho vấn đề. Ba người bạn kia có thể cố gắng làm thêm giờ một chút, còn người bạn nữ phải nghỉ hộ sản thì có thể bớt đi một chút thu nhập của mình trong thời gian nghỉ. Giải quyết theo cách đó thì công việc của công ty sẽ tiến triển đều đặn mà tình cảm bạn bè cũng vẫn tốt đẹp.
Phải chăng lâu nay, bạn đã bỏ lỡ biết bao cơ hội để sống hạnh phúc khi bạn cứ một mực đòi hỏi mọi chuyện trong cuộc sống đều phải công bằng theo ý mình? Trong mọi tình huống, bạn có biết làm thế nào để mình cảm thấy được tự do, thoải mái, nhẹ nhõm và hạnh phúc hơn không? Trong mỗi hoàn cảnh tưởng chừng như rất bất lợi, khó khăn, bạn vẫn có thể học được một bài học tuyệt vời nào đó. Đó mới chính là sự công bằng mà bạn xứng đáng được hưởng, vì bạn đã phải rất vất vả mới tìm ra nó. Còn nếu chúng ta cứ ngồi oán trách mọi thứ “sao không công bằng” thì có nghĩa là chúng ta tự đem đến sự bất công cho chính mình!
Tại sao chúng ta không nghĩ rằng, đằng sau tất cả những sự kiện, những biến cố tưởng chừng như “vô cùng bất công” của cuộc sống, chính là những cơ hội tuyệt vời để bản thân ta rèn luyện tính kiên nhẫn, hiểu cuộc sống, đồng cảm với người khác…? Trên hết, qua những điều tưởng như “không công bằng” ấy, bản thân ta được trưởng thành hơn. Và như vậy thì, cuộc sống có công bằng hay không là do ở cách nhìn nhận và nỗ lực nơi bản thân ta mà thôi!
Nguồn: Hạnh phúc không khó tìm   - First News và NXB Tổng hợp TPHCM

Nếu phải sống trong âu lo triền miên...
“Nếu gặp một điều lo lắng, trước hết, bạn hãy nghĩ thêm: điều tồi tệ hơn nữa có thể xảy ra là gì? Sau đó, bạn hãy chuẩn bị tinh thần chấp nhận điều đó. Và sau cùng, bạn sẽ dễ dàng vượt lên điều bạn đang gặp.”
 Dale Carnegie

Renee đang gặp một số khó khăn trong công việc. Sự lo lắng như đang tra tấn cô hàng ngày. Cô đem nỗi lòng của mình tâm sự với một người bạn. Người bạn hỏi lại: “Thế cậu có cho rằng sẽ có một điều gì đó còn tồi tệ hơn nữa không?”. “Dĩ nhiên là không!” - Renee trả lời - “Ồ! Điều tồi tệ hơn, nếu có, chắc hẳn phải là chuyện chồng mình phản bội mình! Hoặc mình hay người thân bị tai nạn.”
Nhờ câu hỏi của người bạn mà Renee chợt nhận ra, chuyện mất việc không phải là mối bận tâm hàng đầu của cô. Và với suy nghĩ như vậy, Renee đã quay lại làm việc một cách vui vẻ, tích cực hơn. Cô chẳng còn bận tâm nhiều về những bất đồng đã xảy ra với cấp trên, cũng như nguy cơ bị mất việc mà cô đã tự hình dung trước đó.
Câu nói của Dale Carnegie mà tôi trích dẫn ở đầu mục này quả là một gợi ý tuyệt vời để mỗi chúng ta đương đầu với mọi lo lắng trong cuộc sống. Trước hết, chúng ta cứ thử nghĩ xem còn điều gì tồi tệ hơn có thể xảy ra nữa không. Và sau đó, chúng ta tìm cách vượt lên hoàn cảnh hiện tại. Đó cũng chính là phương pháp mà Renee đã áp dụng. Thật thú vị là sau đó, cô đã nhận thấy mọi thứ không đến nỗi quá tồi tệ như cô hình dung. Điều đó giúp cô cảm thấy vẫn còn may mắn, yên tâm hơn, vững vàng và thoải mái hơn trong công việc hiện tại của mình.
Phải chăng những gì bạn đang lo lắng luôn là quan trọng nhất trong vô số những lo toan hàng ngày của bạn? Trước những khó khăn của cuộc sống, liệu bạn có vững lòng? Bạn cứ tự hỏi mình xem, điều gì tồi tệ hơn có thể xảy ra được nữa? Câu hỏi này thực sự giúp bạn thoát ra khỏi vùng xúc cảm của não bộ, nơi mà những nỗi lo luôn luôn tìm cách nhấn chìm bạn, sang một vùng mới gọi là vùng tư duy của não bộ. Đó chính là nơi mà bạn có thể xây dựng cho mình một kế hoạch làm việc, dự liệu trước những tình huống hoặc sự việc bất ngờ có thể xảy đến. Kế hoạch làm việc của bạn, tự nó cũng đã mang lại cho bạn cảm giác tự tin, nhẹ nhõm, khuây khỏa và an tâm hơn rất nhiều rồi! Nó giúp bạn nhận ra mình có khả năng ứng phó với mọi tình huống thay đổi bất ngờ.    
Kathi, một khách hàng của tôi, trong một thời gian dài đã bị ám ảnh bởi ý nghĩ mình có thể sẽ bị ung thư vú. Cả mẹ và chị của cô đều mắc phải căn bệnh này, nên về mặt lý thuyết, cô hoàn toàn có khả năng bị ung thư. Để đối phó với nguy cơ mắc bệnh, Kathi bắt tay vào thực hiện một kế hoạch phòng ngừa và phát hiện sớm căn bệnh. Cô thu thập và nghiên cứu những tài liệu y khoa nói về ung thư vú. Hàng ngày, cô tự kiểm tra ngực của mình theo chỉ dẫn của sách báo. Cô cũng thực hiện một chế độ ăn uống dành riêng cho người có nguy cơ bị ung thư vú cao. Cô nghĩ đến những bác sĩ uy tín mà cô sẽ đến để chữa bệnh. Và cô đã cảm thấy mọi việc tốt hơn lên khi cô ý thức được rằng, mình có khả năng đương đầu với tình huống xấu nhất.
Thật ra, một khi chúng ta đã chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, thì đó chính là lúc chúng ta có thể hy vọng nhiều nhất. Bởi lẽ, khi chúng ta đã tập trung mọi sức lực và khả năng để đương đầu với thử thách, thì trong một chừng mực nào đó, chúng ta cũng có thể đẩy lùi hoặc giảm thiểu ảnh hưởng của nó. Kinh nghiệm cho tôi thấy rằng, trong nhiều trường hợp, chúng ta hoài công lo lắng và hao tổn sức lực cho những điều gì đó khủng khiếp mà thật ra, nó chẳng bao giờ xảy đến. Thế nên, theo tôi, tốt nhất là chúng ta cứ vui sống trong hy vọng. Nếu sau này, điều mà bạn hy vọng không xảy ra như ý muốn, thì dù sao, bạn cũng vẫn có một thời gian dài được sống hạnh phúc với niềm hy vọng của mình! 
Kathi đã làm được tất cả những điều trên. Trong thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm và trước khi bác sĩ đưa ra kết luận cuối cùng, cô đã cố gắng vui sống hết mình. Kết quả chẩn đoán cho thấy cô có một khối u ác tính bên ngực trái và cần phải tiến hành điều trị ngay. Kathi vẫn không hề cảm thấy nuối tiếc và mất đi những tia sáng hy vọng. Vì dù sao, cô cũng đã chọn một cuộc sống hạnh phúc trong khoảng thời gian dài trước đó. Kathi hạnh phúc hơn rất nhiều so với những bệnh nhân khác - những người chỉ biết sống trong lo lắng, tuyệt vọng.
Nguồn: Hạnh phúc không khó tìm   - First News và NXB Tổng hợp TPHCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét