04: Hạnh Phúc Không Khó Tìm - Tập 1 - hocviensong

Latest

Ad Section

BANNER 728X90

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

04: Hạnh Phúc Không Khó Tìm - Tập 1

Phần II
Vượt lên những trở ngại

Mỗi chúng ta đều có những kinh nghiệm khác nhau trong việc trải nghiệm hạnh phúc. Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu cách cảm nhận niềm vui trong đời sống hàng ngày.
Chúng ta sẽ học cách đối phó với những suy nghĩ tiêu cực, những lo lắng, tiếc nuối, ghen tị, thất vọng, lỗi lầm, thất bại, hận thù, tính quá cầu toàn và những xung đột, mâu thuẫn quan hệ trong cuộc sống.
Bằng cách giải tỏa những trở ngại đó, chúng ta sẽ làm cho đời mình trở nên vui tươi hơn và từng ngày từng giờ khám phá ra những niềm hạnh phúc đang còn ẩn giấu trong những khía cạnh của cuộc sống.          
Phải chăng cuộc sống có quá nhiều thử thách?
“Hầu hết mọi người đều nghĩ bản thân họ có thể gặp nhiều chuyện bất hạnh, chứ ít có ai chịu nghĩ mình có thể gặp nhiều điều may mắn, hạnh phúc.”
Robert Anthony
Sam có một tuổi thơ đầy bất hạnh. Cậu bé sống xa mẹ từ nhỏ nên thiếu vắng tình thương yêu của mẹ. Người cha thì luôn hành hạ cậu. Những năm tuổi trẻ của cậu, đất nước chìm trong chiến tranh. Mười tám tuổi, cậu phải lên đường nhập ngũ. Bây giờ, Sam đã bốn mươi tuổi, đã lập gia đình, và không liên lạc gì với cha mẹ của mình từ nhiều năm qua. Thế nhưng, ở Sam có một điểm khác thường, anh luôn nhìn thấy những mối nguy hiểm, những kẻ xấu rình rập khắp mọi nơi: trong nhà, nơi công sở, trong rạp chiếu bóng, ngoài đường phố… Cuộc sống của anh luôn bị bao bọc bởi các mối lo sợ thường trực như vậy.
Gần đây, khoa học nghiên cứu về não bộ đã có những tiến bộ vượt bậc và có thể lý giải được trường hợp của những người như Sam. Ngành Tâm lý học có thể giải thích một cách khoa học những tổn thương tâm lý đó và có phương pháp trị liệu thích hợp, giúp người bệnh có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu từ tuổi ấu thơ, vùng xúc cảm trên vỏ não chúng ta - một hệ thống bao gồm những hạch và cuống não - bị những tác động tâm lý, tình cảm làm cho tổn thương thì sau đó, vùng xúc cảm này sẽ tạo nên một “môi trường” thuận lợi cho những suy nghĩ thiếu tích cực, cảm giác chán chường, và dễ dàng đẩy chúng ta rơi vào thất vọng. Từ đó, mỗi khi có nguy cơ bị tổn thương, cơ thể sẽ tiết ra các nội tiết tố có khả năng chống lại - hoặc né tránh, hoặc thúc đẩy chúng ta sẵn sàng có những phản ứng thích hợp để bảo đảm sự an toàn cho bản thân mình. Trong những hoàn cảnh phức tạp của cuộc sống, vùng xúc cảm này cứ như một cái “công tắc” hoạt động liên tục. Càng nhận thấy nhiều hiểm nguy, cái “công tắc” càng phải liên tục mở, cơ thể càng tiết ra nhiều nội tiết tố gây căng thẳng và kiệt sức.
Đó cũng là những gì đang xảy ra với Sam. Vùng xúc cảm trên vỏ não anh ấy luôn nhận thấy những mối nguy hiểm ở khắp nơi dẫn đến cả cơ thể anh cũng bị ảnh hưởng, khiến anh luôn phải sống trong trạng thái căng thẳng. Bản thân Sam có muốn mình phải sống khổ sở như thế không? Hoàn toàn không. Anh đã đến tìm tôi với mong muốn thoát khỏi tình trạng này để có thể tìm được một cuộc sống hạnh phúc. Thế nhưng, trong suốt cuộc trò chuyện, tôi vẫn nhận thấy ở anh một vẻ lo lắng. Anh ta cứ lo rằng một điều khủng khiếp nào đấy sẽ bất chợt ập đến trong khi anh đang trải nghiệm sự an toàn và hạnh phúc.
Và không chỉ có một mình Sam như vậy. Nhiều người trong chúng ta cũng có những cảm nhận giống hệt như Sam. Lúc nào chúng ta cũng nghĩ “biết đâu có chuyện nguy hiểm nào đó sẽ xảy đến với mình”. Điều này không phải do chủ quan của chúng ta -  chúng ta không hề muốn sống bất hạnh hay phập phồng lo sợ hiểm nguy - mà là do cấu trúc não của chúng ta vốn đã như thế rồi! Vậy có cách gì cứu vãn hay không?
Những nghiên cứu khoa học gần đây đã mang đến một tin vui: Chúng ta có thể tác động lên vùng xúc cảm của vỏ não bằng thói quen suy nghĩ tích cực. Bất cứ khi nào cảm thấy sợ hãi hay lo lắng về một điều gì đấy, chúng ta hãy tự hỏi mình: “Mình có thật sự đang gặp nguy hiểm không?”, “Cách tốt nhất để đối phó với tình huống này là gì?”. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng vẫn tùy thuộc vào chính thái độ của chúng ta. Đây cũng là cách mà Sam đã cố gắng vận dụng. Mỗi ngày, chúng ta có thể dành ra một khoảng thời gian chừng nửa giờ, để ngồi tĩnh lặng suy nghĩ về những may mắn mà mình có được trong cuộc sống. Đây cũng là cách xua tan những mối lo sợ hoặc tưởng tượng quá nhiều về những hiểm nguy không có thực. Cứ như vậy, về lâu dài, chúng ta tạo được thói quen nghĩ về những hạnh phúc và may mắn mà mình có được trong cuộc sống. Điều đó góp phần tạo nên thái độ sống tích cực ở mỗi người. Những nỗi lo sợ mơ hồ sẽ mờ nhạt dần và cuối cùng bị xua tan đi, và bạn sẽ thật sự cảm nhận được niềm vui, cảm giác bình yên, hạnh phúc mỗi ngày!
Nguồn: Hạnh phúc không khó tìm   - First News và NXB Tổng hợp TPHCM  

Khi những ý nghĩ tiêu cực xâm chiếm bạn...
“Chính suy nghĩ của chúng ta có thể mang chúng ta đến Thiên đường hoặc Địa ngục.”
John Milton

Cynthia là một cô gái luôn sống trong tâm trạng mặc cảm, xấu hổ và tội lỗi. Cô luôn bị mắc kẹt trong vòng ám ảnh đó, lúc nào cũng nghĩ về nó, không có cách nào thoát ra được, như cô đã từng nói với tôi như vậy.
Những ý nghĩ tiêu cực ấy đã ngăn trở Cynthia nhận ra hạnh phúc của chính mình. Thay vì cứ mãi dằn vặt bởi những lầm lỗi, cô chỉ cần nhận ra những điều mình cần phải làm để thay đổi. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có thể chống lại và loại bỏ những ý nghĩ tiêu cực đang muốn đè bẹp mình.
Nhận thức có ý nghĩa rất quan trọng trong mọi hành động của bạn. Nếu bạn muốn hành động để thay đổi cuộc đời mình, thì trước tiên, bạn phải bắt đầu thay đổi từ nhận thức. Trước một thử thách, nếu bạn tự nghĩ rằng: “Mình chẳng thể nào làm nổi việc này đâu!” thì lập tức, bạn phải dừng ngay ý nghĩ tiêu cực đó lại. Bạn hãy nghĩ đến những gì trước đây bạn đã làm được. Nếu trước đây bạn đã từng làm tốt, thì bây giờ, rất có thể, bạn sẽ còn làm tốt gấp nhiều lần hơn! Bạn cũng có thể tự nhủ rằng: “Trước đây, tôi đã từng mắc sai lầm trong công việc và ứng xử. Nhưng bây giờ, tôi sẽ lấy nó làm bài học kinh nghiệm để có thể làm tốt hơn!”. Hoặc bạn viết điều đó ra giấy rõ ràng, rồi đọc đi đọc lại. Nếu như bạn không thể tự nghĩ ra được những ý nghĩ tích cực để thay thế cho những ý nghĩ tiêu cực, thì bạn có thể hỏi những người bạn thân xem họ đã đối phó với những ý nghĩ tiêu cực như thế nào. Những nhà trị liệu tâm lý cũng có thể giúp bạn thay đổi cách suy nghĩ của mình, bởi những gợi ý của họ sẽ rất có ích cho bạn.
Bất kỳ ai trong cuộc đời này cũng đều xứng đáng được sống hạnh phúc, cả trong cuộc sống vật chất và nhất là tinh thần. Bạn càng biết cách ứng phó với những suy nghĩ tiêu cực thì hoa hạnh phúc nơi tâm hồn bạn sẽ càng rực rỡ.
Nguồn: Hạnh phúc không khó tì  - First News và NXB Tổng hợp TPHCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét